Dương Hướng thấy gì Dưới Chín Tầng Trời?

05:03 CH @ Thứ Hai - 20 Tháng Sáu, 2011

Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nhận định về cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Dương Hướng: “Nếu như tiểu thuyết trước hết là cốt truyện thì tác phẩm “Dưới chín tầng trời” thừa sức hấp dẫn. Vì cốt truyện rất ly kỳ, nhiều tuyến nhân vật quan hệ éo le, số phận ba chìm bẩy nổi …, nhiều tuyến hành động diễn ra các miền Trung, Nam, Bắc, có xóm làng và thành phố, có chiến trường ác liệt ở miến Nam và sinh hoạt nhộn nhạo, rối ren vùng biên giới phía Bắc…Với tôi thì tiểu thuyết trước hết là những nhân vật. Tôi sẽ bình phẩm những nhân vật đáng chú ý”

Dưới chín tầng trời là câu chuyện trải dài qua những biến cố lớn lao của dân tộc: cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới phía Bắc, thời hậu chiến và thời mở cửa… Qua bi kịch của gia tộc Hoàng Kỳ, số phận long đong của những người dân làng Đoài, sự lụn bại của gia đình thương nhân Đức Cường sau giải phóng, con đường vươn đến quyền lực của cán bộ Trần Tăng, cuộc đời ba chìm bảy nổi của tỷ phú Đào Kinh, thân phận chín lênh đênh của những người đàn bà… đã hiện lên những sai lầm, ấu trĩ của một thời kỳ lịch sử mà bất cứ ai trong thời điểm đó, dù biết được hay không cũng chẳng thể vượt qua. Dưới ngòi bút trực diện, nhiều khi thô ráp, cùng với lối kể chuyện tràn những chi tiết rất thật của Dương Hướng, tưởng chừng như đã thấp thoáng cái nhân vật chính mà tác giả muốn hướng tới, muốn phác họa: lịch sử.


Để sự bình phẩm bớt đơn điệu, thỉnh thoảng tôi chêm vào những câu triết lý vặt. Về mặt này, thì Dương Hướng hơn tôi. Anh cũng hay triết lý vặt (chẳng hạn như đoạn luận bàn về sự vĩ đại tội ác, xem tr. 16) nhưng đôi khi anh đặt ra được những vấn đề có chiều sâu tư tưởng đáng suy nghĩ.

Chẳng hạn, trong cảnh xã Quyết Thắng quyên góp, nghe tiếng loa xướng danh những nữ thương gia hảo tâm thì trong đám đông có những lời qua tiếng lại:

--Làng mình thế mà oai thật. Toàn những người tài giỏi.

--Giỏi đánh đĩ thì có, mụ Còn thì thầm vào tai cô Lùn

-- Con mụ này rõ bạc, nó đánh đĩ nhưng có lòng, chả hơn cả đời chả ai moi được ở mụ một xu. (xem tr. 466)

-- Tao nghèo nhưng trong sạch

Vấn đề được bao hàm trong mẩu đối thoại nói trên được sáng tỏ qua lời phán của một nhiêu, xã “lý sự” trong đám đông: “…Những kẻ luôn lên giọng cao đạo hóa ra lại vô tích sự chẳng bao giờ nghĩ đến ai ngoài chăm lo cho bản thân, còn những người mà ta cho là xấu xa hèn mọn lại làm nên mọi chuyện hay ra trò…” (xem tr. 467). Đánh giá như thế nào đây: “Đánh đĩ nhưng có lòng” và “trong sạch nhưng chả ai moi được… một xu”, đây là một vấn đề căn bản trong đời sống đạo đức xã hội ta ngày nay, có khi nhiều vị hủ nho “Tây cổ” và “Tầu cổ” qua sự suy ngẫm về vấn đề này may ra thì lột xác được. Đời sống hệ tư tưởng của chúng ta sẽ đơn giản hơn, trong sáng và minh bạch hơn rất nhiều nếu như chỗ nhấn được đặt vào chỗ đáng nhấn: có lòng hay không có lòng.(Người “có lập trường” mà “không có lòng” có khi nguy hiểm và tệ hại hơn người “ lập trường không vững” mà “có lòng”)

Có một “thời đại” trong lịch sử đương đại Việt Nam (kể từ sau Cách mạng tháng Tám) được nhiểu nhân vật trong tiểu thuyết nhắc đến, mỗi người xác định nó một cách, nhưng mọi người đều thừa nhận sức ép tuyệt đối của nó, sự áp đảo khủng khiếp của nó, giống như định mệnh vậy.

Mây góp cho xã một khoản tiền lớn được hoan hô nhiệt liệt. Trong đám đông liền có lời dèm pha: “Sao bảo có thời nhà nó cũng khốn khó lắm. Nghe nói mấy chị em nó phải đi làm đĩ.” (xem tr. 465). Lập tức có lời biện bạch: “Cái thời ấy cả nước khốn khó đâu riêng nhà nó”. Đã có người nói “cái thời ấy cả nước khốn khó…” thì cũng có người nói “cái thời ấy cả nước nói dối …” và vân vân, vân vân… Phải thấy tính chất nghiêm trọng của những hậu quả mà thời ấy để lại.

Hoàng Trung Kỳ, suốt một đời phục vụ trong quân đội lên đến cấp tướng thổ lộ với con trai kinh nghiệm làm sao sống sót được: “…phải nhận biết và chịu đựng cả lỗi lầm xấu xa tồi tệ của thời đại mình đang sống“ (xem tr. 346)

Để bào chữa cho Trần Tăng, một cán bộ lãnh đạo cao cấp, Tuyết cho rằng “những lỗi lầm to lớn của ông, những trò ma mãnh của ông, những mưu mô toan tính quyền lực của ông cũng chỉ là tai nạn của thời đại mà thôi…, những tai nạn nó làm méo mó què quặt tâm hồn con người” (xem tr. 367)

Sức áp đảo ghê gớm của thời cuộc lại được một người trong đám đông “tố” lên trong bữa tiệc sau buổi gặp mặt đồng hương: “… đã sinh ra trên cõi đời này chẳng thằng nào muốn xấu, chẳng qua là thời cuộc khốn cùng nó dồn đẩy làm con người ta cứ hèn đi” (xem tr. 467)

Cái “thời” khốn khó ấy, cái “thời đại” tai quái ấy, cái “thời cuộc” khốn cùng ấy đã được Dương Hướng phác thảo, bao giờ thì những nhà khoa học lập được những hồ sơ chính trị, xã hội học, sử học… cho “thời ấy”?

Trong tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời” có nhiều nhân vật chính, khó mà nói nhân vật nào là trung tâm. Trong các nhân vật chính đáng chú ý, trước hết phải nói đến Yến Quyên. Chị có dáng dấp thục nữ truyền thống, chồng đi bộ đội biền biệt một mực kiên trinh, chăm lo gia đình, đồng thời luôn luôn sốt sắng với công việc của làng xã. Mặc dù làm dâu trong một gia đình là nạn nhân thảm thương của cải cách ruộng đất, Yến Quyên hăng hái tham gia phong trào hợp tác, gần như sống chết với hợp tác. Suốt một đời, ở mọi mặt, Yến Quyên không hề có điều gi đáng chê trách. Đây là một nhân vât thánh thiện. Kiểu nhân vật này có chỗ đứng trong tiểu thuyết đương đại không? Nhân vật Yến Quyên thánh thiện có sức thuyết phục không? Độc giả sẽ trả lời câu hỏi này. Có người sẽ phản bác: trên đời này làm gì có người phụ nữ thánh thiện như vậy? Nhưng đây là tiểu thuyết. Thể loại văn học này đã hư cấu bao hình tượng phi thường, phi lý, cớ sao lại không được hư cấu nhân vật thánh thiện? Miễn là có sức thuyết phục.

Hoàng Kỳ Nam, con trai Yến Quyên cũng gần gần thánh thiện như mẹ. Khi cầm súng ngoài mặt trận cũng như khi cầm bút viết báo, nhân vật Nam hầu như không có gì đáng chê trách (có một lần anh bị xử trí oan là do bị hiểu lầm). Tình yêu của Nam với Thương Huyền là tình yêu platonic. Một lần và mãi mãi, một mối tình đắm đuối và bất tận, ngoài nhục cảm. Trong thế giới tiêu dùng và thực dụng ngày này, tình yêu platonic bị xem là một mê sảng lạc lõng. Nhưng trong tiểu thuyết Đông, Tây, kim, cổ có đủ thứ mê sảng trên đời . Nhân vật trung tâm của Đôn Kihôtê -- cuốn tiểu thuyết số một của văn chương thế giới – luôn luôn sống với những mê sảng. Nhân vật Nam hiện đại hơn nhân vật Yến Quyên. Nam có ý thức về cá tính tự do(Marx dùng từ này để xác định nhân cách con người trong xã hội tương lai). Trong cá tính tự do, Marx nhấn mạnh sự tự do của mỗi người phát triển những năng lực nhân tính được chứa đựng trong nhân cách của mình. Do nhu cầu của cá tính tự do, Nam đã có hai quyết định quan trọng: bỏ vợ và bỏ nghề. Vào tuổi năm mươi, Nam ly hôn với Tuyết, người vợ anh chưa bao giờ yêu. Hôn nhân không tình yêu là xiềng xích trói buộc, kìm hãm năng lực nhân tính quan trọng bậc nhất của con người là yêu. Trong hoạt động làm báo, Nam gặp phải một trở ngại lớn: anh phải viết “theo sự sắp đặt của ông tổng biên tập”. Nam có đủ cá tính tự do để cảm thấy xấu hổ phải viết theo ý của người khác, và anh bỏ nghề. Tác giả nhấn mạnh cảm hứng “cá tính tự do” quyết liệt đã thúc đẩy 2 quyết định quan trọng trong đời của Nam: bỏ vợ, anh thành “người tự do một nửa”, anh bỏ nghề để “thành người tự do hoàn toàn” (xem tr. 412).Tôi có cảm tình với nhân vật Nam. Anh là “ một tâm hồn tự do và(có) trách nhiệm”. Ngừơi lính có tinh thần trách nhiệm đến quên mình khi cầm súng ngoài mặt trận thì cũng là người tình hết lòng chăm sóc cho người yêu bị mất trí, chỉ còn là thân tàn ma dại : đó là Hoàng Kỳ Nam. Tôi nghiệm thấy ở xã hội nào cũng vậy, và thời nào cũng vậy, người tử tế và hẳn hoi bao giờ cũng có “tâm hồn tự do và trách nhiệm”.Bất cứ hệ tư tưởng nào xa rời cái gốc nhân bản này cũng trở thành lý thuyết suông. Văn học (và điện ảnh) phương Tây hết sức nhậy cảm với những quyền tự do của con người nhưng tự do thường được cảm nhận ở bản thân nó, không được gắn với trách nhiệm và điều này làm cho nền văn học này nghèo đi rất nhiều.Trong văn học đương đại của ta, những nhân vật tích cực thường là những con người có tinh thẩn trách nhiệm cao, rất cao. Thiếu cảm hứng tự do. Do đó họ là những con người tốt, rất tốt nhưng nhân cách không hấp dẫn (chính điều này hạn chế tác dụng giáo dục của tác phẩm). Lão Khúng trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu là một nông dân cá thể thất học suốt đời chỉ thấy “ mặt đất tối thui, tối mò” nhưng lão có cảm hứng tự do, dù rằng đó chỉ là “ảo tưởng tự do hoang dã”. Và Lão Khúng là một nhân vật hấp dẫn. Phải nhận rằng ngay trong giới cầm bút chúng ta không ít người đến nay vẫn không hiểu thế nào là tự do cá nhân, khái niệm quan trọng này thường bị hiểu chệch thành “chủ nghĩa cá nhân” ích kỷ.

Hoàng Kỳ Trung, chồng Yến Quyên và bố Hoàng Kỳ Nam, là một nhân vật anh hùng. Suốt cuộc đời cầm súng vệ quốc, từ khi tòng quân làm lính đến trở thành sĩ quan cao cấp, Trung bao giờ cũng là một quân nhân gương mẫu. Nhân vật này có những nét đặc sắc vẫn thường được nêu lên ở những người cộng sản kiên cường:“ý chí sắt đá”, giữ vững lập trường quan điểm đến cùng, nêu gương “tinh thần bất khuất”, bị địch tra tấn dã man không khai nửa lời…Trân trọng biểu dương những nét ưu tú của quân nhân Hoàng Kỳ Trung, tác giả không ngần ngại vạch ra những khuyết điểm, những méo mó kỳ quặc ở nhân vật này: “nói câu nào cũng dùng mệnh lệnh” (“có khi đi ngủ với vợ cũng dùng mệnh lệnh”), không cho phép bất kỳ ai “nói ý kiến riêng của minh”; lập trường,quan điểm một cách cứng ngắc, chỉ thấy địch và ta, không phải ta thì là địch, khác ta cũng là địch rồi, và thế là ở đâu cũng thấy địch, mỉa mai thay, trong Cải cách ruộng đất, những cốt cán “bố láo” cứ một mực quy bố mẹ Trung là “địa chủ cường hào, việt gian phản động” thì bây giờ, đến lượt mình, ông Trung sẵn sàng quy ông bà Đức Cường và Thương Huyền (những người tốt cảnh ngộ éo le) là “kẻ thù không đội trời chung”. Quy kết vội vàng, bừa bãi là bệnh “ấu trĩ” nhưng nếu không thấy đựơc nguồn gốc của nó thì dễ trở thành bệnh kinh niên. Căn của bệnh này là ở nếp nhìn, nếp nghĩ “bửa đôi thế giới”thành những nửa đối kháng với nhau, phe xã hội chủ nghĩa đối kháng với phe đế quốc chủ nghĩa, giai cấp vô sản đối kháng với giai cấp tư sản…, đến lượt thế giới vô sản lại được bửa đôi, có thời là “đệ tam” và “đệ nhị”, “stalinixt và trôtkixt”, có thời là “ chủ nghĩa Mác Lênin chân chính” và “chủ nghĩa xét lại” và vân vân, vân vân…Thực ra những mặt đối kháng chỉ là những cực được trừu xuất để lý thuyết hóa, giửa hai cực là vô vàn dòng chảy ngược xuôi, qua lại, hòa trộn… Sự sống thực tại của nhân loại là ở những dòng chảy chứ không phải ở những cực đối kháng trừu tương.. Thói xấu quy kết vô tội vạ và những lề thói kỳ quặc khác của ông Trung có một thời được cánh trẻ gọi là “bôn” (họ rất hóm khi đặt ra từ này, họ trả lại từ bôn-sơ-vích cho Đảng Cộng sản Liên xô (b), dùng từ “bôn” Việt hóa để riễu những cái ẩm ương, cực đoan vô lối của những đảng viên làm khổ và hành họ). Với những nét “bôn” ở nhân vật Trung dễ hinh dung ông là một người quá sơ đẳng, khờ khạo, thậm chí “ngu si”. Với sự tinh tế và sâu sắc của một tiểu thuyết gia già dặn, tác giả phát hiện một Hoàng Kỳ Trung khác ấn sau Hoàng Kỳ Trung “bôn”. Trung sớm thấy và luôn luôn thấy những mặt trái của cách mạng.Cách mạng lớn lao và hào hùng, nhưng mặt trái của nó cũng vô cùng khủng khiếp. Trung sớm có một cách ứng xử trước bộ mặt hết sức phức tạp của cách mạng Những năm tuổi thiếu niên, trong thời gian cải cách, Trung chứng kiến những thảm cảnh của gia đình mình và thể nghiệm trên bản thân mình sự lăng nhục độc ác. Trung “nuốt hận trong lòng”, anh đi bộ đội: “thời thế đổi thay”, “ không đi theo cách mạng” thì cũng bị “lịch sử nghiền nát”; “Những lỗi lầm xấu xa tồi tệ của thời đại mình đang sống” Trung không phải là không thấy, nhưng cách xử thế của anh là “phải chịu đựng”.Trung thấy hết những tai hại của phong trào hợp tác hóa: nó “như một cơn lũ…cuốn phăng đi mọi thứ của nhà nông đã tích góp từ bao đời” (xem tr. 346), nhưng anh cũng thấy “lao ra chống đỡ với cơn lũ” làm sao mà chống nổi, thiếu gì những kẻ đã “bị nhừ đòn” …Như vậy Trung “bôn” đâu có khù khờ, ông thấy cả và hiểu hết…Chẵng những thế, ông còn có một “minh triết” để ứng xử trước thời thế, thời cuộc...Minh triết của ông được tóm lại trong một câu đã trở thành châm ngôn: “Gặp thời thế thế thời phải thế”. “Phải thế” là thế nào vậy? Là phải “nuốt hận”.Phải “chịu đựng”.Không “ chống chọi” (“với cơn lũ”). Hoặc nói như Lão tử, phải có “cái dũng (biểu lộ) ở sự không dám” . Lão tử có nói đến hai cách biểu lộ của dũng:

Dũng [ biểu lộ] ở sự dám thì chết (dũng ư cảm tắc sát)
Dũng [biểu lộ] ở sự không dám thì sống(dũng ư bất cảm tắc hoạt) (xem Đạo đức kinh,ch. 73)

Ông Trung đã “không dám” chống chọi những “cơn lũ” và ông đã “sống sót”. Minh triết của ông là “chỗ đứng vững chắc” của ông để giữ cho “cơ ngơi, gia tộc” của ông khỏi tan tành. Minh triết của ông đã được triết gia François Jullien diễn đạt nôm na như sau: “…nếu ngày hôm nay chẳng có gì thuận lợi cho tôi thì tôi thà chờ đợi còn hơn là đối mặt một tình thế trái khoáy và bị vỡ mặt húc vào đấy – làm như vậy hẳn là đẹp đấy, thậm chí còn anh hùng nữa, nhưng ít hiệu quả[1]. Lão tử so sánh: “… dám thì chết”, “không dám thì sống”. Hiểu như thế nào đây ý kiến này của Lão tử? Phải chăng ông có ý chê bai “ cái dũng [biểu lộ] ở sự dám” (thì chết) và thiên về “cái dũng [biểu lộ]ở sự không dám” (thì sống)? Cần tìm hiểu câu tiếp theo trong ch. 73: “Thử lưỡng giả hoặc lợi hoặc hại”. Tôi tham khảo ba cách hiểu câu này của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Michael Lafargue.Tôi chọn học giả thứ ba. Lafargue đã hiểu câu này như sau: cả hai cái (dũng) này “có khi có lợi, có khi có hại[2] (cách hiểu của Nguyễn Hiến Lê: “một cái được lợi, một cái bị hại[3]) Như vậy, “cái dũng của sự dám” (thì chết) không nhất thiết chỉ “có hại” mà có khi “có lợi” và “cái dũng của sự không dám” (thì sống) đâu phải chỉ “có lợi”, cũng có khi “có hại” đấy. “ Nuốt hận”, “chịu đựng”, không dám (hoặc không dại gì mà)“chống” với “chọi”…đó là minh triết của ông Trung và thực sự đó là minh triết. Nhưng hình như ông quá đắc ý với minh triết này, thiếu sự sâu sắc của Lão tử.

Nhân vật Thu Cúccó một lý lịch đẹp: xuất thân thành phần cơ bản (con một người vú nuôi đi ở cho ông bà Đức Cường, nhà tư sản ở Sài Gòn), quá trình công tác liên tục (hoạt động nội thành, lên rừng, trở về thành phố làm quân quản). Thu Cúc là một nhân vật có hậu: thời kỳ ở rừng “mặt sắt da chì”, về sau “trẻ và đẹp hẳn lên”; sau 75, ở tuổi 39,40, vẫn lấy được chồng, làm đến chức phó chủ tịch thành phố, có xe riêng “Toyota màu trắng”, có biệt thự Hoa cúc vàng “bốn mùa hoa nở, bốn mùa có bồn nước với những vòi nước trắng bạc phun lên cao một màu sương khói”, và sống trong biệt thự này, mẹ của Thu Cúc, người vú nuôi xưa kia cũng được nể trọng như một “mẫu hậu”. Ngược lại, sau 75, nhà chủ tức là gia đình ông bà Đức Cường thì tan hoang, lụn bại thảm hại, gần như bị “tiêu diệt”: ông Dức Cường tự tử, bà chết theo, con trai (nhân vật Đức Thịnh) nổi đóa đâm chém trong một cơn điên khùng bị bắt và tự sát trong ngục, con gái (nhân vật Thu Huyền) bị mất trí, thân tàn ma dại, tài sản tan hoang, dinh thự Đức Cường biến thành dinh thự Hoa cúc vàng…Ông Đức Cường là một doanh nhân yêu nước, ông đã làm tất cả để bày tỏ nhiệt tình, thiện chí với chính quyền mới, đem hai nhà máy hiến cho thành phố, thúc con gái đương ẵm con thơ dại đi vùng kinh tế mới để gương mẫu chấp hành chính sách, đem tòa nhà chính của dinh thự Đức Cường biếu bà Thu Cúc, phó Ban Quân quản…;ông không hề chống đối, tuyệt không dám “chống chọi”, không phản tuyên truyền, không di tản,vượt biên…Vậy mà ông vẫn chết (theo nghĩa đen), cơ nghiệp tan tành, gia đình tan nát. Những người đọc chương 73 Đạo đức kinh vội vàng, chỉ nhớ câu: “…dám thì chết”, “…không dám thì sống” chắc sẽ kêu lên: sai rồi, Lão tử ơi!.

Với một bản lý lịch đẹp và nặng ký, với chức vụ phó chủ tịch thành phố Thu Cúc đương nhiên là một nhân vật đáng nể trọng Tác giả quan tâm đến “con ngươi bên trong” kín đáo, khó nắm bắt của Thu Cúc. Nó biểu hiện ở sắc diện (“lúc nào cũng khó đăm đăm”, mặt cứ “đanh lại” ), ở cử chỉ đầy “quyền uy”, ở ánh mắt khiến người ta cảm thấy “gai lạnh”, đặc biệt là ở lời nói, cách nói, giọng nói: lời nói lúc nào cũng vanh vách “lập trường”, “quan điểm” (ai mà biết được đấy là quan điểm của Đảng, hay quan điểm “ất ơ” nhân danh Đảng); lúc nào cũng lý lẽ, những lý lẽ “tàn nhẫn”, “cạn tào ráo máng” đưa ra để quy kết, trói buộc người ta, và chỉ có lý lẽ, tuyệt không có một “giọt tình” (trong khi tình là cái mà người Sài gòn với tâm hồn Nam bộ chờ đợi ở những cán bộ cách mạng đến giải phóng cho họ); Thu Cúc có cách nói cứ muốn “át”người đối thoại với mình, muốn đưa ra lời buộc tội cuối cùng “như quan tòa”; giọng nói thì có lúc cứ như “rít lên”, có lúc nghe cảm thấy “nhức nhối”,“lành lạnh”, ngay cả khi “ngọt ngào” thì cũng cảm thấy “rờn rợn”…Nam là người có điều kiện hơn cả để hiểu con người của Thu Cúc, họ đối đầu nhau trước một vân đề: số phận của Thương Huyền. Nam một lòng thương yêu Thương Huyền còn Thu Cúc thì bằng mọi giá muốn rảy mẹ con Thu Huyền (đi “kinh tế mới”, đi sang Mỹ, đi nhà thương điên, nhà xác…). Cuối cùng Nam đã “linh cảm chị Thu Cúc đã cố tình làm tan nát cả gia đình Thương Huyền” (xem tr. 294) Vì cớ gì? Vì lập trường giai cấp? Hay là muốn hợp pháp hóa và hoàn thành việc chiếm đoạt biệt thự của ông Đức Cường mà Thương Huyền là người thừa kế hợp pháp duy nhất? “Sông sâu còn có kẻ dò…”. Ngoài đời, những người như Thu Cúc đương nhiên được trọng vọng, trong văn học, rất khó phân loại Thu Cúc là nhân vật tích cực hay nhân vật tiêu cực.

Yến Quyên, Hoàng Kỳ Trung, Nam là những nhân vật ít nhiều thánh thiện, ở họ tuyệt nhiên không có tính chất “điếm”, tính chất “lưu manh”. Tiểu thuyết của Dương Hướng không thiếu những người có tính chất ít nhiều lưu manh, ít nhiều điếm, trong số đó Trần Tăng, Đào Kinh, Măng là những nhân vật đáng chú ý.

Đào Kinh có những nét giống với Xuân tóc đỏ: xuất thân bình dân “cầu bơ cầu bất”, văn hóa i-tờ….., và cuối cùng nếu như Xuân tóc đỏ được suy tôn “anh hùng cứu quốc”, tặng thưởng những bội tinh cao quý nhất thì Đào Kinh được báo chí ca ngợi là “một tỷ phú hào hoa”, “một anh hùng hào hiệp”, “một nhân vật trung tâm của thời đại” … Nhưng Đào Kinh không phải là Xuân tóc đỏ. Xuân “vào đời” bằng việc nhặt bóng sân quần vợt, từ đó được ngẫu nhiên đẩy từ cơ may này đến cơ may nọ, trở thành “sinh viên y khoa” rởm, thi sĩ rớm, “trí thức thượng lưu rởm” và cuối cùng là “anh hùng cứu quốc rởm”. Đào Kinh tham gia Cải cách, rồi bỏ làng ra đi, xoay sở đủ nghề, “đi đén tận cùng của sự khổ cực để rồi tự dứng dậy vươn lên”, cuối cùng trở thành một doanh nhân đích thực. Một doanh nhân không từ một thủ đoạn lưu manh nào vì quá hiểu trên thương trường “anh không thịt nó thì nó cũng thịt anh”. Một doanh nhân nắm được bí quyết thành công trong kinh doanh ở cái xứ này là “ phải khai thác triệt để quyền lực”, phải “khôn khéo biết gần gũi những người có quyền, có chức” (xem tr. 76) (một truyền thống thâm căn cố đế của những xứ phương Đông là xã hội được cai trị bằng quyền lực, chứ không phải bằng pháp luật). Một doanh nhân tuy trình độ i- tờ nhưng biết trả tiền, nên có cả “một đội ngũ trí thức thứ thiệt …tài giỏi thực sự chứ không phải loại ngu dốt khua môi múa mép…” và “một đội ngũ cửu vạn tinh nhuệ thông thạo trong nhiều lĩnh vực…võ nghệ cao cường…”. Bản lĩnh và trí tuệ của Đào Kinh có hiệu quả hơn, cao hơn rất nhiều so với những vị giám đốc xí nghiệp và công ty “ bao cấp” hàng tháng “giả vờ”trả lương cho những công nhân, viên chức “giả vờ” lao động dưới sự lãnh đạo của ho…Khác với Xuân tóc đỏ là một kẻ không có gốc, Đào Kính tuy “cầu bơ cần bất” cũng có một gốc quê hương, đó là làng Đoài, nơi anh dã lớn lên, trưởng thầnh, lấy vợ đẻ con và “khởi nghiệp”.Đào Kinh hai lần đựợc cảm nhận như là “anh hùng”. Buổi xử bắn “địa chủ phản động” Hoàng Kỳ Bắc, người đã cưu mang mẹ con Kinh, Đào Kinh cầm súng đứng ở bệ bắn, “trông như một vị anh hùng”. Lần thứ hai, trong Hội nghị trí thức của Tỉnh, với tư cách là “nhà tỉ phú giàu nhất tỉnh”, là người “đã tạo nên những điều kỳ diệu trong kinh tế”, Đào Kinh đăng đàn, nói vo, nói rất hay, hùng hồn, đàng hoàng… Diễn giả được đón nhận như một “ngừơi anh hùng hào hiệp”. Đứng giữa hội trường của tỉnh, Đào Kinh công bố dự án đầu tư xây dựng cho tỉnh một bệnh viện hiện đại, một trường học mẫu, một khu vực vui chơi giải trí…Mô-típ bỏ làng ra đi lập nghiệp, đoạn tuyệt với nghèo nàn và khổ nhục cũng như mô-típ công thành danh toại trở về với làng và quê hương thường xuyên trở đi trở lại trong tiểu thuyết của Dương Hướng. Đọc nhân vật Đào Kinh không khỏi liên tưởng đến Sài, nhân vật trung tâm trong “Thời xa vắng” của Lê Lựu cũng là ”một người nhà quê vĩ đại”. Từ một đứa bé nông thôn dường như sinh ra để làm mướn, Sài bước một mạch đến đại học và trên đại học,Sài làm tròn nghĩa vụ quân nhân trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đứng trong hàng ngũ những người cộng sản…Bình phẩm tiến trình của nhân vật này, một nhà phê bình đã viết: “ Sài đã bước những bước đi khổng lồ của dân tộc và giai cấp[4]. Con đường đi của Đào Kính hoàn toàn khác, không hề biết dại học và trên đại học, không phấn đấu, rèn luyện trong những tổ chức cách mạng, trường học của anh là nhà giam, là chợ búa, là những nơi phải bạo ngược, ma quỷ để giành dật miêng ăn…,tuy vậy, Đào Kinh cũng đã tiến bước khá xa:từ một dứa trẻ “con hoang”, sống “cầu bơ cầu bất” …Đào Kính trở thành một “tỷ phú”,”một nhân vật trung tâm của thời đại”.làm nên “những điều kỳ diệu trong kinh tế” … Sài đã có những cống hiến cho Sự nghiệp vinh quang, Đào Kính cuối cùng có những đóng góp không nhỏ được làng nước đón nhận trong vinh quang và hoan hỷ.Con đường của Đào Kinh thực ra chỉ là một trong vô vàn con đường mà công cuộc Đổi mới cộng hưởng với xa xôi tiếng vọng của thế kỷ 21 đương toàn cầu hóa và hiện đại hóa một cách điên cuồng mở ra cho mọi tầng lớp xã hội, cho mỗi người và mọi người. Tuy nhiên, qua những bước thăng trâm của Đào Kính, sự thành công hay đạt vận của mỗi người không chỉ do vận may và ý chí làm giàu, nó phụ thuộc khá nhièu vào sự bảo kê và tiếp tay của những kẻ có quyền,có chức (không có sự ngấm ngầm bao che của thế lực Trần Tăng và Măng, còn lâu Đào Kinh mới “phất lên như diều”, xem tr. 395).

Măng là con đẻ của Trần Tăng, một cán bộ cao cấp, Đào Kinh chỉ là bố hờ.Con đường thăng tiến của Măng còn “ác” hơn nhiều so với Đào Kinh: từ một người con gái “chân đất mắt toét” làng Đoài Măng trở thành “người đàn bà giàu nhất nước Nam”. Với tính cách gian ngoan và táo tợn Măng biết dựa vào quyền lực để kiếm tiền và dùng tiền mua quyền lực. Măng sẵn sàng “hư hỏng” để mua chuộc bất cứ ai. Theo cách nói người làng Đoài, Măng biết “kinh doanh” cái mình có để có cái mình muốn. Măng nổi tiếng là một “con điếm chính trị”. Theo lời đồn đại, Măng có thể “thiết kế cho một thằng ngu dốt nhảy phóc một phát vào ghế này, ghế nọ, và cũng sẵn sàng hạ bệ tống khứ một vị bộ trưởng tài ba vào tù hoặc về vườn…”(xem tr. 393).Tưởng chừng như tác giả muốn đưa ra một nhân vật “ba đầu, sáu tai…” Nhưng không phải vậy. Tác giả vẫn nhận ra ở người đàn bà phũ phàng và ngoa ngoắt này vẫn còn “chất chân quê” và “tốt bụng”. Và ê chề với sự “sa đọa do đồng tiền và quyền uy chế ngự” Măng cũng có những khát vọng hạnh phúc tình người giản dị. Như vậy, “con điếm chính trị” Măng” vẫn “tốt bụng”, “chân quê” và người đàn bà sa đọa này không phải không có” những khát vọng hạnh phúc tình người giản dị.”. Con người sao lại phức tạp như vậy? Con người vốn phức tạp như vậy. “ Thật là hay – Tolxtoi viết – nếu làm được tác phẩm nghệ thuật trong đó phô bầy tính “lưu chuyển” (tiếng Pháp:fluidité) của con người, phô bày cũng vẫn con người ấy thôi, nhưng khi thì là một tên vô lại, khi thì là một thiên thần, khi thì là một người sáng suốt, khi thì là một thằng ngốc, có khi là một lực sĩ, có khi là kẻ bất lực nhất.”[5] " Mỗi người – Tolxtoi viết tiếp – mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất của con người, khi thì thể hiện những tính chất này, khi thì thể hiện những tính chất khác, thường là hoàn toàn không giống bản thân mình tuy vẫn là chính mình"[6]

Trên đại thể, Trần Tăng là một nhân vật tiêu cực. Điều đáng chú ý là nhân vật tiêu cực này, bê tha trong lối sống, đạo đức nhếch nhác lại là một ủy viên Trung ương Đảng (có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn học đương đại Việt nam có một trường hợp như vậy). Một vấn đề được đặt ra: vì sao các nhà văn ban đầu chỉ đụng đến cấp xã, rồi mạnh dạn hơn đụng đến cấp huyện, tỉnh, đến nay thì cấp Trung Ương…”Chiến công” của T.T. trong Cải Cách ruộng đất lá xử bắn Hoàng Kỳ Bắc, một doanh nhân yêu nước bị quy oan (bà vợ sau đó chết theo), T.T.phá tan gia tộc Hoàng Kỳ đồng thời phá tan đình Đông, chùa Đoài…;với những sai lầm trong phong trào hợp tác hóa, T.T. “ đã biến người nông dân cần cù thành lũ lười nhác làm ăn dối trá,phá tan nền móng gốc rễ làng quê, để dân tình đói rách phải bỏ làng mà đi” (tr. 337). Sau đây là lời của Tuyết, một người phụ nữ thông minh, tỉnh táo, hâm mộ T.T.và yêu ông chân tình: “…Ngẫm lại từ cái thời ông còn làm chủ tịch huyện, rồi lên tỉnh, lên trung ương tới giờ ông chẳng làm được gì tốt đẹp cho miền đất này. Cái dự án phiêu lưu quai đê lấn biển của ông ngày ấy thất bại đau đớn. Cái dự án điên rồ của ông phải trả giá quá đắt bằng mồ hôi công sức của hàng vạn con người chỉ vì sự ngu dốt, cộng với sự hứng chí háo danh của ông…” (tr. 472).

Với bút pháp biếm họa, những nhân vât như Trần Tăng dễ bị biến thành “ác quỷ”:quỷ dâm dục, quỷ quan liêu, quỷ tham ô…Không ít độc giả chờ đợi Trần Tăng bị bôi bác thành ác quỷ thì mới hả hê. Dương Hướng đã không biếm họa nhân vật của minh. Con người Trần Tăng không phải chỉ có những mặt tiêu cực: “Trần Tăng là thủ phạm gây ra bao điều oan trái, nhưng chính Trần Tăng cũng là người gửi gắm tâm lực hơn cả cho mảnh đất và con người làng Đoài này” (tr. 159) Trong những nét “cá tính vượt trội” “trong dòng máu Trần Tăng” ngoài “láu cá”, “lưu manh”, còn có “tài ba”, “tính năng động” và hứng “đa tình”. Thói “mê gái” đã ăn vào “máu Trần Tăng”. Chỉ riêng ở làng Đoài, T.T. đã dính dấp với ba người đàn bà: tìm mọi cách quyến rũ Yến Quyên, vợ bộ đội, tằng tịu với Cam, vợ một cốt cán chí cốt với mình trong Cải cách, bắt bồ với Tuyết, vợ bộ đội. Chừng ấy “thông tin” đủ để một cán bộ tổ chức viết hai chữ “hủ hóa” trùm lên lý lịch của T.T. và một nhà văn viết “bôi bác” (hiểu theo nhiều nghĩa) sẵn sàng biến nhân vật này thành một “quỷ dâm dục” “vô luân”. Dương Hướng có một cách nhìn khác: “cả ba người đàn bà làng Đoài đã tạo nên tính cách Trần Tăng thâm trầm mà dữ dội, đắm đuối và si mê” (tr. 228). Riêng trong quan hệ giữa Trần Tăng và Tuyết chẳng hạn,quan hệ “nam, nữ” bất chính thực sự là thế nào vậy? Tuyết bị người chồng bộ đội chê. Trong hoàn cảnh và tấm trạng ấy, Tuyết gặp T.T. Đây là lời của Tuyết: “… tôi nhận ra mình tự nguyện hiến dâng cho ông ngày ấy cũng bởi tôi ngưỡng vọng ông thực sự. Ông có một uy quyền mà mọi người không có. Ông có một thứ hào quang tỏa sáng làm tôi chói lòa.Thực lòng một thời tôi cũng đắm say kiêu hãnh được gần ông. Ông đã cho tôi những giây phút cuồng nhiệt mà Hoàng Kỳ Nam chồng tôi không có. Ông đã phát sáng con đường công danh sự nghiệp tôi có được ngày hôm nay. Tôi biết rõ nếu không hiến dâng đời mình cho ông thì tôi cũng chỉ là con đàn bà chân đất lội ruộng làm dâu thuàn túy gia tộc Hoàng Kỳ đến già…”(tr. 468). Rất có thể ban đầu T.T. đến với Tuyết với ham muốn xác thịt, rồi gần gũi Tuyết ông có “tình cảm yêu quý…muốn Tuyết sau này trở thành người đàn bà mạnh mẽ, có trình độ học vấn và có cả quyền lực…” (tr. 226), và “bao kinh nghiệm thu lượm được trong những năm tháng qua”, ông “muốn truyền lại cho Tuyết, tin ở người con gái làng Đoài đầy tham vọng này sẽ biết cách vươn lên mạnh mẽ” (xem tr. 229). Quan hệ nam,nữ giữa Trần Tăng và Tuyết là như vậy, không thể đem gói gọn nó trong một từ “hủ hóa”, càng không thể đem cái từ “ô nhục” này để sổ toẹt cả Trần Tăng và Tuyết. Cách nhìn của Dương Hướng là nhận ra và trân trọng những gì tốt đẹp nảy sinh trong quan hệ “bất chính” này.Đây là cách nhìn truyền thống của phương Đông: thấy Dương trong Âm, cái Sống trong cái Chết, cái Dũng trong cái Hèn, Phúc trong Họa, Thiện trong Ác, Tích cực trong Tiêu cực…Biết đâu từ cái nhìn này có thể tìm ra một minh triết cho việc quản lý cái tiêu cực,một nhiệm vụ to lớn và phức tạp bao trùm lên sự vận hành toàn bộ xã hội ta hiện nay.Bấy lâu nay “chống tiêu cực” đã trở thành câu nói đầu miệng trong cả nước.Tôi quan tâm đến nhiệm vụ “quản lý” hơn là khẩu hiệu “chống”. Đúng là có những cái “ tiêu cực” cực chẳng đã phải chống: chẳng còn gì “khả thủ”, tài nguyên mục ruỗng, chỉ còn là sức phá hoại…Chúng chỉ là số ít. Phần còn lại tràn ngập, len lỏi khắp nơi, bên trong ta và ở ngoài ta,trong ý thức và tiềm thức…và bao giờ cũng lẫn lôn, trà trộn với cái tích cưc. Nói đến “chống tiêu cực”, tự nhiên ta nghĩ đến “tiêu cực” như một đối tượng ở bên ngoài ta,cần phải thanh toán, trừ khử. Và trong sự nôn nóng “diệt nhanh, diệt gọn” dễ bỏquên “đứa bé” trong “chậu nước tắm”, dễ vung tay vứt đi những tài lực tích cực tiềm ẩn trong cái tiêu cực. Quản lý cái “tiêu cực”đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là khai thác tiềm lực tích cực ẩn chứa trong cái “tiêu cực”(tổng những tiềm lực này là lực lượng vô cùng to lớn), nhiệm vụ này đòi hỏi trí tuệ và năng lực tổ chức cao, đặng đưa ra những cơ chế thích đáng, tạo ra những môi trường linh hoạt, những cục diện thông thoáng, sống với và trong những cái đó, cái tiêu cực không còn là tiêu cực nữa.Chúng ta thừa nhiệt tình và ý chí chống tiêu cực, đương thiếu một minh triết cho sự nghiệp quản lý cái tiêu cực. Có thể tham khảo phác thảo một đường lối quản lý cái tiêu cực trong thế kỷ 21 của triết gia người Pháp François Jullien được trình bày trong tác phẩm BÓNG TRONG BỨC TRANH, Cái ác hay cái tiêu cực:

…Chính là từ khả năng quản lý cái tiêu cực chứ không vô hiệu hóa nó...,làm cho nó tăng sức sản xuất thay vì tháo kíp nó, chính là từ khả năng này tôi thấy thiên hướng của người trí thức đổi mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa.

…Trong kỷ nguyên này sự “dấn thân” của người trí thức chẳng còn là đứng ở một lập trường cực đoan, đi tìm một sự triệt để về nguyên tắc (thế đứng này đã được triển khai như vậy ở Pháp, trong tình hình có sự đối kháng khối này với khối kia, hoặc giai cấp này với giai cấp kia…), mà sự dấn thân của người trí thức là ở chỗ phát hiện ra – trong bối cảnh mới này -- theo những con đường nào cái tiêu cực khởi động và có thể phát động (nó đâu có bị bài trừ): đó là làm hiện ra cái bình diện khác trong đó cái bị xem như là “xấu” bộc lộ nguồn tài lực ở nó chưa được khai thác và thậm chí không được nghĩ đến, bộc lộ như là một sức sinh sôi nảy nở dồi dào và có khả năng hợp tác…”[7]


Đến đây tạm dừng triết lý vặt, trở về với tác phẩm, tác giả. Trong Dưới chín tầng trời, Dương Hướng có thiện cảm với những nhân vật thánh thiện và dường như không có ác cảm với bất kỳ nhân vật nào. Ngay đối với Trần Tăng, sau khi nhân vật này bị đột tử, tang lễ được tổ chức trọng thể, ông được chôn cất ngay trên đất làng Đoài, vùng đất ông ký thác” nhiều tâm lực hơn cả”…Táng địa đặt đúng theo tâm nguyện của Trần Tăng là tiếng a-men nghĩa tận của tác giả: “ông ấy chết rồi, hãy cầu nguyện cho ông ấy”. Tiếng a-men này càng thanh cao vì tác giả không hề có một chút ảo tưởng nào về Trần Tăng. Tiểu thuyết Dưới chín tầng trời kết thúc bằng chương CON ĐƯỜNG MỚI. Đây là con đường dẫn tới cánh mả Rốt, bãi tha ma của làng. Con đường mới được xây dựng do hảo tâm của ông Đỗ Hiền, một Việt kiều mới hồi hương. Trần Tăng bị đột quỵ được đặt lên một chiếc xe lăn vả những người đến cấp cứu đẩy chiéc xe “ chạy trên con đường Đỗ Hiền mới mở”.Và kết thúc chương cuối của tác phẩm là hình ảnh đám tang “tiễn đưa hương hồn Trần Tăng về cõi vĩnh hằng”: “ từng đoàn người, xe, cờ phướn, hoa tang nối nhau đi trên con đường do ông Đỗ Hiển mới mở chạy giữa cánh đồng làng Đoài ra cánh mả Rốt”. Dương Hướng muốn tạo ra biểu tượng gì đây? Tôi đoán chừng biểu tượng “con đường mới” hàm nhiều ý nghĩa. Tôi thông cảm với sự thành tâm của tác giả về những ý nghĩa ông muốn gửi gắm vào biểu tượng. Nhưng trong tác phẩm của Dương Hướng, một cuốn tiểu thuyết ngồn ngộn sức sống và đời sống, nóng hổi những tư tưởng của thời đại và những vấn đề thời sự của đất nước, biểu tượng “con đường mới” là một biểu tượng vặt không hơn, không kém.


[1] André Cheng. Bàn về thực tiễn Trung Hoa cùng với F. Jullien. Lời Bạt Bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến. N.x.b. Đà Nẵng 2007

[2] Xem Michael Lafargue, Tao and Method, State University of New York Press, 1994, p.468

[3] Xem Nguyễn Hiến Lê. Lão tử. Đạo đức kinh. N.x.b. Văn hóa. 1994.tr. 267

[4] Xem Hoàng Ngọc Hiến Những ngả đường vào văn họcN.x.b.Giáo dục.2006,tr. 246

[5] Nguyễn Hải Hà.Thi pháp tiểu thuyết… N.x.b. Giáo dục. Hà nội, 1992, tr. 128

[6] Như trên, tr. 129

[7] sách đã dẫn, bản dịch của Hoàng Ngọc Hiến, N.x.b. Đà Nẵng, 2005, tr. 25

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dương Hướng - từ “Bến không chồng” đến “Dưới chín tầng trời”

    20/06/2011Phong LêBến không chồng - Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 đưa nhanh Dương Hướng lên một vị trí cao trong thành tựu văn học Đổi mới. Không thuộc đội ngũ “tiền trạm” xuất hiện từ đầu những năm 80 như Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1948) - người cùng thế hệ với anh (sinh 1949), đến tuổi 40 mới bắt đầu trình làng với tập truyện ngắn Gót son (1989), thế mà chỉ 2 năm sau, Dương Hướng bỗng trở thành một “tên tuổi” với Bến không chồng...
  • Thần thánh và bươm bướm

    04/01/2011Tiểu thuyết Thần thánh và bươm bướmcủa nhà văn, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, NXB Văn học ấn hành viết về nông thôn Việt Nam thời hội nhập với những buồn vui, hy vọng, ảo vọng và mặc cảm của một nông thôn phải quằn quại chia tay với nền văn hóa ký ức để háo hức hướng về tương lai, với những phận người xoay đảo quanh thần thánh và bươm bướm...