Người có vấn đề trong Sử nước ta

05:57 CH @ Thứ Năm - 04 Tháng Tám, 2011
Người Có Vấn Đề Trong Sử Nước Ta
Tác giả: Vũ Ngọc Khánh.
Nhà xuất bản: Nxb Văn hóa Thông tin


Giới thiệu về nội dung

Lịch sử nước ta có nhiều loại nhân vật. Có những nhân vật có đức độ lớn, thành tích cao, công trình xuất sắc… đã được xếp vào các bậc danh nhân, chúng ta đã đề cập đến nhiều, và vẫn còn phải sưu tầm, nghiên cứu sâu hơn nữa. Loại sách danh nhân truyện ký là thích hợp cho các nhân vật này. Còn có những nhân vật mà tội trạng đã rõ ràng, lịch sử đã lên án… thì tất nhiên không ai phải mất công nghiên cứu về họ, mặc dầu ta vẫn chưa biết cụ thể về họ nhiều lắm. Chẳng hạn như trường hợp Trấn Ích Tắc (đời Trần), Lương Nhữ Hốt (đời Lê), hiểu viết về họ thật ra còn rất hạn chế. Chỉ đánh giá chung, đó là bọn Việt gian, cũng đã đủ rồi.

Rồi lại còn có một loại nhân vật, hình như cho đến nay vẫn chưa có kết luận rõ ràng, hoặc đã kết luận rồi, song với những tài liệu mới được phát hiện, thì hình như sẽ cần phải chiêu tuyết cho họ. Trường hợp của Lê Tắc (đời Trần) đã có hai ý kiến: đó là một tên sử gia bán nước, tác phẩm là một cuốn sử nhục nhã. Nhưng vẫn có ý kiến nên thông cảm với tác giả, vì hoàn cảnh sống ở nước ngoài mà phải uốn lời, uốn bút, chứ thực ra vẫn có lòng yêu quê hương, khẳng định bản lĩnh quê hương cho nước ngoài không được xem khinh (có cuộc tranh luận trên sách báo ta hồi đầu thế kỷ XX về hai cách nhìn nhận này).

Rồi còn một số nhân vật khác, không có vị trí lớn lao gì, nhưng rõ ràng cũng có liên quan đến vận mệnh lịch sử nuớc nhà, như trường hợp các ông quan được nhắc đến trong Hà Thành thế thủ án (của Nguyễn Văn Giai?). Tuy họ đều là hạng bàn nhì, bàn ba, nhưng trách nhiệm của họ đối với đất nước là rất lớn.

Thấp hơn một mức nữa, ta còn có một loại nhân vật như những người mà Nguyễn Thiện Kế đã lên án trong mấy tập thơ: Đại viên thập vịnh (mười quan to), Tiểu viên tam thập vịnh (ba mươi quan nhỏ). Có những người chỉ quan phủ huyện ở Hà Nam (được Kép Trà chỉ trích)… Tiếng tăm của lớp người này chỉ ở một không gian hẹp thôi, nhưng đã thành dư luận. Xếp chung họ với lớp cỡ bự trên kia thì không đúng, nhưng bản án của họ vẫn cứ hiện hành. Nhắc cân phúc tội, rút vòng vần xoay như cách nói của Nhị độ mai, không phải là điều vô bổ.

Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu lịch sử Việt Nam của bạn đọc.


Mục lục

  • Lời nhà xuất bản
  • Lời giới thiệu
  • Người có vấn đề trong lịch sử nước ta
  • Cách trình bày về các đối tượng
  • Bốn quan lớn để mất thành Hà Nội
  • Một số quan to quan nhỏ đầu thế kỷ 20.


LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Giáo sư Vũ Ngọc Khánh được nhiều người biết đến không chỉ với tư cách nhà nghiên cứu văn hóa dân gian mà ông còn dám thử sức trong nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử.

Ông viết rất khoẻ, rất xông xáo, là tác giả của nhiều truyện ký danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi trên đất Thanh, Lê Lợi ở đất Lam Sơn, Mai Am công chúa, Bi kịch nhà vua, Minh quân nước Việt...Gần đây nhất, Nhà xuất bản Văn Hóa đã giới thiệu cuốn sách Văn thần Việt Nam và Võ tướng Việt Nam của ông. Chưa thể đánh giá được chính xác tác động của những cuốn sách này đến đâu nhưng một điều dễ thấy nhất là tâm huyết của ông với lịch sử nước nhà. Ông đã bỏ công đi sâu lí giải các nhân vật trong quá khứ, cố chỉ ra vai trò, tác động của các nhân vật ấy đối với tiến trình phát triển của lịch sử.

Không chỉ chú ý khai thác các nhân vật lịch sử thời xưa, ông còn cam đảm đối mặt với các nhân vật lịch sử thời hiện đại, một việc mà không mấy ai dám làm, phần vì quá trình khai thác tư liệu, phần vì những nhận định đánh giá nếu không cân nhắc cẩn thận dễ phải chịu áp lực của dư luận.

Cuốn sách Người có vấn đề trong sử nước ta có thể xem là một việc làm táo báo có tính toán của ông, nhất là với một người đã hơn 80 tuổi. Cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót bởi đối với lịch sử, chỉ khi nó đã kết thúc và có sự phản ánh lâu dài, người ta mới hiểu rõ cái gì là cần thiết, cái gì là quan trọng, tìm ra được qui luật vận động nội tại của nó. Một số nhân vật lịch sử trong cuốn sách là các nhân vật hiện đại, do vậy, việc trình bày về các nhân vật này, không nhằm mục đích biện giải, đánh mà giá mà chỉ muốn cung cấp thêm tư liệu lịch sử để bạn đọc tham khảo.

Hy vọng cuốn sách sẽ đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu lịch sử Việt nam của bạn đọc.

( NXB Văn Hóa Thông Tin )



LỜI GIỚI THIỆU

Vũ Ngọc Khánh viết khá nhiều về chuyện sử, về danh nhân truyện ký. Đã có người nhận xét ông là một nhà văn hóa dân gian dạo vườn lịch sử, nhưng theo tôi ông không phải khách tham quan mà chính là người làm vườn. Quả thực, tuy không vào Hội Sử học, nhưng ông quen thân với nhiều bạn ngành sử và tranh thủ tham dự nhiều hoạt động của Hội Sử học ( hội thảo khoa học, điều tra thực địa...). Ông đã cùng tôi nhiều lần đi hết Cao Bằng đến Bến Tre, từ Nghĩa Bình đến Thanh Hoá..., với ông chỉ vì ham muốn được học hỏi và sưu tầm tư liệu lịch sử. Tôi cũng đã có hân hạnh giới thiệu một vài cuốn sách của ông về Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật, Hồ Chí Minh... mà tôi đánh giá tốt về mặt sử học, có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn với văn học đúng sở trường của ông. Đến cuốn sách mới này, với cái tên có thể gây cho một số người chú ý, một lần nữa tôi càng thấy rõ nhiệt tình của ông với lịch sử nước nhà. Ông đã say sưa tìm hiểu toàn bộ lịch sử đất nước, chứ không chọn riêng một thời kì nào (cổ, cận hay hiện đại) để đi chuyên sâu, đã có một cái nhìn tương đối toàn diện về lịch sử dân tộc, nhờ vậy mà không phải né tránh nhân vật hay thời đại nào. Từ Lê Hoàn đến Bảo Đại, ông đều 'để mắt trông vào ' mà không gây cảm tưởng là mơ hồ hay hạn chế. Chọn được những đối tượng cho là "có vấn đề" tôi thấy ông đã có sự cân nhắc thể tình hợp lý. Đúng là hiện nay, đối với nhiều nhân vật lịch sử - nhất là các nhân vật hiện đại - còn nhiều điều cần phải được xác minh. Vũ Ngọc Khánh chưa có điều kiện để đi thật sâu, giải quyết thật triệt để, nhưng điều cơ bản là đã thấy đúng. Hiện nay có nhiều nhân vật lịch sử đã được giới học thuật xác minh, trả lại danh dự, nhưng không phải quần chúng đông đảo đều được tiếp cận đầy đủ các tài liệu. Rồi còn những định kiến không dễ gì xoá bỏ trong một sớm một chiều. Trong bối cảnh đó, cuốn sách của Vũ Ngọc Khánh ra mắt bạn đọc, tôi cho là hợp thời và cần thiết. Tôi tin rằng sau khi sách này được phát hành và lắng nghe các ý kiến thẩm định của bạn đọc, tác giả còn có thêm các tập tiếp theo, không phải chỉ trong phạm vi lịch sử, mà cả trong văn học nữa. Trong bài 'Tựa' cuốn sách này, chẳng phải ông đã nhắc tới nhiều trường hợp, về Sử như Huyền Trân công chúa, Ngô Thời Nhậm, Lê Văn Duyệt..., về Văn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương..., nhưng lại chưa được đề cập tới trong sách, chắc còn để dành cho các tập sau.

Đối với các nhân vật chính thức được đưa ra bàn bạc trong sách này, tôi nhận thấy Vũ Ngọc Khánh đã cập nhật được nhiều vấn đề. Tất nhiên, có nhiều tài liệu mới phát hiện mà ông chưa biết hoặc chưa có, có nhiều nhận định, đánh giá mà ông chưa nắm song nói chung đã có sự cố gắng đảm bảo tính khách quan khoa học cần có. Các nhân vật hiện đại thường bị đánh giá khắt khe, không được cảm tình của quần chúng. Vũ Ngọc Khánh cũng biết lựa lời mà bàn giải một cách thoả đáng, có chứng cứ phân minh. Tôi còn nhận thấy khá nhiều lần ông tỏ ra tinh tế biết phát hiện vấn đề. Nỗi oan của Nguyễn Trãi đã được làm rõ, nhưng Nguyễn Thị Lộ thì lại chưa có sắc dụ nào minh oan cho cả. Các cách nhìn về Nguyễn Công Trứ, Trương Vĩnh Ký... đúng là cách nhìn theo góc độ văn hoá, lâu nay ít người lưu ý tới. Sự băn khoăn về Nguyễn Hải Thần, sự đánh giá về Bảo Đại... là có mức độ không thiên kiến theo thời. Vũ Ngọc Khánh với "Người có vấn đề trong sử nước ta" đã làm được một việc (dù chưa đầy đủ) mà giới sử học chúng tôi đang cố gắng thực hiện đúng chức năng của mình. Xin cảm ơn sự đóng góp của ông và trân trọng giới thiệu sách này với bạn đọc.

Hà Nội - Trung thu Định Hợi 9-2007
GS Đinh Xuân Lâm
( Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam )
LinkedInPinterestCập nhật lúc: