Chạy thật nhanh chứ đừng đi bộ

03:51 CH @ Thứ Bảy - 19 Tháng Tư, 2003

Nếu so sánh ở tầm phổ thông, có thể xếp thanh niên Việt vào hạng khá so với thanh niên các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nếu nói thanh niên với tư cách là đầu tàu trong con tàu phát triển, thì những tiềm năng của thanh niên ta chưa hội đủ điều kiện để bứt phá.

Thế giới đã đi quá nhanh

Một cô giáo - một nhà ngoại giao rất được bạn trẻ hâm mộ, bà Tôn Nữ Thị Ninh (TNTN), Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ VN tại Vương quốc Bỉ và Lucxemburg, Trưởng đoàn đại diện VN tại Liên minh Châu Âu đã hối thúc thế hệ trẻ như vậy. Là một nhà ngoại giao, bà đã đặt chân đến 150 quốc gia nên những đánh giá của bà luôn có cái nhìn tương quan về chỗ đứng của người Việt trẻ trong dòng chảy quốc tế:

"Có lẽ một phần do thanh niên ta đang là sản phẩm của lối đào tạo hơi từ chương. Lối đào tạo này chưa khơi dậy được tiềm năng của những người trẻ ở 2 đặc tính: Ham muốn khám phá và đầu óc phê phán. Thực sự thì cũng đã có những cá nhân thành công, nhưng phần nhiều là do nỗ lực bản thân. Họ mới chỉ là sản phẩm của chính bản thân họ.

Về khả năng đáp ứng các điều kiện của một môi trường hoạt động mang tính quốc tế hoá, nói chung thanh niên Việt Nam có khả năng thích nghi tương đối tốt. Thế nhưng để chiếm lĩnh những đỉnh cao thật sự thì thanh niên ta phải vất vả, nếu không nói là quá vất vả hơn so với thanh niên các nước khác!

Vì sao ư? Cái này cần phải nói thêm về cách đào tạo. Trong cách cấu tạo chương trình cấp học phổ thông ở nhiều nước, người ta đặt vấn đề phát triển bề rộng, phát triển về thể lực, tâm sinh lý... Trong khi ta lại đặt quá nặng phát triển trí lực. Ta đang dạy nhồi, học nhồi. Và các em quá vất vả...

Lối học ấy đã biến thanh niên Việt thành những cái máy vâng lời mà thiếu đi đầu óc phê phán và khả năng lật ngược vấn đề. Họ đã bị những lời khen, những thành tích nhỏ nhoi ru ngủ, triệt tiêu khả năng phê phán, khả năng tự nhìn nhận chính mình.

Về khả năng truyền thông, các bạn trẻ tiếp cận rất nhanh. Thanh niên Việt học nhanh lắm, nhất là trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình. Sở dĩ như vậy cũng là do khách quan, các chương trình hay, dở đều có phản hồi dư luận rất nhanh, nó không mù mù mờ mờ! Nó phân giải rất rõ ràng. Điều này nói lên khả năng của thanh niên còn phải được đặt trong điều kiện làm việc tốt để họ có được sản phẩm của chính mình.

Hiện nay, rất nhiều bạn trẻ tự thân đứng ra thành lập công ty riêng. Họ đang cố gắng tự tạo môi trường tốt cho sự vươn lên của chính họ. Nhưng môi trường tốt là một phần, vẫn có ý kiến cho rằng ngưỡng thoả mãn của người Việt trẻ còn thấp. Nhiều bạn học sinh ra được nước ngoài, có điều kiện học hành thì rất sớm bằng lòng. Còn ít thấy những kế hoạch dài hạn, thực hiện một hoài bão lớn.

Nói một cách công bằng cũng là do cách chúng ta dạy dỗ. Thanh niên các nước khi vào đại học mới bắt đầu toả sáng. Còn thanh niên ta khi vào đại học thì không suy nghĩ gì hơn nữa, hoặc có muốn suy nghĩ cũng không còn sức mà suy nghĩ nữa, hoặc anh nào chơi thì bắt đầu chơi (vì hồi bé phải học, có được chơi đâu). Thấy có ngược đời không? Giống như người ta chạy marathon, về đến đích thì xiêu vẹo hoặc ngã luôn trên vạch đích. Sản phẩm nhân lực tuổi 18 của ta cũng thế.

Tiềm năng của ta là luôn có. Nhưng chuyện một em gái của ta vừa đi thi hoa hậu thế giới, có đôi chỗ bình luận nhấn mạnh quá nhiều chuyện em lọt vào top 20, như vậy thật không hay... Hãy nói về chuyện ta đã học được những gì thì tốt hơn. Vừa mới từ ao nhà ra đến cửa sông, chứ chúng ta còn cả cửa biển, biển khơi, đại dương chưa chinh phục được. Vì vậy, đừng gây cái gì ảo tưởng quá lớn.

Lạc quan và tin tưởng về thế hệ trẻ là cần có. Nhưng lạc quan có điều kiện, đó là sự đổi mới thật sự giáo dục Việt Nam. Thế giới đã đi quá nhanh, khu vực cũng vậy, phải chạy thôi, đừng đi bộ nữa!"

Sinh viên Việt Nam

LinkedInPinterestCập nhật lúc: