Bàn về tính chủ thể của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba

Chủ tịch / Tổng giám đốc, InvestConsult Group
05:53 CH @ Thứ Tư - 12 Tháng Ba, 2014

Giới trí thức nào cũng là sản phẩm của một hệ thống kinh tế, hệ thống chính trị, hệ thống văn hoá và hệ thống giáo dục. Trong tiến trình phát triển của một dân tộc, giới trí thức có vai trò rất quan trọng.

Khi nhân dân chưa đạt đến trình độ nhận thức cao thì việc nhận thức, đánh giá trình độ phát triển của dân tộc ấy phải bằng bộ phận tiên tiến nhất của nhân dân là giới trí thức. Tức là, giới trí thức phải là bộ não, là bộ phận tiên phong của nhân dân; giới trí thức phải nhận thức hộ nhân dân, thậm chí còn mách bảo nhân dân. Thế nhưng, một trong những khuynh hướng xấu của giới trí thức là nghĩ hộ nhân dân (nghĩ hộ chứ không phải là nhận thức hộ), cho nên giới trí thức bị cô lập ra khỏi nhân dân, đứng trên nhân dân và họ không có nguồn bổ sung. Sự có ích của giới trí thức là một trong những sự có ích quan trọng nhất của việc khai thác một cách hiệu quả nhất toàn bộ nguồn lực của xã hội. Giới trí thức phải đi cùng nhân dân, nếu không đi cùng nhân dân, không sống cùng nhân dân, không trở thành bộ não của nhân dân, không trở thành bộ phận tiên tiến của nhân dân thì giới trí thức không bao giờ đóng vai trò tích cực với sự phát triển xã hội. Vấn đề là cơ chế nào để giới trí thức đi cùng nhân dân?

Trong lịch sử phát triển của nhiều dân tộc, không phải lúc nào giới trí thức cũng đi cùng nhân dân mà luôn luôn đi cùng nhà cầm quyền vì nhà cầm quyền có điều kiện tạo cho giới trí thức chỗ đứng trong xã hội và tất cả những quyền lợi mà một con người có năng lực như giới trí thức được hưởng. Giới trí thức là một trong những nguồn lực quan trọng mà bất kỳ nhà cầm quyền nào cũng phải tranh thủ. Khi nhà cầm quyền gắn liền với nhân dân thì người trí thức tự nhiên có ích cho nhân dân cùng với sự có ích của nhà cầm quyền. Khi nhà cầm quyền trở thành kẻ cai trị nhân dân, đi ngược lại quyền lợi của nhân dân thì giới trí thức cũng đi theo, tức là, giới trí thức, cùng với nhà cầm quyền, trở thành kẻ phản động trong quan hệ với nhân dân. Vì thế, giới trí thức chỉ có ích cho dân tộc hay đi cùng với nhân dân trong một thể chế dân chủ. Tức là bản thân giới trí thức cũng phải được phân hóa thành những khuynh hướng chính trị khác nhau, những khuynh hướng nhận thức khác nhau và tạo ra tính đa dạng trong giới trí thức. Tính đa dạng trong giới trí thức đảm bảo cho một bộ phận nào đó của giới trí thức luôn luôn gắn bó với nhân dân. Tính đa dạng của hệ thống chính trị tạo ra đòi hỏi là các đảng phái chính trị phải gắn bó hay tìm kiếm lực lượng trong nhân dân của mình. Đi theo hướng này chúng ta sẽ thấy ở bất cứ đâu nền dân chủ hay những tiêu chuẩn của nền dân chủ cũng là công cụ chính trị hết sức quan trọng cho tính tự cân bằng của các lực lượng xã hội. Nếu tính đa dạng về chính trị tạo nên sự tự cân bằng xã hội thì nó cũng tạo ra tính tự cân bằng của từng giới, của từng lực lượng khác nhau, của từng tầng lớp xã hội và nó giảm thiểu cho xã hội những nguy cơ cực đoan, đó là khi mọi giới hoặc một giới trượt theo một khuynh hướng chính trị, và thông thường bao giờ cũng kết thúc bằng sự xa rời nhân dân. Đến đây, có thể kết luận là vì không đi cùng nhân dân mà đi cùng nhà cầm quyền nên giới trí thức đã đánh mất vai trò độc lập của mình, nói cách khác, sự tha hóa của giới trí thức gắn với sự tha hóa của quyền lực.

Để truy nguyên sự xa rời nhân dân của giới trí thức ở các nước thế giới thứ ba, chúng ta cần tìm hiểu nguồn gốc xuất thân của giới trí thức. Giới trí thức hạt nhân của vùng ảnh hưởng văn hóa khác với giới trí thức ở các nước thuộc địa và các nước bị ảnh hưởng. Không chỉ giới trí thức ở Việt Nam mà hầu hết giới trí thức ở các nước thuộc địa trên thế giới đều thoát ly ra khỏi nhân dân. Lý do chính là họ trở thành trí thức bằng con đường đi học, du học chứ không phải bằng con đường tự nghiên cứu, do đó họ không có giá trị chủ thể, không có nền học vấn chủ thể tức là không có tính chủ thể về mặt trí tuệ. Giới trí thức của các nước thuộc địa được hình thành bằng sự ảnh hưởng của các luồng văn hóa của trí thức ở các nước khác, cho nên họ không có nền văn hóa chủ thể, không có hệ thống tư tưởng chủ thể. Hầu hết các nước thuộc địa đều không có những nhà khoa học lớn tầm cỡ như Newton, Copernic hay Pitago... Giới trí thức của những nước thế giới thứ ba có cơ hội đi du học và chỉ có con nhà khá giả mới được đi du học. Bản thân khi là gia đình khá giả thì đã là một quá trình ly khai dần dần khỏi số đông nhân dân lao động và quá trình ly khai nhân dân lao động là quá trình ly khai nhân dân. Khi du học, giới trí thức được tiếp nhận nền văn hóa của các nước cai trị. Trong các tiêu chí của nền văn hóa tiếp nhận từ mẫu quốc đã có mầm mống của việc coi thường nhân dân bản xứ thuộc địa. Trong nội dung trí tuệ của giới trí thức các nước thuộc địa đã có sự coi thường nhân dân bản xứ. Chính vì vậy, tính ly khai nhân dân có từ trong sự du học, từ trong sự thành đạt của giới trí thức. Để trí thức gắn bó với nhân dân thì nhân dân phải thành đạt; nhân dân không thành đạt thì không có giới trí thức của nhân dân. Hầu hết các nước thế giới thứ ba chỉ có giới trí thức chính trị lợi dụng nhân dân chứ không có giới trí thức của nhân dân, quyền lợi kinh tế của giới trí thức cũng không nằm trong nhân dân. Đây chính là điểm cơ bản để nói rằng không thể nào gắn giới trí thức với nhân dân chừng nào nhân dân chưa thành đạt.

Sự lệch lạc về mặt nhận thức của giới trí thức Việt Nam rất khó dự báo bởi nó không cá lẻ. Giới trí thức Việt Nam được hình thành không theo quy luật mà là sự trộn lẫn giữa cơ hội của những cá nhân với nhu cầu sai lầm của xã hội về mặt trí tuệ. Xã hội chúng ta đòi hỏi giới trí thức một cách sai lầm, do vậy, cùng với cơ hội cá nhân đã tạo ra một đội ngũ giới trí thức rất đặc biệt, họ không dự báo được cả cái đúng lẫn cái sai của xã hội, họ ngả nghiêng trước sự thiếu trí tuệ của một dân tộc 80 triệu con người. Chúng ta nhiều tiến sĩ hơn nước Mỹ nhưng lại vắng bóng trí tuệ một cách khủng khiếp. ở Việt Nam, người ta luôn quan niệm là làm quan mới là có địa vị xã hội, tức là thay thế địa vị văn hóa bằng địa vị chính trị. Chính vì thế, giới trí thức luôn tự hào là mình thành đạt hơn nhân dân. Sự tự mãn đó của giới trí thức khiến họ không biết lắng nghe những tiếng khóc của cuộc sống, không hiểu cuộc sống, do đó xa rời cuộc sống.

Giới trí thức lạc hậu, sai lầm, tha hóa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giáo dục vì đó là những thành phẩm, những sản phẩm mang tính gương mẫu, là những module điển hình để con người vươn tới. Nếu vươn tới những cái sai thì người ta sẽ sai, vươn tới những cái hỏng thì người ta sẽ hỏng. Cho nên giới trí thức ảnh hưởng một cách quyết liệt đến chất lượng giáo dục. Giới trí thức thiếu tính chủ thể và cùng với nhà cầm quyền xa rời nhân dân là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự trì trệ, loay hoay không ra khỏi được quá khứ của các nước thế giới thứ ba. Chất lượng con người ở thế giới thứ ba nói với chúng ta rất nhiều về những gì đang cản trở các nước này hội nhập và tìm kiếm một tương lai tươi sáng, trong đó không thể không kể đến sự tha hóa của giới trí thức như là một trong những nguyên nhân chính. Một quốc gia không thể phát triển được nếu không có nguồn lực con người có chất lượng và đáp ứng những yêu cầu của thời đại mới.

Chúng ta sẽ xem xét dưới đây những căn bệnh chung của hệ thống giáo dục ở thế giới thứ ba để thấy chúng đang chi phối chất lượng của nguồn lực con người ở khu vực này như thế nào.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: