Chống “quá tải” như thế nào?

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Phạm Toàn, Tạp chí Tia Sáng

Xã hội ồn ào phải ứng chuyện quá tải trong giáo dục, nhất là quá tải ở bậc tiểu học. Xã hội thấy gì nói vậy, chuyện đó bình thường. Người có trách nhiệm thừa nhận chuyện quá tải rồi hứa giảm tải, rồi gặp chuyên viên nước ngoài xin chỉ bảo giảm tải, điều đó mới kỳ. Nhưng kỳ tới đâu chăng nữa, thì việc cũng đã rồi. Phải nghĩ cách hộ mấy “ổng” thôi. Không thể để mấy “ồng” tự làm tự thổi còi được đâu, xã hội ạ.

Trước hết, cần nói về nguyên lý chỉ đạo cách làm. Chỉ có một nguyên lý để chống quá tải nằm đơn giản trong chân lý sau: con người là động vật có tư duy. Ta sẽ phải giúp trẻ em học không quá tải mà lại học giỏi, nhờ biết tổ chức cho các em hcọ cách tư duy. Học vì một cái đầu có tổ chức, thay cho học vì một cái đầu đầy ắp. Một cái đầu đầy ắp là cái đầu của quá tải. Một cái đầu có tổ chức là cái đầu của tư duy. Khi ai đó hứa giảm tải bao nhiêu phần trăm cái quá tải, xin đừng tin đó là cách làm đúng. Giảm bao nhiêu phàn trăm của một “con người toàn diện” cho đúng? Phải tổ chức lại việc học của trẻ em chỉ có thể thông qua cách tổ chức lại cách huấn luyện tư duy các em. Bằng cách gì? Giải quyết đòi hỏi này sẽ làm bộc lộ ngay tài năng của nhà sư phạm. Dạy tư duy cho trẻ em không phải bằng lời khuyên. Mà bằng tổ chức những việc làm của mỗi em. Từng việc làm lại phải theo chân lý này: con người là động vật biết dùng biểu trưng để chiếm lĩnh thế giới. Nhìn vào nhà trường bằng con mắt không có nghiệp vụ, sẽ chỉ thấy loạn lên chỗ này dạy, chỗ kia học. Nhưng nhìn bằng con mắt nhà nghề sẽ thấy cái lõi của việc học (từ đó mà ra cái lõi của dạy học)  là tổ chức chiếm lĩnh các khái niệm và biểu diễn chúng bằng các biểu trưng.

Sau đây là một chứnng minh bằng phản chứng. Một em bé ở lớp mẫu giáo được yêu cầu thuộc vanh vách các chữ cái. Đó mới là làm cho đầu các em đầy lên, chưa phải là dạy cách dùng những biểu chưng. Một cái đầu đầy sao bằng được cái đầu có tổ chức. Cái đầu đầy giỏi lắm là kết quả của sự cố gắng đến mức “quá tải”. Một cái đầu có tổ chức là kết quả của một nền giáo dục có yếu tố giáo dục.

Công nghệ Giáo dục của Việt Nam dạy cách dùng vật thay thế cho vật thật. Có 2 yếu tố phải chú ý, một là cách dùng và hai là vật thay thế. Cách dùng hàm nghĩa tại sao. Vật thay thế hàm nghĩa sự tự do tạo ra biểu trưng mang tính người. Chữ a, chữ b, chữ c, chữ o... là những vật thay thế con người tạo ra thay cho các vật thật là các âm [a], [b], [c], [o]...  Điều quan trọng không nằm ở bản thân những con chữ đó. Mà nằm ở chỗ trẻ em hiểu cái tại sao và cái như thế nào của chuyện các em đang gặp. Cùng một âm [a] thôi người Việt có thể ghi khác người Ả rập, người Trung Hoa, người Hy Lạp.... Còn chữ con gà “gáy ra chữ o” có là vật thay  thế mang tính biểu trưng không, tuỳ bạn xét!

Nguyên lý một dễ được chấp nhận. Nguyên lý kéo theo sẽ khó hơn. Đó là việc làm cách nào cho học sinh dùng được biểu trưng? Điều mấu chốt ở đây là nhà giáo dục phải nhìn rõ đâu là khái niệm để tổ chức cho trẻ em chiếm lĩnh các khái niệm. Để lý giải đơn giản việc này có thể dùng cách dạy viết chính tả làm thí dụ. Bạn đọc hãy nhớ lại hồi bé có chuyện này không: đang học vui vui được chừng vài bốn tháng, bỗng đùng một cái thầy cô bảo viết chính tả. Theo chương trình có một phân môn đó mà! Thế là phải mò mẫm để thích ứng với thầy cô...

Còn giả sử bây giờ ta nói: học sinh Công nghệ giáo dục được dạy viết chính tả ngay từ tiết học tiếng Việt đầu tiên ở lớp 1, bạn có tin không? Vậy mà đó lại có thực! Theo cách học tiếng Việt Công nghệ giáo dục, các công việc nghe, nói, đọc, viết không bị xé lẻ ra thành bốn phân môn. Cả bốn năng lực đó đều được thực hiện tập trung trong một và chỉ một việc phân giải ngữ âm  tiếng Việt. Công việc đó được tiến hành ngay từ tiết học đầu tiên. Trong tiết này, các em dùng vật liệu ngôn ngữ gửi trong câu ca dao mới “Tháp Mười đẹp nhất bông sen” phân tích thành các tiếng  rời. Khái niệm khoa học tự các em đem đến cho các em là: tiếng Việt là 1 thứ tiếng đơn lập.  Nhà sư phạm dùng thành tựu khoa học đó của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhà sư phạm tổ chức cho các em nghe cả câu ca dao, nói lại câu ca dao, sau đó tự ghi lại cả câu ca dao kia bằng những tiếng nguyên khối, sau đó đọc lại từng tiếng của cả câu ca dao. Hoạt động đó gọi là phân tích ngữ âm. Riêng việc viết chính tả khi học câu ca dao này diễn ra như sau: các em phải nghe cho rõ điều phải viết (câu ca dao); tiếp đó phải nói lại điều sẽ phải viết (cũng câu ca dao ấy); tiếp đó tự tay các em xếp những quân nhựa, mỗi quân thay thế một tiếng đều đặn từ trái sang phải và tiếng sau theo tiếp tiếng trước. Sau khi viết xong, các em chỉ tay vào từng tiếng (tiếng đơn lập mà!) để đọc lại. Các em đã viết chính tả rồi đấy. Vâng, đúng thế, đó đã là viết chính tả cho dù mới là “viết” từng tiếng nguyên khối, thay thế bằng những quân nhựa. Điều quan trọng là, công việc các em làm đến đâu thì trong đầu các em cũng hình thành phương pháp làm việc đến đó: viết chính tả là làm những công việc gì? Điều đó diễn ra ngay từ tiết 1 của đời đi học. Hèn gì cách làm đó tránh không làm cho đời học trò quá tải! Mấy “ổng” đang loay hoay chữa quá tải. Vừa chữa các “ổng” vừa tung ra chiêu mới: tự học và sáng tạo.

Xin hãy coi mấy buổi trình diễn trên đài Truyền hình thủ đô về nội dung này. Từ việc dạy con gà gáy thành o, họ nhảy phốc lên một bình diện cao hơn: hãy sáng tạo, hãy tự học. Phụ huynh nào quan liêu chắc sẽ mua nhầm thuốc ê rồi đó!

LinkedInPinterestCập nhật lúc: