Công việc là niềm hạnh phúc

08:35 SA @ Thứ Tư - 24 Tháng Mười, 2007

Trong căn phòng làm việc được bài trí một cách giản dị, ông đang cặm cụi nghiên cứu bên một kho sách vở tài liệu ngổn ngang. Ngay lần gặp đầu tiên, ông đã gieo vào lòng người đối thoại ấn tượng khó quên bằng một câu nói chân thành “Hạnh phúc là được vùi mình vào công việc”. Ông là Tiến sĩ Phan Quốc Việt, Giám đốc Tâm Việt Group, một công ty có uy tín tại Việt Nam về đào tạo, tư vấn, giảng dạy các kỹ năng phát triển con người.

Chưa bao giờ là quá muộn

Sinh ra và lớn lên ở quê hương “miền Trung mỏng và sắc như cật nứa”, sau khi học xong khoa Địa chất trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop, Matxcơva, Phan Quốc Việt học tiếp lấy bằng Tiến sĩ Toán - Lý cũng tại ngôi trường nổi tiếng về tính hàn lâm này. Năm 1988 ông về nước và đảm nhận trọng trách Trưởng phòng tin học tại Việt Xô Petro. Sau một thời gian ngắn bằng chính sự năng động, thông minh của mình, ông được điều chuyển làm Chánh văn phòng Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Ba năm sau, Tiến sĩ Phan Quốc Việt chuyển sang làm Giám đốc Công ty Dầu khí Hà Nội. Là dân kỹ thuật nhưng khi làm lãnh đạo ông không hề bỡ ngỡ. Giữa những năm 90, HanoiPetro do ông điều hành là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh có lãi trong ngành khí ga ở miền Bắc. Trong lúc công việc đang đi vào quỹ đạo của sự ổn định và phát triển, ông đột ngột rẽ ngang để theo đuổi một ý tưởng mới mẻ. ở vào tuổi 50, để bắt đầu một điều gì đó đã là quá muộn nhưng ông luôn vững vàng, và rồi ông lại nhìn về phía trước để tạo dựng cho mình một bước đi mới, một công việc mới. ông bộc bạch rằng: Hiện nay, rất nhiều sinh viên ra trường mà không có hoặc có ít kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng phó với sự thay đổi của cuộc sống. Không chỉ các bạn trẻ mà còn nhiều cán bộ, nhân viên cũng cần được trang bị kỹ năng thích ứng với môi trường làm việc hiện đại, ứng phó với áp lực, với yêu cầu công việc. Suốt 23 năm ngồi ghế nhà trường, chúng ta chúng ta chỉ học một mình và thi cho mình, còn cuộc sống hiện đại thì bất cứ việc gì cũng cần tinh thần đồng đội. Những kỹ năng đó chưa nhà trường nào dạy. Nhận thấy mảng thị trường còn trống, tôi quyết định đi khắp Hà Nội tìm học lớp học thuyết trình. Nhưng như mò kim dưới đáy bể, tôi tìm mãi cũng không thấy ở đâu dạy kỹ năng quan trọng này. Và cuối cùng tôi chọn giải pháp tự học qua sách vở. Đi mãi sẽ thành đường. Sau một quá trình tự mày mò nghiên cứu bằng những nỗ lực riêng mình, tôi đã biên soạn được một bộ giáo trình hoàn thiện về kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, kỹ năng giảng dạy và quan trọng nhất là kỹ năng tự học, học mọi lúc, học mọi nơi, học suốt đời. Và rồi ý tưởng về Tâm Việt được hình thành từ đó.

Lối đi ngay dưới chân mình. Và quả nhiên, ít lâu sau trong dịp đi theo một đề án giáo dục quốc gia, ông được đứng trên bục giảng dạy thử trong 15 phút về kỹ năng lắng nghe. Từ 15 phút rồi tăng lên một tiếng rồi một ngày, ông tiếp tục đi giảng khắp nơi trên cả nước và được học viên chăm chú lắng nghe, họ tỏ ra rất yêu thích môn học của ông. Và rồi trải qua biết bao những cương vị khác nhau, ở vào tuổi 50, ông lại thay đổi mình, tạo một bước chuyển đổi rất lớn trong cuộc đời là trở thành giáo viên chuyên sâu về giảng dạy kỹ năng phát triển con người. ở đời chẳng ai biết trước được gì. Điều này Tiến sĩ Phan Quốc Việt biết rất rõ. Số phận đã đưa đẩy ông trở thành một người thầy giáo khi đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng, điều hành một doanh nghiệp có tiếng của Hà Nội. Định mệnh không bao giờ là bà mẹ kế ác nghiệt của những người ðam mê cống hiến, đem lại giá trị gia tăng cho xã hội. Ông luôn hiểu điều này và rất lấy làm vinh dự khi đến với sự nghiệp trồng người.

Năm 2001 là năm đánh dấu cho một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời ông. Tâm Việt đã được “khai sinh” trong sự mong đợi của ông và nó đã được ông đặt rất nhiều kỳ vọng. Trời đã không phụ lòng người, sau bao khó khăn vất vả, Tâm Việt đã trở thành một địa chỉ quen thuộc thu hút rất nhiều các em học sinh, sinh viên, công chức, gia đình… tất cả cùng nhau đến đây học tập. Đối với họ, đó không chỉ là những kỹ năng quý báu được thu nhận mà còn là mục đích sống, nghệ thuật sống hạnh phúc, là sự hăng say và các kỹ năng cần thiết là công cụ để dẫn lối cho những thành công trong công việc của chính mình. Giờ đây, mỗi khi nói về Tâm Việt, mọi người đều nhớ ngay đến một Giám đốc, một Tiến sĩ, một Thầy giáo xứ Nghệ nhiệt tình và luôn sẵn sàng hết mình cho công việc. “Nếu bạn muốn ngắm thung lũng hãy trèo lên đỉnh núi. Nếu bạn muốn ngắm đỉnh núi thì hãy vươn lên mây trời, nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu mây trời hãy nhắm mắt lại và suy nghĩ”. Câu nói của Kahlih Gibran là kim chỉ nam cho Tiến sĩ Phan Quốc Việt tiếp tục vươn tới những thành công hơn nữa trong cuộc đời.

Làm cho tâm người Việt sáng hơn

Sau 5 năm gây dựng và phát triển, hiện nay Tâm Việt là công ty chuyên sâu về lĩnh vực đào tạo các kỹ năng cá nhân, tinh thần đồng đội, kỹ năng lãnh đạo, văn hoá tổ chức và tư vấn quản trị doanh nghiệp… Với tiêu chí hoạt động “Vì lợi ích trăm năm trồng người.Tâm Việt làm tâm người Việt sáng hơn, nâng tầm người Việt cao hơn”, công ty luôn đảm bảo những học viên của Tâm Việt có thể áp dụng ngay được các kỹ năng, kiến thức và khả năng tư duy nhằm nâng cao hiệu quả công việc, mang lại lợi ích cho các học viên và tổ chức của họ, và quan trọng hơn là làm cho cuộc sống hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn, nhiều tình người hơn.

Có được những thành tích đáng tự hào như vậy, Tiến sĩ Phan Quốc Việt nói rằng: Giá trị cốt lõi của công ty là yếu tố con người. Tâm Việt có những khóa đào tạo mang tính thực tiễn ứng dụng cao nhằm phục vụ con người. Học viên sau khi kết thúc khóa học đã đánh giá cao các kỹ năng và kiến thức họ thu nhận được từ những khoá đào tạo của Tâm Việt. Đa số họ đều có chung một cảm nhận rằng sau khi tham gia học tập tại đây họ trở nên tự tin hơn, giao tiếp có duyên hơn, khả năng thuyết phục đối tác hiệu quả, yêu đời hơn, muốn đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Đây chính là niềm hạnh phúc rất lớn của tôi nói riêng, của Tâm Việt nói chung và đó chính là động lực lớn giúp chúng tôi phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành một cách tốt nhất công việc của mình. Ông Việt tâm sự.

Là con người của công việc, Tiến sĩ Phan Quốc Việt không cho phép mình dừng lại ở bất cứ lúc nào. Ông cho rằng đã là con người thì phải sống, phải học tập và làm việc. “Muốn có hoa hồng phải trồng hoa hồng, chỉ có cái tốt mới đè bẹp được cái xấu”. Đó là quy luật muôn đời của tạo hoá. Chính vì vậy, ông lúc nào cũng tất bật với công việc “trồng hoa hồng” bằng tất cả nhiệt tình và niềm đam mê để mong vườn hoa cuộc đời ngày càng tươi tốt hơn, cỏ dại và sâu bọ ngày càng ít đi. Và rồi sau bao tháng ngày vất vả, thành công đã mỉm cười với ông.

Giờ đây, tuy trở ngại vẫn còn nhiều, nhưng ông hạnh phúc vì Tâm Việt đã xây dựng chương trình đào tạo cho gần 16 nghìn lượt học viên về các kỹ năng cá nhân, kỹ năng quản lý, lãnh đạo. Các khách hàng thường xuyên trong lĩnh vực đào tạo của Tâm Việt bao gồm nhiều các tổ chức quốc tế như UNDP, World Bank, RMIT... Các tổ chức trong nước như: Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, Ban Tuyên Giáo TƯ, Ban Tổ chức TW, Tổng cục Thuế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Phòng Thương Mại & Công nghiệp Việt Nam, TW Đoàn… Bên cạnh đó, Tâm Việt đã thu hút được rất nhiều các doanh nghiệp là học viên như: Công ty Cà phê Trung Nguyên, FPT, VMS - Mobiphone, VNPT, VietNam Airlines, Viettel… Không chỉ có vậy, Tâm Việt đã phối hợp với VTV xây dựng nhiều chương trình như: Người xây tổ ấm - Những lời có cánh; AFTA - Hội nhập của Việt Nam, Kỹ năng trẻ… để đáp ứng nhu cầu của xã hội về các kỹ năng để hoàn thiện con ngời.

Với phương pháp “học qua trải nghiệm, lấy học viên làm trung tâm”, các giảng viên của Tâm Việt đã được đào tạo tại các tổ chức quốc tế về đào tạo kỹ năng giảng dạy tiên tiến nhất. Hiện nay, ngoài 50 CBCNV chính thức của Tâm Việt, công ty còn có mạng lưới cộng tác viên rộng khắp tại các trường ĐH, các dự án, các chuyên gia tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực quản lý và đầu tư ở Việt Nam.

Và ta biết riêng ta

Doanh nhân Phan Quốc Việt tự nhận mình là một người lãng mạn, có tài kể chuyện tiếu lâm. Ông cho rằng: đừng sợ mất cái không có. Cá nhân mình chính là hiện thân của cách mình nghĩ. Vì vậy, chính cách tư duy và quản lý suy nghĩ sẽ tạo nên chất lượng cuộc sống cho mỗi chúng ta.

Là con người trải qua nhiều vị trí khác nhau nhưng ông say mê nhất vẫn là nghề dạy học - dạy các kỹ năng phát triển con người, nghệ thuật sống hạnh phúc và kỹ năng thành đạt. Đã có rất nhiều người gọi thầy giáo Phan Quốc Việt là ông “mọt sách” bởi vì bên người ông luôn có sách, ở cơ quan, ở đầu giường và trong cặp máy tính của ông. Ông nghiên cứu rất nhiều các loại sách khác nhau của các chuyên gia nổi tiếng thế giới và chuyển thể thành các khái niệm dễ hiểu phù hợp với văn hóa Việt Nam để học viên tiếp thu dễ dàng. Khi được hỏi về công việc của mình, ông nói rằng: Niềm vui lớn nhất là được nhìn thấy tất cả mọi người khi đến với Tâm Việt đều tiến bộ hơn trong nhận thức về bản thân để sống hạnh phúc hơn và có thêm nhiều kỹ năng để thành đạt trong cuộc sống. Và có lẽ đó cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để ông làm việc một cách say mê hơn.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: