Biện chứng của phát triển

10:11 SA @ Thứ Ba - 02 Tháng Giêng, 2007

Con thuyền đất nước đã vượt qua quãng nước lợ pha vị mặn ở đầu cửa sông, khởi đầu một vòng lượn ngoạn mục ở khúc quanh của dòng chảy hướng ra biển, ngoái nhìn lại những thác ghềnh sông nước năm 2006, càng cảm nhận sâu về sức cuộn chảy kỳ diệu của dòng sông cuộc sống, càng thấm hiểu về biện chứng của sự phát triển.Cảm nhận về sự phát triển trước thềm năm mới của Giáo sư Tương Lai.

Vì sao tâm thế lục địa vẫn lấn át cảm hứng đại dương?

Bao đời đứng trước biển, “mỗi người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả ở trên miền núi, hình như bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả ngày đêm không mỏi vỗ sóng vào bờ…Ngay cây rừng cũng mọc rậm rạp hơn ở hướng nhìn ra biển Đông và hướng nhà đâu đâu cũng quay về phía gió biển đến” mà sao cái “tâm thế lục địa” vẫn lấn át “cảm hứng đại dương”*. Giải mã chuyện này cần lắm, nhưng không dễ. Phải có thời gian đầu tư nghiên cứu một cách nghiêm túc, trung thực và mạnh dạn.

Cái trì trệ “ta về ta tắm ao ta” thì đã nói quá nhiều rồi, nhưng do đâu và rồi sẽ chuyển đổi thế nào đây, và có chuyển được không? Là một bán đảo với hơn 3260km bờ biển, hải phận mở rộng ra 12 hải lý, tức là trên 22km và vùng kinh tế biển rộng 200 hải lý thường tương ứng với thềm lục địa ở đáy biển, nối dài bờ biển ra ngoài khơi đến độ sâu 200m*, ấy vậy mà mãi đến những năm đầu thể kỷ XXI ta mới có sức đóng chiếc tàu vạn tấn! Ông cha ta cũng đã từng có những trận thủy chiến lừng danh, thế sao mãi không có nổi những hạm đội đúng nghĩa ? Một đội thương thuyền vượt biển cũng chưa . Ngay cả đến việc chăm lo chuyện làm ăn với biển mà cũng chỉ là một Bộ Thuỷ sản, thế “hải sản” thì sao? Sức hút của nguồn tài nguyên biển vô tận mà không phải quốc gia nào cũng có , một lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho dân tộc này, xem ra còn yếu quá. Đúng là cái tâm thế dành cho biển, hướng ra biểnvẫn chưa đủ độ chín cần thiết. Cho đến nay, ta vẫn chưa có được những hải cảng đủ sức nhận và chuyển hàng đáp ứng được đòi hỏi của các nhà đầu tư, họ vẫn phải qúa giang tại Singapore, một nước chỉ hơn ba triệu dân với điểm xuất phát năm 1975 hình như cũng không hơn ta.

Trong khi đó, nước ta thì “hình khe thế núi gần xa, đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao”, thiên nhiên ưu ái cho ta một dải bờ biển vừa lý tưởng cho nền công nghiệp không ống khói, vừa nhiều vụng, vịnh cũng lý tưởng không kém cho các hải cảng lớn, chứ đâu chỉ mình quân cảng Cam Ranh vừa chuyển chức năng những năm gần đây. Trong chiến tranh, cùng với đường mòn Hồ Chí Minh thần kỳ xẻ dọc Trường Sơn, cũng đã có đường Hồ Chí Minh trên biển, kinh nghiệm và bản lĩnh sóng nước đâu có thua kém ai, sao giờ đây chỉ một chuyện gọi thuyền đánh bắt xa bờ nhằm trú, tránh bão mà xem ra cũng còn lúng túng và vất vả quá ở thời buổi Internet nối mạng toàn cầu! Thế mà Việt Nam đã đạt kỷ lục phát triển 10 triệu thuê bao điện thoại/năm, và là quốc gia thứ ba trên thế giới khai thác dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trên điện thoại di động. Chẳng lẽ các số liệu trên chỉ để “sành điệu”?

Điều kỳ diệu và nghịch lý

Hình như có quá nhiều “nghịch lý”. Có phải vì thế mà vừa rồi, Viện Nghiên cứu phát triển thuộc Đại học Tổng hợp Geneva tổ chức cuộc Hội thảo “Những bài học từ Việt Nam” giữa tháng 12/2006 tại Thụy Sĩ. Nhiều bài học thành công và không thành công đã được phân tích thẳng thắn về những “điều kỳ diệu” và những “nghịch lý”. Mà ngẫm nghĩ kỹ, làm ra sự kỳ diệu vì đã vượt lên những nghịch lý để đi tới. Việt Nam đã “nhận thức được thách thứcđang vật lộn với những giải pháp. Mà giải pháp thì không ai khác chính là người Việt Nam phải lao tâm khổ tứ để tìm ra”!

Đất nước này đã từng tìm ra “những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải” như nhận định cũng của một học giả nước ngoài, để vượt qua được những “nghịch lý”, những thách đố tưởng chừng không thể nào vượt qua nổi. Liệu những bứt phá ngoạn mục trên lĩnh vực đối ngoại năm 2006 có là một ví dụ cập nhật cho điều đó? Nhưng có được sự bứt phá đó chính là do “trái ngọt của 20 năm miệt mài chuẩn bị”, như nhận xét rất chính xác của tờ Le Figaro.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay là 8,17%, cũng là năm thứ 25 kinh tế Việt Nam tăng trưởng liên tục. GDP bình quân đầu người khoảng 725USD, dấu hiệu của việc vượt qua ranh giới nước đang phát triển có thu nhập thấp. Tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt cao hơn khu vực kinh tế nhà nước về giá trị sản xuất công nghiệp, đầu tư xây dựng, xuất khẩu, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 9,9 tỷ USD, đạt kỷ lục cả về vốn đăng ký mới và vốn bổ sung và 4,1 tỷ USD vốn thực hiện, cùng với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng đạt kỷ lục cam kết là 4,45 tỷ USD.Quả thật vào WTO là “con dấu chứng nhận chất lượng của nền kinh tế Việt Nam mà rất nhiều các công ty lớn trông đợi.Họ đang chờ để “tràn vào Việt Nam như nước lũ”, theophát biểu của đại diện hãng Ford ở Việt Nam. Nhưng, “nước lũ” đem lại phù sa cho đồng ruộng và tôm cá cho miền sông nước, cũng có thể phá hủy nhà cửa, mùa màng nếu không có những chủ động chuẩn bị đón nhận sự kiện ấy như một xu thế hiển nhiên. Trong mỗi xu thế đều có thách thức và thời cơ, chúng quyện vào nhau, có khả năng chuyển hóa lẫn nhau. Biến thách thức thành thời cơ, chủ động tạo ra thời cơ, đó là bản lĩnh của người đứng đầu sóng ngọn gió trong cái thế giới đầy biến động mà mọi dự đoán đều không chắc chắn.

Vì thế, kiểu tư duy tuyến tính đang tỏ ra không thích hợp trước sự phát triển phi tuyến tính. Những ai chần chừ tin rằng tương lai sẽ là sự tiếp tục đơn thuần của quá khứ, sẽ cảm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi. Cũng sẽ là quá muộn nếu không dám có những suy nghĩ táo bạo, những tìm tòi mạnh dạn,những bung phá sáng tạo để tìm ra những bước đi và cách đi phù hợp với thực tế của đất nước. Những phẩm chất đó đang được ươm mầm và sinh sôi nảy nở trong thế hệ trẻ, nguồn sinh lực bất tận của dân tộc. “Nguyên khí quốc gia” không thể tìm ở đâu khác ngòai nguồn sinh khí vô tận đó. Thế nhưng công việc to tát đó lại khởi nguồn từ những việc hàng ngày, những chuyện của “đời thường” mộc mạc không tô son vẽ phấn. Chẳng hạn, câu chuyện nghịch ngợm của câu học trò ở Vĩnh Long mà như cái tít của một tờ báo có rất đông độc giả trẻ nêu lên : “Lớp trẻ đang nhìn cách giải quyết của chúng ta”.

Khỏi phải nhắc lại nội dung và diễn biến, kể cả bức thư tâm tình của một Bộ trưởng xoay quanh chuyện nhỏ này, mà xin vào ngay nghịch lý: Trừng phạt hay biểu dương? Ngợi ca hay chê trách? Tiểu tiết và đại sự xoay quanh sự nghịch ngợm của một tính cách với sự hồn nhiên của hành vi vi phạm pháp luật, và ý thức cảnh báo đầy tự tin của một bảnlĩnh có trí tuệ rất thông minh cùng với trách nhiệm công dân của cậu học sinh 17 tuổi ở Vĩnh Long?

Thông thường, hình như người lớn thích loại con cháu “gọi dạ bảo vâng” và dường như đối với các cháu bé thì không “đức tính” nào người lớn thú vị bằng sự vâng lời. Xưa kia, trong lối mòn của đạo đức học Nho giáo thì đó là“nối tiếp, làm theo, không thay đổi (kế, thuật, vô cải).Ấy thế mà, cách đây 6 năm, nhiều người lại tỏ ra thích thú khi đọc được tin về Tạp Chí “Time” trao giải nhất cuộc thi trả lời câu hỏi dành cho lứa tuổi từ 16 đến 18 : “Ai là nhân vật quan trọng nhất thế kỷ XXI” cho cô bé Carolin Pan của Philippines. Câu trả lời của em thật độc đáo : “Tôi”! Tôi sẽ hét to lên điều này với tất cả thành phố nếu cần phải như vậy. Tôi cho rằng chính tôi, một học sinh trung học, là người quan trọng nhất thế kỷ. Tôi còn chưa ghi dấu ấn của mình vào lịch sử thế giới, và tôi không khao khát trở thành một Albert Einstein hay một Bill Gates khác. Bởi vì tôi chỉ muốn là tôi… Chúng ta không biết cái gì hay hơn hơn sao? Chúng ta không thể ghi dấu ấn bằng chính con người thực sự là của mình hay sao? Liệu, với chúng ta, ta có trao giải nhất cho một cô học trò 16 tuổi, tuổi của trò Trí của chúng ta nay, với câu trả lời “có vẻ ngỗ ngược” như vậy không?

Xin gợi ra ba ví dụ trong lịch sử thay cho câu trả lời trực tiếp :

Một, vào đầu thế kỷ XII, Thiền sư Quảng Nghiêm, tác giả của bài thơ “Hưu hướng Như Lai” (Đừng đi theo bước Như Lai) viết: Nam nhi tự hữu xung thiên chí, Hưu hướng Như Lai hành xứ hành (Làm trai phải tự có chí xung trời thẳm, Đừng nhọc mình dẫm theo vết chân Như Lai). Xin lưu ý, đây là lời của một bậc trí giả đi tu, một thiền sư!

Hai, Trần Quốc Toản vì giận mình mới 16, chưa đủ tuổi cầm quân, bóp nát quả cam cầm trong tay lúc nào không hay, bất tuân lệnh vua, từ Hội nghị Bình Than trở về, tự động lập đạo quân tuổi thiếu niên với là cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân”, lập được chiến công, hy sinh lúc 18 tuổi, được Trần Nhân tông phong tước Hoài Văn Vương.

Ba, nhà bác học lừng danh Lê Quý Đôn hồi nhỏ là một cậu bé tinh nghịch, tuy nổi tiếng là thần đồng, nhưng cha mẹ luôn phiền lòng với thói “rắn đầu” của cậu con ngỗ ngược. Tương truyền Lê Quý Đôn làm bài vịnh rắn để tạ tội với thầy học và với cha mẹ, nhưng cũng để biểu lộ cái chí khí và tính cách của mình , bài “Rắn đầu biếng học”với nhiều tên các loài rắn: “Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà, Rắn đầu biếng học lẽ không tha, Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ, Nay thét mai gầm rát cổ cha. Ráo mép chỉ quen lời lếu láo,…,Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”. Hình như sự “ngỗ ngược”, “rắn đầu” lại là một nét của “thần đồng” tuổi trẻ của nhà bác học lớn nhất trong lịch sử của ta. Đó là một nghịch lý. Đúng, là nghịch lý của phát triển và cũng là biện chứng của phát triển.

Thì ra, xưa nay, không thiếu những nghịch lý. Nhưng, liệu có sự phát triển nào lại không là sự vượt qua những nghịch lý để bứt lên? Dường như, khi cái mới xuất hiện, thường thoạt nhìn có vẻ ngược đời! Ngược đời theo cái lôgic “những chân lý khoa học bao giờ cũng ngược đời, nếu người ta phàn đoán về chúng trên cơ sở kinh nghiệm hàng ngày, kinh nghiệm này chỉ nắm được cái bề ngoài giả dối của sự vật” mà cụ Mác đã chỉ ra! Làm sao thấy cho ra, trong những sự việc hay hiện tượng thoạt nhìn có vẻ “ngược đời” [hoặc “ngỗ ngược” như đã dẫn ra ở trên] lại ẩn chứa những chân lý đang cần tìm tòi, phát hiện, những tiềm năng cần được tạo điều kiện để bừng nở thành khả năng hành động. Cũng có nghĩa phải thấy được những điều kỳ diệu sẽ nảy nở từ những “nghịch lý” trong quá trình được vượt qua để thực hiện sự phát triển.

Vậy thì, một câu hỏi được đặt ra: chúng ta sẽ cứ bằng lòng và an tâm với những em học sinh hiền lành, dễ bảo, cung cúc làm theo mọi sự chỉ dẫn trong gia đình và nhà trường để rồi cũng sẽ ngoan ngoãn và dễ bảo khi là công dân trong xã hội, tự bằng lòng với những ânhuệ được ban phát, vâng chịu tuân thủ phương châm “nối tiếp, làm theo, không thay đổi”. Hay là chúng ta chủ động tao ra một tâm thế, một dư luận, một cơ chế khuyến khích những tài năng bứt phá, những bản lĩnh dám tìm tòi sáng tạo mà thông thường thì không là sản phẩm đại trà? Tự vượt lên chính mình, bứt khỏi sức trì kéo dai dẳng của quán tính bảo thủ, trì trệ mà đôi khi được khoác ra ngoài bộ cánh kiên định, vững vànglà một đòi hỏi của phát triển trong thời đại mà biến đổi là hằng số của cuộc sống. Mà cũng chẳng phải cao đàm khoát luận, đôi khi chỉ từ cách giải quyết một câu chuyện nhỏ như chuyện của “trò Trí ở Vĩnh Long” cũng thấy ra được những điều tự vượt lên đó.

Bước vào năm 2007 với bao thử thách, ước ao sao thế hệ trẻ thế kỷ XXI có được cái táo bạo bứt phá của vị Thiền sư thời nhà Lý thế kỷ XII : “Nam nhi tự hữu xung thiên chí, hưu hướng Như Lai hành xứ hành”, đặng có được cái chí lớn “xông lên trời”, đưa đất nước vươn tới chân trời mới.

Nguồn:Vietnam Net
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm hứng của sự phát triển

    27/09/2016Minh Châu thực hiệnTham gia vào cuộc đua toàn cầu mà ở đó không hề có sự ưu tiên, ưu đãi nào, WTO mở ra cánh cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, và rộng hơn nữa, với các thể chế phát triển của thế giới. Có một chuyên gia đã từng cho rằng từ “chợ” nhà ra “chợ” WTO, doanh nghiệp, doanh nhân phải làm rất nhiều...
  • Tiếp tục phát triển tư tưởng của Cách mạng tháng Tám

    19/08/2016Lê Đăng DoanhCách mạng Tháng Tám là bước nhảy vọt vĩ đại của tư tưởng phát triển, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Độc lập, tự do, hạnh phúc, mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, đó là những chân lý có sức mạnh mãnh liệt phát huy và khơi dậy sức mạnh của một dân tộc bị nô dịch, áp bức, bị chiến tranh và nạn đói tàn phá. Chính những tư tưởng bất hủ này đã trở thành sức mạnh vật chất của cả một dân tộc, chắp cánh cho dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích trong chiến đấu và dựng nước...
  • "Phát triển bền vững" nhìn từ góc độ xã hội và văn hóa

    25/09/2014Trần Hữu DũngTừ giữa thập niên 80 đến nay, "phát triển bền vững" đã trở thành một ý niệm thời thượng. Nó là khẩu hiệu của hàng trăm tổ chức quốc tế, đề tài của mấy cuộc hội nghị, hội thảo toàn cầu, và một tiêu chuẩn quan trọng trong chiến lược phát triển của hầu hết mọi nước...
  • Cá nhân và Lịch sử: Mối quan hệ biện chứng giữa quần chúng và người lãnh đạo

    14/05/2014Nguyễn Trần BạtNgười ta thường nói rằng sự nghiệp là của quần chúng. Điều đó không sai, nhưng nếu nói sụ nghiệp chỉ là của quần chúng thì hoàn toàn không đúng. Những bước ngoặt trong lịch sử các dân tộc thường gắn liền với các tên tuổi lớn: ở Nhật Bản là Minh Trị, ở Nga là Pie đại đế, ở Việt Nam là Hồ Chí Minh... Bởi vì thửa ruộng cày được không phải do công lao của cái cày. Nếu chúng ta phân tích theo logic, rằng những người lao động trực tiếp tạo ra sự nghiệp, tạo ra lịch sử, thì chúng ta cũng buộc phải phân tích tiếp: con trâu còn quan trọng hơn cả con người...
  • Văn hóa trong phát triển

    11/09/2013Nguyễn Lân DũngVăn hóa đâu phải là sự thăng hoa, sự phản ánh của kinh tế. Đâu phải kinh tế cần đi trước, có tiền thì mới có điều kiện phát triển văn hóa. Ngược lại muốn làm kinh tế, muốn quản lý kinh tế phải có văn hóa...
  • Sách Cải cách và Sự phát triển

    23/09/2009Nguyễn Trần Bạt...cải cách và đổi mới là điều quen thuộc bởi chúng ta vẫn đang nghe đến và ngẫm nghĩ mỗi ngày. Với việc nghiên cứu nghiêm túc, công phu các quá trình đổi mới, cải cách đã qua của nhiều nước, tác giả Nguyễn Trần Bạt cho ra đời tác phẩm “Cải cách và Phát triển”. Dẫu rằng các quan điểm, chiêm nghiệm là từ riêng tác giả nhưng tin chắc rằng với cách nhìn không theo lối mòn, với sự suy nghĩ có trách nhiệm và với chiều sâu học thuật ấy, những điều hợp lý trong cuốn sách sẽ là đóng góp có giá trị, thắp sáng hơn ngọn đuốc soi đường cho tiến trình phát triển của chúng ta...
  • Phép biện chứng duy vật với việc khắc phục những sai lầm trong tư duy ở ta

    05/07/2006Đinh Cảnh NhạcVới bản chất khoa học cách mạng và phê phán, phép biện chứng duy vật, như Mác và Engen đã khẳng định: "không chịu khuất phục trước một cái gì cả”. Phép biện chứng duy vật không chỉ đối lập với phép biện chứng duy tâm, mà nó còn là phương tiện chủ yếu để khắc phục, ngăn ngừa các khuynh hướng tư duy dẫn đến nhận thức sai lầm các quy luật khách quan chi phối sự biến đổi của đời sống xã hội...
  • Một số “rào cản” cần vượt qua để phát triển đối với các dân tộc Châu Á trong bối cảnh toàn cầu hóa

    31/05/2006TS. Đỗ Lan HiềnCó thể nói, ảnh hưởng của nền văn hoá Khổng giáo, Phật giáo, Lão giáo, Ấn Độ giáo... cùng với những điều kiện xã hội, tự nhiên (sinh thái) khác biệt đã tạo ra những “rào cản" về mặt văn hoá - xã hội đối với các dân tộc Châu Á, khi hội nhập với thế giới. Với những "rào cản" này, các dân tộc Châu Á không dễ dàng tiếp nhận toàn cầu hoá. Do vậy, để có thể vượt qua những "rào cản" này khi hội nhập với thế giới, các dân tộc Châu Á không chỉ cần phải tự tin, vững bước phát triển và mạnh dạn hiện đại hoá, mà còn cần phải biết điều chỉnh cả thái độ lẫn đường lối, chính sách để khai thác tốt những cơ hội mới do toàn cầu hoá hiện nay mang lại...
  • Tồn tại và phát triển

    05/04/2006Hồ Ngọc ĐạiChính trị là gì? Cách nói của Tôn Trung Sơn có lẽ dễ hiểu hơn cả: “Về ý nghĩa của hai chữ “chính trị”, nói giản đơn thì “chính” là việc của dân chúng, “trị” là quản lý, quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính trị...
  • Công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay: Nhìn từ giác độ mâu thuẫn của quá trình phát triển

    01/01/2006GS. TS. Phạm Ngọc QuangQua gần 20 năm đổi mới, nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Song, để đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, chúng ta phải giải quyết rất nhiều mâu thuẫn phức tạp mà trong bài viết này mới điểm danh đại thể 8 mâu thuẫn...
  • Phát triển bằng sự thay đổi

    09/12/2005Nguyễn Thúy HằngMột số người gọi sự thay đổi là “tiến bộ” và ca ngợi những nét đổi mới mà nó mang lại. Còn những người khác lại bác bỏ những thay đổi đó và mong muốn trở lại những ngày xưa cũ. Có cùng những sự thay đổi thì lại có những phản hồi khác nhau. Sự lựa chọn của chúng ta là: một là chúng ta có thể trở thành nhà lãnh đạo, hai là có thể thành những người nối gót. ...
  • Việt Nam đổi mới và phát triển

    11/10/2005Nguyễn Hồng PhongNhận thức tương lai qua những mầm mống dạng nảy sinh trong xã hội hiện tại. Các công trình dự báo tương lai đều là những công trình xã hội học và sử học về xã hội đương đại, phân tích các "sự kiện còn đang nhảy múa", tóm bắt nó, gọi nó đúng với cái tên của nó, từ đó nhận thức sự biến chuyển. Học tập phương pháp của các nhà tương lai học, trong công trình này chúng tôi trình bày viễn cảnh của văn minh Việt Nam bằng sự phân tích công cuộc đổi mới có tính lịch sử ở nước Việt Nam hôm nay...
  • Tự do - Điểm khởi đầu của mọi sự phát triển

    30/09/2005Nguyễn Trần BạtKhi nói tự do là linh hồn của mọi cuộc cải cách chính là nói đến tinh thần xuyên suốt các cuộc cải cách. Cải cách kinh tế nhằm tạo ra tự do kinh tế. Tự do kinh tế đi trước để con người được nếm các thành quả sự phát triển. Chừng nào cảm nhận được vị ngọt, cảm nhận được các thành quả thu được từ tự do kinh tế, con người sẽ nhận thức được giá trị của tự do chính trị, tức là cải cách kinh tế giúp con người nhận ra lợi ích của tự do chính trị...
  • Biện chứng của tự do

    21/07/2005Nguyễn Trần BạtTự do không phải là thuật ngữ xa lạ, càng không phải một phát hiện bởi nó gắn liền với con người như một công cụ để tồn tại, để sống và để phát triển. Tuy nhiên, đối với con người, tự do vẫn phần nào bí ẩn; chúng ta, dường như, chưa nhận thức trọn vẹn về nó, càng chưa biết khai thác và sử dụng nó như một công nghệ phát triển...
  • xem toàn bộ