Tính khả tri của văn hóa

12:17 SA @ Thứ Sáu - 15 Tháng Giêng, 2010

Tính khả tri của văn hóa - Bàn về ý niệm phổ biến, ý niệm đồng nhất, ý niệm chung và về cuộc đàm đạo giữa các nền văn hóa là một công trình hết sức quan trọng, có tính chủ đạo và hướng đạo của François Jullien.

François Jullien là một nhà nghiên cứu tư tưởng đương đại lừng danh, triết gia dạy đại học, Chủ nhiệm khoa ngôn ngữ và văn minh Đông Á, Viện trưởng Viện Tư tưởng đương đại của Pháp, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc học, tác giả của nhiều chuyên luận so sánh tư tưởng Trung Hoa và triết học phương Tây và đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.

Tính khả tri của văn hóa - Cuốn sách thẫm đẫm triết học - chính là cuộc đàm đạo, hội thoại giữa các nền văn hóa mà tác giả đề xuất là cuộc gặp gỡ, hội thoại mang tính toàn cầu - là cơ sở điều độ Toàn cầu hóa. Nó không dừng lại ở chỗ cung cấp những kiến thức đã được chưng cất, khảo sát từng bình diện của con người và thời đại, mà nó chỉ ra cách giải quyết cơ bản, trên cơ sở khẳng định vai trò nền tảng của văn hóa, phổ biến là định hướng, là viễn cảnh, hai ý niệm này lại có thể chuyển đổi vị thế cho nhau. Chúng ta đã nghe nói đến trục tung và trục hoành trong văn hóa, và cảm nhận phác đồ dòng chảy thành hình tượng tỏa lan trên bề mặt đồng thời là những mạch ngầm bên dưới.

Trong lịch sử đã từng xảy ra những cuộc gặp gỡ, đàm thoại giữa những nền văn hóa qua trao đổi, mậu dịch, di dân, định cư, truyền giáo và kể cả chiến tranh… Sắc thái, tầm vóc và nhu cầu đàm thoại văn hóa thay đổi theo giai đoạn và không gian lịch sử. Yêu cầu hội ngộ văn hóa trở nên bức thiết khi Toàn cầu hóa lên cơn sốt và trở thành hiện trạng bất khả kháng. Nhưng, Toàn cầu hóa có vấn đề, vì hội ngộ văn hóa còn chứa đựng nhiều vấn đề cần tháo gỡ và chưa được giải quyết. Hội ngộ văn hóa sẽ trở thành xung đột văn hóa, nếu không phát hiện ra hướng “chủ đạo”, hướng “phổ biến”, bền vững và thăng hoa. Văn hóa chính là thực thể động lực của mọi bình diện liên quan đến con người: chính trị ,xã hội, kinh tế…

Có rất nhiều loại hình văn hóa: cô lập, bài tha, độc tôn ái kỷ, vong thân, tha hóa, truyền thống, khai phóng… nên khi văn hóa có vấn đề, sẽ tất yếu dẫn tới những khủng hoảng nhất định trong đời sống cộng đồng. Cần phải hiểu ý niệm văn hóa đích thực, tất nhiên không đến từ sự áp đặt bằng sức mạnh quân sự (như Châu Âu từng áp đặt cho phương Đông, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản…), hoặc nền văn hóa của Trung Hoa tự xem là trung tâm vũ trụ, cũng đã chạm vào giới hạn, đã tự phát hiện ra nhược điểm. Rồi hiện nay, kinh tế đang lăm le tiếm đoạt ngôi vị “hoàng đế” của văn hóa. Nhưng nhân loại sẽ ra sao, khi vị vua không hội đủ hoặc thiếu tư cách?

Tác giả khẳng định “ ngôi trị vì” của văn hóa, đó chính là động cơ do tinh thần hun đúc, thúc đẩy khối đông người trong vận động , chọn hướng sinh tồn.

F.Jullien trong công trình này đã nỗ lực phát hiện phương tiện “khả tri”(intelligible). F.Jullien sống lâu ở Trung Hoa, ông cảm nghiệm sâu sắc “thiên hạ” Trung Quốc, “thế giới” Đông phương.

Phương Tây của khái niệm, chuộng sự rạch ròi của khái niệm. Phương Đông của ý niệm, lấy cái tinh vi, uyển chuyển của ý để thâm nhập. Để chuyển tải văn hóa, nếu Tây và Đông cứ đứng riêng rẽ, thì đều khó đáp ứng yêu cầu hiện nay. Thế nên, F.Jullien “người của 2 phương trời” đã đưa ra được phương tiện chung: từ khía cạnh bênh vực chủ trương “nhân bản mềm” (humanisme mou), lấy ý niệm “phổ biến” làm phương tiện trọng tài.

Trong khi dẫn giải, xác lập ý nghĩa đích thực, thực hiệu của phổ biến, tác giả đã tạo lập một dạng tam giác, bằng cách thiết đặt “phổ biến” vào thế vừa giằng co với mặt trái của nó là “đồng nhất”, vừa dè dặt với cái xuất phát từ hiệu ứng trong nó là “cái chung”. Về ý niệm “đồng nhất”, lớp bồi thứ nhì làm sa đọa ý niệm “phổ biến”, nó không phải là yêu sách bức thiết của lý trí mà xuất phát từ sự “tiện dụng” trong sản xuất, tính độc hại của nó khó tránh, khi ảo giác, ảnh ảo (image virtuelle) xuất hiện, sẽ âm thầm truyền bá tính độc đóan khó nhìn thấy của nó. Cái “chung” trong ý niệm “chung” là ở chỗ có phần, chỗ tham gia (partage/share),không tiên nghiệm. Nó là cái kho vô tận cho kinh nghiệm khai thác, nó mở cửa nhưng lại bị đe dọa, bị nhốt trở lại vào chủ nghĩa “cộng đồng” hẹp hòi. Ở đây, vấn đề “phản tỉnh nhân lọai tính”, tự do sáng tạo... (những nội dung rất căn cốt của văn hóa và phát triển) đang đứng trước những nguy cơ, thách thức nghiêm trọng.

Phương Tây xây dựng lâu đài kiến thức bằng những viên gạch được nung thành những khái niệm phân minh, cơ sở thuận lợi cho việc truyền giao lưu giữ. Phương Đông gợi ý “tu thân” để có nhũng bậc quân tử, chân nhân. Phương Tây của ánh sáng Ki-tô giáo (Ta là ánh sáng), của triết học Hy Lạp, lý trí của thời Ánh sáng (siecles des lumieres) và phương Đông của Minh triết, của Đạo, Ngũ hành... “Đạo chi vi vật, duy hỏang duy hốt, hốt hề hỏang hề, kỳ trung hữu tượng...” (Đạo sanh ra Vật/ thấp thóang mập mờ/ thấp thóang mập mờ/ trong đó có hình... Lão Tử-Đạo Đức kinh, chương XXI, lời dịch Nguyễn Duy Cần). Nhưng đó là những nền văn hóa “hữu tượng” của truyền thống, “tiền-toàn cầu hóa”, khi Toàn cầu chưa chưa có tên gọi.

Toàn cầu hóa đã bùng nổ, nhưng sẽ đi về đâu khi văn hóa bất định hình hay có nguy cơ trở thành xung đột? Giải quyết bằng phát hiện “khoảng cách” (écart) văn hóa, nhận diện độ chênh, căng thẳng giữa chúng, mở cửa không gian tao ngộ, tiếp biến trên tầm mức mới của thời đại, và những barriere cũ mòn sẽ được dành cho các bảo tàng hoặc chỉ còn tác dụng trang trí.Mở không gian văn hóa, đối diện (face à face), tao ngộ là tâm huyết, là nỗ lực to lớn và vô cùng quan trọng.

“Dia”(trong từ Dialogue) là hai, đôi, cặp, là đối. Chỉ nhờ qua “dia” của “khỏang cách” mới tạo ra “thọai” (logue) giữa hai cực (positif và négatif), cư ngụ được trên bình diện chung của đôi bên là cái “khả tri”. Mà tính khả tri (intelligiblité) là thuộc tính vốn có, nó luôn tiềm ẩn trong mọi nền văn hóa. “Dia” sẽ sản sinh ra những điều kiện mới cho cuộc tư-phản (nhân loại tính). Đó là linh cảm đặc biệt và niềm tin của tác giả, trên cơ sở bẩm sinh năng tri của nhân loại.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: