Cái học của người học thức và cái học của kẻ vô học

07:41 SA @ Thứ Sáu - 17 Tháng Hai, 2017

A- Thế nào là người học thức?

Lễ Ký có nói: “Ngọc bất trác, bất thành khí; nhân bất học, bất tri lý”. Có người dịch như vầy: “Ngọc chẳng mài, chẳng ra chi. Người mà chẳng học, trí tri đâu tường…”. Nhưng thế nào là “người có học”?

Có kẻ học đậu năm ba cấp bằng, có người đậu cử nhân, tiến sĩ… thế mà cũng còn bị người ta mắng cho là đồ “vô học”. Như thế thì “người có học” là người như thế nào? Chắc chắn, nó phải có một định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được hiểu ngầm hơn là nói trắng ra. Tôi có quen nhiều bạn đậu kỹ sư điện, thế mà trong nhà có máy điện nào hư, phải đi tìm những anh thợ máy điện đến sửa… Nếu ta bảo họ giảng nghĩa về điện học, thì phải biết, họ sẽ làm cho ta điếc óc… Tôi có biết nhiều ông giáo sư ở trường sư phạm ra, thế mà trong khi dạy học, họ không biết áp dụng một nguyên tắc sư phạm nào cả; học trò vẫn than phiền là giờ dạy của họ buồn ngủ muốn chết, không hiểu được gì cả… Rồi họ còn bảo: “Học trò mà học dở, không phải lỗi tại thầy”… Tôi cũng có thấy vài ông đậu bằng tiến sĩ hay thạc sĩ triết học, thế mà cách ăn ở với đời vụng dại như một người ngu, không hiểu chút gì về tâm lý của con người cả.
Ai ai, nếu để ý quan sát, cũng sẽ nhận thấy như tôi… Sự tình ấy không phải lỗi gì nơi những người ấy, họ là nạn nhân của chế độ nhà trường ngày nay, mà tôi sẽ bàn đến ở một nơi khác. Tôi chỉ muốn nói, những người có những bằng cấp nói trên đây, họ có hơn gì kẻ vô học không? Nếu có hơn là họ hơn về lý thuyết, nhưng về phần thực tế… họ đâu có hơn gì một con “Vẹt”. Nói cho đúng hơn, họ chỉ có “học” mà không có “hành”. Học là để biết. Biết, mà không thực hành được, cũng chưa gọi là “biết”. Tri và Hành cần phải hiệp nhứt mới được gọi là người “có học thức”.

Người xưa có ví: “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…”. Học mà không tiêu hoá, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu… Người ta rồi cũng chẳng khác nào cái máy thu thanh, chỉ lặp lại những gì kẻ khác đã nói… Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc. Georges Duhamel có nói: “Đừng sợ máy móc của bên ngoài… hãy sợ máy móc của cõi lòng…” Một xã hội mà con người chỉ còn là một bộ máy thì sứ mạng của văn hoá đã đến ngày cùng tận rồi… mà tinh thần loài người rồi cũng đến lúc diệt vong: có xác mà không hồn…Học mà đưa con người đến tình trạng ấy, tôi tưởng thà đừng học có hơn không? Cái hiểm trạng của xã hội ngày nay phần lớn phải chăng một phần nào đều do những bộ óc “học thức nửa mùa” ấy gây nên? Thế thì, học và học thức không thể lầm lẫn với nhau được. Ta cần phải để ý phân biệt hai lẽ ấy.

Thật vậy, có những sự hiểu biết chỉ bám ngoài da mà không thể ăn sâu vào tâm khảm của ta. Nó chỉ là một nước sơn bóng nhoáng và chỉ là một lớp sơn thôi… Cái học của ta không có ảnh hưởng gì đến tâm hồn ta cả. Trái lại, cũng có nhiều thứ hiểu biết liên lạc với ký ức ta, với tư tưởng ta, với tình cảm dục vọng ta, nó hoà hợp với cái người tinh thần của ta không khác nào khí huyết tinh tuỷ đối với thân thể của ta vậy. Giữa những sự hiểu biết ấy và ta, có một thức tác động và phản động, xung đột nhau, hoà hợp nhau để thay đổi nhau và thay đổi luôn cả cái người của ta nữa…Tôi muốn nói: giữa ta và những điều ta học hỏi phải có một sự tiêu hoá, hay muốn nói theo Kinh Dịch, phải có một việc thần hoá (thần nhi hoá chi) mới được. Vậy, ta phải dành chữ “học thức” cho những bộ óc thông minh biết đồng hoá với những điều mình đã học. Như thế thì, học nhiều và học thức không giống nhau. Phần đông chúng ta thường nhận lầm việc ấy. Chúng ta thường đánh giá con người theo cấp bằng của họ, những cấp bằng ấy phần nhiều là những cấp bằng trí nhớ: kẻ nào nhớ giỏi thì thi đậu. Sự nhận xét sai lầm này gây không biết bao tai hoạ cho loài người hiện thời. Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết. “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã” – Biết, thì biết là mình biết, không biết thì biết là mình không biết, ấy mới là thật biết. Học thức là một vấn đề thuộc “phẩm”, chứ hông phải thuộc “lượng”.

Cái học mà đã được đồng hoá rồi thì không còn nói là cái học bên ngoài nữa. Cỏ mà bị chiên ăn rồi, không còn là cỏ nữa. Dâu mà bị tằm ăn, không còn gọi là dâu nữa. Học, cũng như ăn.

B. Học để làm gì?
Học để làm gì? Và tại sao ta phải học? Ta phải quan sát chung quanh ta, ta sẽ thấy có hai hạng người: học vì tư lợi, và học không vì tư lợi gì cả, nghĩa là học để mà học, học theo sở thích của mình… Hạng học vì tư lợi, chiếm một phần rất đông. Họ học một nghệ thuật nào, một khoa học nào, một nghề nghiệp nào là để tìm một kế sinh nhai. Cái ý muốn thiết thực này cũng là cái ý muốn chính của các bực làm cha mẹ khi tìm thầy cho con, hay khi gởi chúng đến trường. Mà chính các học sinh, đa số cũng chỉ có một mục đích ấy: nắm lấy cấp bằng để tìm lấy một con đường sinh kế. Thật ra, cũng có nhiều kẻ, đối với nghề nghiệp sau này của mình, cảm thấy thích thú lắm. Cũng có thể rất sung sướng khi nghĩ đến sau này sẽ được làm kỹ sư, giáo sư, nghệ sĩ hay sĩ quan… Nhưng, cái ý nghĩ nhờ đó để kiếm địa vị, tiền bạc, danh vọng, quyền tước… cũng làm cho tâm hồn mình mất cả cái sung sướng tinh khiết của cái học vô tư lợi… Cái mộng của tuổi trẻ qua rồi, tôi thường thấy có nhiều bực phụ huynh không muốn cho con mình sau này đeo đuổi theo nghề nghiệp của mình. Học để tìm một nghề nghiệp làm kế sinh nhai, có cái lợi ích của nó, không một ai có thể chối cãi được, nhưng dầu thích hay không thích nó chỉ là một cái học để thành công, một cái học vị lợi… mà đối với những người có đầu óc thiết thực, ít lý tưởng, cho là thoả mãn lắm rồi! Bên những nhà “tập sự” vị lợi ấy, chúng ta cũng thấy có nhiều kẻ, ngay buổi còn thơ, nhất là lúc mà trí thức đương chừng nẩy nở, họ ham học mà không có một ý nghĩ gì dục lợi cả: không phải để kiếm tiền, không phải để tìm địa vị, cũng không phải để tìm danh vọng… Chiều theo ý của cha mẹ, hoặc vì hoàn cảnh bắt buộc mà phải chọn một nghề nào, kỳ thực họ không để chút tâm hồn nào nơi ấy cả. Họ là một công chức sở hối đoái mà họ mê say thiphú hay âm nhạc. Họ là một sĩ quan mà họ mê say lịch sử và văn chương. Họ là một trạng sư mà họ mê say toán học. Có kẻ, ngoài giờ phải lo lắng giùi mài nghề nghiệp của mình để kiếm ăn, cũng ráng dành một vài giờ để thoả mãn tính tò mò của mình, học những môn không lợi ích gì cho cái đời vật chất của mình cả, khi thì đọc triết học, khi thì đọc sách nghiên cứu về văn chương, lắm khi tập tễnh cầm bút viết văn hay hội hoạ… Đấy cũng là một cách học, một cái học hoàn toàn không chút vị lợi. Những kẻ học như thế, họ học văn chương vì văn chương, học nghệ thuật vì nghệ thuật, học khoa học vì khoa học. Hai hạng người trên đây, ai có lý? ai vô lý? Thật cũng khó mà trả lời. Cái thích của người này chưa chắc cũng là cái thích của người kia.

Lại còn có người họ thích không học gì cả, thì sao? Họ sẽ nói: “Đời người ngắn ngủi, học cùng không học thì có khác gì nhau. Anh thích khoa học, tạo hoá ban cho anh nhiều năng khiếu, thì anh thành nhà bác học giúp đời… Còn tôi, không có năng khiếu gì cả, cố mà nhồi vào sọ những cái học hỏi của kẻ khác, cố mà sản xuất những văn nghệ phẩm không hơn gì những bài làm của học sinh… thì phỏng có lợi gì! Ta hãy cứ tìm lấy những hạnh phúc rẻ tiền không cần dụng công nhọc sức chi cả có hơn không! Anh đọc truyện Kiều, anh biết thích… Tôi, tôi đọc Lục Vân Tiên, tôi cũng biết thích vậy. Anh, anh thích nhạc cải cách, anh thích nhạc Âu Mỹ. Tôi, tôi nghe vọng cổ, tôi xem hát hội tôi cũng biết thích vậy. Anh đọc tiểu thuyết của Âu Mỹ, anh biết hay ; còn tôi, tôi đọc tiểu thuyết kiếm hiệp của Phú Đức tôi cũng biết mê say… Vậy, thì cũng chưa chắc cái sướng của anh hơn cái sướng của tôi? Ta phải trả lời với họ cách nào? Đã không thiếu gì những quyển luân lý tân cựu đã trả lời với họ rất hùng hồn… Nhưng, theo tôi, mặc dầu có rất nhiều bài văn mà tài hùng biện của tác giả không thể chối cãi được… tôi thấy cũng chưa đủ sức cảm hoá hạng người trên đây. Ta hãy can đảm nhìn ngay sự thật; có nhiều kẻ họ sống hết sức hạnh phúc trong sự ngu dốt và ở-không-nhưng của họ… Họ ghét đọc sách, họ ghét suy nghĩ, họ ghét làm việc bằng tinh thần cũng như họ ghét gông cùm tù tội vậy: một vấn đề hoàn toàn thuộc về bản chất…

Goethe, lúc mà danh vọng của ông lên đến tột độ, ngày kia dạo trên bờ sông thành Naples, gặp một tên ăn mày nằm ngủ phơi mình trong ánh nắng… Ông dừng chân, tự hỏi: Ta và anh ăn mày này, ai hạnh phúc hơn ai? Thật, cũng khó mà trả lời cho dứt khoát. Tuy nhiên, tôi chắc chắn, các bạn cũng như tôi, chúng ta thích sống trong hạnh phúc của Goethe hơn. André Gide cũng nói: “Một cái hạnh phúc mà vô tâm, tôi không chịu sống trong hạnh phúc ấy”. Nếu bạn là người theo phái “ăn rồi nằm ngửa nằm nghiêng, có ai mướn tớ, thời khiêng tớ về…” nghĩa là theo phái thích “ăn không ngồi rồi”, “tối thiểu nỗ lực” và cho đó là hạnh phúc nhất đời, thời xin mời bạn hãy để quyển sách này xuống. Nó không phải viết cho bạn. Thú thật, tôi không đủ tài để thuyết phục bạn. Sách này viết ra, là cho những ai cùng đồng một ý kiến với tôi, cho rằng hạnh phúc của Goethe hơn hạnh phúc của anh ăn mày, hay nói cho đúng hơn, Goethe cao trọng hơn anh ăn mày. Theo tôi, hạnh phúc là được làm chủ hành động ta, tư tưởng ta, tình cảm ta… và mỗi ngày mỗi làm cho cái người của ta thêm sáng suốt hơn, thêm tự do hơn, thêm to rộng hơn… nghĩa là thêm mới mẻ hơn. “Cấu nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân”. Mỗi ngày mộtmới, và ngày ngày càng mới mãi … Đấy là lời khắc trên bồn tắm của vua Thành Thang ngày xưa. Và cũng chính là lý tưởng của Pasteur: “Cao lên, cao hơn lên, và cao lên mãi…” Như thế, ta thấy rõ mục đích của sự học là gì rồi. Học, là để mưu hạnh phúc, nghĩa là để làm cho mình càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng rộng … Học, là tăng gia sự hiểu biết của mình, là mở rộng tâm hồn của mình bằng cách thu nhận sự hiểu biết cùng những kinh nghiệm của kẻ khác làm của mình.

Có khác nào một đứa trẻ mới sinh, cân không đầy hai ba ký… Thế mà nhờ đâu càng ngày càng lớn đến năm sáu chục ký… trong khoảng vài mươi năm sau? Phải chăng nhờ rút lấy những vật liệu chung quanh: không khí, món ăn, món uống… mà tiến từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, nghĩa là càng ngày càng mới, càng ngày càng cao, càng ngày càng lớn. Bởi vậy, trước đây tôi có nói: học cũng như ăn. Ăn mà không tiêu, có hại cho sức khoẻ. Học mà không hoá, có hại cho tinh thần. Cỏ của con chiên ăn mà được tiêu, không còn gọi là cỏ nữa, mà là bộ lông mướt đẹp của nó. Dâu của con tằm ăn mà được tiêu, không còn là dâu nữa, mà là sợi tơ mịn màng tươi tốt của nó. Người có học thức là người, đã thần hoá những cái học của mình. Bởi vậy, người có học thức là người dường như không biết gì cả, mà không có cái gì là không biết. Học mà đến mực dường như quên hết cả sách vở của mình đã học thì cái học ấy mới thật là nhập diệu.

Herriot nói: “Học thức là cái gì còn lại khi mình đã quên tất cả”. Một nhà tâm lý học có nói: “Quên là điều kiện cần thiết của cái Nhớ”. Thật là chí lý. Một điều gì học mà mình còn cố nhớ, là nó chưa được nhập vào tâm. Chỉ khi nào mình không cần nhớ mà nó vẫn tự nhiên hiển hiện trong tâm trí mình thì môn học ấy mới được gọi là đã được tiêu hoá. Người học đánh máy chữ mà còn để ý tìm từng nút chữ, cố nhớ vị trí của mỗi nút chữ… là người đánh máy chưa tinh. Người học đi xe máy mà còn nhớ mình còn ngồi trên xe máy, còn để ý đến bàn đạp, cách đạp… là người đi xe máy chưa tinh. Tôi còn nhớ, lúc còn học thi, gần đến ngày thi, tôi băn khoăn nói với cha tôi: “Sao con học nhiều quá mà nay dường như con không nhớ gì cả. Lòng con như quên hết, không biết có nhớ được gì không? Con sợ quá”. Cha tôi cười bảo: “Đấy là con đã học “mùi” rồi. Quên, tức là nhớ nhiều rồi đó. Con hãy yên tâm…”. Thật đúng như lời. Ngày thi, giám khảo hỏi đâu, tôi trả lời liền đó, một cách dễ dàng hết sức. Trang Tử nói: “Người bắn cung mà còn để ý đến việc bắn cung của mình là người bắn chưa tinh. Kẻ lội mà còn để ý đến cái lội của mình là người lội chưa giỏi. Phải biết quên thị phi đi, thì cái tâm mình mới thông suốt được cái lẽ thị phi… (Tri vong thị phi, tâm chi thích dã)”. Hiểu được câu nói này của Trang Tử là hiểu được cái diệu pháp của phép Học rồi vậy.

C. Thế nào là bậc thiên tài

Nói đến những bậc thiên tài nhiều người đã tưởng tượng họ như những kẻ phi thường, cô phong độc tứ… xa hẳn với loài người. Thực ra cũng không có gì lạ giữa họ và chúng ta cho lắm; có nhiều kẻ còn tệ hơn chúng ta nhiều về vấn đề thể chất lẫn tinh thần nữa. Họ chỉ khác ta có một điều thôi: họ có một đức tin vững vàng về phương pháp làm việc của họ. Họ tin rằng với sự cần cù nhẫn nại và cách làm việc có phương pháp, họ sẽ đạt được ý muốn cao xa của họ. Theo họ “thiên tài chỉ là một sự bền bỉ nhẫn nại lâu ngày” mà thôi.

Darwin, tác giả bộ “Vạn vật nguyên lai luận”, người đã gây được một cuộc cách mạng to tát trong tư tưởng giới, là một người có một trí nhớ rất tồi tệ, một sức khỏe rất bạc nhược. Spinoza thì đau bệnh phổi, chết vào khoảng 45 tuổi. Pascal thì đau mãi và mất sớm năm 39 tuổi. Montaigne cứ than vãn mãi về trí nhớ thậm tệ của ông cũng như về trí não “chậm chạp và tăm tối” của ông, còn Herbert Spencer thì không thể nào làm việc trong một giờ mà không đau. Có ai dám bảo rằng những người nói trên đây không phải là những bậc vĩ nhân trong nhân loại? Sự nghiệp tinh thần của họ đều là những kỳ công bất hủ, những tinh hoa của nhân loại. Thế mà vấn đề thể chất họ còn thua ta xa, còn về vấn đề tinh thần có khi cũng không hơn gì chúng ta cho lắm. Nếu phải kể ra cho hết, thì cả năm mười trang cũng không sao kể đủ tên tuổi của các bậc vĩ nhân mà về phương diện thể chất và tinh thần không có gì là đặc sắc hơn những kẻ tầm thường. Thế nhưng họ đã để lại cho đời những kỳ công vĩ đại là nhờ đâu? Vì họ biết cách làm việc có phương pháp, có nghệ thuật.

Trong giới trí thức, cũng như trong các hiện tượng khác của tự nhiên: những hành động bạo phát, hùng hổ mãnh liệt như địa chấn, thuỷ tai… chỉ là những hiện tượng bạo phát mà bạo tàn… Những gì có tánh cách vĩ đại khó thoát khỏi yếu tố thời gian. Muốn học cho thâm, muốn gây tạo những công trình to tát cũng phải cần đến thời giờ… Nhất là văn hoá, không thể chấp được thời gian. Một giọt nước con, mà với thời gian đã điêu khắc dải Hoành Sơn, Tuyết Lãnh…

Nếu các bạn xem kỹ đời niên hthiếu của các bậc vĩ nhân đã làm vẻ vang cho tổ quốc họ và cho cả nhân loại, các bạn sẽ thấy, khi các ông ấy còn là học sinh đâu phải luôn luôn là những học sinh đứng vào hạng nhất trong lớp họ. Có khi họ lại là những anh học sinh “hạng bét” là khác. Có nhiều kẻ, chính các ông thầy của họ cũng không để ý đến họ nữa. Nhưng, một ngày kia, một tình cờ dun rủi, bỗng dưng cảm khích như Malebranche, sau khi đọc quyển “Traité de l’Homme” của Decartes, đem hết nghị lực lao đầu vào sự học, nhẫn nại, cố gắng cho tới ngày tài hoa xuất hiện. Một việc làm âm thầm, lặng lẽ, trong cô tịch nhưng đầy hăng hái, đầy kiên nhẫn sẽ là những công việc có nhiều kết quả vẻ vang và sâu sắc nhất. Trong khoảng âm thầm lặng lẽ, nghiên cứu học hỏi, các bạn đã tìm ra được lắm ý nghĩ hay ho, nhiều tư tưởng tân kỳ, có thể là những nền tảng cho một đời sống tinh thần và phát minh sau này của bạn. Trong lúc ấy, trong lúc mà các bạn-tác của bạn, nhiều may mắn hơn, đi vào các trường cao đẳng để tản mác trí lực của họ trong những cuộc đua chọi cấp bằng và địa vị cao sang quyền quý, thì trong bóng tối, trong im lặng, tác phẩm của bạn như tiếng sấm đêm đông… làm cho mọi người kinh khủng. Công trình sự nghiệp của bạn chẳng khác nào những hòn đảo kia, từ lượn cát đáp bồi, bỗng trồi lên mặt nước, một cách vững vàng như non núi. Những bậc vĩ nhân đều hiện lên một cách từ từ và lặng lẽ như thế. Họ nhẫn nại mà đi từng bước một; nhưng một bước của họ là một bước chắc chắn. Leo núi cao, các người từng trải đều quả quyết rằng những kẻ nào háo thắng, vội vàng sẽ không bao giờ đi tới mức được. Họ sẽ nhọc mệt, đuối sức và bị bỏ lại giữa đường. Các bậc vĩ nhân, họ đi từ từ mà không nghỉ, một cách hết sức trật tự và qui củ. Ông Newton nói: “Nếu tôi có phát minh được một đôi điều gì, cũng là nhờ nghĩ ngợi mãi một việc và đem việc ấy mà quan sát đủ mọi phương diện. Nếu những phát minh của tôi có được chút ích lợi cho đồng bào là do sự cần cù và đeo đuổi mãi theo một ý nghĩ mà không thôi vậy”. Giáo sư Duclaux, trong một bài diễn văn nói về Pasteur có nói: “Tôi không rõ nnhững phát minh kỳ vĩ có phải là do thiên tài sản xuất, không cần đến sự cố công gắng sức không? Chứ ở trường hợp Pasteur đây, tôi thấy hẳn không phải vậy. Nếu ông là một nhà phát minh đã lập đặng rất nhiều kỳ công vĩ đại trong nhân loại, trước hết là nhờ ông là một người làm việc rất nhẫn nại và lặng lẽ…”. Nhất là họ không bao giờ hiếu danh, hối hả trong công việc học hỏi và nghiên cứu của họ. Người ta bảo rằng lúc Pasteur thi vào Đại học, chỉ đậu hạng ba hạng tư gì đó. Năm ấy, ông không chịu vào Đại học. Học thêm cho một năm nữa, kỳ thi năm sau ông đứng đầu. Ông tự cho rằng sức ông còn yếu, nên cần học lại thêm một năm nữa, đâu có muộn gì, bởi theo ông cần nhất là phải có thật tài hơn là hối hả trong công trình học vấn. Thật có khác với đầu óc tầm thường của phần đông chúng ta ngày nay, bao giờ cũng muốn cướp thời gian và thành công mau lẹ. Tóm lại thiên tài là một sự nhẫn nại bền bỉ và lâu dài. Muốn thành những bậc tài hoa, điều thứ nhất là phải có lý tưởng, có đủ tin tưởng, và chí kiên nhẫn để thực hiện lý tưởng ấy; điều thứ hai là làm việc cho có trật tự, có phương pháp, nhẫn nại và lặng lẽ, không bồn chồn, không vội vã…

Trích “Tôi tự học”,Thu Giang Nguyễn Duy Cần

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tự học là yếu tố quyết định…

    02/03/2015Kim Yến (thực hiện)Từ bỏ môi trường nghiên cứu khoa học nơi xứ người, TS GIÁP VĂN DƯƠNG cùng vợ con trở về để giúp cho giới trẻ “tự thân khai sáng”, để tìm đến tự do…
  • Cùng trao đổi kinh nghiệm về tự học

    08/09/2020Nhà báo Vũ KhánhHọc đại học khác với học phổ thông cấp 4. Đại học đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu thêm nhiều bên cạnh các giờ giảng và hướng dẫn của thầy. Song ai cũng biết thực tế Đại học của ta đang không phải như vậy. Phần trình bày dưới đây nhằm mời bạn đọc tham gia trao đổi quan niệm và kinh nghiệm thưc tế về cách tự học đạt hiệu quả cao.
  • Sự học ngày nay: Ít "bậc thầy" đúng nghĩa?

    12/11/2019Lại Nguyên ÂnGiữa tháng 1, nhà văn Lại Nguyên Ân gửi tới VietNamNet bài viết đưa ra "một cách lý giải về sự học và tình thầy trò ngày nay, cho rằng, khi mà học tập là một phần việc mà mỗi người phải theo đuổi suốt đời, khả năng “làm thầy” thiên hạ bao giờ cũng rất hạn hẹp...
  • Vơi dần “bằng chứng” về sự học thời xưa

    01/12/2018Hà HiềnDi tích Nho học được đánh giá là một bộ phận quan trọng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, chứa đựng nhiều giá trị vật thể, phi vật thể sâu sắc, là một trong những bằng chứng về sự học của người Việt suốt hàng trăm năm lịch sử. Tiếc rằng, rất nhiều di tích, di vật, hiện vật quý giá đã bị mai một hoặc mất đi...
  • Tâm đàm về cái Sự học, Tri thức và Trí thức

    01/05/2018Nguyễn Tất ThịnhNgày xưa, người có trình độ như ông Giáo Thứ (trong Sống Mòn của Nam Cao) có thể được xem là Trí thức. Nói chúng họ có vẻ như là người học rộng biết nhiều, và có trình độ được đào tạo cao hơn mặt bằng chung, thuộc tầng lớp được xã hội gọi là ‘Thày’, như Thày Giáo, Thày cãi, Thày thuốc…
  • Bàn thêm về sự học

    18/01/2017Học là chuyện đương nhiên, là khát khao, mong ước của cuộc sống con người. Có nhiều câu châm ngôn tục ngữ răn dạy, nhắc nhở con người về sự học.
  • Trong một góc nhìn về sự học

    14/01/2017Trần Trí DũngCó những người không được học hành và đào tạo bài bản nhưng họ vẫn lao động và hoàn thành tốt công việc, thậm chí có những người còn giữ những chức vụ cao.
  • Bàn về chuyện tự học

    15/11/2016Trước hết, cần phải nói rằng, tự học là một chuyện vạn bất đắc dĩ, vì ai cũng biết câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên”. Một câu hoàn toàn đúng, đúng hơn là người ta tưởng rất nhiều.
  • Tự học như thế nào?

    21/10/2016Tác giả cuốn sách không phải là tiến sĩ, không phải là viện sĩ, không tốt nghiệp tại trường Harvard nhưng là một bác học nổi tiếng của Liên Xô. Sách của ông mang lại cho tôi niềm cảm xúc trong tâm hồn và như thế kí ức sẽ ghi nhận được kiến thức một cách lâu dài so với sự đọc một cách hời hợt dễ chìm vào quên lãng...
  • Nghĩ về tự học

    21/07/2016Đại tá, NGƯT Nguyễn Xuân QuỳnhTrước kia ta có thể ỷ vào số lượng kiến thức do nhà trường trang bị để dùng trong 15-20 năm. Nhưng ngày nay chỉ sau vào năm một nửa số kiến thức cũ đã lỗi thời. Ai cũng thấy tự học là cần thiết nhưng nhiều người chưa có ý thức, chưa biết cách tự học tốt...
  • Giáo dục Mỹ: Học để biết…tự học

    01/07/2016Hoa LưCác nền giáo dục văn minh thường hướng theo cách dạy trong trường sao cho đứa trẻ học để ra đời biết cách tự học…
  • Sự học đề cao thực nghiệp

    10/11/2015Bùi Văn Nam SơnThực học và Công dân toàn cầu là hai khái niệm không còn mới đối với thế giới, nhưng ở Việt Nam hiện nay lại trở nên “nóng bỏng” vì ngày càng có nhiều trăn trở về câu hỏi: học để làm gì?
  • 5 sai lầm bạn thường mắc phải khi tự học

    19/08/2015Đây là 5 sai lầm và hiểu nhầm lớn nhất khi bạn trẻ dấn thân tự học. Bạn sẽ hiểu rõ hơn về Đại Học Cá Nhân và trường học truyền thống để có thể tận hưởng tối đa từ trải nghiệm tự-học của mình...
  • Thanh niên đối với sự học

    29/07/2015Ứng Hòe Nguyễn Văn TốChúng tôi đăng lại bài viết này của cụ Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố [1889 - 1947), nguyên Hội trưởngHội Trí tri, Hội truyền bá quốc ngữ trước năm1945; Bộ trưởng cứu tế xã hội trong Chính phủ Cách mạng lâm thời 1945; Đại biểu Quố hội, Chủ tịch Quốc hội khóa I, Quốc vụ khanh trong Chính phủ liên hiệp Việt nam lâm thời (1946) bởi những quan tâm, cách nhìn, cách luận về sự học của các vị tiền bối xem ra vẫn có ích với bây giờ ...
  • Tâm giao về sự học và Sự nghiệp lao động

    17/11/2014Nguyễn Tất ThịnhChúng ta hãy hình dung điều gì xảy ra nếu một đứa trẻ không được đi học? Lớn lên trở thành ai ? Có thể là một Doanh nhân? một Vị Tướng hay một Chính khách được không? Cũng như vậy đặt câu hỏi ngược lại rằng nếu một Doanh nhân, vị Tướng, hay Chính khách nếu không được học sẽ thực thi chức phận của mình như thế nào, chưa nói đến là tài giỏi?
  • Sự học & đại học

    18/09/2013Tô Vĩnh Hà (ĐH Khoa học Huế)Liệu Cổng trường Đại học có nhất thiết phải là Con đường Duy nhất? Đây là một câu hỏi không phải là quá khó để trả lời, nếu xét theo cách duy lý của cuộc đời, nhưng là câu hỏi cực khó với thân phận của con người.
  • Tôi tự học

    20/06/2010Thu Giang - Nguyễn Duy CầnTôi còn nhớ một câu chuyện ngụ ngôn Ả Rập rất ngộ nghĩnh sau đây do văn sĩ Anatole France thuật lại: Có một nhà vua gọi các bậc trí gia trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các nhà khoa học ấy sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước để chở đến cho nhờ vua.
  • Sự học lấy bằng

    17/06/2009TS. Phạm Duy NghĩaNgười làm quan ở nước ta, xưa thì được tuyển mộ qua đường khoa cử (giỏi thơ ca và thuộc sách thánh hiền thì được đỗ đạt, làm quan), nay về cơ bản phải kinh qua ba kênh đào tạo chính: đào tạo về chuyên môn, đào tạo về chính trị và đào tạo về quản lý nhà nước...
  • Xây dựng khả năng tự học trong doanh nghiệp

    20/06/2006Trần Minh TrọngCác nhà quản trị doanh nghiệp thế giới gần đây cho rằng doanh nhân thế kỷ XXI phải có khả năng học tập và sáng tạo ra tri tứhc cho riêng mình. Hơn thế nữa, doanh nhân cần phải biết xây dựng doanh nghiệp của mình trở thành một tổ chức có khả năng tự học. Khả năng tự học của doanh nghiệp được xem là yếu tố giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển được...
  • Biết tự học và biết sáng tạo

    12/02/2003Quang DươngQua những sáng tạo được thể hiện từ thời Thomas Edison đến thời Bill Gates, giới khoa học kỹ thuật ngày càng nhận thấy giữa trí sáng tạo và việc tự học có một mối liên hệ nhân quả. Tạp chí Science et Vie (Pháp) đã viết :"Ai tự học mạnh nhất, người đó tích lũy được một tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất. Ngược lại, ai có nhu cầu sáng tạo nhiều hơn, người ấy càng thôi thúc ý chí tự học cao hơn".
  • Phát huy việc tự học trong trường phổ thông trung học

    10/02/2003Giáo sư Nguyễn Cảnh ToànNước ta hiện còn rất nghèo, đầu tư cho giáo dục bình quân đầu người chỉ mới bằng 1/10 mức trung bình, 1/100 mức cao của thế giới. Giải bài toán "đuổi kịp" như thế nào trong lĩnh vực giáo dục đào tạo khi phải lấy 1 đọ với 10, đọ với 100? - Khơi dậy nội lực, đó là câu trả lời chung. Trong giáo dục, thì nội lực trước hết là nội lực ở người học; Khơi dậy được nội lực này thì sẽ khơi dậy được nhiều nội lực khác trong ngành và trong xã hội.
  • Điều cơ bản là phát huy nội lực tự học của người học

    10/02/2003Tôi đã đọc bài: "Giáo dục từ xa ở Việt Nam - Vấn đề và triển vọng", đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 3-5-2000 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Sydney, Australia (xin đừng nhầm với Giáo sư Phạm Quang Tuấn). Điều đáng mừng là tôi thấy có nhiều điểm nhất trí với tác giả. Tuy nhiên vẫn có những điều vênh nhau.
  • xem toàn bộ