Cái ‘tôi’ của người Việt

06:09 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Năm, 2020

Tại sao cái tôi, cái “égo” của người Việt lớn thế? Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân. Không phải chỉ vỗ ngực, còn trèo lên nóc nhà gào khản cổ: tôi giỏi quá, tôi phục tôi quá, tại sao tôi tài ba đến thế?

Một lần ngồi nhậu với năm ông, có cảm tưởng ngồi với năm giải Nobel Văn Chương. Những ông như vậy, nhan nhản. Nói “ông,” vì hầu như đó là một cái bệnh độc quyền của đàn ông. Như ung thư vú là bệnh của đàn bà.

.

In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo. Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Beaudelaire, Nguyễn Du tái sinh. Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ. Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống). Học gạo được cái bằng (chưa nói tới chuyện mua được cái bằng), nghĩ mình đã kiếm ra điện và nước nóng.

Tôi, tôi, tôi

Một ông bạn in một tấm danh thiếp khổ lớn, dầy đặc những chức tước, trong đó có “nhà nghiên cứu.” Những người quen không biết ông nghiên cứu cái gì, lúc nào. Tôi đáng nhận là nhà nghiên cứu hơn, vì thỉnh thoảng vẫn vào Google tìm mẹo trị mắc xương cá, hay cách nấu canh hẹ tầu hũ.

Nghĩ cũng lạ, cái TÔI to tổ bố ở một xứ như Việt Nam. Việt Nam, xứ của văn hóa Phật Giáo, một tôn giáo coi cái ngã là hư cấu, cái tôi không có thực. Nơi chịu ảnh hưởng Lão Giáo, những người đã ra suối rửa tai khi nghe thiên hạ nhắc tới tên mình. Nơi người Công Giáo thực hành đạo nhiệt thành, và Công Giáo coi vị tha, nghĩ tới người khác, là đức tính hàng đầu.

Không lẽ người Việt không hiểu tôn giáo mình đang theo?

Có ai đã gặp một người Nhật vỗ ngực: tôi, tôi, tôi. Nói chuyện với người Nhật, trong những cơ hội hơi chính thức, chưa gì họ đã mang giấy bút ra ghi chép. Làm như những điều bạn nói là khuôn vàng, thước ngọc.

Tôi là chân lý

Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình. Nhưng không, trong tự điển cá nhân của người Việt không có chữ khiêm tốn. Nhiều lần tôi gân cổ cãi với bạn bè, về nhà nghĩ: không chừng nó có lý. Tại sao không nhìn nhận ngay? Bởi vì cái tôi nó lớn quá.

Ở đâu cũng có những cái tôi, nhưng ở người Việt, nó đạt một tỷ số đáng ngại. Mỗi lần, hiếm hoi, gặp một người đồng hương có khả năng nhưng khiêm tốn, tôi nghĩ bụng: ông nội này mất gốc rồi.

Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm ông ấy, xúc phạm chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ.

Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm? Trong cái kiêu hãnh lố bịch của người “mang dép râu mà đi vào vũ trụ” có cái tự ti của những người vẫn mang dép râu ở thế kỷ 20, 21.

Trong y học, égocentrisme là một cái bệnh, pathologie. Và trong chín trên 10 trường hợp, những người có mặc cảm tự cao, tự đại (complexe de supériorité) là để che đậy tự ti mặc cảm (complexe d’infériorité).

Những người có thực tài rất khiêm nhượng, vì họ không so sánh với người khác. Họ so sánh mình với mình, so sánh mình hôm nay với mình hôm qua, so sánh tác phẩm mới với tác phẩm cũ của chính mình. Và thường thường thất vọng.

Khi một nghệ sĩ thoả mãn với tác phẩm của mình, anh ta hết là nghệ sĩ. Anh ta không tìm tòi nữa, anh ta về hưu. Như một công chức, một tài xế xe đò về hưu.

Đèn dầu và đèn điện

Thomas Edison nói nếu hài lòng với đèn dầu, tìm cách cải thiện đèn dầu, sẽ không bao giờ kiếm ra điện. Người Việt chúng ta dễ thoả mãn quá, dễ kiêu hãnh quá, dễ “tự sướng’’ quá. Hậu quả là cái gì của ta nó cũng nho nhỏ. Cùng lắm là xinh xắn, dễ thương, nhưng đồ sộ, vĩ đại thì không có. Không thể có. Tham vọng nhỏ, thành quả nhỏ.

