Ám ảnh trần tục nơi cửa thiền

06:52 CH @ Thứ Năm - 02 Tháng Hai, 2017

Ăn, ăn và lại… ăn

Cách đây ít lâu, vào ngày Phật đản, trong khi Phật tử, du khách nườm nượp hành hương lên chùa Non cúng đường Đại Phật tượng Phật tổ Như Lai và vào đền Sóc lễ Thánh Gióng đầy thành kính, thì ở ngay bãi cỏ cạnh đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng) diễn ra các hình ảnh chướng tai gai mắt: Rất đông sinh viên ăn mặc mát mẻ, trai quần soọc, gái toàn thun hai dây, cũng quần soóc nô đùa ầm ĩ. Họ chia hai nhóm tổ chức kéo co, nhảy dây, ồn ào náo nhiệt. Nhóm hậu cần hì hục nướng chả, khói bốc thơm lừng. Vài cô cậu đang trong diện tìm hiểu nhau ngồi tâm sự, "bắt chấy”. Cảnh này y như trại hè trong công viên!

Ở các đền, chùa tọa lạc xa Hà Nội người đi lễ "nhất cử lưỡng tiện” coi như đi picnic, nên trước khi đi chuẩn bị rất chu đáo đồ ăn thức uống. Đành rằng "có thực mới vực được đạo” nhưng vấn đề cần lên án gay gắt chính là sự thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh. Nhiều điểm di tích, buồn thay, là "nạn nhân" cho những thói quen vô ý của con người, như chùa Hương, đền Bà Triệu, đền Sóc, đền Hùng, chùa Trầm, đền Và… Sau mỗi ngày lễ hội, chỉ cần nhìn đống rác xả là biết họ mang theo những gì cho cuộc hành hương: vỏ bánh chưng, vỏ giò, vỏ hoa quả, vỏ chai nước suối, vỏ bánh kẹo, vỏ… Tất cả chỉ còn vỏ phần ruột đã được du khách "thụ” hết. Ở đền Sóc, vỏ hộp sữa Vinamilk bị ném vào bể hóa vàng.

Thói quen ăn uống ở bất cứ đâu, kể cả những nơi tôn nghiêm của người đi lễ đã vô tình tiếp tay cho các hàng quán buôn bán nhộn nhạo. Mạnh nhất ở chùa Hương, nơi có lễ hội lớn nhất và dài nhất trong năm. Trên khoảng đất rộng trước khi lên Thiên Trù, mấy chục nhà hàng treo lủng lẳng hươu nai cầy cáo máu rỏ ròng ròng, giữa lối đi bán bánh cuốn, giò chả, trứng vịt lộn... bán suốt mấy tháng cho tới hết hội. Ở nhiều nơi, hàng quán che hết cả lối đi vào đền.

Tại đền Và, dọc lối vào quán cóc lều lán san sát che luôn biển "Cấm bán hàng rong của Ban quản lý di tích.

Mượn oai thần thánh để ra oai

Đó là thói bắt nạt du khách của một số người tự xưng là thành viên của hội "người cao tuổi”, "đoàn thanh niên”, "tổ tự quản” ở các địa phương. Đến đền Bà Chúa Kho, ai cũng ngạc nhiên khi thấy có một dải phân cách bằng cọc tre ngăn đôi con đường. Các xe không rẽ sang các hàng quán quen bên trái được nên phải đi thẳng và đương nhiên là đi… vào bãi để xe. Nếu xe không vào bãi mà ra quán quen gửi cũng phải chi 10.000đ cho một "ông" thậm xưng là ở hội người cao tuổi. Xe nào dám trái lệnh thì dù vào bất cứ quán nào cũng bị "tóm", người ta truy tới tận nơi để thu 10.000đ. Hôm đó có hai khách cự nự "chúng tôi không gửi xe sao phải trả tiền”, ông ta hống hách quát: "đã đi trên đoạn đường này là phải nộp tiền”. Theo "ngu ý" của ông ta con đường (do Nhà nước làm) dẫn vào đền Bà Chúa là đường của “Hội người cao tuổi” nhà ông, và khách phải nộp tiền nếu không muốn bị rắc rối.

Đi lễ thường phải được thư thái về thời gian. Nhưng với khách hành hương đến đền Sóc thì điều đó là không thể. Vì Ban quản lý nhất định bắt đóng cửa đền lúc 16h30, công việc phải được tiến hành dần dần từ 16h sao cho đúng 16h30 sẽ không còn một bóng khách trong đền. Vậy là, vào cụm di tích đền Sóc với 4 điểm chính (đền Trình, chùa Đại Bi, đền Mẫu và đền Thánh Gióng), khách phải đi như chạy, đặt lễ xong hạ lễ ngay, khấn vái vội vàng. Vì, đã có hai thanh niên đứng sẵn bên ngoài đóng cửa rầm rầm, làm hiệu "đuổi khách”.

Tự giác, sao khó thế

Ai vào các điểm di tích hay chùa chiền, đền miếu đều thấy tấm bảng nội quy nhắc nhở: "quý khách ăn mặc kín đáo, đi nhẹ nói khẽ" được treo ở vị trí dễ nhìn nhất. Vậy mà, việc thực hiện được khoản "ngoại y” đúng như trong quy định, xem ra khó quá. Mùa đông, có lẽ do trời lạnh nên mọi người còn chấp hành. Mới sang hè trời nóng quá, nhiều người "quên”. Các thiếu nữ trẻ măng "lòng trần chưa sạch", cứ thế diện áo hai dây, quần lửng, váy ngắn… phô rất nhiều da thịt trắng nõn nường thủng thẳng đi vào đền chùa, cười nói rổn rảng như đi dự khiêu vũ Nhiều du khách nước ngoài cũng rất "thiên nhiên” với áo hai dây, quần buộc dải rút lòng thòng, như đi hóng gió trên bãi biển. Với người xứ ta, bảo vệ không tiện nhắc, còn người Tây, vì bất đồng ngôn ngữ nên cũng đành thôi.

Một số người không hiểu thiếu ý thức hay "chưa thoát nạn mù chữ” nên lờ luôn các chỉ dẫn "chỉ thắp một nén hương”, "không thắp hương” dán đầy trên tường. Họ mặc nhiên đốt từng thẻ hương to rồi tìm mọi cách lén lút qua mặt người bảo vệ để cắm cho bằng hết bó hương đang khói mù mịt lên các ban. Ở một số ban, các lư hương đã được bọc kín một lớp đồng (để ngăn việc cắm hương vào lư), người ta cố tìm những kẽ hở nhỏ tí và… cắm bằng được nén hương của mình. Hình như họ sợ rằng "mình không thắp hương, Bề trên lại cho không thành tâm”. Vì thế cứ thắp dù trong tâm ai cũng biết rằng khói hương sẽ ám vào làm xỉn tượng Phật.... Rồi còn nhiều hình ảnh "tức con mắt” vẫn cứ đang diễn ra. Văn hóa chùa chiền đang bị xâm phạm. Chung quy chỉ tại ý thức tự giác của mọi người "sao mà khó thực hiện". Vì thế, để bầu không khí di tích được thanh tịnh, BQL cũng nên thẳng tay đề ra các biện pháp nghiêm khắc hơn. Tỉ như ở chùa Vàng (Thái Lan), người ta bắt buộc du khách, Phật tử phải thuê quần áo của nhà chùa để phủ lên những soóc, juýp thun hai dây, áo ba lỗ... nhà chùa vừa có nguồn thu mà người dân cũng phải nghiêm túc tuân thủ mọi nội quy đề ra.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bạn theo tôn giáo nào?

    16/04/2017Hồ Anh TháiCó thời nhiều người Việt ra nước ngoài được bạn bè hỏi theo tôn giáo nào thì đều nhanh nhảu mà rằng chẳng theo tôn giáo nào cả. Nhưng hình như có điều không ổn trong chính những câu trả lời kia, nhất là bao giờ nói xong cũng như kèm thêm một vẻ hãnh diện tự đắc, cứ vênh vênh nhơn nhơn ra....
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Trọng mê tín- xem nhẹ trách nhiệm, ham hội hè, "thần mãn"

    21/12/2015Vương Trí NhànXét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình...
  • Hốt rác và xả rác

    08/09/2005Trần Bạch Đằng...tôi nhớ anh Hai Xô và nhớ câu nói của bậc lão thành: "Không còn sức để hốt rác thì đừng xả rác!”...
  • Lỗi của dân trí?

    11/11/2003Thư HoàiXả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?