Chữ Nho, nên để hay là nên bỏ?

10:55 CH @ Thứ Năm - 08 Tháng Chín, 2016

Thưa các quý vị độc giả!

Trong những ngày qua, trên Vietnamnet có chuyên mục SỰ KIỆN NÓNG, bàn về việc dạy và học chữ Hán ở Việt Nam. Nhân danh là người sưu tập, nghiên cứu về sự nghiệp và cuộc đời nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), tôi xin được gửi tới các quý vị một bài viết của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, có nội dung phù hợp với việc nhìn nhận và xác định vai trò, giá trị cũng như hướng tiếp cận và sử dụng chữ Hán ở xã hội Việt Nam.

Bài báo của Nguyễn Văn Vĩnh được đăng tải cách đây đã hơn 100 năm, văn phong tiếng Việt được thể hiện từ khi chữ Quốc ngữ chưa được dùng là văn tự chính thức của dân tộc Việt, vì vậy, việc chúng tôi chép lại từ tờ báo Đông Dương Tạp Chí số 31, phát hành ngày 22.12.1913 tại Hà Nội, được tuyệt đối chú ý, trung thành với bản gốc, nhằm đảm bảo tính nguyên bản đối với nội dung mà tác giả đã trình bày.

Nhận thấy đây là một minh chứng sinh động của các bậc tiền nhân, thể hiện quan điểm đối với vai trò của chữ Hán trong lịch sử Việt Nam, BBT chúng tôi xin kính chuyển đến các độc giả bài viết này, để cùng nhau khảo cứu, chiêm nhiệm về một đề tài đã luôn làm cho xã hội phải dành rất nhiều thời gian bàn luận. Qua đó, giúp cho các thế hệ người Việt có cơ sở đánh giá đúng tính tư tưởng và nhãn quan xã hội của các nhân sĩ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, khi mà chữ Quốc ngữ đang cạnh tranh gay gắt với chữ Nho, dành vị thế độc tôn trong việc hình thành nền văn học riêng của người Việt.

Bài viết của Nguyễn Văn Vĩnh cũng xác định rõ quan điểm minh bạch của tác giả về thái độ ứng xử trước chữ Nho, tuyệt đối không có sự hạ thấp hay coi thường như luận điệu của một nhóm người thiếu thiện chí, từng mượn cớ thóa mạ Nguyễn Văn Vĩnh là kẻ tội đồ trong việc động viên cuộc cách mạng văn hóa, đẩy chữ Quốc ngữ soán ngôi vị của chữ Nho, làm đứt mạch văn hóa Hán Nôm của dân tộc Việt.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của các chị, các anh và các bạn độc giả gần xa trong thời gian gần đây đã quan tâm nhiều hơn tới đề tài Tân Nam Tử – Nguyễn Văn Vĩnh.

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com

Nguyễn Lân Bình


CHỮ NHO, NÊN ĐỂ HAY LÀ NÊN BỎ?

(Faut-il ou non garder les caractères chinois?)

Đông Dương Tạp chi số 31, ngày 22.12.1913

Có một điều ấy, bao nhiêu người nghị-luận, mà nghị-luận mãi không ra mối, cũng chỉ vì thường cứ bàn bạc nên bỏ, hay không nên bỏ, nhưng mà để là để thế nào, để ở đâu: nên bỏ thế nào, nên bỏ ở đâu, không hay bàn cho dứt-khoát, cho nên cứ bối-dối mãi. Người nói rằng bỏ đi là phải, vì học chữ nho mất hàng nửa đời người, mà trăm người học, không được một người hay; học được hay cũng chỉ ích lấy một mình, không đem ra mà dùng cho đời được nhờ cái học-vấn của mình chẳng qua là một cái thú rung-đùi mà thôi. Người nói rằng để lại là phải, vì não-chất cuả người an-nam đã mấy mươi đời nay nghiền bằng đạo Khổng Mạnh; phong-tục, tính tình, luân-thường, đạo-lý, đều là ở đạo Nho mà ra cả. Vả lại tiếng An–nam ta nói, ước có nửa phần do chữ-nho mà ra. Lại nói rằng lối học nho là một lối, tuy không tiện, nhưng mà muốn bỏ đi, thì phải có lối nào mới, tiện hơn mà đem thế vào. Nay lối mới chưa nghĩ được tuyệt–diệu, mà đã bỏ đì thi ra bỏ cái nền cũ, mà chưa có cái gì mới thay vào sốt cả.

Hai bên nói như thế, nghe ra cũng phải cả, thế mà cứ nói mãi, thì ra kéo dài trong trăm năm một câu truyện dằng-co.

Trước hết tưởng hay nên phân ra hiện việc học của người An-nam, ngày nay có mấy lối, mấy đằng; đằng nào nên để cho học chữ nho, mà đằng nào nên bỏ chữ-nho đi.

Sau lại nên xét xem chữ-nho bây giờ đối với dân ta, đối với việc học của người An-nam, thì là thế nào, là cái gì?

thay_do

Giả nhời rằng: chữ-Nho là một lối văn-tự cũ cuả nước Tầu, là một nước cho ta mượn văn-minh, phong-tục, tính-tình; chữ ấy sang đến nước ta, đổi cả cách đọc, đổi cả lối dùng, mà lại thấm nhiễm vào tiếng-nói của nước ta; lại thành ra một thứ văn riêng cuả đám thượng-lưu ta dùng, tuy là mượn cuả Tầu, mà có điệu riêng, hay dở không giống như hay dở cuả văn Tầu.

Thế thì cái địa-vị chữ-nho ở nước ta cũng khác nào như địa-vị chữ la-tinh ở bên nước Đại-pháp.

Dẫu ra như thế rồi, thì muốn giải cái vấn-đề: nên để hay nên bỏ chữ nho? cứ việc xem bên nước Đại-pháp đãi chữ la-tinh thế nào, thì ta nghĩ ra được ngay cách nên đãi chữ nho như thế.

Bên Đại-pháp, chữ la-tinh là gốc phần nhiều tiếng-nói nước nhà, văn-chương dựa lối la-tinh, cho nên ai học khoa ngôn-ngữ, các bậc vào cao-đẳng học, phải học tiếng la-tinh, phải nghiền văn-chương cổ la-tinh; ngôn-ngữ văn-từ bên Tây mà pha tiếng la-tinh vào cũng như bên ta người nói nôm thỉnh thoảng pha mấy câu chữ-sách. Còn người làm ăn, đi học qua bậc sơ-đẳng gọi là biết đủ nhân-cách, biết đọc, biết viết, thì tuy rằng tiếng nói cuả mình do tiếng la-tinh mà ra, nhưng không cần phải biết chi đến gốc rễ xa xôi ấy. Không ai dám bảo rằng: không học tiếng la-tinh thì không học được tiếng Đại-pháp bao giờ.

Thế thì chữ nho đối với tiếng An-nam mình cũng vậy.

Ai chuyên học văn-chương, tuy rằng phải gây cho An-nam mình có văn-chương riêng, nhưng mà cũng phải học lấy cái văn-cũ, phải biết lịch-sử văn-chương cuả nước mình, phải biết gốc tích tiếng nói mình, thì mới hay được, thì mới gây được cho văn mình mỗi ngày một hay lên. Trong tiếng ta nhan-nhản những chữ-nho, dùng đến những chữ ấy, mà chẳng sao đừng dùng được, tất phải học tận căn-nguyên nó, mới biết hết nghĩa nó được, về sau có làm tự-vị, tự-điển tiếng an-nam, thì mới có cách biện-nguyên mà cắt nghĩa từng tiếng cho đúng được.

Còn những người thường, con nhà làm-ăn đến tuổi cho vào tràng sơ-đẳng học (mới định nhưng thực còn chưa có) cốt để học lấy biết đọc, biết viết, biết lễ phép, phong-tục, địa–dư, cách–trí mỗi thứ mỗi người gọi là phải biết qua-la một đôi chút, cho người nó khỏi như lũ xá-dại, ngây ngô chẳng biết chi chi. Hạng ấy thì cho học chữ-nho mà làm gì? Nhân-thân hạn sơ-đẳng học có ba năm giời, mà lại còn chiều tục cũ, bắt học thêm chút chữ nho, thì thực là làm uổng thì-giờ cho trẻ con, không được việc gì. Chữ nho không phải là một lối chữ học gọi-là được. Đã biết phải biết hẳn, không biết thì thôi, biết răm ba chữ, học một vài năm, thì có biết được mấy chữ cũng không được việc gì.

Chớ có nói rằng, trong tiếng nói an-nam có nhiều chữ nho, thì phải bắt trẻ con học lấy vài ba chữ nho. Phàm chữ nho nào đã lẫn vào với tiếng-nói thông dụng, thì là những chữ thành ra tiếng an-nam rồi, dẫu không học sách nho cũng biết nghĩa nó là gì.

Có kẻ bảo rằng nếu không cho trẻ con học chữ-nho nữa, thì nay phải cho học ít nhiều tiếng Đại-pháp. Ấy cũng là một cách làm cho trẻ con mất thì giờ vô ích.

Việc học ta ngày nay nhà- nước đã phân hẳn ra làm hai lối. Một lối Pháp – việt-học để cho trẻ con học chữ Pháp, có từ sơ-đẳng cho tới trung-đẳng học. Nhà ai có con muốn học tiếng Đại-pháp, học-thuật Đại-pháp, văn-chương Đại-pháp, thì đã có tràng Pháp-việt. Tùy gia-tư mà theo học, muốn cho biết gọi-là để đi làm việc, hoặc là để buôn bán giao-thiệp với người Đại-pháp, thì cho vào các tràng Pháp-việt sơ-đẳng học, xong sơ-đẳng rồi, lại còn một khoa học lấy tốt-nghiệp nữa. Ai có của, muốn cho con học theo lối Đại-pháp, cũng được thi tú-tài, thì đã có tràng trung-đẳng mới mở ra ở Hà-nội, học phải mất tiền, muốn vào hạng học-sinh, một ngày hai buổi đến học cũng được; muốn vào hạng lưu-học-sinh, ăn ngủ ở tràng mà học cũng được.

Lối thứ hai là lối học riêng cuả dân an-nam, đặt ra cho phần nhiều, cho trẻ con các nhà-quê, thực là một lối mới, xưa nay không có, vì lối học nho ngày xưa, không phải là một lối học phổ-thông, thực là một lối học đi làm quan Tàu, với cũng như lối Pháp-việt học bây giờ là lối học đi làm việc với nhà-nước Đại-pháp. Nhưng ai cũng muốn làm quan cả, cho nên ngày xưa đua nhau học nho thế nào, từ nay giở đi đua nhau học vào lối Pháp-việt cũng thế!

Còn lối học riêng mới, cũng đặt ra tiểu-học, trung-học, lấy quốc-ngữ làm gốc, mà học cách-trí, vệ-sinh, địa-dư, phong-tục, mỗi thứ một đôi chút, để gây cho lấy nhân-cách cuả phần nhiều người trong dân an-nam, thì xét ra thực là một lối nhà-nườc bảo-hộ mới gia ân đặt ra, không tỉ được với lối học nho cũ, mà cũng không tỉ được với lối học Pháp-việt.

Trong lối học ấy phải có hai bậc, một bậc sơ-đẳng để cho trẻ con mới lớn lên, học lấy biết gọi-là mỗi thứ một chút. Trong bậc ấy, học có ba năm, tưởng không nên dạy chữ nho, mà cũng không nên dạy chữ Pháp một tí nào. Còn bậc trung-đẳng, để đi thi cử, để nên cho những bậc có tài riêng tiếng an–nam ngày sau, chẳng phải hay chữ nho, mà cũng chẳng phải thông chữ Pháp, thực là những người thông chữ Ta, thì phải có học chữ Nho và chữ Pháp, chữ nho để mà am hiểu lịch sử nước mình, văn-chương nước mình, do ở đó mà ra; chữ Pháp là chữ cuả nước Bảo-hộ ta ngày nay, là chữ cuả ông thầy mới, mình trông mong mà học lấy thuật hay.

Nhà nước Đại-pháp đặt thêm ra lối học ta ấy, thực đã tỏ ra lòng ngay thực với ta, muốn cho ta giữ được mãi quốc-thúy, vì nếu nhà-nước cứ bắt ta học chữ Đại-pháp mới được làm quan làm việc, thì chắc ta cũng phải vì lợi mà theo học cả, như là ông cha ta ngày xưa vì lợi, mà theo học nho.

Nhà–nước định ai có bằng tuyển-sinh mới được vào tràng Pháp-việt ấy là giữ cho dân thế nào cũng phải theo lối học ta làm gốc trước đã, thực là đặt ra lối quốc-học, mà lại khiến cho người trong nước phải học theo quốc-học.

Trung-đẳng học ta thì nên bắt học cả chữ nho và chữ Pháp, nhưng Pháp–việt-học, thì lại nên bỏ đứt chữ nho đi. Lối học ta mới, còn gần lối học nho ngày trước, cho nên học chữ nho được kỹ. Mà chữ-nho đã học không học dối được, ở các tràng Pháp-việt mà đem dạy chữ nho thì dạy buổi nào, học-trò thiệt mất buổi ấy. Phàm trẻ-con an-nam đã vào học Pháp-việt, toàn là đi học cướp-gạo cả, chỉ muốn chóng thông tiếng Đại-pháp mà đi làm việc hoặc để buôn bán với người Đại-pháp. Họa là mới có một hai người, học tiếng Đại-pháp để mà, tốt-nghiệp chi hậu, lại còn chăm vào việc học cho quán thông lịch-sử, luân-lý cũ nước Nam. Bởi thế ở các tràng Pháp-việt, cứ hôm nào đến phiên mấy thầy giáo chữ nho dạy, thì học-trò như là một buổi phải nghỉ, ngồi mà ngủ gật, trong khi thầy giáo viết lên bảng những bài học nhỡ-nhàng, dễ quá cho kẻ biết rồi, khó quá cho kẻ chưa biết.

Tổng kết lại, thì chữ nho chỉ còn nên giữ lại để mà dạy ở khoa trung-đẳng nam-học mà thôi, đợi mai sau khi nào có cả khoa cao-đẳng nam-học, hoặc khoa ngôn-ngữ văn-chương ở cao-đẳng, bấy giờ mới lại có nơi khác phải dùng đến chữ nho.

Bây giờ trẻ con xin nhất quyết đừng cho học chữ nho nữa, mà các tràng Pháp–việt cũng xin bỏ lối dạy chữ nho đi.

NGUYỄN VĂN VĨNH

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ

    10/10/2018Nguyễn Lân BìnhNguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn đồng ý với cách nhận thức mang tính tư tưởng của Phan Châu Trinh rằng: chúng ta nghèo và khổ vì chúng ta ngu và dốt, mà sự ngu dốt là hệ quả mặc nhiên của việc không được học hành! Từ lúc đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã ý thức sâu sắc tính bức thiết của con chữ đối với đồng bào mình...
  • Những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh với việc phát triển báo chí tiếng Việt và truyền bá chữ quốc ngữ

    27/04/2016Nguyễn Thị Lệ HàCho đến nay, phần lớn các tác giả khi nghiên cứu về Nguyễn Văn Vĩnh đều cho rằng ông là người thông minh, có tài và đặc biệt xuất sắc trong nghề làm báo và xuất bản. Có thể nói, Nguyễn Văn Vĩnh là người làm chủ nhiệm, chủ bút nhiều nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX...
  • Internet và các vấn đề về ngôn ngữ và tư duy

    07/04/2016Linh Hanyi phỏng vấn nhà văn Hà Thủy NguyênSố đông luôn luôn bị “lôi đi” theo một cách nào đó. Nếu ở thời trước người ta bị “lôi đi” bởi những lời hứa hẹn lý tưởng, những giấc mơ về cuộc sống thiên đường, đến thời đại Internet, việc tương tác liên tục khiến tư duy con người bị phân mảnh, thông tin bị nhiễu loạn kinh khủng, một ngày không biết có bao nhiêu tin tức, nên người ta cần một cái gì đấy đập thẳng vào mặt, thật sốc, thật scandal...
  • Nguyễn Văn Vĩnh - Một trong những người tiên phong hoàn thiện chữ Quốc ngữ

    18/03/2016Nguyễn Lân BìnhTác giả Nguyễn Lân Bình là cháu nội của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Với những tư liệu mà gia tộc đang giữ về người ông đã khuất, ông Bình đã bày tỏ quan điểm của mình… Với tinh thần khách quan, gạn lọc, công bằng. Hồn Việt xin đăng tải ý kiến của ông…
  • Tặng phẩm của ngôn ngữ: Thói “ăn” nếp “ở” của người Việt qua cách nói

    06/10/2009Ngô Nguyên DũngKhông biết có phải do hoàn cảnh thiếu ăn thiếu mặc từ xa xưa, mà người Á đông nói chung, người Việt nói riêng, đặc biệt quan tâm tới miếng ăn. Ăn không phải chỉ để sinh tồn, mà còn để hưởng thụ: Ăn đứng đầu tứ khoái. Ăn cho sướng miệng cái đã, mấy chuyện khác tính sau.
  • Nguyễn An Ninh và các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục (1)

    15/02/2011Bùi Khánh ThếBài viết đề cập đến một vài khía cạnh trong sự nghiệp lớn của một nhân vật lịch sử Việt Nam vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Đó là những ý tưởng của Nguyễn An Ninh về văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ...
  • Viết tắt chữ Việt trong ngôn ngữ thời @

    27/10/2009Trần Tư Bình

    Hiện nay, giới trẻ thường sáng tạo nhiều kiểu viết tắt chữ Việt - mà phần nhiều là chữ không dấu - khi “chat” trên mạng hoặc khi viết tin nhắn SMS ở điện thoại di động. Đây là một trào lưu không thể ngăn chặn được và sẽ không bao giờ dừng lại, cho dù có nhiều quan ngại là nó sẽ ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.

  • Ngôn ngữ và văn hoá

    29/09/2009Thu San Nguyễn Thế HùngVăn hoá là gì? Đặc trưng cơ bản nhất của văn hoá là gì? Và hơn nữa cái gì làm nên bản sắc văn hoá của nhân dân ta?
  • Ngôn ngữ mới của nước Nam

    03/07/2009Phạm QuỳnhKhông thể chối cãi là hiện giờ đang có một ngôn ngữ mới của nước Nam đa dạng hơn, uyển chuyển hơn, đủ khả năng hơn cho sự diễn tả các tư tưởng mới và các quan niệm trừu tượng so với ngôn ngữ đó cách đây mười lăm, hai mươi năm.
  • Nói nhiều ngôn ngữ khác nhau

    30/06/2009Cao Việt DũngTuần qua, đời sống bình lặng của văn chương Việt Nam bỗng trở nên sôi động với một “vụ án” được gọi tên là “đạo thơ”. “Đạo”, mạo danh… vốn không phải chuyện mới, nhưng lần này nó lại liên quan đến giấc mơ đưa văn chương Việt Nam ra thế giới.
  • xem toàn bộ