Pablo Picasso khi thành công, được ca tụng ở “période rose” (thời kỳ hồng), nếu thỏa mãn, sẽ không có “période bleue,” thời kỳ xanh. Nếu thoả mãn với “période bleue” sẽ không có tranh trừu tượng, đưa hội họa đi vạn dặm. Một giai thoại: Picasso mời bạn bè ăn tiệm. Cuối bữa ăn, gọi tính tiền. Chủ tiệm nói xin miễn chuyện tiền bạc, được tiếp Picasso là hân hạnh rồi. Pablo vẽ vài nét trên tấm khăn phủ bàn, tặng chủ tiệm. Ông này nói xin Picasso ký tên. Picasso trả lời: tôi chỉ trả bữa cơm, không muốn mua tiệm ăn.

Nếu Picasso là người Việt, sẽ thấy đời mình đã quá đủ để thoả mãn: vua biết mặt, chúa biết tên, chữ ký đáng ngàn vàng, chỉ việc ngồi hưởng và chiêm ngưỡng dung nhan mình. May mắn cho hội họa, ông là người Tây Ban Nha, hì hục tìm tòi cho tới chết.

Mỗi lần nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn học trên France Culture, hay trên France 5, ít người nghĩ họ đã chiếm giải Nobel Văn Chương.

Họ khiêm nhượng, ngập ngừng, do dự, gần như cáo lỗi sắp sửa nói những điều tào lao.

Le Clézio, Nobel 2008, khoanh tay, chăm chú nghe một tác giả vừa chân ướt chân ráo vào nghề, nói về một cuốn sách đầu tay. Modiano, Nobel 2014, tìm chữ một cách khó khăn, ngượng ngập, ít khi chấm dứt một câu, như muốn nói: thôi, bỏ qua đi, những điều tôi muốn nói chẳng có gì đáng nghe. Ông thực sự ngạc nhiên không hiểu tại sao có người nghĩ đến mình để trao giải. Ông nói có người đọc sách của mình đã là một phép lạ.

Người và ta

Những năm đầu ở Pháp, có thời tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris, bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện. Thỉnh thoảng ông mời vào nhà, uống trà, hỏi chuyện về Phật Giáo mà ông nói đọc nhiều, nhưng có điều không hiểu. Thí dụ ông muốn so sánh khái niệm về niết bàn của Phật Giáo với thiên đàng của Thiên Chúa Giáo.

Ông là một người Công Giáo thuần thành, nhưng muốn tìm hiểu về những tôn giáo khác.

Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV , chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, danh cầm hàng đầu của Pháp, chiếm giải nhất bảy lần khi học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành một giáo sư âm nhạc có uy tín.

Ông là Olivier Messaien, một trong những tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. Rất nhiều các nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu, như Pierre Boulez, Iannis Xenakis, hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opera “Saint-Francois d’Assise” của ông được trình diễn khắp thế giới, được đón nhận như những tác phẩm của Mozart, Beethoven.

Ông bà sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc đem tặng – một cách kín đáo – các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.

Ai biết hai ông bà già, lễ độ, gần như vụng về, đang xếp hàng mua ổ bánh mì, là những nhân vật chiếm chỗ lớn trong bất cứ một tài liệu nào về âm nhạc cổ điển cận đại, tuần trước còn là thượng khách của Hoàng Gia Thụy Điển.

Khi nào ta có những người như Modiano, Le Clézio, Messaien – chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm tốn – Việt Nam sẽ là một dân tộc trưởng thành. Trong khi chờ đợi, chúng ta tiếp tục leo lên nóc nhà, gào: tại sao tôi tài giỏi quá như vậy. Khi gào mỏi, leo xuống, đóng áo thụng vái nhau.

Đó cũng là một trò vui, nếu hậu quả không nghiêm trọng. Chúng ta đều đồng ý với nhau là đất nước đang trên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn. Nhưng chúng ta không ngồi nổi với nhau, vì cái TÔI nó lớn quá, lớn hơn cả vận mệnh dân tộc.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • "Cái tôi" dưới sự nhào nặn của truyền thông đại chúng

    04/08/2019Nguyễn Thu GiangTheo quan sát của tôi, hiện nay, hễ đã nói về “cá tính riêng” của giới trẻ thì y như rằng, người ta lại kèm theo một tiếng thở dài - như thể thời cuộc đã xoay vần đến độ chúng ta buộc phải chấp nhận giới trẻ, dẫu biết rằng họ thật là nông cạn. Treen đà ấy, nhận định “cái tôi” (dù để phê phán hay ngợi khen) thường nhanh chóng rơi vào lĩnh vực đạo đức học, vì hầu hết đều đặt “cái tôi” trong thế đối lập với Cái Tập thể hoặc Cái chung.
  • Ba, bảy cái tôi

    26/07/2019Đức UyCái bí ẩn trong bản thân từng người thuộc loại bí ẩn khó khám phá nhất. Có lẽ một trong những lý do khiến người ta khó nhận thức được mình nhất vì cái “tôi”. Có những ba, bảy vẻ. Các nhà tâm lý học xác định rằng có thể nhìn cái “tôi” dưới những góc độ khác nhau...
  • Sự tha hóa của cái Tôi

    16/06/2019Nguyễn Trần BạtỞ một bộ phận lớn của thế giới là khu vực chậm phát triển, hiện tượng cái Tôi tha hóa xảy ra rất phổ biến. Vậy có mối liên quan nào giữa sự tha hóa này với trạng thiếu tự do không? Theo quan điểm của tôi, chính sự thiếu tự do đã khiến cho đời sống tinh thần của con người trở nên mất cân bằng và do đó tạo ra sự tha hóa của cái Tôi...
  • Cái tôi, thành công và thất bại

    07/01/2018Nguyễn Tất Thịnh- Cái Tôi hoà với cái Chúng ta làm cái Chúng ta mang bộ mặt người và cái Tôi trở nên có tầm vóc.
    - Đánh mất mình thì không giữ được Nhân – Không hiểu mình thì chẳng thấy được Thiên – Không bỏ công thì không dung được Địa...
  • Vài suy nghĩ về cái Tôi trong thơ từ cách nhìn Phật Giáo

    16/11/2017Nguyễn Điệp HoaTưởng rằng có cái TÔI tuyệt đối, cái tôi đích thực, đó là một trong những ảo tưởng lớn nhất của loài người. Nhưng xem ra, căn bệnh này ở những người làm nghệ thuật và các nhà thơ còn nặng hơn nhiều so với những người khác...
  • Gồng mình với “cái tôi”, vì trống rỗng và bất tài?

    11/06/2017Nhà phê bình Nguyễn HòaNgười ta khó có thể phân biệt giữa bạt ngàn các nghệ sĩ được quảng bá và tự quảng bá trên hệ thống thông tin đại chúng thì đâu đích thực là “ngôi sao” tài năng, và đâu chỉ là “ngôi sao băng” lóe ngang qua “bầu trời nghệ thuật” rồi tắt ngóm?
  • Cái tôi to tướng và cái tập thể nhạt nhẽo

    10/04/2017Họa sỹ Phan Cẩm ThượngCái chủ nghĩa cá nhân vô lối này cũng đầy rẫy trong nghệ thuật, vì là một thứ không chết ai, nên cũng chẳng có một sự phê bình nào, và nhất là những cơ quan quản lý văn nghệ chỉ lo những gì sai đường lối. Thế là có vô số thứ nghệ thuật không sai đường lối nhưng tầm thường vô cùng trở thành thời thượng
  • Cách tân: đi tìm cái mới hay cái tôi?

    17/01/2017TS Chu Văn SơnTrong giai đoạn có tính bước ngoặt để sáng tạo nên thành tựu mới cho văn chương như hiện nay, các khái niệm “cách tân”, “cái mới”… đã được nhiều tác giả đặt ra và thảo luận để đi tìm sự thống nhất (dù tương đối).
  • Egoism = Chủ Nghĩa Cái Tôi

    25/11/2016Cuộc đời có giới hạn, vậy thì tại sao chúng ta phải mang vác "cái tôi" nặng nề mà không cởi bỏ nó, để làm một người tự do, ung dung, tự tại và được là chính mình trong cuộc đời này?
  • Một chân lý đầy nghịch lý - về "cái tôi" của mỗi người...

    26/06/2016Trên đời, trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống chung với tha nhân, có một chân lý rất nghịch lý. Đó là càng tự đưa mình lên thì càng bị hạ xuống; và càng tự hạ mình xuống thì càng được đưa lên. Càng tự coi mình là nhỏ bé thì tâm hồn ta càng được bình an, càng dễ hạnh phúc, và ta càng trở nên vĩ đại trước Thiên Chúa và tha nhân; còn càng tự coi mình là vĩ đại thì ta dễ rơi vào bất an, đau khổ, và càng trở nên nhỏ bé trước Thiên Chúa và tha nhân.
  • Cái tôi – danh lợi

    11/06/2016Thu San Nguyễn Thế HùngCái tôi hạng cao là cái tôi biết sự đầy đủ của lợi, biết sự trường tồn của danh. Những người sở hữu cái tôi hạng cao biết vượt lên “cái tôi”, dẫn dắt và điều khiển được “cái tôi”, chứ không phải ngược lại.
  • "Cái tôi" của người Việt Nam qua một giai đoạn phát triển

    08/06/2016Những nghiên cứu về “cái tôi”, “tôi - không tôi”, “tôi - chúng ta”, “tôi - tôi”, cũng như tính cộng đồng và tính cá nhân đã được tiến hành trong lĩnh vực tâm lý học, nhưng đây mới chỉ là bước đi đầu tiên. Bằng phương pháp phân tích các cứ liệu ngôn ngữ(*), tác giả đã chỉ ra “cái tôi” - sự tự ý thức của mình trong quan hệ với người xung quanh. Qua đó, chúng ta cũng hiểu thêm về nhân cách người Việt...
  • Giới trẻ - cái tôi và những căn bệnh tâm lý

    07/06/2016Minh Anh (thực hiện)Thế giới của giới trẻ Việt Nam hiện nay khác rất xa với thế hệ cha mẹ của họ. Nhu cầu vật chất cao hơn, đời sống tiện nghi hơn và cái tôi của họ cũng phô bày thô bạo hơn. Giải thích và phân tích xu hướng này từ góc độ tâm lý học là một phần nội dung cuộc trò chuyện giữa KH&ĐS với TS Tâm lý học Lương Cần Liêm.
  • Cái tôi và cái ta

    20/08/2013Lê Tấn CôngThế hệ trẻ hiện nay thể hiện “cái tôi” bằng mọi cách. Việc thể hiện “cái tôi”, trước hết là phải cho mọi người thấy “cái tôi” đó khác với mọi người, không “đụng hàng” với bất cứ một ai khác.
  • Đi tìm cái tôi đã mất

    29/05/2006Nguyễn KhảiTheo tôi đây là một tư liệu quý cần chia sẻ. Vậy xin trân trọng giới thiệu với mọi người. Hy vọng mỗi người sẽ tìm được cho mình những điều thú vị về nhà văn Nguyễn Khải và một thời “xã hội- văn học” Việt Nam...
  • Đi tìm cái tôi đã mất

    26/09/2007Tuỳ bút chính trị Nguyễn Khải, 27/5/2006Sang tuổi 70, mọi hoạt động của con người đều chậm, đều kém, riêng cái chuyện viết lách của tôi vẫn giữ được phong độ gần như xưa, vẫn viết rất nhanh, riêng cái nhìn thì trào lộng nhiều hơn, ngậm ngùi nhiều hơn. Nó là thứ hương vị thơm ngát chắt ra từ hơn bảy mươi năm được làm người...
  • Tính cộng đồng - tính cá nhân và "cái tôi" của người Việt Nam hiện nay

    04/05/2006TS. Hoàng KimQuá trình thực thể sinh học - xã hội trở thành con người cũng là quá trình có sự kết hợp giữa tính cộng đồng và tính cá nhân, nói rộng hơn, là giữa tính xã hội và tính cá nhân. Triển khai nghiên cứu đề tài, các tác giả Viện Tâm lý học đã đặt nó trong bối cảnh của thời đại ngày nay, khi quá trình hội nhập đã trở thành xu thế chung mang tính toàn nhân loại...
  • Chiếc La Bàn mang tên cái Tôi

    19/04/2005Kim DungStephen R. Covey đã cho ra đời cuốn sách First Things First (Chiếc La bàn mang tên cái Tôi). Để giải quyết tận gốc rễ căn nguyên của căn bệnh trầm kha stress, ông nhấn mạnh chúng ta phải bắt đầu hành động theo định hướng của chiếc la bàn, cái giúp ta đi tới những giá trị thực thụ trong mỗi cá nhân thay vì chiếc đồng hồ quản thúc.
  • xem toàn bộ