"Chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác"

12:46 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Hai, 2018

Những trăn trở của luật sư Nguyễn Ngọc Bích trong nhiều cuốn sách và bài viết sắc sảo của ông về kinh tế, giáo dục, triết học... đã thu hút được một số lượng lớn độc giả.


Mỗi người đều tìm thấy trong những bài viết của ông ngoài những kiến thức cần thiết là cách cảm nhận cuộc sống đúng với bản chất của nó, là cho đi chứ không phải giành lại, để biết chia sẻ, yêu thương. Sau đây là những trao đổi của ông về nghề luật sư, cũng như phận làm người.


- Đội ngũ luật sư kinh doanh chỉ mới hình thành trong vòng 20 năm trở lại đây, kể từ khi đất nước mở cửa và hội nhập, nhưng họ đã có những đóng góp không nhỏ cho các doanh nhân trong việc tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý. Vậy, theo ông, tính chuyên nghiệp của đội ngũ này hiện nay ra sao?

Câu này phải hỏi doanh nhân là người sử dụng luật sư mới đúng. Tính chuyên nghiệp của luật sư tuỳ thuộc vào yêu cầu của doanh nhân đặt ra cho họ khi sử dụng, nhiều hay ít và về lĩnh vực nào. Nếu doanh nhân thuê luật sư bào chữa về những tội phạm kinh tế như trốn thuế, gian lận để được hoàn thuế giá trị gia tăng chẳng hạn thì luật sư chỉ giỏi về mặt gỡ tội cho doanh nhân! Một khả năng không khác gì so với luật sư bào chữa trong một vụ hình sự.

Luật sư mà giúp được cho doanh nghiệp thì doanh nhân phải đến với họ. Không có chiều ngược lại vì doanh nhân có thể "đuổi" luật sư ra ngoài ngay! doanh nhân đến luật sư trước khi thực hiện các giao dịch; họ hiểu "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; thuê luật sư ngồi cạnh để bàn với đối tác trong các vụ mua bán có giá trị lớn, các vụ đầu tư, mua bán vốn...

Khi làm công việc này, luật sư giúp doanh nhân thiết lập một giao dịch; lường ra các tranh chấp có thể có (thường gọi là rủi ro) và đề ra giải pháp theo luật cho các vụ tranh chấp ấy ở ngay trong hợp đồng mà doanh nhân sẽ ký kết với đối tác. Bằng cách ấy, luật sư giúp tạo nên trật tự xã hội; tránh cho thân chủ các tranh chấp, làm giảm uy tín, mất thời gian... Mất một ít tiền lúc đầu (trả thù lao cho luật sư) doanh nhân tránh mất một số tiền lớn sau này và - không kém quan trọng - từ từ giúp họ làm ăn được với các đối tác có uy tín.

Trong kinh doanh, do tâm lý, doanh nhân sẽ giao dịch với nhau theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Các công ty có danh tiếng ở các nước phát triển khi giao dịch với các đối tác ở các nước kém phát triển (như công ty Mỹ giao dịch với công ty ta) họ kiểm tra kỹ càng trước khi bắt đầu bàn bạc. Họ có công ty chuyên môn đi điều tra về uy tín của các nơi muốn làm ăn với họ.

Người giàu sợ mất tiếng, mất thời gian, sợ rắc rối nên họ kén chọn người để giao dịch. Nhiều doanh nhân ta biết rõ có những hội nghị kinh doanh quốc tế mà mình không tham dự được, hay phải có hội viên cũ giới thiệu. Để làm ăn được với các doanh nghiệp uy tín trên thế giới không dễ. Bước đầu doanh nghiệp phải có cùng não trạng và luật sư trợ giúp họ trong việc ấy.

Hàng năm ở Anh và Hồng Kông xuất bản niên giám, trong đó có ghi các công ty luật nổi tiếng. Trong năm 2008, có khoảng 10 công ty luật của luật sư Việt Nam có tên trong đó. Những công ty luật ấy được coi như có tiếng tăm trên trường quốc tế. Các công ty hay văn phòng khác không có tên trong các cuốn niên giám này mà có tiếng trong giới kinh doanh thường phải là các công ty mà người giám đốc đã đi học ở nước ngoài và có khách nước ngoài. Tính chuyên nghiệp của họ khỏi lo; vì nếu không có khả năng đó thì họ chỉ có thất nghiệp!


- Đã có những vụ kiện tụng mang tính quốc tế mà trong đó, doanh nhân trong nước phải mời đến luật sư nước ngoài vì luật sư trong nước chưa đủ trình độ hoặc chưa am hiểu tường tận luật pháp các nước. Theo ông, cần có những thay đổi nào trong phương pháp đào tạo luật sư hiện nay?

Các vụ kiện tụng mang tính quốc tế là các vụ đã được đưa ra toà án của một nước nào đó. Từ chuyên môn gọi là một "thẩm quyền" (jurisdiction). Trong một thẩm quyền nhất định, muốn biện hộ ở toà thì phải là thành viên của một đoàn luật sư trong thẩm quyền ấy. Thí dụ toà Việt Nam chỉ chấp nhận luật sư của các đoàn luật sư trong nước.

Toà ở Ý hay ở Pháp cũng đòi như vậy. Ai cho luật sư của đoàn - thí dụ - Tp.HCM vào cãi? Đấy là yếu tố thứ nhất. Thứ hai, luật sư mình có nói tiếng mẹ đẻ của người ta rành rẽ không để tranh luận có người thứ ba nghe? Thứ ba, anh có biết luật tố tụng của nước người ta không? Nói không am tường luật pháp của nuớc ngoài là đúng. Nhưng am tường thì họ cũng không cho cãi! (Ở vị trí trọng tài thì được). Vấn đề là ở chỗ đó. Tuy nhiên, giả sử tôi ở thành phố này mà am tường luật của Ý thì bao nhiêu người sẽ đến thuê tôi?

Bởi thế cho nên đừng ngạc nhiên tại sao công ty của ta khi bị tranh chấp ở ngoài lại phải thuê luật sư của nước ngoài. Luật sư trong nước của ta - nếu có khả năng - thì có thể thay mặt công ty ta liên lạc với luật sư nước ngoài để bàn với họ về các câu hỏi pháp lý của vụ tranh chấp, cách giải quyết và bằng chứng sử dụng. Nếu luật sư ta làm được việc này thì có lợi cho công ty bị tranh chấp vì họ biết rõ luật sư bên kia cần gì, mình có gì và giải thích dễ dàng cùng chính xác. Tiền trả cho luật sư bên kia theo giờ sẽ giảm được nhiều vì luật sư của hai bên có chung một... tần số.

Phương pháp đào tạo luật sư ở ta cần thay đổi nhiều. Trường luật của ta không đào tạo luật sư mà đào tạo viên chức viết luật cho người khác áp dụng, hay là đào tạo cán bộ pháp chế soạn thảo chỉ thị, hoặc đại khái như thế. Học viện Tư pháp có khác một chút nhưng cả hai đều không dạy học viên cách phân tích một vụ việc, cách đặt câu hỏi pháp lý là khả năng luật sư phải có khi xử lý một vụ tranh chấp. Ngoài ra, các ý niệm căn bản của luật pháp ta khác với các thứ tương tự của các hệ thống dân luật và thông luật.

Nội ý niêm hợp đồng song vụ và đơn vụ của ta cũng đã khác với luật của Anh hay Mỹ rồi! Có những từ ngữ dùng trong hợp đồng soạn theo luật của Singapore (theo luật của Anh) đem vào dùng ở ta mà dịch ra tiếng Việt thì cũng phải đánh vật với từ điển!


- Việt Nam đang xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền kinh tế thị trường, việc điều hành xã hội bằng pháp luật là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi luật pháp vẫn bị gạt sang một bên, nhường chỗ cho đặc quyền của một nhóm người. Theo ông, để giới luật sư không chỉ đóng vai trò bổ trợ cho sự quản lý của Nhà nước, mà còn có vai trò như các tổ chức đối trọng tạo ra sự cân bằng xã hội, thì hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật về kinh doanh và tố tụng kinh tế nói riêng cần có những cú hích nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, tốt nghiệp cử nhân Trường Luật Sài Gòn và thạc sĩ Trường Luật Harvard; hành nghề trong những thời gian khác nhau từ 1974 đến nay (Văn phòng luật D.C Law); chuyên về luật kinh doanh; tác giả của một số sách và bài báo về công ty, chứng khoán, kinh doanh, phụ nữ...

Theo tôi không cần cú hích nào nữa. Về hệ thống luật pháp thì thực hiện đúng những luật lệ đang có. Về hệ thống pháp luật kinh doanh thì cứ làm theo luật lệ hay tập tục của các nước đã phát triển. Họ cũng đã trải qua những kinh nghiệm như mình, đã khắc phục và nay hoàn thiện ở một số lãnh vực nhất định.

Trong những lãnh vực ấy cứ làm theo họ. Đừng đi tắt đón đầu! Tâm lý con người - nhất là của nguời thực hiện - không cho phép đi tắt! Kinh nghiệm ít hơn người ta, kiến thức cũng không bằng mà cứ... đòi đi tắt đón đầu!


- Khi phân tích về vốn xã hội và phát triển, ông nhấn mạnh rằng có một thời tập thể là nền tảng của xã hội ta, khiến cho, vai trò cá nhân không được phát huy. Theo ông, làm sao phá bỏ cái ảo giác từ nền tảng giáo dục của một thời để xây dựng con người với tư cách là cá nhân tích cực, dám chịu trách nhiệm?

Các giới có trách nhiệm phải nhận ra vấn đề. Những vị có lòng với đất nước cần nhất loạt nêu lên rằng trước kia chúng ta "chiến đấu hay đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng người khác" là đúng vì lúc ấy chúng ta phải chống ngoại xâm. Nay hoạt động kinh tế thay đổi, xã hội phong phú lên, nhiều người giàu ra thì phải "chiến đấu với chính mình để nhường nhịn người khác".

Trên nền tảng tinh thần ấy, có hai việc cần làm mà không tốn kém lắm. Một là đề cao và khuyến khích vai trò của các bà mẹ trong gia đinh để họ nuôi dạy con cái, làm cho con cái thấm nhuần sự nhường nhịn, sự chia sẻ cho người khác. Và để giúp sức cho người mẹ, phải có sự hiểu biết và sự giúp đỡ của ông chồng; ông chồng phải có trách nhiệm với hiện tại (là vợ) và với tương lai (là con) của mình. Thứ hai, khuyến khích các sự dạy dỗ về sống có lòng, có nhân, có nghĩa.


- Một khi nền giáo dục nhìn sai vào bản chất của con người, thì điều gì sẽ xảy ra, thưa ông?

Thì sẽ đi sai mãi, mà cứ tưởng là đúng! Trời không sinh ra ai hoàn thiện cả. Hoàn thiện là một sự cố gắng của mỗi người và họ chỉ đạt được khi được người khác nhìn nhận. Và người khác sẽ nhìn nhận khi yêu thương họ, và khi họ biết mình cần người khác yêu thương; chứ không phải tìm cách hơn người khác. Xây dựng thế giới này là như thế và phải như thế. Người ta sống cần có nhau.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hạnh phúc: coi chừng đánh mất!

    19/06/2016Nguyễn Ngọc BíchTrong cuộc đời của đa số chúng ta, hạnh phúc thực sự là mối ưu tư khi sắp làm lễ cưới. Dù là nam hay nữ, cả hai đều có những câu hỏi khác nhau, nhưng tựu trung là cuộc sống lứa đôi sắp tới sẽ có hạnh phúc không.
    Và trước mối ưu tư đó, mọi người thân quen đều chúc “hạnh phúc - trăm năm hạnh phúc".
  • Chiếc bình sứ cổ

    08/04/2020Nguyễn Ngọc BíchKhi tham lam là mầm mống bẩm sinh, từ bé đến lớn, một người không được dạy để chấp nhận thiệt thòi, thì họ sẽ thấy tham lam là hợp lý. Được dạy dỗ không khoan nhượng với kẻ thù thì lúc cần họ sẽ áp dụng...
  • San sẻ và cô độc

    01/07/2019Nguyễn Ngọc BíchSan sẻ và cô độc là hai trạng thái tâm lý trái ngược nhau trong cuộc sống mỗi ngưòi, có cái nọ thì không có cái kia; nếu san sẻ với người khác thì mình sẽ không cô độc và ngược lại. Vậy ta xem qua hai thái cực tâm lý này...
  • Cái thắng bên trong

    25/02/2019Nguyễn Ngọc BíchƯớc mong hạnh phúc của chúng ta có các mức độ khác nhau; nhưng khi chúng ta đòi hỏi cao quá, khiến việc làm của ta gây thiệt hại cho mình hay cho người khác thì được gọi là dục vọng, là lòng tham. Để giúp ta tránh cái đó, và cũng để hưởng hạnh phúc, các lãnh tụ tôn giáo chỉ cho chúng ta cách thức, hay con đường, để xử với chính mình và với người khác...
  • Sống sao cho giá trị?

    12/09/2015Kim Yến thực hiệnĐây là diễn đàn hàng tuần bàn về giá trị sống của nhân vật được chọn của Báo Sài Gòn Tiếp Thị, đồng thời chia sẻ cách nhận diện những giá trị ảo đang ngày càng xâm thực dữ dội vào môi trường sống...
  • Tồn tại bằng cách mang lại lợi ích cho người khác

    13/10/2010Kim YếnLà “thủ lĩnh” của nhóm Thứ Sáu – nhóm chuyên viên kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, ở ông hội đủ phẩm chất của một doanh nhân, tầm nhìn và sự quyết đoán của nhà nghiên cứu kinh tế, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm sâu sắc của một công dân...
  • xem toàn bộ