Cần thay đổi cơ bản và toàn diện

03:51 CH @ Thứ Tư - 23 Tháng Bảy, 2003

Trông người mà ngẫm...
Thái Lan xem VN trong tương lai có thể cạnh tranh mạnh trong thị trường xuất khẩu lao động rất béo bở. Tuy nhiên, họ không lo lắm và nghĩ là ngày ấy còn xa vì hiện nay lao động VN rất nhiều người chưa có tay nghề, thua xa lao động Thái, Malaysia và Philippines nhất là trong những  nghề như ráp nối vật liệu, hàn điện, đi đường dây điện nhà, điện từ, kỹ thuật ôtô, và đi đường ống nước. Bangkok Post cũng trích lời một quan chức Thái thêm rằng, lao động Thái đã có uy tín tốt ở nước ngoài nhờ đặc tính cần cù, chịu khó, siêng năng, và quen việc mới rất nhanh. Họ có một đặc điểm nữa mà lao động các nước khác khó theo kịp là "luôn luôn tươi cười và mến khách".

Ông Mathayom Nipakasem, Chủ tịch Công ty Mathew quốc tế, một công ty chuyên tuyển dụng nhân lực quốc tế, cho rằng nếu tay nghề của lao động VN được nâng lên nhanh chóng,  sẽ cạnh tranh mạnh với Thái Lan. Nhưng hiện nay VN có khoảng 200.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài thì phần lớn là làm những nghề đơn giản, thu nhập không cao.

Rõ ràng những phê phán của các chuyên gia tuyển dụng lao động quốc tế đáng để chúng ta soi rọi vào chiến lược nguồn nhân lực của nước ta.

Không thể đổi mới theo kiểu cũ
Lĩnh vực đào tạo nghề của VN đến nay còn rất nhiều bất cập nên cả người học và phụ huynh của họ không thấy tương lai mình trong học nghề. Có thể kể một số bất cập đó như sau:

- Bản thân Nhà nước không dám đầu tư tập trung cho dạy nghề, nên công tác dạy nghề hiện nay rất phân tán. Ngành giáo dục cũng có trường dạy nghề, ngành LĐTBXH cũng có trường dạy nghề, nhiều ngành khác cũng có trường dạy nghề, tư nhân cũng có trường dạy nghề. Cấp trung ương, cấp tỉnh, và cấp huyện đều có trường dạy nghề. Trường thì nhiều nhưng đầu tư không đến nơi đến chốn (trừ một ít trường trực thuộc T.Ư), học viên ra trường ít người có tay nghề cao, lý thuyết đã kém mà thực hành càng kém.

- Cơ chế đầu tư của Nhà nước rất lỗi thời, đã để cho các trường dạy nghề của tỉnh và huyện rất què quặt, nên dân của tỉnh muốn học nghề tốt hơn, phải đi xa để học, tốn kém thêm cho gia đình.

- Trong hệ thống công vụ, người có bằng trung cấp/cao đẳng hoặc chứng chỉ nghề thường có mức lương rất thấp - địa vị xã hội kém khiến cho người ta cứ nhằm đại học mà tiến lên. Xã hội vì thế phải chịu mất cân đối về bằng cấp: "Sĩ quan có khuynh hướng đông hơn lính".

Ở Âu Châu và Mỹ, Nhà nước đầu tư rất mạnh vào các trường cao đẳng cộng đồng, nơi mà các ngành nghề lao động cần thiết cho nhu cầu địa phương được đào tạo. Có trường cộng đồng dạy hàng trăm nghề nghiệp khác nhau, từ nghề ống nước, hàn, tiện, hồ... cho đến nghề nấu bếp, y tá, bảo vệ an ninh v.v... Các trường này thu nhận mọi thành viên của cộng đồng vào học các lớp ngắn hạn hoặc trung hạn, hoặc chương trình liên thông với các trường cao đẳng trong nước để khi đủ số đơn vị học trình bắt buộc, họ có thể lấy bằng cấp cao  đẳng nếu muốn.

Trái lại, ở nước ta Nhà nước tập trung đầu tư cho các trường đại học chuyên ngành, chỉ thu nhận được 10% số học sinh tốt nghiệp THPT. Số học sinh tốt nghiệp còn lại tìm cách vào các trường đại học tại chức hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên để có bằng đại học chất lượng rất khác nhau. Khi tìm hết cách mà không vào được trường đại học nào, một số ít mới chịu chọn trường nghề.

Mặt khác, hệ thống giáo dục VN không đào tạo những người tốt nghiệp trung học  có thể giao tiếp bằng một ngoại ngữ (Hoa, Pháp, Anh, Nga), thậm chí phần lớn những người tốt nghiệp đại học cũng chưa  có kỹ năng giao tiếp bằng một ngoại ngữ. Các nước Philippines, Malaysia... dạy song ngữ từ mẫu giáo lên trung học và đại học nên sinh viên ra trường đều lưu loát tiếng Anh. Hiện nay, Thái Lan đã chuẩn bị chuyển dần hệ thống giáo dục của họ cho thích nghi với toàn cầu hoá. Bộ Giáo dục Thái Lan đã cho thành lập 50 trường quốc tế từ mẫu giáo song ngữ đến lớp 12 song ngữ theo chương trình  của Anh hoặc Mỹ. Có trường dạy song ngữ của Nhật, Đức, Pháp, hoặc Hoa...  Tất cả các trường này  đều đạt tiêu chuẩn chứng nhận của WASC (Hiệp hội các trường trung học và cao đẳng miền tây), học sinh tốt nghiệp được công nhận bởi hệ thống các trường của Âu Châu và Mỹ, được vào bất cứ đại học nào ở các nước đó. Thái Lan cũng đang chuẩn bị cải tiến chương trình giáo dục phổ thông, bắt đầu bằng biện pháp nâng cấp trình độ giáo viên tiểu học. Bắt đầu năm 2005, tất cả giáo viên tiểu học Thái Lan phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành. So với ta, nhất là tại vùng ĐBSCL, giáo viên tiểu học vẫn còn nhiều thầy cô giáo mới có trình độ lớp 9 + 3, do đó nền giáo dục căn bản của mỗi công dân VN khó có thể vững chắc được.

Cần phải thay đổi hiện trạng giáo dục VN một cách cơ bản và toàn diện, như Nghị quyết Đại hội IX đã nêu ra, mới mong có được nguồn nhân lực thật sự có khả năng chiến thắng trong mặt trận hội nhập kinh tế thế giới. Nhưng nói như thế cũng không có gì mới, vì mặc dù chúng ta luôn hô hào cải tiến nền giáo dục VN mà rồi đâu vẫn vào đó, vì đổi mới bằng những người luôn nhìn theo kiểu cũ thì cuối cùng vẫn theo vết cũ. Chừng nào mới có sự thay đổi thật sự?

LinkedInPinterestCập nhật lúc: