Bức biếm hoạ vĩ đại...

04:57 SA @ Thứ Hai - 04 Tháng Mười Hai, 2017

Bác đọc báo từ trang nào trước? Tôi thích lật từ trang cuối lên. Để xem truyện cười, chơi ô chữ? Không, để xem biếm hoạ.

Chả phải đọc gì, vừa cười vừa biết ngay cái gì hot nhất trong ngày: Chứng khoán, giá vàng đang có chuyện "lướt ván lộn cổ", hoà đàm Trung Đông lại tắc tị, mùa thi tìm nhà trọ, mua vé tàu Tết mới tháng 11 đã cười ra nước mắt!...

Biếm hoạ có khi như dự báo thời tiết: Ông nào trúng cử kỳ tới bên Tây, bên Mỹ; đội bóng đá nào sẽ ngã ngựa vòng tới; thí sinh nào có cơ thành sao Hôm... Tất tật thành chuyện "nực cười" cho ta dễ tiêu hoá, đúng là thư giãn.

Đời là gì, các triết gia còn tranh cãi bất tận: Nó là một "bể khổ", một "vở diễn" mà "con quay búng ở trên trời", ta chỉ là diễn viên tồi hay đời là một nơi tạm trú... Các nghệ sĩ thì bảo nó là giấc mộng nhớn, giấc mộng con, "Thế sự nhược đại mộng" - đời chẳng qua là một giấc mộng lớn còn tự làm cho mình khổ làm gì, thế nên cứ uống rượu, cười tràn...

Thơ Tản Đà, Lý Bạch đấy bác nhé. Chắc cả triết gia lẫn thi sĩ đều thích biếm hoạ? Là cái chắc. Tôi biết một triết gia kiêm hoạ sĩ biếm từng nói: Đời người, thế sự, nhân quần…, chẳng qua chỉ là một bức biếm hoạ vĩ đại.

Từ điển Tiếng Việt vào mục "cười" bác sẽ thấy hơn ba chục kiểu cười mục đích, động thái khác nhau. Ở hải ngoại, anh nào ăn nhanh-đi chậm-hay cười đích thị là người Việt tò te. Kho tàng văn nghệ dân gian có một kho là truyện cười với các tác giả giữ bản quyền từ Trạng Quỳnh, Trạng Lợn.. tới bác Ba Phi ngày nay. Chữ Trạng cũng đã biếm rồi. Anh nào đỗ làm quan cao tức TS = Trạng. Nói khoác, nói phét, nói dóc, kể chuyện thậm xưng... gọi là nói Trạng. Cũng là biếm để giải toả, phê phán và xây dựng.

Xin đố: Biếm hoạ hiện đại Việt Nam có từ bao giờ? Theo bác Lý Trực Dũng - một tay biếm có tiếng mới triển lãm riêng - thì là từ khi cụ Nguyễn Ái Quốc vẽ trên báo Người cùng khổ. Báo Thể Thao &Văn Hoá cũng mới đưa ra giải thưởng mang tên Cúp Rồng Tre - dựa theo tên vở kịch mà nhà lãnh tụ trẻ viết khi vua bù nhìn Khải Định sang mẫu quốc Phú-lãng-sa.


Sếp ơi! Mình đi đâu thế?! Tranh của họa sĩ Tín Nhượng

Ở bản xứ thời "tiền chiến", báo chí An nam là nguyên quán sinh thành của môn này. Các danh hoạ sau này như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... đều vẽ. Các nhân vật nổi tiếng nhất, thường xuyên xuất hiện nhất là Lý Toét, Xã Xệ và "chàng nghệ sĩ". Biết tại sao không? Hai "anh" đầu là để chống hủ lậu, quan liêu, hành dân đen nơi làng xã. Anh "chàng nghệ sĩ" là để cổ vũ đổi mới. Anh này xuất hiện như một anh chàng lập dị, ngớ ngẩn, nghĩ ngợi khác đời, mơ mộng viển vông...

Anh này tôn thờ một "hoa hậu tân thời" gọi là "nàng mỹ thuật", sau đổi thành "nàng thơ". Tất nhiên nàng mỹ thuật này là nhượng quyền của các muse - các nữ thần xinh đẹp bảo trợ sáng tạo tinh thần trong thần thoại phương Tây. Cũng như bây giờ, khi đó người ta cần xây dựng tự do cá nhân, kinh tế thị trường trong cuộc công nghiệp hoá, đô thị hoá lần thứ nhất.

Chàng nghệ sĩ chỉ là biểu tượng cho người bất bình với những cái ngang trái, trì trệ, bất công diễn ra trước mắt và ao ước hão huyền về những đổi thay. Thế thì "anh biếm hoạ" và nhân vật "chàng nghệ sĩ cùng nàng thơ" đều tiên phong đấy chứ!

Chứ sao nữa. Bác hẳn còn nhớ hồi chống Pháp, chống Mỹ tranh binh vận, dân vận, đả kích, tranh vui từng là lính xung kích trên mặt trận văn hoá... Quả vậy số báo tường của trường học nào, nhà máy nào, cơ quan nào cũng có mục biếm hoạ. Số hoạ sĩ biếm nghiệp dư có tới hàng ngàn.

Khi xã hội chuyển đổi thì sự "đảo điên" cũng hiện ra rõ hơn thời trì trệ, ổn định. Đó là lúc anh biếm hoạ gặp thời. Ta giờ chống tham nhũng, chống quan liêu, chống xin cho, chống chạy bằng, chạy chức, chống ô nhiễm môi trường, chống bệnh thành tích của phong trào chống bệnh thành tích, v.v và v.v... xây khu phố văn hoá, làng văn hoá, xây văn hoá đọc, văn hoá nghe, văn hoá nhìn, văn hoá mạng, văn hoá ăn (từ thưởng thức ẩm thực tới dưỡng sinh), văn hoá mặc (từ áo dài tới tận nội y), văn hoá cơ thể (từ khí công tới X-men), v.v và v.v... nên biếm hoạ càng có đất dụng võ.

Xin lỗi ông em hoạ sĩ, nhất trí! Nhưng so với cái bức "biếm hoạ vĩ đại" ấy, thì góc biếm của chú té ra là "nhạt" nhất!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhà báo là ai?

    21/06/2015Nguyễn Hoàng LinhNhà báo là người chuyên làm nghề viết báo (Từ điển tiếng Việt). Không biết như thế đã đầy đủ chưa nhưng tôi rất tâm đắc với một nhà báo nổi tiếng mà tôi đã ngấm nó vào từng tế bào của đời làm báo: Nhà báo là những người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại
  • Nhà báo - nhà văn, viết văn - viết báo

    21/06/2016Văn GiáMấy năm gần đây, thỉnh thoảng trong báo giới và văn giới của ta lại thấy vẩn lên câu chuyện: Nhà báo viết văn và nhà văn viết báo. Vế thứ nhất gần như mặc nhiên và được xem là thuận chiều, không có gì cần bàn lắm. Chủ yếu là ở về thứ hai. Có một số nhà văn tuyên bố ra miệng rằng: viết báo đối với họ chẳng qua là nghề tay trái, là “lấy ngắn nuôi dài”, là lo cái chuyện độ nhật... mà thôi.
  • Phản biện xã hội và sứ mệnh của nhà báo chân chính

    03/05/2016Tương LaiBáo chí đang góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội. Đó là quá trình lấy đối thoại thay cho độc thoại, lấy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường thay cho độc quyền và đặc quyền “xin cho”.
  • Nhìn lại đời sống mỹ thuật Việt 2008, một câu hỏi lớn…

    23/01/2009Dã Quỳ365 ngày đã qua, nhìn lại, dường như mỹ thuật Việt Nam cũng có không ít sự kiện. Nhưng những sự kiện đó có đưa mỹ thuật Việt hiện đại lên được một tầm cao mới.
  • Quyền lực thứ năm

    27/08/2006Thục AnhNàng đẹp. Cái đẹp mà ngày xưa người ta bảo rằng “chim sa cá lặn”, “nghiêng thành đổ nước”... Còn ngày nay, đơn giản hơn chỉ cần nói “đẹp như hoa hậu”.
  • Những hạt sạn trong báo chí

    27/01/2006Phan ViệtMột số những sai trái trong đời sống văn hoá hiện tại của Việt Nam nguyên nhân là do sự cẩu thả, dễ dãi hoặc ấu trĩ về nhận thức của những người tham gia tạo, phát tán và đánh giá các sản phẩm và hoạt động văn hóa, với mong muốn góp phần làm trong sạch hơn bầu không khí văn hóa nước nhà
  • xem toàn bộ