Văn học trẻ - khát vọng lối đi riêng

11:22 SA @ Chủ Nhật - 27 Tháng Tư, 2008

Dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt, không ít nhà văn trẻ đang muốn nói tiếng nói riêng của mình với bạn đọc...

Văn học trẻ đang sôi động khi hàng loạt cây bút trẻ đã định vị tác phẩm của mình trên kệ sách. Nhiều tác phẩm mới ra đời đã được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Góp phần tạo nên diện mạo cho dòng văn học trẻ hôm nay là những trang viết biết tạo ra một giọng điệu riêng.

Góc nhìn của người viết trẻ

Chọn đề tài về một nghề thời thượng - thiết kế thời trang, nhà văn Phan Hồn Nhiên đã chinh phục độc giả trẻ bằng truyện dài Công ty (NXB Trẻ, 2008). Trong vòng một tuần, Công ty đã được tái bản với số lượng 2.000 cuốn, bằng với số lượng phát hành lần đầu tiên. Làm nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này là nhịp sống trẻ trung của các nhân vật trong truyện. Những trí thức trẻ bước vào đời tràn đầy nhiệt huyết và khát vọng, dám sống, dám làm. Họ trải qua nhiều biến cố trong đời để ngẫm ra giá trị của cuộc sống.

Phản ánh cuộc sống vẫn là cách các cây bút trẻ lựa chọn trong những tác phẩm của mình. Tập truyện ngắn Lũ đầu mùa (NXB Trẻ, tháng 12-2007) của Trương Anh Quốc là những khúc vọng của sóng, những ao ước của người lính biển và cả trăn trở về những thăng trầm phận người. Trương Anh Quốc gần như đã mang vào những trang viết tất cả mọi góc nhìn từ cuộc sống giữa trùng khơi của mình. Lũ đầu mùa mang dư vị mặn mà của biển, thể hiện một sức sống căng tràn giữa biển khơi. Và qua ngòi bút sẻ chia của Trương Anh Quốc, hình ảnh về một “gái nhảy tàu” hay những khao khát ẩn sâu trong lòng người lính cũng để lại những dư âm trong lòng người đọc.

Cây bút trẻ Hà Thanh Phúc cũng vừa định vị trên kệ sách hai tác phẩm Đi tìm hình cuộc sống (NXB Kim Đồng) và Đánh rơi buổi chiều (NXB Trẻ). Mỗi câu chuyện là một cận cảnh về cuộc sống cùng những suy nghĩ của tuổi trẻ. Trong khi đó, đề tài tình yêu của Trần Thu Trang cũng mang đến một sức sống khác. Những cảm giác tươi mới, tràn đầy hơi thở và ước vọng của tuổi trẻ trong những tác phẩm Phải lấy người như anh, Cocktail cho tình yêu, Nhật ký tình yêu (tác phẩm vừa được tái bản) của Trần Thu Trang cũng đã được các độc giả trẻ đón nhận.

Cây bút nữ Cấn Vân Khánh cũng mang đến một cung bậc khác trong tình yêu qua tác phẩm Người đàn ông có đôi mắt trong (vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành). Độc giả có thể thấy thấp thoáng hình ảnh mình qua nhân vật. Sự cam chịu, lặng lẽ và chờ đợi trong nỗi đau dai dẳng của nhân vật nữ; những dằn vặt, xót xa trong cảm giác tội lỗi và bất lực khi nhận ra bản chất thật của mình của nhân vật nam đưa người đọc đi vào một vòng quay của ngẫm suy. Người đàn ông có đôi mắt trong không tạo ra một cảm giác thư giãn, tĩnh tại mà buộc người đọc phải suy tư, ngẫm ngợi vì những khao khát, những dằn vặt trước cuộc đời.

Những giọng điệu riêng

Nhiều người viết không chấp nhận theo những gì đã có mà thể hiện khát vọng muốn tìm một lối đi khác. Có thể nói, Vũ Đình Giang là một trong những tác giả như thế. Giang luôn khiến người đọc phải nghĩ về những góc khuất của cuộc sống qua các tác phẩm Trên đất lạ, 16 m2, Vũ trụ câm... Tiểu thuyết Song song (vừa được NXB Văn Nghệ ấn hành) cũng không phải là một thử nghiệm mới về đề tài đồng tính mà là một bước đi dài và sâu hơn, nhiều day dứt hơn của Vũ Đình Giang. Những nhân vật H, G.g, Kan, P... giống như những con cá mắc cạn, ngụp lặn tìm đường thoát khỏi vũng lầy. Họ chỉ được sống cuộc đời thật của mình khi “mặt trời biến mất”. Còn ánh sáng chỉ là phương kế để họ sinh tồn. Hai mảng màu song hành cùng nhau.

Vũ Đình Giang lúc nào cũng khiến cho người đọc một cảm giác nghèn nghẹn, ray rứt ám ảnh trước những cảm xúc phẫn uất bủa vây của những thân phận dị biệt. Còn cây bút nữ 29 tuổi Phan Việt cũng khiến người xem ngỡ ngàng với tác phẩm Tiếng Người (NXB Trẻ, 2008). Ngỡ rằng Phan Việt cũng sa vào lối mòn của những câu chuyện tình yêu với đủ mọi cung bậc như vẫn thường thấy, nhưng Tiếng Người lại là những dằn vặt không thể ngờ.

Có nhiều thứ đến từ một thế giới rất xa và rất sâu, giống như thế giới cảm xúc của nhân vật Duy. “Khao khát và ham muốn như một tầng dưới của hạnh phúc, bất chấp hạnh phúc chứ không phải vì không có hạnh phúc”. Một nỗi đau hiện hữu dày đặc hơn bất cứ cảm giác nào khác trong cuộc sống hiện tại. Tâm lý của nhân vật trong Tiếng Người được Phan Việt phân tích sâu sắc. Người đọc càng lúc càng nhìn rõ dần những góc nội tâm của các nhân vật - của Người. Tình yêu luẩn quẩn trong tội lỗi và lối thoát chính là sự tha thứ. Kiểu nhân vật như trong Tiếng Người rất ít khi được các tác giả trẻ chạm đến. Bởi có khi sẽ không đủ sức khơi dậy và giải tỏa được nó. Tiếng Người của Phan Việt là một nỗi đau khác trong tình yêu mà cũng là một tiếng nói khác về hạnh phúc.

Trong khi đó, tác giả Dương Bình Nguyên lại chọn góc cuộc sống nơi miền sơn cước. Dễ dàng tìm thấy những trăn trở của tuổi trẻ trong các tập truyện Làng nhan sắc, Về lại thiên đường, Hoa ẩn hương, Giày đỏ (NXB Hội Nhà văn) của cây bút quê Thái Nguyên này; nhưng nổi bật hơn hết vẫn là bức tranh về đại ngàn, về giấc mơ của những con người miền đá núi. Đọc văn của Dương Bình Nguyên, người đọc chìm vào những gam màu của đêm, của nuối tiếc và day dứt nhưng cũng nhìn thấy một vệt sáng rọi vào mỗi bước đi. Tác giả có thể mở ra cho nhân vật một lối đi rất rộng, nhưng cũng có thể là đưa đến bờ vực rồi để cho nhân vật tự tìm thấy bầu trời.

Dù là phản ánh bức tranh cuộc sống hay một khoảng khuất riêng biệt thì mỗi người viết trẻ đều phải tìm một đề tài riêng và theo đuổi đề tài đó đến cùng. Có như thế mới tạo nên một diện mạo riêng cho các tác phẩm của mình mà cũng chính là góp một gam màu đặc trưng tô điểm cho bức tranh văn học trẻ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đọc tiểu thuyết Tiếng Người của Phan Việt

    18/03/2008TVSau 3 năm im hơi lặng tiếng kể từ khi đoạt giải Văn học tuổi 20, Phan Việt xuất hiện trở lại với một cuốn tiểu thuyết sẽ bắt độc giả phải đọc từ đầu đến cuối...
  • Cái cần cho văn học trẻ

    08/05/2006Như HàPhải nói ngay rằng, cái cần cho văn học trẻ vừa là một khái niệm, vừa là một câu hỏi khá chung chung. Thế nhưng, tự thân mỗi người cầm bút lại hay đặt ra trong những lúc muốn nhìn lại công việc viết lách của chính mình...
  • Mùa xuân và văn chương trẻ

    28/01/2006Nguyễn HòaXuân Bính Tuất đã về. Và như là thói quen nghề nghiệp, tôi nghĩ tới những người viết văn trẻ - những người tôi vẫn thường đọc, thường chuyện trò, đôi khi còn hào hứng tranh luận giữa "bãi bia" hay quán cà-phê...
  • Phỏng vấn một nhà văn nữ trẻ

    22/10/2005Lê Thị Liên HoanPV: Thưa cô, có người kêu Bóng đổ là một tác phẩm nói nhiều đến tình dục?
    Nhà văn nữ: Rõ ràng.
    PV: Tại sao cô lại thản nhiên đến thế?
    Nhà văn nữ: Tại vì tôi hiểu rất nghiêm túc: không phải cứ tình dục là khiêu dâm...