Cải cách giáo dục phải làm lại từ đầu

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười Một, 2003

Bắt đầu từ thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc cải cách giáo dục (CCGD) của ta đến nay đã qua hơn hai mươi năm. Thế nhưng những gì chúng ta làm được cho cuộc cách mạng này xem ra chưa đâu vào đâu cả. Nhiều chương trình, dự án tốn bạc tỷ, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ, tưởng đã xong, nhưng đưa ra thực thi, bị chính các GS, TS các NGND, NGƯT danh tiếng trong ngành và dư luận xã hội phản ứng gay gắt, quyết liệt,  buộc phải huỷ bỏ. Trong khi đó, nhiều vấn nạn giáo dục, nhân cơ hội đó mọc lên như nấm. Cuộc đấu tranh giữa một nền giáo dục dân tộc, văn minh, tiến bộ với nền giáo dục thương mại hoá ngày một gay gắt.

Trước thực tế gay gắt đó, gần đây Bộ GD-ĐT buộc phải nói tới "sửa sai" và đã bắt tay sửa một vài việc. Nhưng thực tiễn mấy năm qua cũng như những gì Bộ đang nói và làm cho thấy, cách làm này chỉ có tính chất đối phó không hứa hẹn đem lại điều gì tốt đẹp. Và CCGD vốn đã mất hướng, càng luấn quấn thêm.

Phải sửa từ những vấn đề cơ bản, có tính hệ thống. Muốn thế, trước hết phải có cái nhìn bao quát toàn bộ các hoạt động của ngành GD-ĐT hiện nay để xem xem chúng đã phục vụ cho mục tiêu của ngành mình như thế nào. Và một khi đã làm được như thế, chẳng khó khăn gì mà chúng ta không thấy, càng cải cách, càng đẩy ngành GD-ĐT xa rời mục tiêu đó.

Thật vậy! Mục tiêu của ngành GD-ĐT đã được ghi rõ trong nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thể chất, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hoà trong gia đình, cộng đồng và xã hội"
Nghị quyết 40/2000 về giáo dục của Quốc hội khoá X nói cụ thể hơn: "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ CNH, HĐH đất nước, tiếp cận trình độ GDPT ở các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới".

Biểu hiện đầu tiên của sự xa rời này là chủ trương phân ban ở bậc học phổ thông.

Theo Nguyễn Xuân Hãn (báo Văn Nghệ số 41, ngày 12/10/2002), chủ trương này có từ thời thuộc Pháp. Năm 1959 Bác Hồ và các nhà giáo dục cách mạng xoá bỏ lần thứ nhất. Năm 1993 Bộ GD-ĐT phân ban trở lại. Năm 1998, Quốc hội bác bỏ lần thứ hai, khi thông qua Luật Giáo dục. Nhưng từ bấy đến nay, như những gì chúng ta đang chứng kiến, Bộ GD-ĐT xem như không có chuyện đó - không có chuyện Bác Hồ đã xoá bỏ chuyên ban và Luật Giáo dục không cho phép thực hiện chuyên ban! Ông Mạnh Hảo đã có lần tố cáo Bộ GD-ĐT nói dối Chính phủ. Tôi nghĩ nói như vậy còn nhẹ. Với những cứ liệu ông Hảo đưa ra, phải nói, Bộ GD-ĐT chẳng thèm để ý tới lời giáo huấn của Bác, cũng như nghị quyết của Quốc hội, mới đúng.

Chuyên ban hay không chuyên ban đều có lý do của nó. Người Pháp chủ trương chuyên ban vì họ chỉ cần những con người đập đi hò đứng, không cần có suy nghĩ và hành động độc lập, bằng kiến thức, bản lĩnh của mình. Ta khác. Ta cần những con người không những phải có kiến thức toàn diện, mà còn phải có nhiều phẩm chất khác. Tất cả  những thứ đó phải được gieo trồng từ bậc phổ thông.

Cùng với chủ trương chuyên ban, chủ trương học nhiều thi ít lại là một cú thứ hai vào mục tiêu của ngành.
Chủ trương chuyên ban đã đẩy con em chúng ta vào con đường học ở ban nào chỉ chúi mũi vào các môn của ban đó, không thèm để mắt vào các môn của ban khác; cuối năm, cuối khoá thiếu điểm thì đã có thầy cô giáo. Chủ trương học nhiều thi ít - học 12-13 môn, nhưng chỉ thi tốt nghiệp 4 môn, kêu gào mãi nâng lên 6 môn, nhưng cũng phải năm học 2003-2004 mới thực hiện - khiến cho những em không chuyên ban cũng không thèm học những môn biết trước không phải thi!

Dạy và học như thế, con người không méo mó mới là chuyện lạ! Xin đừng đưa ra những giải thưởng quốc tế ra đây mà biện hộ. Đấy là kết quả của nền giáo dục vì số ít, chứ không phải vì số đông như chúng ta mong muốn!
Đọc đến đây có thể có người hỏi: Vậy thì phải học cả và thi cả? Hiện nay mới có 4 môn mà đã chấm không kịp; nếu thi cả 13 môn, chấm đến bao giờ? Nếu thế, tôi xin hỏi lại: Tỷ lệ giữa học sinh và thầy cô giáo mấy chục năm nay có gì thay đổi ? Tại sao ngày xưa cũng với tỷ lệ đó, các thầy cô giáo chấm kịp, chấm hết, còn bây giờ thì không?

Tôi còn nhớ như in, năm 1961, chúng tôi thi tốt nghiệp phổ thông, vẫn thi hết, học bao nhiêu môn thi bấy nhiêu. Chỉ có điều không thi viết cả, mà có một số môn thi vấn đáp.

Thi vấn đáp, như nhiều người đã biết: cả thi và chấm diễn ra cùng một lúc, mất không đến mười lăm phút đối với học sinh.

Không hiểu tại sao sau này Bộ GD-ĐT lại bỏ cách thi này? Sợ thiên vị, không chính xác chăng? Cách đây mươi mười lăm năm điều đó có thể xảy ra. Còn bây giờ, khi chúng ta đã có đủ phương tiện trong tay - máy ghi âm - thừa sức để loại trừ nguy cơ đó.

Có thể thi viết kết hợp thi vấn đáp. Nhưng đã học thì phải thi. Học môn nào phải thi môn đó. Việc này thì phải được xem là một trong những yêu cầu không thể bỏ qua của bậc học phổ thông, nếu chúng ta còn chủ trương giáo dục phổ thông là giáo dục toàn diện. Đây là nguyên tắc chung cho mọi nền giáo dục tiên tiến khác.

Với Việt Nam ta, nguyên tắc đó càng phải được tôn trọng. Vì nền giáo dục của chúng ta không những phải tiên tiến, mà còn phải theo hướng XHCN, một định hướng mà theo đó sản phẩm của nó - con người - phải là con người XHCN, một con người không những phải có kiến thức toàn diện, hiện đại, mà phải có sức khoẻ bản lĩnh chính trị và tâm hồn nhân ái. Một thế hệ con người như thế không thể có với số đông, trong nền giáo dục khiếm khuyết như hiện nay.

Trên đây tôi chỉ mới trình bày và phân tích sự xa rời mục tiêu đào tạo của giáo dục phổ thông. Sự xa rời này còn thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác. Hy vọng sẽ có dịp trở lại vấn này.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: