Báu vật dành cho con

05:10 CH @ Thứ Hai - 09 Tháng Sáu, 2014

Nguyễn Du đã khẳng định: “Chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Khoa học đã chứng minh, thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) chiếm đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20%... Gia đình chính là cái nôi nuôi dưỡng thông minh cảm xúc...

Những nguy cơ của gia đình hiện đại

Gia đình vốn được coi là gốc của xã hội. Vậy trong cuộc sống hiện đại ngày nay, gia đình đóng vai trò như thế nào và tầm quan trọng của gia đình với xã hội như thế nào?

Ai cũng biết gia đình là thiết chế xã hội cơ bản nhất cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Gia đình lúc nào cũng vô cùng quan trọng. Chỉ có điều là người ta có đánh giá đúng tầm quan trọng của gia đình hay không thôi.

Vai trò quan trọng nhất của gia đình là giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ em. Từ 0 - 8 tuổi là giai đoạn hình thành tính cách cơ bản nhất của trẻ. Giai đoạn này trẻ chủ yếu sống với gia đình, trong vòng tay ôm ấp của người mẹ. Tờ giấy trắng vẽ dễ, xóa khó. “Vạn sự khởi đầu nan”, “không có cơ hội thứ 2 để gây ấn tượng ban đầu”.


Tiến sỹ Phan Quốc Việt

Cách đây hơn 300 năm Nguyễn Du đã khẳng định “chữ tâm kia mới bằng 3 chữ tài”. Ngày nay các nhà khoa học đã khẳng định thông minh cảm xúc (EI - Emotional Intelligence) đóng đến 80% vai trò thành công của con người, thông minh logic (IQ) chỉ chiếm 20% năng lực con người. Không có tình cảm nào có thể lớn hơn, thay thế được tình cảm gia đình cả.

Tuy nhiên hiện nay, xã hội Việt Nam đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giáo dục. Người ta chạy đua theo lối sống vật chất nên lãng quên đi những giá trị cốt lõi nhất, giá trị tinh thần, tình yêu thương. Các đại gia hiện nay chỉ chú trọng lo cho con một cuộc sống đầy đủ (thậm chí dư thừa) về mặt vật chất nhưng lại quên mất việc phải giáo dục chuẩn mực đạo đức, ứng xử cho con cái. Tất cả trách nhiệm giáo dục con cái trao lại cho nhà trường.

Tam giác vàng trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em là Nhà trường – Gia đình – Xã hội hiện nay đang bị mất cân bằng. Ông cha ta dạy: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Tình thân vẫn đáng quý hơn tất thảy. Sức ảnh hưởng của gia đình đến cuộc sống của mỗi con người không gì có thể so sánh được. Chúng ta cần phải nhận thức đúng tầm quan trọng của gia đình để phát huy vai trò của gia đình đối với xã hội.

Thưa tiến sỹ, gia đình hiện nay với gia đình trong quá khứ khác nhau như thế nào? Sự thay đổi này mang tính tích cực hay tiêu cực nhiều hơn?

Tích cực và tiêu cực chỉ là khái niệm tương đối. Ngày xưa, con trẻ tiếp nhận thông tin về thế giới bên ngoài qua ông bà, bố mẹ, anh chị. Ngày nay, do sự phát triển của các phương tiện truyền thông, con trẻ nắm bắt được thông tin về cuộc sống bên ngoài qua rất nhiều kênh: ti vi, điện thoại, máy tính bảng,... Thậm chí, chúng còn nhanh nhạy về mặt thông tin hơn cả bậc cha mẹ. Mặt tích cực của cuộc sống hiện đại là cha mẹ và con cái bình đẳng về mặt thông tin. Tuy nhiên, mặt tiêu cực của nó là con trẻ chưa đủ nhận thức để phân biệt thông tin nào là tốt, thông tin nào là xấu mà học cái xấu bao giờ cũng nhanh hơn học cái tốt.

Một điểm khác biệt nữa của gia đình xưa với gia đình nay là tính kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Chính sự phát triển của khoa học công nghệ khiến cho sự kết nối, sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi. Lấy ví dụ đơn cử như trong bữa cơm tối chẳng hạn: bố đọc báo trên điện thoại, ông bà xem ti vi, trẻ nhỏ ôm iPad chơi điện tử. Ánh mắt, cử chỉ, nụ cười là nền tảng của cảm xúc, là cái làm cho con người người nhất. Thiếu giao tiếp trực tiếp đồng nghĩa với bóp chết thông minh cảm xúc. Nhiều khi chúng ta ngồi cạnh nhau mà nhắn tin cho nhau chứ chả thèm ngó ngàng đến nhau. Đây cũng là một mặt tiêu cực đáng phải thay đổi của cuộc sống hiện đại.

Tiến sỹ nhận xét như thế nào về văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay?

Một số gia đình hiện đã và đang xây dựng văn hóa gia đình rất tốt: vừa dân chủ lại vừa giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp. Trong khi đó, một số gia đình không quan tâm đến việc xây dựng văn hóa gia đình và có xu hướng bị vật chất hóa.

Có những bậc cha mẹ chỉ lao đi kiếm tiền để lo cho cái bề ngoài: học trường quốc tế, quần áo đẹp, xe xịn, điện thoại sang mà quên mất việc giáo dục con cái. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhà trường hiện nay chỉ tập trung vào mặt đào tạo hơn là giáo dục. Chính vì vậy, trách nhiệm giáo dục lễ nghĩa, cách ứng xử cho con trẻ của gia đình càng quan trọng hơn. Tôi đã từng nói chuyện với rất nhiều trẻ em và thậm chí là các bạn sinh viên và phát hiện ra một sự thật đáng buồn rằng: Giới trẻ Việt Nam hiện nay không hề có ước mơ, hoài bão. Trẻ em học như một cái máy, sinh viên chỉ có mục tiêu mà không có khát vọng. Phát hiện tài năng, vun đắp ước mơ từ khi trẻ còn nhỏ - đó chính là trách nhiệm của gia đình và vấn đề này hiện đang bị quên lãng. Cha mẹ hiên nay chỉ đầu tư cho con học, học càng cao càng tốt, ra trường xin được việc làm là hoàn thành nghĩa vụ.

Một mặt khác, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình có vững thì xã hội mới phát triển. Tuy nhiên, việc định hướng xây dựng gia đình văn hóa hiện nay vẫn rất chung chung và mơ hồ. Chúng ta có danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhưng thước đo chuẩn mực của một gia đình văn hóa thì không có. Việc nhân rộng mô hình “gia đình văn hóa” cũng dậm chân tại chỗ.


Hãy nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương

Mẹ mới là người thầy giỏi nhất...

Tiến sỹ đánh giá thế nào về vai trò của người vợ trong cấu trúc gia đình hiện đại?

Bao giờ cũng thế, gia đình nào cũng thế, người vợ là quan trọng nhất. Người bố, xét về một mặt nào đó có quá nhiều mối quan tâm và không thể nào gần gũi với con bằng người mẹ. Người mẹ đóng vai trò chủ đạo trong việc nuôi dưỡng cũng như nuôi dạy con cái.

Người bố chỉ đóng vai trò định hướng, dẫn dắt con cái còn việc chăm lo, dạy dỗ cho con từ nhỏ đến lớn, quan tâm đến từng vấn đề nhỏ nhất của con phải là người mẹ.Các cụ có câu “Mẹ nói trăm câu không bằng cha đe một tiếng”. Quan điểm này đã cũ. Những người mẹ “vừa kỷ cương, vừa yêu thương” mới là người thầy giỏi nhất.

Trong gia đình tiến sỹ, ai là người quyết định những vấn đề quan trọng? Có bao giờ tiến sỹ và vợ có quan điểm khác nhau về cách dạy con không? Tiến sỹ có thể kể một ví dụ về xung đột thế hệ trong gia đình mình và cách giải quyết?

Những vấn đề định hướng nghề nghiệp do tôi khuyến khích. Thường thì một năm tôi nói chuyện nghiêm túc với con mình một lần, định hướng cho con trong năm nay nên làm gì, phải đạt được gì.Chuyện giáo dục con những cái nhỏ như nết ăn, lời nói, cách ứng xử với những người xung quanh là do vợ tôi đảm nhận.6. Được biết 2 con của tiến sĩ đều được học bổng du học nước ngoài, bí quyết nào?

Như đã nói ở trên, ngay từ nhỏ tôi đã nuôi khát vọng cho các cháu. Báu vật để các cháu mang theo suốt cuộc đời đó là khát vọng sống, hoài bão sống. Khi có khát vọng và hoài bão chúng ta luôn vượt qua mọi thách thức cuộc đời, luôn vươn tới đỉnh cao của hạnh phúc và thành đạt.

Một cái đáng lưu ý là bố mẹ bây giờ chỉ lo vật chất cho các con mà quên mất ý chí. “Có chí thì nên”, “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Nên nhớ rằng vật chất là hữu hình. Hữu hình bao giờ cũng hữu hạn, vô hình mới vô cùng vô tận vô lượng vô biên.

4 chị em nhà tiến sỹ đều đậu đại học, 2 người con trai là tiến sỹ, tại sao con thứ 2 của tiến sỹ lại không tốt nghiệp đại học, phải chăng là không cần kế thừa truyền thống gia đình?

Truyền thống gia đình là vị trí trong xã hội chứ không phải bằng cấp. Thực chất chứ không chỉ hình thức.

Báo điện tử Gia đình Việt Nam tập trung khai thác các khía cạnh của đời sống gia đình. Tiến sỹ đánh giá thế nào về triển vọng của Báo điện tử Gia đình Việt Nam?

Chưa bao giờ vai trò của gia đình lại quan trọng như bây giờ nhất là trong lúc khủng hoảng cả về chính trị và kinh tế. Gia đình là nơi duy nhất giữ cho con người ta niềm tin vào cuộc sống, cũng là nơi mà chúng ta tin tưởng nhất.

Nhận rõ vai trò của gia đình, Hội nghị 9 BCH TW khóa 11 đã đưa việc xây dựng văn hóa gia đình thành một trong 3 trụ cột của xây dựng văn hóa Việt Nam. “Ban Chấp hành Trung ương xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đả bản sắc dân tộc là: xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là nhân cách, lối sống; tiếp tục xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo điều kiện cho việc xây dựng nhân cách, lối sống con người; chăm lo xây dựng văn hoá trong chính trị, văn hoá trong kinh tế và văn hoá gia đình. ”Chính vì thế, chúng ta cần một cơ quan truyền thông có sứ mệnh, có định hướng rõ ràng, một kim chỉ nam, một la bàn cho việc xây dựng văn hóa gia đình Việt Nam, thiết chế nền tảng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam.

Tôi tin rằng Báo điện tử Gia đình Việt Nam là một cơ quan như vậy. Tôi xin đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tờ báo phát triển nhanh hơn, góp phần xứng đáng cho việc xây dựng Văn hóa gia đình Việt Nam – Trụ cột của Văn hóa Việt Nam.

Xin cám ơn tiến sỹ!

Tiến sỹ Phan Quốc Việt là người sáng lập Tâm Việt group, doanh nghiệp chuyên đào tạo về kỹ năng mềm. Tốt nghiệp Tiến sỹ Toán Lý ở Liên Xô cũ, đã từng làm chánh văn phòng PetroVietnam, nhưng ông lại là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho kỹ năng sống ở Việt nam.

Ông là chủ biên của bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Lớp học của Tiến sỹ Phan Quốc Việt luôn vang tiếng cười. Người ta thường gọi ông với cái tên than thương “Tỷ phú kỹ năng mềm”.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giáo dục gia đình - những thách đố mới

    13/03/2017Nguyễn KiênKhông thể có sự hình thành và phát triển nhân cách một cách đầy đủ và vững bền nếu không có một môi trường giáo dục gia đình thuận lợi. Bởi vì gia đình là thể chế đầu tiên quan trọng nhất in dấu lên nhân cách đang hình thành vào lứa tuổi còn non dại, khi trẻ em chưa có ý thức rõ về điều đó...
  • Bạn đang làm gì với cuộc đời mình: Sáng tạo hay thụ động?

    04/03/2016Nhà văn Hà Thủy NguyênKhông cần biết những truyền thuyết về nguồn gốc loài người là đúng hay sai, nhưng dễ dàng để nhận thấy một điểm chung, chúng ta đã quá quen với việc thụ động và bị điều khiển bởi ai đó hay một quy luật nào đó...
  • Tình dục tác động đến sự phát triển của văn minh nhân loại

    14/04/2014Nguyễn Phương Mạnh reviewLeonard Shlain, tác giả của “Nghệ thuật và Vật lý” vốn là một bác sĩ, ông đã thể hiện những hiểu biết về cơ thể con người kết hợp với khảo cổ để lý giải một số lỗ hổng trong cậu chuyện tiến hóa của loài người trong quyển “Sex, time and power”. Ông cho rằng trong quá trình tiến hóa: người phụ nữ khó đẻ, dẫn đến phát triển khả năng nói không với tình dục, dẫn đến hàng loạt thay đổi...
  • Nói chuyện phim "Noah: Đại Hồng Thủy"

    03/04/2014Noah (Đại Hồng Thuỷ – 2014). Đạo diễn: Darren Aronofsky. Diễn viên: Russell Crowe, Jennifer Connelly, Emma Watson, Logan Lerman. Khởi chiếu từ 28/3/2014 tại Việt Nam...
  • Lạc quan với "Thế hệ tôi"

    07/09/2013Lan HươngNhững con người ích kỷ, mê công nghệ và lười lao động - đó là phác thảo sơ nét về thế hệ Tôi. Nhưng liệu có nên bi quan về họ không?
  • Bí quyết dạy con thành tài của người Do Thái

    03/07/2013Vương LinhChỉ hơn 13 triệu dân nhưng chiếm gần 40% tỷ lệ người đoạt giải Nobel, người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Một trong những “bí quyết” là dạy con biết vượt khó, làm việc nhà, liên tục đặt câu hỏi… từ nhỏ.
  • Sống tích cực như sức xuân

    16/02/2011Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Tâm Việt Group
    Ta cũng mong muốn
    mình sẽ như những chồi xuân, luôn vươn tới ánh sáng mặt trời, luôn mơn
    mởn tươi vui, tuôn trào nhiệt huyết, mong muốn hiến dâng, lan tỏa. Ta sẽ
    phát triển, sinh sôi nảy nở, lớn lên từng giờ, từng ngày. Nhưng nghĩ và
    nói về điều đó chưa đủ để cuộc sống của ta luôn tích cực như sức xuân.
    Vì mỗi chúng ta có ba phần: tư duy (trí), hành động (thân) và cảm xúc
    (tâm). Người tích cực là người có tư duy tích cực, hành động tích cực
    và cảm xúc tích cực.... Sống tích cực là hài hòa cả trí, tâm, thân đều tích
    cực. Cái gốc của sống tích cực xuất phát từ cảm xúc tích cực
  • xem toàn bộ