Cuộc chiến giành nhân tài ở thế kỷ 21

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Văn Kiên (Theo Tri thức thế giới)

Cuộc cạnh tranh giữa các nước trong thế kỷ 21 sẽ là cạnh tranh của sức mạnh tổng hợp quốc gia, mà thực chất diễn ra trong lĩnh vực khoa học công nghệ cao. Điều then chốt của cuộc cạnh tranh này là cạnh tranh về tố chất dân tộc và trình độ nhân tài. Có ưu thế nhân tài sẽ có thể tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước, đứng vững trong cộng đồng thế giới.

Thiếu hụt nhân lực
Hiện nay toàn cầu có 1,5 triệu lưu học sinh và học giả đang học tập hoặc làm công tác nghiên cứu ở đất khách quê người, trong đó có 500.000 người tập trung ở nước Mỹ. Cùng với việc khoa học công nghệ càng ngày càng phát triển và bắt đầu thời đại kinh tế tri thức, cơ cấu việc làm của nhiều nước đang có sự thay đổi lớn, một mặt, sức lao động phổ thông cung đã quá cầu, vấn đề thất nghiệp ngày càng nghiêm trọng, mặt khác lại thiếu nhân tài nghiên cứu, khai thác và thao tác khoa học công nghệ cao.

Thế giới đang bước vào một cuộc chiến “tranh giành nhân tài”.
Một nhà kinh tế nổi tiếng của Mỹ nói: “Vũ khí cạnh tranh chủ yếu trong thế kỷ 21 là giáo dục và kỹ năng của người lao động”. Nhật, cường quốc kinh tế thứ 2 cũng cảm nhận như vậy và đã chỉ ra rằng: “Có đào tạo bồi dưỡng được thế hệ trẻ Nhật Bản có đạo đức, có tinh thần sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21 hay không, điều này sẽ quyết định vận mệnh tương lai của Nhật Bản”.
Theo dự đoán của Tổ chức Lao động quốc tế, 1/3 số người lao động trên toàn cầu rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc khó tìm được việc làm. Nhưng, nhân tài chuyên môn thì ngày càng không đáp ứng được nhu cầu. Theo dự tính của các nhà khoa học Mỹ từ năm 1900 đến năm 1975, vốn đầu tư cho vật chất tăng 4,5 lần, lợi nhuận tăng gấp 3,55 lần, trong khi đó vốn đầu tư cho nhân lực tăng 3,5 lần mà lợi nhuận lại tăng 17,55 lần. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng 64% tài sản thế giới là dựa vào vốn nhân lực. Một dự án nghiên cứu của Mỹ cho thấy năm 2000, 80% vị trí công việc của Mỹ về bản chất là thuộc về lao động trí óc. Nhưng từ giữa thập kỷ 80 đến nay, ở Mỹ do khoa học công nghệ cao phát triển một cách nhanh chóng nên vẫn thiếu nhân tài được giáo dục và huấn luyện tốt. Cuối năm 1997, Mỹ thiếu hụt 340.000 nhân viên khoa học công nghệ cao. Theo dự tính của các ngành hữu quan, đến năm 2006, Mỹ cần tăng thêm 675.000 nhà khoa học và công trình sư, đến năm 2010 cần tăng thêm 155.000 người có trình độ tiến sĩ.

Theo báo cáo điều tra của một công ty nghiên cứu về thị trường công nghệ thông tin, trước năm 2002, nhu cầu về nhân tài mạng internet hàng năm của châu Âu sẽ tăng 26%, đến năm 2020, châu Âu sẽ thiếu hụt 600.000 nhân tài cho mạng thông tin. Điều này có thể dẫn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin của châu Âu sẽ lạc hậu hơn Bắc Mỹ và châu á, trở ngại cho việc phổ cập thông tin, internet và thương mại điện tử ở châu Âu, đồng thời có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của khu vực này.
ở châu á, từ giám đốc cao cấp của các doanh nghiệp, công trình sư, kế toán trưởng cho đến nhân viên tiếp thị, từ giáo sư ở các trường đại học đến các chuyên gia thông tin, hầu như ngành nào, lĩnh vực nào cũng đều thiếu nhân tài. Mặt khác, việc chảy “máu xám” ở châu á rất nghiêm trọng.

Đâu là lối thoát
Một đất nước không những cần phải đẩy mạnh phát triển giáo dục, coi trọng bồi dưỡng đào tạo nhân tài mà còn phải áp dụng các biện pháp giữ lại nhân tài, thu hút nhân tài và sử dụng tốt nhân tài. Lịch sử thế giới đã chứng minh tôn trọng trí thức, tôn trọng nhân tài, phát huy tác dụng của nhân tài là điều kiện quan trọng để giữ lại nhân tài. Các quốc gia lớn nhỏ đều tung ra các biện pháp để thu về mình những bộ óc xuất sắc nhất như:

- Tăng cường xây dựng các trường đại học nổi tiếng và xây dựng các trung tâm nghiên cứu. Từ đầu thập kỷ 80 đến nay các đời Tổng thống Mỹ đều nói muốn trở thành vị “tổng thống giáo dục”. Năm 1989 Mỹ đầu tư vào ngành giáo dục 353 tỷ USD, đến năm 1998 tăng lên 635 tỷ USD năm 1998. Mỹ đã dùng học bổng, tiền thưởng và cho vay ưu đãi để thu hút lưu học sinh nước ngoài vào các trường đại học, đặc biệt là các trường đại học nổi tiếng. Lưu học sinh nước ngoài sau khi học xong đa số ở lại Mỹ.

- Các cơ quan nghiên cứu phát triển của nhà nước và tư nhân cũng là kênh thu hút nhân tài chủ yếu. Mỹ có hơn 720 cơ sở thực nghiệm phát triển thuộc các viện nghiên cứu liên bang, đây là lực lượng nghiên cứu phát triển lớn thứ 2 của Mỹ.

- Mỹ còn là quốc gia có nhiều doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn này đều có cơ quan nghiên cứu phát triển, đó cũng là lĩnh vực thu hút nhiều nhân tài nước ngoài. Năm 1998 Mỹ đầu tư 215 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển trong đó đầu tư của doanh nghiệp chiếm 3/4. Từ năm 1990 đến năm 1998 các nhà khoa học Mỹ đã đạt 54 Giải thưởng Nobel trong số 72 giải này, trong đó có nhiều nhà khoa học các nước trên thế giới định cư ở Mỹ.

- Nhật đang đẩy mạnh thực hiện “kế hoạch lĩnh vực mới của nhân loại” để thực hiện mục tiêu thu hút từ nước ngoài 1/3 nhân tài mà Nhật thiếu hụt. Trong chính sách tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài, Nhật áp dụng biện pháp: xúc tiến cải cách cơ cấu đại học, coi trọng nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh quốc tế; cải thiện các chính sách và thể chế, để thích hợp rộng rãi với lưu học sinh nước ngoài; tăng cường sự giúp đỡ của chính phủ và các doanh nghiệp đối với lưu học sinh. Nhật sẽ đầu tư 100 tỷ yen để khởi công xây dựng “Làng nghiên cứu giao lưu đại học quốc tế” vào năm 2001, làng này sẽ là Trung tâm sáng tạo tri thức mới đưa Nhật bước vào thế kỷ 21 và cũng là cơ sở quan trọng để tiếp nhận lưu học sinh.

- Mua nhân tài từ “mầm non” là một tuyệt chiêu của các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ. Các nước phát triển coi đó là động hướng mới nhất trong cuộc tranh giành nhân tài công nghệ cao hiện nay trên thế giới. Các nước đang phát triển cũng bắt đầu chú trọng tuyển chọn “mầm non” nhân tài từ các trường phổ thông để đưa đi bồi dưỡng đào tạo ở các nước phát triển, đó là “đầu tư tương lai”. Năm 1997 các trường đại học của Mỹ, Nhật, Đức đã ký với nhau một thoả thuận xây dựng trường học xuyên quốc gia, nhằm thực hiện một kiểu giáo dục mới, cải cách giáo dục và giáo trình.

Cuộc chiến tranh giành nhân tài trong tương lai sẽ còn quyết liệt hơn. Cơ hội thu nhỏ khoảng cách giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển về mặt khoa học công nghệ, kinh tế nằm ở điểm then chốt là có bồi dưỡng, đào tạo được nhân tài, giữ được nhân tài, sử dụng tốt nhân tài hay không.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: