Chiêm tinh học

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
11:00 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Giêng, 2014

Chiêm tinh học có từ 1.700 năm trước Công nguyên tại thành Babylon cổ xưa và chưa bao giờ thiếu người tin tưởng, dù luôn phải chịu sự công kích từ nhiều nhà tư tưởng hàng đầu nhân loại.

Chiêm tinh học cho rằng các thiên thể có ảnh hưởng tới mọi hành trạng của con người trên trái đất và do đó, có thể dự báo tính cách và số phận từng người dựa trên việc quan sát chuyển động của các hành tinh. “Chiêm tinh không phải là khoa học, mà là bệnh lý”? Đó là ý kiến của một nhà khoa học tuyên bố để ngăn ngừa sự mê tín mới? Hoàn toàn không - đó là ý kiến của triết gia kiêm thầy thuốc Maimonides (1135-1204) từ TK 12. Vậy tại sao nhân loại TK 21 vẫn tin tưởng thuật chiêm tinh, chẳng hạn tại Mỹ có tối thiểu 20.000 người hành nghề chiêm tinh có đăng ký? Có một thực tế là dịch vụ chiêm tinh không hề rẻ tại bất cứ nơi nào trên thế giới, vì thế chúng ta cần biết nó có chính xác hay không.

Các con số bất ngờ

Một tổng kết năm 1984 về 3.011 dự báo chiêm tinh trên báo chí cho thấy, chỉ có 338 dự báo đúng. Phần lớn trong các dự báo đúng cũng rất mơ hồ và ai cũng có thể đạt được điều đó nếu chịu khó theo dõi tin tức, như ngôi sao nọ cưới bạn gái hay chiến tranh vẫn tiếp tục giữa hai phía xung đột...

Nhà vật lý Geoffrey Dean nghiên cứu lá số chiêm tinh của 22 người rồi đảo ngược kết quả. Kỳ lạ thay, 21/22 người cho rằng, các lá số đảo ngược đó mô tả chính xác tính cách và số phận của họ!


Bản chiêm tinh thế kỷ 15 mô tả mối tương quan giữa
các bộ phận cơ thể và các đối tượng chiêm tinh

Nhà tâm lý Silverman thuộc ĐH Michigan, Mỹ, nghiên cứu 2.978 cặp vợ chồng và 478 cặp đã ly hôn và nhận thấy, tỷ lệ tan vỡ của hai nhóm hòa hợp và không hòa hợp theo tiêu chuẩn chiêm tinh là như nhau. Nhà vật lý M.C. Jerni thấy thời điểm sinh của 6.000 chính trị gia và 1.700 nhà khoa học phân bố hoàn toàn ngẫu nhiên, trái với kết quả chiêm tinh. Nhà vật lý Carlson cho thấy, chiêm tinh chỉ đúng trong mô tả tính cách của 34% số người được nghiên cứu, một tỷ lệ... không cao hơn đoán mò.

Lý giải của khoa học

Đứng trước các con số đầy mâu thuẫn đó, các nhà khoa học đã đưa ra tới 26 lý do giải thích tại sao chúng ta thấy chiêm tinh hay các loại hình tiên tri khác dường như chính xác. Dưới đây là một số lý giải thường gặp nhất.

* Hiệu ứng Barnum: Phần lớn các dự báo chiêm tinh thường mơ hồ và tổng quát đến mức, có thể áp dụng chúng cho tất cả mọi người. Hiệu ứng này được đặt theo tên một gánh xiếc đầu TK 20, khi vào năm 1949, một GS tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách khôn khéo đến mức, tất cả sinh viên của ông đều tin nó là của mình.

* Xu nịnh sẽ đưa chúng ta tới bất cứ đâu: Nói chung các dự báo đều dễ nghe. Khi có ai tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, sáng tạo, nhạy cảm, giao thiệp rộng, giàu trí tuệ và dễ thăng tiến, nhiều khả năng ta sẽ xem đó là một nhà chiêm tinh rất đáng tin cậy!

* Ước vọng muốn tin: Không ai đi tìm một nhà chiêm tinh mà lại muốn ông hay bà ta nói sai. Chính ước vọng muốn tin đó khiến chúng ta tạo ra những ám hiệu kín đáo hay rõ ràng giúp nhà chiêm tinh điều chỉnh các dự báo. Khi gặp một thiếu nữ băn khoăn “tôi không gặp rắc rối về tình cảm chứ?”, dù kém nhạy cảm cách mấy thì nhà chiêm tinh cũng biết cần phải nói như thế nào.

* Hội chứng tiến sĩ Fox: Khi thấy đang trong một tình thế giàu tính trí tuệ và khi tin là đang được nghe một người thấu hiểu vấn đề diễn thuyết, ta sẽ thấy thỏa mãn mà không để ý xem thực ra điều trình bày có đúng hay không. Năm 1974, ba nhà y khoa dùng một diễn viên đóng vai “Tiến sĩ Myron L. Fox”. Cử tọa gồm 55 nhà tâm thần học, tâm lý học, giảng viên, quan chức trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội ngồi nghe TS Fox tình bày về lý thuyết trò chơi ứng dụng trong giảng dạy vật lý. Bài giảng chỉ là lối văn cầu kỳ có chủ tâm, nhưng khi điền phiếu thăm dò, 42 người đồng ý rằng bài giảng được tổ chức tốt, với nhiều minh họa và có tính kích thích tư duy. Cũng có 14 người thấy diễn giả nói nhiều ở những điểm đã rõ ràng, và 1 người thấy buổi thuyết trình quá phức tạp. Tuy nhiên hầu hết đều muốn nghe thêm về chủ đề mà không một ai nhận ra rằng, bài giảng chỉ là trò lừa gạt. Vì thế nếu gặp một nhà chiêm tinh có kinh nghiệm và tỏ ra thông tuệ, nhiều khả năng là chúng ta sẽ tin!

* Hiệu ứng Hans thông minh: Nhiều nhà chiêm tinh phản ứng tốt trước ngôn ngữ cơ thể và nét mặt khách hàng để cải thiện các dự báo. Hiện tượng này được đặt theo tên chú ngựa Hans tại Berlin đầu TK 20 biết làm toán do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện. Hiệu ứng vầng hào quang: Đó là kết quả của ấn tượng ban đầu. Ta có xu hướng tin tưởng nhà chiêm tinh hay thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, ăn mặc tươm tất hơn quần áo cẩu thả, ưa nhìn hơn kém hình thức... Giới hành nghề tiên tri thuộc nằm lòng quy tắc này.

* Tương quan ảo: Đây là quy luật vàng của tâm lý học: tin là thấy. Từ vô số sự kiện xảy ra trong đời, bao giờ ta cũng nhặt ra được những sự kiện phù hợp với dự báo của nhà chiêm tinh được ta tin tưởng. Đó cũng chính là qui luật vàng chi phối nhiều hiện tượng ngoại cảm và tâm linh khác.

* Ký ức chọn lọc: Nói chung ta có xu hướng chỉ nhớ dự báo đúng mà ít lưu tâm tới các dự báo sai. Và chúng ta say sưa kể về các dự báo đúng đó cả đời mà không lưu tâm tới câu hỏi quyết định, vậy chiêm tinh dự báo đúng bao nhiêu phần trăm? Trên thực tế có thể đạt được các kết quả cao hoàn toàn chỉ nhờ đoán mò, chẳng hạn sinh trai hay gái (tỷ lệ đúng 50%), đúng hay sai (tỷ lệ cũng là 50%); thậm chí có thể đạt kết quả ấn tượng tới tỷ lệ thành công 70% khi dự báo “thời tiết ngày mai giống hôm nay”, một kết quả dựa trên thống kê học.

Năm 1982, GS tâm lý Lester đưa ra nhận xét, chiêm tinh học có ích lợi như chuyến thăm một nhà trị liệu. Nói cách khác, nó giống như sự trợ giúp tinh thần mà dường như nhiều người cần đến ít nhất một lần trong đời. Đó chính là nguyên nhân thành công chủ yếu của một chiêm tinh gia nhiều kiến thức về tâm lý học và một số môn khoa học xã hội đi kèm.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...