Con người đang phát triển "ngược"

04:41 CH @ Thứ Sáu - 05 Tháng Tư, 2019

Trong thời buổi này, đa số người làm việc đều gắn với máy tính và những chức năng online của nó.

Hồi còn đi học, mỗi khi đến sinh nhật, tôi thường được tặng những cánh thiệp xinh xinh. Còn bây giờ, đến sinh nhật, chuông reo, mở tin nhắn trong điện thoại, lời chúc năm nay cũng như năm trước

1. Cô bạn tôi là giảng viên một trường cao đẳng có lần kể: “Lãnh đạo phân công tôi làm việc cùng với một giảng viên trẻ nhưng cả hai hầu như chưa có dịp nào được trò chuyện. Hôm nào có giờ, cô ấy vào trường gật đầu chào mọi người, nếu không lên lớp thì cô ngồi rịt ở máy tính, không nói gì với ai cả, chỉ nghe những ngón tay gõ xuống bàn phím rào rào. Muốn trao đổi cũng ngại quá! Tình cờ một lần, tôi đang online thì cổ gửi tin nhắn: “Hôm nay L. có mấy tiết?”, thế là tôi biết chỉ có thể “trò chuyện” với cô bằng cách... chat”.

Trong thời buổi này, đa số người làm việc đều gắn với máy tính và những chức năng online của nó. Đọc báo, nghe nhạc, xem phim, tìm kiếm thông tin là phổ biến. Internet cũng là phương tiện để mọi người trao đổi thông tin, giao tiếp với nhau qua các công cụ như chat, gửi thư điện tử, thậm chí qua các trò chơi trực tuyến. Rõ ràng phương thức giao tiếp truyền thống đã thay đổi, có hình thức đã mờ nhạt nhiều (như gửi thư tay).

2. Vài năm trước, người ta đã nói nhiều đến “thế hệ ngón tay cái”, “hội chứng ngón tay cái”... để chỉ một thế hệ xem việc sử dụng điện thoại di động cần thiết và bình thường như việc ăn uống, hay những “tật” liên quan đến việc sử dụng ngón tay này quá nhiều... Nếu ngày xưa, muốn ngỏ lời yêu với cô bạn ở nơi xa một cách cầu kỳ, lãng mạn thì có thể gửi cánh hoa hồng ép khô cùng bức thư qua đường bưu điện thì ngày nay chỉ cần vài thao tác, một bông hồng xinh xắn sẽ được chuyển đến “đối tác” trong tích tắc, cước điện thoại đôi khi còn rẻ hơn tiền dán tem...

Hồi còn đi học, mỗi khi đến sinh nhật, tôi thường được tặng những cánh thiệp xinh xinh, có hình ảnh, hoa văn đẹp mắt, có khi được chính người bạn thiết kế theo đúng “gu” của tôi. Những cánh thiệp đó tôi luôn cất kỹ, lâu lâu mở ra xem, một thời tuổi trẻ với bao nhiêu kỷ niệm đẹp bỗng ùa về. Còn bây giờ, đến sinh nhật, “tính tinh tình tình tinh”, mở tin nhắn trong điện thoại, lời chúc năm nào cũng như nhau, chắc của tôi cũng như của người khác! “Đồng phục”, “cào bằng”! Hay mở mail, thể nào cũng có vài cái e-card được gửi tới, có hình, có nhạc nhưng tay tôi chẳng sờ tới, đôi khi muốn áp vào ngực cũng chẳng được!

3. Con người đã “đi ngược” không ít điều. Ngày xưa nghèo khó phải ở nhà tranh, nhà lá, tiến dần đến nhà ngói, nhà tôn, nhà mái bằng... Bây giờ nhiều người chọn nhà lá theo kiểu truyền thống cho mát, cho... sành điệu. Cách đây trên dưới 20 năm, những chiếc mobylette thường dành cho những người có tuổi hay những người chưa đủ tiền mua được xe cub đèn vuông thì bây giờ ai chạy những chiếc xe cổ điển này cũng là sành điệu.

Trong giao tiếp, cũng có một sự “đi ngược”. Khi ngôn ngữ con người chưa phát triển, họ dùng tay để ra ký hiệu hoặc vạch trên mặt đất, đánh dấu ở cây rừng... để trao đổi thông tin. Bây giờ, ngôn ngữ phát triển vượt bậc, con người lại dùng tay để “ra dấu” trên những công cụ hiện đại để truyền tin cho nhau. Chỉ có sự khác biệt: Ngày xưa người ta buộc phải làm thế vì không có cách nào khác, còn ngày nay con người có nhiều cách lựa chọn nhưng họ đã chọn cách này vì sự tiện lợi của nó. Rõ ràng, nếu đặt sự tiện lợi làm tiêu chí hàng đầu, ta không thể đòi hỏi những sự giao tiếp, cách thông tin thực sự có “hồn” được!

Thích ứng với sự biến chuyển

Xét về mặt xã hội học, kỹ thuật và công nghệ luôn luôn được nhìn nhận như một trong những yếu tố tạo nên sự biến chuyển xã hội. Cụ thể nhất là với sự ra đời của Internet và những tiện ích “cộng thêm” của nó đã làm thay đổi rất nhiều khuôn mẫu ứng xử truyền thống của con người. Những bức thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những dòng chữ nguệch ngoạc đang ngày càng ít đi và thay vào đó là những e-mail; thay vì trước đây người ta giao tiếp, truyền thông theo kiểu mặt đối mặt, lời trao lời với những âm sắc cao thấp thì nay được thay bằng những dòng chữ trên màn hình trong các forum...

Tất nhiên lúc đầu có thể cảm thấy khó chịu vì những kiểu giao tiếp còn xa lạ và thiếu “tính người” ấy bởi chúng quá khác với những khuôn mẫu giao tiếp đã quá quen thuộc, thế nhưng chúng ta cũng khó có thể cưỡng lại được chúng vì chúng là kiểu giao tiếp của xã hội công nghiệp với các tính năng nhanh, rộng, xuyên biên giới, tự do và có khả năng tạo nên các “cộng đồng ảo” (virtual community) mà các phương tiện giao tiếp truyền thống không có được, hoặc có nhưng rất hạn chế.

Không có sự chọn lựa nào là ưu việt hơn sự chọn lựa nào, vấn đề là tùy quan niệm của mỗi cá nhân và quan niệm ấy cần phải được tôn trọng.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nói với thế hệ trẻ

    03/10/2013Tốt nghiệp đại học mới chỉ là cơ sở để mở đầu cuộc đời của người cán bộ nghiên cứu. Có bằng tiến sĩ cũng là bắt đầu con đường nghiên cứu khoa học. Hãy ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cách mạng. Học để phục vụ nhân dân”...
  • Một ngày không net…

    23/01/2008Nguyễn Vĩnh NguyênMột tờ báo học trò đã đặt ra câu hỏi: Bạn sẽ thế nào nếu một ngày không có Internet?
    Cách đây năm năm, tôi trả lời: - Chẳng “xi nhê”!
    Thế nhưng hiện tại, tôi có thể tuyên bố ngay: - Đó là ngày thế giới sống của tôi mất đi một nửa! Hỏi thêm: Nửa ấy là gì? Trả lời: Đó là một thực tại khác!
  • Net là một phần văn hóa

    17/12/2005“Net là một phần văn hóa quan trọng trong đời sống hiện nay”, đa số các bạn trẻ tham dự ngày hội internet lần 5 khai mạc tại Nhà văn hóa thanh niên TP.HCM sáng nay đều cùng chung quan điểm như vậy...
  • “Công dân Internet” hay mặt trái của thế hệ trẻ

    22/11/2005Theo Chinadaily, GuardianNgủ dậy, bật máy tính, đánh răng rửa mặt và vào mạng Internet là lịch trình của Tiểu Linh vào mỗi buổi sáng, giống với nhiều thanh niên trẻ khác trên khắp Trung Quốc...