"Cố là tiếng nói độc lập"

02:16 CH @ Thứ Sáu - 29 Tháng Giêng, 2010

Một vài cơ quan truyền thông nước ngoài hỏi tôi có nghĩ rằng mình là "đối lập" không? Tôi trả lời tôi chỉ cố là một tiếng nói "độc lập" để đóng góp cho lợi ích chung thôi.

Viên thuốc an thần dân chờ đợi

Sắp hết hai nhiệm kỳ Quốc hội, tự kiểm định lại ông thấy mình có gì sai sót, thiếu trách nhiệm khi người dân đã bỏ phiếu tín nhiệm mình không?

- Đôi khi tôi cảm thấy mình chỉ như viên thuốc an thần được dân chờ đợi.

Cái mà ta gọi là có uy tín bao nhiêu nghĩa là viên thuốc an thần nồng độ cao bấy nhiêu thôi. Khi dã thuốc thì họ càng oán mình vì có quá nhiều điều mà một ĐBQH không thể làm được. Đây là tôi nói đến việc bất cập trong xử lý đơn khiếu nại của dân.

Bất cập không chỉ vì năng lực hay ĐB không nhiệt tình mà do cơ chế. Điều kiện làm việc của ĐBQH không hề tương xứng với chức năng và càng không tương xứng với kỳ vọng của dân.

Chẳng hạn là gì, thưa ông?

- Chỉ riêng việc tiếp dân của ĐBQH không chuyên trách lại không sống ở địa phương mình đã bí. Tiếp ở nhà thì không nên, tiếp ở văn phòng thì đặt tận Biên Hòa, tiếp ở cơ quan thì mình đã về hưu, tiếp ở Hội, thì Hội Sử học chật quá... Cuối cùng phải thuê một văn phòng và nhờ một bạn trẻ làm thường trực, kết hợp một vài việc khác để chia sẻ kinh phí.

Theo tôi, một ĐBQH phải hội đủ 3 năng lực: tư cách và quyền hạn do luật định (điều này thì đương nhiên); khả năng truyền thông ( may mắn tôi có nghề và quan hệ tốt) và hiểu biết về luật (điều này thì tôi rất hạn chế). Nhiều anh chị em ĐBQH cũng cảm thấy như tôi.

Băn khoăn cái nút bấm

Còn điểm nào nữa mà ông thấy bất cập?

- Có một vấn đề mà sau một nhiệm kỳ rưỡi hoạt động tôi rất băn khoăn, đó là việc bấm nút. Điều này đôi lần tôi đã thổ lộ trên báo chí và kỳ họp vừa rồi có buổi thảo luận liên quan đến hoạt động của QH, tôi đăng ký nhưng hết giờ nên chưa được trình bày tại QH.

Theo tôi, hoạt động của QH còn cần đến sự giám sát của cử tri đối với ĐB mà mình bầu ra.

Giám sát ĐBQH có thể qua các phát biểu trên các diễn đàn ở QH và công luận, thông qua chính kiến của ĐBQH khi bỏ phiếu thông qua luật, biểu quyết liên quan đến những vấn đề quan trọng, bầu nhân sự...

Người dân rất muốn biết trong những quyết định ấy, quan điểm của mỗi ĐBQH như thế nào. Tôi biết trước kia các ĐB giơ tay hay thẻ ĐB. Đúng là sẽ tốn thời gian đếm nhưng cách biểu quyết "thủ công" ấy khiến mọi người trong và ngoài QH đều biết chính kiến của mỗi ĐB.

Từ khi ứng dụng công nghệ điện tử thì biểu quyết nhanh hơn, số liệu có thể chính xác hơn, hồ sơ lưu trữ sẽ chuẩn hơn... nhưng đáng tiếc là nó gây cảm giác thiếu minh bạch. Mọi người không được cung cấp thông tin đầy đủ, chẳng biết ai đồng ý, ai không đồng ý, ai không biểu quyết.

Sau mỗi lần như vậy người ta lại cứ đoán già, đoán non... Và cũng vì vậy mà nảy sinh hiện tượng lẽ ra phải được làm rõ: tại sao sĩ số lại mỗi lần một khác, cho dù chỉ cách nhau vài phút (có nguời quên chăng, có người biểu quyết hộ chăng...).

Vậy theo ông, ta lại... giơ tay?

- Vẫn có thể bấm nút nhưng phải công bố kết quả. Với các ĐBQH nay đã được trang bị máy tính, có thể chuyển qua mạng.

Với giới truyền thông cũng vậy. Dư luận rất quan tâm không chỉ bộ luật hay quyết định này được thông qua bay không mà còn xem từng ĐB quan điểm như thế nào. Và ai vắng mặt nhiều, có hiện tượng "bấm hộ" hay không.

Đơn cử, khi biểu quyết về mở rộng Hà Nội, nghe tôi phát biểu, nhiều bạn làm báo đều nghĩ rằng tôi bấm nút "không tán thành". Nhưng thực ra tôi bấm nút "không biểu quyết" bởi lẽ quan điểm của tôi, mở rộng Thủ đô là một việc rất hệ trọng nên khi cảm thấy sự chuẩn bị có phần vội vã, duy ý chí, chưa đủ cơ sở khoa học...

"Phê phán" Chính phủ như vậy thì làm sao một cá nhân như mình lại có thể đưa ra một chính kiến mang tính khẳng định là "không tán thành" vì bản thân mình đâu đủ am hiểu. Mình thấy việc khó, lại là việc lớn nên chỉ có thể "không biểu quyết" mà thôi.

Quốc hội phải là thể chế dân chủ, phải có đủ điều kiện để thực thi thể chế dân chủ, đó là điều mà người dân đòi hỏi.

Cái khó nhất đối với ĐB khi phát biểu là gì, theo ông?

- Khó nhất là nói phải có năng lực thuyết phục. Thực chất hoạt động ở QH là một diễn đàn vận động hành lang (lobby). ĐBQH "lobby" nhau qua các thảo luận. Có nhiều tri thức cần có để ĐB đưa ra quyết định của mình. Nhưng ai có thể là “biết tuốt” được.

Vậy thì ĐB phải biết nghe, nghe ở ngoài xã hội, qua báo chí, gặp gỡ những chuyên gia và cuối cùng là lắng nghe nhau khi thảo luận ở QH, cuối cùng là thể hiện quan điểm của mình khi phát biểu hay bấm nút.

Tôi nhớ lần QH biểu quyết cao trình Thủy điện Sơn La. Tôi sang nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ngay gần nơi họp cũ) thì vị tướng lão thành cho rằng phải đặt an toàn lên cao nhất, an toàn chống ngoại xâm, chống khủng bố và chống chiến tranh sinh thái (nguồn nước) nên phải hy sinh một phần lợi ích kinh tế chọn thấp nhất.

Có dịp bay vào TP.HCM, đến thăm thầy Trần Văn Giàu (cả hai đều là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam) thì vị lão GS ứng vào nguyên lý "chiến tranh nhân dân" mà cho rằng nên làm nhiều công trình vừa phải hơn là làm những đại công trình và không nói rõ lựa chọn cao trình nào.

Lại đúng dịp bác Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) vừa tổ chức thượng thọ 80, đến chúc và hỏi thì nguyên Thủ tướng nói việc bảo đảm an toàn đã được tính rất kỹ, không những các bạn Xô Viết cũ thiết kế mà còn tham vấn chuyên gia nhiều nước phương Tây, kinh tế không phát triển thì không thể an toàn được và chọn cao trình tối đa.

Tôi có nói điều đó tại QH khi thảo luận nội dung này. Cuối cùng QH đưa ra một quyết định "rất Việt Nam" là trung dung, lấy mức trung bình không cao quá, không thấp quá.

Thế ông có e ngại rằng người ta sẽ bảo ĐB không có chính kiến và đứng về quyền lợi của ai cũng không biết thì làm sao bỏ phiếu chính xác?

- Chính kiến của mình là quyết định lựa chọn cuối cùng mà mình đưa ra chứ không phải dựa trên tri thức của anh.

Nghị sĩ các nước đại diện cho một đảng phái, phát biểu theo quan điểm của đảng phái đó.

Ở ta, với 92% đại biểu là đảng viên, nên phải lựa chọn giữa tư cách đảng viên và tư cách ĐBQH. Không phải lúc nào hai tư cách ấy là một. Nên sự lựa chọn cuối cùng thường mang ý thức tổ chức cao. Có lẽ các vị ấy lập luận đơn giản "ý Đảng là lòng dân". Tôi thì cứ mong ước rằng "lòng dân là ý Đảng".

Vì tôi không phải là đảng viên nên tôi nghĩ mình là người tự do hơn trong những lựa chọn tương tự. Các vị đảng viên có khi lại phải chịu nhiều ràng buộc.

Nếu có nhiều thứ còn vướng như vậy thì liệu có tiêu chí nào để người dân đánh giá được chất lượng hoạt động của ĐBQH không? Kiểu như xếp hạng năng lực cạnh tranh giữa các tỉnh?

- Lẽ ra phải làm chuyện đó nhưng ta không có chủ trương làm. Ngay một việc đơn giản nhất theo luật định là ĐBQH có quyền bỏ phiếu tín nhiệm thành viên của Chính phủ mà chúng ta cũng không thực hiện.

Vậy là nhìn vào hoạt động của Quốc hội cũng rất khó định tính đóng góp của từng người? Hoặc để người dân so sánh đại biểu này với đại biểu khác?

- Đóng góp cho QH biểu hiện rõ nhất qua các phiên thảo luận. Ý kiến của anh có chất lượng không, có được tiếp thu để qua luật pháp đi vào cuộc sống hay không. Khó nhất là cho dân đánh giá.

Để đánh giá được thì người dân phải có quyền bỏ phiếu bãi miễn nhưng không có cơ chế để làm chuyện đó.

Đại biểu phải hát Quốc ca

Đóng góp mà ông cho là đáng kể nhất ở QH, để lại dấu ấn "Dương Trung Quốc" nhất là gì?

- Cái duy nhất tôi đóng góp được cho QH nhưng thành công vẫn chưa thật bền vững là đại biểu QH phải hát Quốc ca trong ngày khai mạc và bế mạc mỗi kỳ họp.

Kỳ đầu tiên tham gia họp, tôi thấy có một dàn đồng ca hát hộ. Tôi nêu vấn đề ngay là ĐBQH phải tự hát Quốc ca, vì học sinh đến trường đầu tuần phải hát, tôi nêu lên ở QH là các cháu học sinh khiếm thính còn có cách hát Quốc ca rất nghiêm trang và cảm động.

Hồi đó Chủ nhiệm VPQH Vũ Mão ưa văn nghệ nên đưa ngay vào chương trinh ghi rõ "đại biểu hát Quốc ca" và dàn đồng ca được... nghỉ việc. Nhưng để duy trì được bền vững thật không đơn giản.

Nhiều người nói ông Quốc phát biểu cả những chuyện có vẻ nhạy cảm và dễ đụng chạm như chất vấn Phó Thủ tướng chuyện khai thác bô-xit hay kỳ họp thứ sáu ông phê báo cáo Chính phủ chưa tả chân. Điều gì khiến ông tự tin như thế?

- Tôi lắng nghe dư luận xã hội và chia sẻ bằng cách thuật lại ở diễn đàn quan trọng này một cách trung thực.

Mặt khác, thái độ của tôi luôn ôn hòa, mong được người đối thoại lắng nghe.

Nếu có người nói với ông rằng, phát biểu như vậy hơi quá khích thì ông giải thích gì?

Quá khích ư? Một vài cơ quan truyền thông nước ngoài hỏi tôi có nghĩ rằng mình là "đối lập" không? Tôi trả lời rằng tôi chỉ cố là một tiếng nói "độc lập" để có thể đóng góp cho lợi ích chung thôi.

Khóa trước người ta có câu: Nhất Ngoạn, Nhì Trân, Tam Lân, Tứ Quốc. Khóa này, nếu bình chọn một bộ tứ như vậy thì ông đề cử ai?

- Khóa này có cái hay là nhiều nhà quản lý vào cuộc phát biểu chất lượng, thẳng thắn, như ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Đà Nẵng, ông Vũ Hoàng Hà - Bí thư tỉnh ủy Bình Định. Hay như ông Nguyễn Minh Thuyết là quan chức trong QH nhưng có những phát biểu rất độc lập và nhiều vị khác nữa.

Nguồn:Vietnamnet
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Ông Dương Trung Quốc tự phỏng vấn nhân ngày Cá tháng Tư

    31/03/2014Dương Trung QuốcNăm 1563, vua Pháp Charles IX đã ra chỉ dụ quy định ngày 1.1 theo Công lịch sẽ được coi là ngày đầu năm. Bởi vì trước đó, căn cứ vào thời tiết và những tập quán cổ truyền thì tại nhiều địa phương ở Pháp vẫn coi ngày 1.4 mới là ngày đầu năm...
  • "Kinh doanh" quyền chức - Một hiện tượng đáng lo ngại

    04/01/2010Nguyễn Quang ThiềuMua quan bán chức đã trở thành vấn nạn đau đầu ở Việt Nam. Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng một cách kiên quyết về vấn nạn này.
  • Người trẻ cần có tư duy "nhìn ra phía biển"

    27/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện). Ảnh: Quỳnh HoaBên cạnh việc được coi là một ông nghị “nói nhiều” ở Quốc hội, ông Dương Trung Quốc là một nhà Sử học có tiếng. Ông chia sẻ những cảm nhận của mình về lòng yêu nước của người trẻ hiện nay.
  • Nghị sĩ công dân

    05/01/2009TS.Nguyễn Sỹ PhươngNền dân chủ sơ khai đầu tiên trong lịch sử loài người bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, tiếng Hy Lạp gọi là “Δημοκρατία”, có nghĩa nhân dân quyết định công việc nhà nước. Tuy nhiên, lúc đó khái niệm “nhân dân quyết định” cũng chỉ giới hạn vào một nhóm người và loại trừ phụ nữ.
  • Đọc bài "Quốc hội ta vĩ đại thật" của chủ tịch Hồ Chí Minh

    31/03/2007Trần Lưu Sơn (Sở Tư Pháp Tỉnh Hà Nam)Với bút danh T.L chủ tịch Hồ chí Minh viết bài”quốc hội ta vĩ đại thật” đăng trên Báo Nhân dân, số 2304, ngày 10-7-1960. Trong không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử quốc hội khoá XII chúng ta cùng đọc lại bài viết của người...
  • Lắng nghe người dân: dễ hay khó?

    01/01/1900Lê Đại TríChúng ta tự hào là đa số cán bộ có chức quyền đang lắng nghe người dân theo lời dạy của HồChí Tịch. Nhưng lắng nghe như thế nào cho có hiệu quả là điều không dễ. Có hai yếu tố ảnh hưởng đến kết quả lắng nghe và dĩ nhiên là ảnh hưởng luôn đến việc ra các quyết định. Đó là chọn người dân để lắng nghe và kỹ năng lắng nghe
  • Tản mạn xung quanh chữ “quyền”

    28/10/2006Nguyễn Đức ThạcTrên hành trình thực hiện khát vọng tự do và sự tự khẳng định quyền của con người, khái niệm "Quyền" luôn "đi, về" trong suy tư của mỗi con người với bao trăn trỏ, hăm hở, nhiệt thành và nhiều khi cũng thật vất vả đến mệt mỏi, ngay cả khi con người có cái tâm trong sáng. Và điều ấy ta thêm một lần cảm nhận được khi nghe một vị Bộ trưởng phát biểu giải trình kiến nghị và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa kết thúc của Quốc Hội, điều đó là sự tương quan giữa vô hạn và hữu hạn...
  • Tiếp xúc cử tri: Bệnh hình thức cũ, nên từ

    18/09/2006Kiên ĐịnhNếu như bệnh thành tích trong ngành giáo dục như một chứng kinh niên làm lung lay nền tảng đạo đức, thì với các Đại biểu nhân dân việc tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân chúng đang bị bệnh hình thức chế ngự như một chứng nan y, mà hậu quả cũng không kém phần nguy hiểm...
  • Im lặng và hứa suông: Hai căn bệnh cần có thuốc đặc trị

    14/07/2006Hải YếnHiện nay nhân dân là các doanh nghiệp đã và đang bị một bộ phận công chức thoái hóa, biến chất hành hạ đủ kiểu và ngày càng tinh vi. Tại kỳ họp Quốc Hội lần này, vấn đề lại được đưa ra thảo luận và việc giải quyết mối quan hệ giữa các công chứclà nhân dân - doanh nghiệp được gọi vớicái tên là: “Cải thiện quan hệ củacơ quan hành chính với dân”...
  • Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ?

    30/03/2006Dương Trung QuốcChúng tôi xin lấy đầu đề bài báo trên đây của nhà sử học Dương Trung Quốc làm diễn đàn để bạn đọc tham gia phân tích, mổ xẻ tranh luận nhằm nhận chân giá trị của dân tộc và kiến nghị các giải pháp chấn hưng dân khí, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển của đất nước...
  • Đại biểu Quốc hội có nhất thiết phải am hiểu luật?

    09/01/2006Đoàn Tiểu LongCác đại biểu Quốc hội vì thế không nhất thiết là luật gia, mà trước hết phải là chính khách. Điều quan trọng nhất họ cần nắm được, đó là tâm tư, nguyện vọng của các cử tri đã tín nhiệm cử họ làm đại diện...
  • Lập pháp hướng tới pháp quyền

    16/11/2005Bùi Ngọc SơnHàng loạt cố gắng hiện nay như: "nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội", "đổi mới quy trình lập pháp", "tăng cường năng lực lập pháp"?.. là những việc cần làm để ngành lập pháp có thể cho ra những sản phẩm tốt hơn. Nhưng, một chiếc cày bằng đồng cũng không hiệu quả nhiều hơn một chiếc cày bằng gỗ là bao...
  • Quốc hội đã tranh luận gay gắt khi biểu quyết

    25/04/2003Một kỳ thi mới sắp bắt đầu. Nhưng đến nay, việc nên hay không nên tiếp tục kỳ thi tốt nghiệp tiểu học (TNTH) đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn kiên quyết bảo lưu ý kiến nên tiếp tục kỳ thi này với lý do "không thi là không học!". Còn phụ huynh, học sinh, các nhà giáo dục và ngay cả nhiều đại biểu Quốc hội tâm huyết với ngành vẫn cho đó là một kỳ thi không cần thiết. Chuyên trang này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin liên quan đến vấn đề này, cũng là để các cơ quan chức năng có thêm thông tin nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn...
  • xem toàn bộ