Bao giờ mới  hạ hồi phân giải?

03:51 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Mười Hai, 2003

Đâu là sức hấp dẫn thực sự?

Với trẻ em ngày nay, dường như lối văn miêu tả dài dòng, cách viết gợi suy tưởng không còn được các em ưa chuộng và đón nhận nữa. Thay vào đó, lối viết ngắn gọn, súc tích, ngôn ngữ gần gũi với đời thường sẽ tiếp cận các em dễ dàng hơn. Truyện tranh phát triển mạnh mẽ trong 10 năm nay đã đáp ứng phần nào tâm lý ưa mạo hiểm, ham khám phá của thiếu nhi. Sức tác động của truyện tranh là hết sức mau lẹ. Một công trình nghiên cứu ở Nga đã cho thấy, “tốc độ tiếp nhận thông tin khi đọc truyện tranh cao hơn khi đọc sách báo thông thường từ 28 – 30%”. Truyện tranh có hai ưu thế lớn so với loại hình văn xuôi, đó là độ hấp dẫn cao, chức năng giải trí được phát huy tối đa tác dụng.

Hiện nay, ở TP.HCM, vào bất kỳ nhà sách nào ta cũng có thể thấy một rừng truyện tranh mở ra trước mắt. Trẻ em được chọn bất cứ cuốn sách nào chúng yêu thích và có thể ngồi đọc luôn tại chỗ. Vào các nhà sách lớn như Nguyễn Văn Cừ, Xuân Thu, Fahasa, hay phòng đọc sách Nhà Thiếu nhi quận 1 và thư viện Nhà Thiếu nhi thành phố, chúng tôi được biết phần lớn các em vào đây để đọc truyện tranh. Trên các kệ sách, hàng loạt bộ truyện tranh xếp ken dày, đa số của Nhật bản. Có đến 40% tổng số sách là truyện tranh. Công bằng mà nói, truyện tranh Nhật Bản tự thân nó có một sức hút cực mạnh đối với tầng lớp độc giả nhỏ tuổi mà truyện tranh các nước khác không làm được. Ở Nhật Bản, truyện tranh (còn được gọi là “man - ga”) là loại sách phổ biến. Người lớn, trẻ em đọc truyện tranh mọi lúc, mọi nơi: ở quán ăn, trong xe buýt, trên tàu điện ngầm. Nhật Bản có hẳn một nền công nghiệp truyện tranh phát triển mạnh, chiếm tới 1/4 ấn phẩm được xuất bản hằng năm. Họa sĩ – tác giả là người sáng tạo ra cốt truyện, vừa vẽ tranh, vừa viết lời. Họ được mọi người tôn vinh không kém một họa sĩ tài ba.

Các em không chỉ đọc mà còn rất thích diễn kịch theo sách.

Một thống kê của Viện nghiên cứu Thanh niên cho thấy có 7/10 trẻ em thành phố thích và mua đọc truyện tranh. Nếu thói quen đọc truyện tranh ở các em là một động thái say mê tích cực thì chúng ta cũng cần tạo vùng - lựa - chọn - tự - do - cần - thiết cho các em, vì mọi sự cấm đoán hay rập khuôn hóa thị hiếu đều dẫn đến sự phản tác dụng trong quá trình hấp thu giá trị nghệ thuật. Tuy nhiên, thật đáng lo ngại khi thiếu nhi thành phố bây giờ chỉ thích đọc truyện tranh, xem truyện tranh là “độc tôn”, bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng có thể đọc. Sự đam mê thái quá nhiều khi khiến cho các em trở nên mụ mẫm trong mớ hình vẽ liên hoàn. Một tờ báo nước ngoài còn dẫn ra trường hợp một em nhỏ sau khi xem loạt hình về Pôkêmon đã rơi vào trạng thái gần như bị thôi miên. Các chuỗi hình ảnh kỳ dị, khác thường, có sức tác động vô cùng mạnh mẽ đến giác quan và tâm lý trẻ nhỏ. Thiết nghĩ các bậc cha mẹ cần phải biết con em mình chơi gì, đọc gì trong quỹ thời gian rảnh rỗi. Tâm lý cho rằng “đã là sách, hẳn nhiên phải tốt” tồn tại ở người lớn không phải là cá biệt. Chúng tôi hỏi một chị dẫn con đi mua sách: “Chị có quan tâm đến nội dung sách mà con chị đang đọc không?”. Chị lắc đầu cười: “Nó chịu đọc cho là quý lắm rồi em ạ!”. So với các trò chơi sôi động khác thì việc đọc sách tỏ ra “hiền” hơn nhiều. Tuy nhiên tác hại của việc đọc sách báo không lành mạnh không phải một sớm một chiều là thấy ngay được.

Thời gian qua, sự ảnh hưởng tích cực - tiêu cực của truyện tranh đối với thiếu nhi đã trở thành đề tài nóng bỏng được dư luận xã hội quan tâm. Báo chí cũng đã tỏ thái độ không đồng tình về nội dung bạo lực, tình cảm dễ dãi còn sót lại trong những bộ truyện tranh Nhật Bản, dẫn đến thái độ lên án chung mảng sách này. Vừa qua, Cục xuất bản (Bộ Văn hóa – Thông tin) đã tổ chức hội thảo “Những vấn đề về xuất bản truyện tranh hiện nay – thực trạng và giải pháp”. Tại hội thảo, đại diện hơn 10 NXB có tham gia sản xuất truyện tranh trong cả nước đã đem đến nhiều tham luận nhằm “giải” “nỗi oan” mà truyện tranh lâu nay phải gánh chịu... Thật ra, bản thân truyện tranh (gồm những truyện tranh lành mạnh, có ích) hoàn toàn không có lỗi. Vấn đề đặt ra là các Nhà xuất bản, cụ thể là bộ phận làm công tác biên tập – những người được nhà nước giao cho việc “gác cửa văn hóa” – đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa?

“Người gác cửa văn hóa” nói gì?

Xung quanh vấn đề trên, PV VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Công, ủy viên Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI, phụ trách biên tập mảng truyện tranh nước ngoài, NXB Trẻ.

- Là một biên tập viên lâu năm, ông có nhận xét gì về truyện tranh nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường sách thiếu nhi hiện nay?

- Truyện tranh có rất nhiều mảng đề tài: dã sử, trinh thám, kinh dị, khoa học viễn tưởng, võ thuật, tình cảm để chọn lựa. Truyện tranh Nhật có hai loại: loại dành cho thiếu nhi và loại dành cho người lớn. Mỗi loại đều được ghi rõ để người đọc chọn lựa cho phù hợp với lứa tuổi, sở thích của mình. Do sự khác biệt về văn hóa, truyền thống nên hầu hết truyện tranh Nhật không thích hợp lắm với chúng ta về mặt thể hiện như đánh đấm, có nhiều “pha” tình cảm quá phô và đôi khi tự nhiên đến lạnh lùng. Trước nhất, ý thức được trách nhiệm của mình đối với thế hệ trẻ, chúng tôi phải chú ý chọn lựa đề tài, đề xuất với lãnh đạo và xin giấy phép xuất bản của Cục xuất bản. Cho dù đề tài nào cũng không thể bê nguyên xi truyện của người ta cho các em xem được. Ở đây đòi hỏi tới tay nghề và bản lĩnh của biên tập viên.

- Được biết, việc biên tập truyện tranh cần phải có sự chung sức của nhiều người, qua nhiều công đoạn. Ông có thể cho biết quá trình ấy diễn ra cụ thể như thế nào?

- Biên tập viên phải biên tập lại từng câu đối thoại, thậm chí phải “biên soạn” lại bản dịch cho nên khi sách tới tay bạn đọc, đôi khi nó đã thay đổi hoàn toàn. Ví dụ như bộ truyện “Thám tử Kindaichi” có một vụ án: hai chị em ruột vô tình giết chết người cha ruột của mình mà không biết đó là người đã sinh ra mình. Chúng tôi đã sửa chi tiết này khác hẳn bản gốc nhưng vẫn không làm thay đổi cốt truyện. Câu chuyện rất có ý nghĩa giáo dục: cảnh tỉnh con người ta về sự nông nổii trong cách nhìn nhận sự việc, thiếu thận trọng khi rút ra kết luận nên hành động mù quáng, khi biết ra sự thật thì mọi chuyện đã rồi. Và quả thật, khi câu chuyện này tới tay các em, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư gửi về lên án sự nông cạn của hai cô gái đó. Hoặc như trong bộ truyện võ thuật của Nhật, bộ “Thuyền nhân Atula”. Do tính chất quyết liệt, các trận đấu võ đài trong “Thuyền nhân Atula” rất khốc liệt. Nhân vật bị đánh gãy cổ chết, bị móc mắt, và một ông linh mục trên võ đài đã giết người Tất cả điều đó đều được “hóa giải” trong toàn bộ tác phẩm. Người bị đánh gãy cổ chết cũng chỉ bị chấn thương sọ não đưa đi bệnh viện, đòn móc mắt chuyển thành đòn khác, ông linh mục biến thành một võ sĩ, kể cả nhà thờ cũng biến thành nhà riêng Và để làm được những điều đó, chúng tôi phải nhờ đến các họa sĩ. Chính họ sẽ làm giảm thiểu các pha đánh đấm, xóa áo linh mục và vẽ lại áo veston, xóa cây thánh giá trên nóc nhà thờ, biến chỗ cầu nguyện thành ngôi nhà riêng Chính những người họa sĩ đã giúp chúng tôi “thay đổi” tính bạo lực trong truyện tranh ngoại. Họ “mặc” “quần áo” cho các cô gái hở hang, xóa đi những hình ảnh quá lố trong truyện. Họa sĩ là người giúp chúng tôi biên tập khâu kỹ, mỹ thuật để khi sách tới tay các em, những yếu tố nguy hại đều bị xóa sạch. Cho nên, biên tập truyện tranh, nhất là truyện tranh nước ngoài, không dễ một chút nào.

- Vậy truyện tranh nước ngoài có tính giáo dục gì đâu, toàn đánh đấm, chứa đầy yếu tố bạo lực?

- Không, truyện tranh nước ngoài rất có ý nghĩa giáo dục. Bộ “Đôrêmon”, “Siêu quậy Teppi”, “Subasa” chẳng hạn. Bộ truyện “Siêu quậy Teppi” đã được các em nồng nhiệt đón nhận. Và khi phát giải thưởng cuộc thi “Tìm hiểu Teppi”, một vị phụ huynh đã nói: tôi và con tôi cùng đọc, cùng phân tích những mặt tốt, chưa tốt của Teppi. Quả thật đây là bộ truyện có tính giáo dục rất cao. Hoặc bộ “Yaiba”, đây là bộ truyện thoạt trông có vẻ đánh đấm rất ghê, nhưng lại là một trong 10 bộ truyện tranh nổi tiếng được giải thưởng về bảo vệ môi trường, và chẳng có ai chết cả! Bộ truyện còn cười nhạo các nhân vật truyện tranh của Mỹ như người nhện, người dơi... Mỗi bộ truyện tranh đều chứa đựng nhiều yếu tố giáo dục và được ngụy trang rất khéo dưới một hình thức trình bày đầy hấp dẫn, một câu chuyện hết sức ly kỳ. Nói tóm lại, là người biên tập truyện tranh, chúng tôi luôn cẩn trọng khi xử lý bản thảo, cả về nội dung lẫn hình thức. Và nếu có những hạt sạn trong vô số bộ truyện tranh đang chiếm lĩnh thị trường hiện nay, đó là do người ta không biên tập kỹ. Người làm sách mua truyện về, cho dịch, tự làm nhũ và bán lại cho tư nhân. Họ cứ thế mà mua giấy phép rồi tự in ấn và phát hành. Thử hỏi những bộ truyện tranh như thế làm sao đạt yêu cầu?!

Túc Hạnh

LinkedInPinterestCập nhật lúc: