Cái vội của người mình

11:35 SA @ Thứ Sáu - 05 Tháng Giêng, 2018

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM:
BIẾT HƯỚNG TỚI MỘT LỐI SỐNG CHẬM THÍCH HỢP !

Cảm giác về một cuộc sống hiện đại quá sức với trình độ vốn có đã theo đuổi và ám ảnh tôi từ lâu.

Nói một cách thô thiển tức là tôi muốn mình sống chậm lại - chữ chậm ở đây là bao hàm trong cái nhịp sống lớn của đời sống LINH HOẠT TRẺ TRUNG SÔI ĐỘNG mà lại KỸ LƯỠNG THẤU ĐÁO chứ không phải cái già nua lười biếng buông trôi.

Trong khi bất lực chưa làm được theo cái điều mình tin là đúng đó tôi muốn nói to nó lên chia sẻ với mọi người.
"Biết đâu điều mình không làm được thì người khác sẽ làm được".-- tôi tự nhủ.

Bởi vậy từ hơn chục năm trước tôi đã viết bài viết dưới đây và thường nhớ tới nó, muốn có thêm bạn đọc đọc nó.


Nhân dịp năm mới 2018, tôi muốn giới thiệu nó trên mạng, nhưng e ngại nhiều bạn sẽ cho là lạc lõng, bởi vậy mãi đến hôm nay mới dám đưa lại ở đây.
Hy vọng sẽ có một ít bạn bình tâm ngồi nghĩ ngợi và bàn bạc thêm về chủ đề này cùng tôi.


Nhà phê bình Vương Trí Nhàn


Cái vội của người mình

Năm 1982, Larry Dossey, một bác sĩ người Mỹ đã đặt ra thuật ngữ “căn bệnh thời gian” để mô tả một tín điều đang ám ảnh nhiều người. Những người này thường tự nhủ: “Thời gian đang trôi đi, không còn đủ thời gian, và bạn phải nhanh hơn, nhanh hơn nữa mới bắt kịp nó”.

Sau khi dẫn lại một nhận xét tổng quát như thế, Carl Honoré (tác giả cuốn Ngợi ca sống chậm - bản dịch của Nhà xuất bản Phụ nữ ) tự đặt cho mình một loạt câu hỏi: Vì sao chúng ta luôn vội vã như vậy? Đâu là nguyên nhân tâm lý? Liệu có thể - và có nên ao ước - sống chậm lại?

Những căn bệnh được tác giả miêu tả đủ loại, ăn nhanh, đi vội, sống gấp, làm việc đến kiệt sức, hưởng thụ ngoài sức tưởng tượng. Bởi ở mọi nơi mọi chỗ, chúng ta khao khát tốc độ, nên đã tự làm hỏng cuộc đời đi, ông bảo vậy. “Thời đại của sự rồ dại”, - tinh thần của khái quát đó trở đi trở lại nhiều lần trong tác phẩm.

Từ đó, ông giới thiệu một giải pháp ngược lại, đã tự phát hình thành trong thực tế và ngày càng được tin theo, đó là sẵn sàng sống chậm, cốt tìm tới sự hài hòa. Những biện pháp nêu ra, như bớt thời giờ xem ti vi, để thêm thời gian đọc sách và làm vườn hoặc đan lát... chỉ là gợi ý. Trước tiên người ta phải nhận thức được rằng cố sao cho nhanh thường đồng nghĩa với vội vàng, hời hợt nôn nóng, đặt số lượng lên trên chất lượng. Đó là thứ tư duy đã lỗi thời. Còn chậm nghĩa là thư thái cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo. Nhanh và chậm chỉ là tương đối. Cái chính là mỗi người tìm cho mình một nhịp sống hợp lý.

Từ chuyện bên Tây quay về Việt Nam, thấy chúng ta cũng đang bị cái vội cuốn đi thật. Một nhịp sống gấp gáp lôi cuốn. Gấp gáp đến liều lĩnh. Và vội vàng đến bất cẩn. Đường sá quay cuồng. Công việc cứ rối tung cả lên mà vẫn chẳng việc gì ra việc gì.

Một người bạn tôi mới đây dẫn ra nhận xét của một người dân Singapore có dịp sống ở vài thành phố lớn của ta:

- Người Việt các anh đã mất hết tính kiên nhẫn rồi hay sao? Nên biết là ngay ở Singapore, việc chờ taxi mất nửa tiếng với chúng tôi cũng là chuyện thường.

Vấn đề bây giờ chỉ còn là giải thích tại sao chúng ta lại sống vội như vậy và xem xem có phải là cái vội bộc lộ một cái gì to lớn hơn, cần phải gạt bỏ.

Tôi sống trong nghề viết văn, viết báo liên tục đã bốn chục năm nay và có dịp chứng kiến hai giai đoạn nghề nghiệp. Từ 1986 trở về trước, ở Hà Nội báo lom đom dăm bảy tờ, sách viết xong không chắc đã có giấy để in. Thế là không ai bảo ai, viết cái gì cũng đận đà chậm chạp, không thiếu nhà thơ để cả tuần tính một hai chữ trong thơ. Còn nay thì làm ăn như ăn cướp, vừa nghĩ ra cái đầu đề đã ngồi ngay vào bàn, bản thảo chưa hoàn thành (nói như ngày xưa chữ chưa ráo mực) đã giục nhà xuất bản xin phép cho in. Lúc đầu tưởng phải viết cho nhanh mới giải phóng hết được sức sáng tạo. Sau nhìn lại cái đống viết ra hổ lốn hỗn tạp - bằng chứng là bạn đọc ngày càng xa lánh - mới hiểu rằng mình đã rơi vào vòng tay của sự làm liều làm ẩu lúc nào không biết. Chậm mới hợp với trình độ của mình. Nhanh là ảo tượng giả tạo, bỏ mồi bắt bóng.

Khốn khổ có riêng nghề của bọn tôi đâu, nghề nào bây giờ chẳng vậy!

Xưa nay dân ta ít ai để ý tới chuyện cười cợt của người mình. Tới những thập niên đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Văn Vĩnh mới đọc ra trong đó cả một triết lý sống. Trong bài Gì cũng cười, viết trên Đông dương tạp chí, nhà văn này giả định, “Trong cái cười của ta nhiều khi có cái vô tình độc ác: có cách láo xược khinh người; có câu chửi người ta; có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta”.

Học theo Nguyễn Văn Vĩnh, tôi cũng muốn nói rằng trong sự nóng vội người đời bây giờ có cái hạn hẹp trong tầm nghĩ, chỉ thấy đời sống trước mắt mà không thấy đời sống thâm nghiêm lâu dài; có cái tự ti, biết rằng mình đã quá lạc hậu với thế giới nên phải lo truy đuổi trong tuyệt vọng; có cái hỗn loạn trong cảm giác về giá trị, từ đó tạo nên ám ảnh lấy thịt đè người, chỉ có nhanh mới hốt được của thiên hạ.

Với một số người, vẻ vội vàng mà họ biểu hiện như vậy là cả một lời tố cáo. Rằng đời sống tinh thần họ tầm thường. Rằng họ không biết mình là ai trong thế giới này. Thậm chí ở một số trường hợp vội vàng đồng nghĩa với gian manh, cố tình tạo ra tình trạng hỗn loạn để đẩy đi thứ hàng kém cỏi mình làm, cái cuộc sống vớ vẩn mình muốn áp đặt cho kẻ khác. Vội trong trường hợp này là để lấp đi cái trống rỗng, mà cũng là cái bế tắc của tình thế.

Hồi còn bao cấp, tôi thường hình dung cái vội của dân mình như người có cái xe đạp đã tàng đã cũ, cứ phải rướn cổ cò mà đạp trên con đường quê gồ ghề. Còn ngày nay thường đến với tôi là hình ảnh những người chạy xe gắn máy rồ ga bóp còi inh ỏi, đưa xe lên cả vỉa hè, nhưng chẳng để làm gì ngoài việc lăn từ đám tắc đường này sang đám tắc đường khác. Mà cả thành phố thì trì trệ ì ạch, dấu hiệu còn lại của thời buổi kinh tế thị trường chỉ là một sự nhốn nháo.

Nội dung liên quan

  • Những con dốc cuộc đời

    26/07/2019Nguyễn QuỳnhKhi bạn đạp xe lên một con dốc con, mồ hôi chảy ướt áo và bàn chân tưởng như mỏi nhừ thì bạn sẽ được tận hưởng sự tuyệt vời khi chiếc xe lăn nhanh xuống con dốc phía trước, những giọt mồ hôi bốc hơi, để lại cảm giác mát lạnh khiến bạn quên nhanh tất cả mệt mỏi...
  • Về cái thời chúng ta đang sống

    14/07/2017Phong LêCái thời ấy thế mà cũng đã hơn 20 năm, trong tên gọi Đổi mới. Dài hơn hai lần chống Pháp. Dài hơn hai lần cả nước chống Mỹ. Hơn hai thập niên đất nước chia cắt... Những thời ấy, có lúc là ngàn cân treo sợi tóc - nhưng cả dân tộc cùng chung lo, cùng chịu đựng, cùng nhất tề xông lên, nhất tề đồng khởi... Còn bây giờ - là trăm mối lo toan. Mỗi biến động lớn nhỏ của đời diễn ra ở quanh ta, hoặc ở bất cứ nơi nào trên thế giới là trực tiếp đến với từng ngôi nhà, từng căn hộ, từng cá nhân riêng lẻ. Không bom đạn trên đầu, mà bối rối trong óc và bồn chồn trong lòng. Một cuộc sống sôi sục, cựa quậy trong những chuyển đổi.
  • Hạnh phúc là nhìn thấy điểm dừng

    20/10/2014Đỗ Phương TiếnKết hợp những nghiên cứu mới nhất trong các lĩnh vực kinh tế học, tâm lý, khoa học thần kinh, xã hội học, triết học và chính sách xã hội, giáo sư kinh tế tại Đại học kinh tế London Richard Layard đã kiến tạo một cách nhìn độc đáo và thú vị về xã hội và cuộc sống của chính con người chúng ta.
  • Chủ nghĩa chuộng giới trẻ ở phương Tây đã hết thời?

    22/10/2008Lưu Hương Thanh dịchNgười ta từng coi những người đã vào độ tuổi 50 là những kẻ ngoài cuộc vì cho rằng họ không còn tinh thần chiến đấu, không còn sức tiến lên… Thế nhưng thực tế gần đây đã chứng minh ngược lại. Một xu hướng mới đang được hình thành ở các nước phương Tây, mà theo chuyên gia ngành xã hội học người Pháp Francois Dubet thì “lực hút” của xã hội đang được chuyển dần từ thanh niên sang những người ngoại tứ tuần.
  • Cảm nghĩ thời đại lúc vào xuân

    29/03/2007Nguyễn Khắc MaiTôi không thể không làm một việc cần thiết: gửi một lời chúc xuân tới quý bạn đọc, những tri kỷ của mình. Thật may mắn, tôi đã tìm được lời chúc xuân rất có ý nghĩa trong một bài thơ của Ngô Thì Nhậm "Nhập Xuân đa giai thụy" (Vào xuân với nhiều điều Đẹp giai, Lành - thụy).
  • Thời gian với giao thừa

    16/02/2007Băng SơnThời gian là cái gì đó, hoàn toàn vô hình nhưng lại hết sức hữu hình. Nó như một nguyên tố không màu, không mùi, không vị, không đặc, không loãng, cứ lặng lẽ trôi nhưng bất biến...
  • Thời gian và “Những giấc mơ của Einstein”

    05/02/2007Y TrangCó một nhà triết học đã định nghĩa rằng: “Con người là con vật biết mình phải chết”. Đó là phẩm chất đặc biệt và cũng là nỗi suy tư lớn nhất của con người khi bắt đầu phải đặt các câu hỏi - phần lớn là vô vọng - về thời gian...
  • xem toàn bộ