Các hiện tượng dị thường là gì?

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
10:32 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Giêng, 2014

Các hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục…) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology).

Cận tâm lý là gì?

Cận tâm lý là một lĩnh vực học thuật nghiên cứu một số hiện tượng bất thường liên quan với kinh nghiệm của con người, cũng thường được gọi là các hiện tượng tâm linh (psychic phenomena) hay psi. Phần lớn giới cận tâm lý hy vọng có thể giải thích chúng, cho dù phải mở rộng biên giới hiện hành của khoa học. Một số thì tin rằng, khoa học hiện tại đủ khả năng giải thích nếu không phải tất cả thì cũng phần lớn các hiện tượng dị thường.

Ba nhóm hiện tượng là đối tượng của cận tâm lý: ngoại cảm (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri), viễn di sinh học hay tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ) và các hiện tượng liên quan với sự tồn tại sau cái chết (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác, luân hồi, ma nhập…). Chúng còn gọi là các hiện tượng psi, do hai nhà nghiên cứu Thouless và Weisner dùng lần đầu năm 1944, khi họ mượn chữ cái thứ 23 trong tiếng Hy Lạp như một thuật ngữ trung tính để mô tả các hiện tượng lạ.

Các tiếp cận cơ bản

Là một môn khoa học, cận tâm lý có 5 tiếp cận cơ bản: 1) Nghiên cứu kinh viện, khi thảo luận các chủ đề có tính triết học của cận tâm lý; 2) Nghiên cứu phân tích, khi tiến hành phân tích các bộ số liệu lớn về psi; 3) Nghiên cứu các trường hợp cụ thể, gồm xem xét kinh nghiệm cá nhân, khảo sát tại thực địa, so sánh niềm tin và sự kiện xảy ra ở các nền văn hóa khác nhau; 4) Nghiên cứu lý thuyết, khi lập mô hình toán học, mô hình mô tả hay hiện tượng luận cho psi; 5) Nghiên cứu thực nghiệm, khi cố gắng kiểm soát psi trong phòng thí nghiệm.


Vòng tròn trên các cánh đồng nước Anh -
sản phẩm của người ngoài hành tinh?

Ở Việt Nam mới manh nha một số nghiên cứu thuộc ba nhóm giữa; chẳng hạn nghiên cứu nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (phương pháp 2 và 3) hay cố GS Nguyễn Hoàng Phương lập mô hình toán cho trường sinh học năm 1981. Trong khi đó, hai tiếp cận quan trọng nhất là tiếp cận 1 có vai trò dẫn dắt về thế giới quan và tiếp cận 5 có thể cung cấp những bằng chứng quyết định thì chưa được triển khai.

Bốn quan điểm về psi

Vì khoa học chưa thu thập được bằng chứng quyết định, cũng như chưa có lý thuyết thống nhất, nên hiện có bốn quan điểm đánh giá psi như sau:

Quan điểm 1: Không thừa nhận sự tồn tại của psi. Theo những người phản đối, psi không thể tồn tại vì trái ngược với nền tảng khoa học mà con người đã thiết lập được. Tờ Tuần tin tức (Mỹ) từng cho rằng, công nhận thần giao cách cảm hay viễn di sinh học là bác bỏ thành tựu của khoa học hiện đại trong suối 300 năm qua. Nhiều nhà vật lý ủng hộ quan điểm này, vì dường như psi trái ngược với các qui luật vật lý như bảo toàn năng lượng, dẫn truyền thông tin…

Điểm mạnh của quan điểm này là dựa trên nền tảng khoa học hiện hành. Ưu điểm khác là cho đến nay, chưa ai đưa ra được một bằng chứng đủ tin cậy về psi. Điểm yếu của trào lưu này là kiên quyết bác bỏ một số hiện tượng có thể có thật.

Quan điểm 2: Gắn psi với tín ngưỡng và tôn giáo. Theo đó, psi là bằng chứng của linh hồn bất tử (như luân hồi hay khả năng đọc ý nghĩ người chết), ma quỉ (như ma nhập hay “ngôi nhà ma ám”), thánh thần (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác).

Không nên nghĩ đơn giản là quan điểm này góp phần khôi phục sự mê tín dị đoan, vì hiện nay nhiều nhà khoa học nổi danh lại có xu hướng thần học khi đối mặt với những câu hỏi về nguồn gốc hay ý nghĩa của vũ trụ. Vì thế nếu có người tin rằng Big Bang chính là hiện thân của đấng sáng tạo tối cao (đều là khởi thủy của vũ trụ) thì cũng không có gì lạ.

Người viết cho rằng, quan điểm này không phải là đối tượng của khoa học. Đó là hai lĩnh vực khác nhau (dù có thể bổ sung cho nhau), vì tín ngưỡng dựa trên niềm tin, còn khoa học dựa trên sự nghi ngờ.

Quan điểm 3: Xem khoa học hiện hành không đủ khả năng giải thích psi. Trường phái này giả định psi nằm ngoài giới hạn của khoa học hiện hành. Vì thế để giải thích psi, nó dùng hai tiếp cận. Một là dùng các quan niệm cổ xưa (giải thích tiên tri bằng Kinh Dịch, tử vi hay chiêm tinh; giải thích “đọc ý nghĩ người chết” hay hậu tri bằng linh hồn, ma quỉ; giải thích phong thủy hay cảm xạ học bằng quan niệm thiên địa nhân hợp nhất, thiên nhân giao cảm…). Hai là phát triển các lý thuyết mới như trường sinh học, năng lượng và thông tin sinh học (từng xuất hiện tại nước ta, điển hình là nghiên cứu của cố GS Nguyễn Hoàng Phương), lý thuyết lượng tử của tương tác giữa vật chất và tinh thần (điển hình là học giả Roger Penrose tại Cambridge, Anh), lý thuyết các chiều không gian dư, lý thuyết các vũ trụ song song…

Nhược điểm lớn nhất của trường phái này là tính tư biện và siêu hình, là sự thoát ly khỏi các nền tảng khoa học hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của khoa học tâm trí. Chẳng hạn, họ xem thần giao cách cảm không tuân theo qui luật suy giảm theo khoảng cách của vật lý mà không biết rằng, các sóng điện từ tần số cực thấp (như sóng điện não) có thể lan truyền vòng quanh Trái đất nhờ cộng hưởng Schumann. Hoặc các luận giải về linh hồn, trường hào quang… cho thấy họ ít quan tâm tới những khám phá mới về bộ não và tâm trí, đặc biệt là vô thức, thành tố quan trọng nhất trong các hiện tượng psi.

Quan điểm 4: Giải thích một số yếu tố có thực của psi bằng khoa học hiện đại. Quan điểm này thừa nhận một phần sự tồn tại của psi và cố gắng giải thích bằng khoa học hiện hành. Chẳng hạn giải thích tương tác giữa các sinh thể với môi trường bằng các điện từ trường sinh học; giải thích khả năng bắt tín hiệu nhỏ yếu từ xa bằng ngưng tụ sinh học và hệ xử lý tiềm thức độ nhạy cao; giải thích một số yếu tố của xuất hồn, kinh nghiệm cận tử, luân hồi… bằng các hoạt động vô thức hay bằng các rối loạn tâm thần như nhân cách phân ly hay đa nhân cách; giải thích niềm tin vào tiên tri bằng nhu cầu qui hoạch tương lai của con người; giải thích các trào lưu mê tín mới bằng niềm tin vào sự huyền bí, vốn là nét nhân cách được hình thành và gìn giữ qua hàng triệu năm tiến hóa.

Ưu điểm lớn nhất của khuynh hướng này là có thể giải thích psi một cách khoa học và biện chứng; là chỉ ra được giới hạn của psi nhằm chống lại sự lạm dụng; là sự tin tưởng vào các nguyên lý căn bản của triết học duy vật và khoa học hiện đại. Người viết là người kiên trì ủng hộ trào lưu tư tưởng này.

Bạn xếp các hiện tượng luân hồi TT&VH vừa đăng tải vào nhóm giải thích nào?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...

Nội dung khác