Dân chủ và Nhân quyền và sự mở rộng khái niệm Dân chủ

02:22 CH @ Thứ Tư - 03 Tháng Mười Một, 2010

Cần phải phân biệt khái niệm dân chủ giữa các con người với nhau và dân chủ giữa các quốc gia.

Dân chủ là một phương thức quan hệ, phương thức sử dụng quyền lực trong nội bộ các quốc gia. Về bản chất, dân chủ là sự xác lập những quyền cơ bản của công dân. Đó là phương thức để các công dân có những quyền cấu trúc nên đời sống cá nhân và đời sống chính trị của mình. Từ đó cộng đồng các cá nhân cấu tạo nên quyền lực chính trị của mình.

Dân chủ giữa các quốc gia làviệc các quốc gia đều có các quyền cơ bản của mình. Người ta nói nhiều về vấn đề này, nhưng các quốc gia trên thực tế vẫn lấn át lẫn nhau, tuỳ thuộc vào tương quan thế lực của họ. Sinh hoạt quốc tế là tương tác giữa các thế lực, giữa các quốc gia với nhau. Một quốc gia càng mạnh, càng có tiếng nói và vị trí quan trọng trên trường thế giới. Chính sự lép vế của một số dân tộc sẽ thúc đẩy họ đi nhanh hơn trên con đường dân chủ hoá. Bởi lẽ, sự lép vế ấy là hậu quả của những sai lầm trong chính sách kinh tế và chính trị, mà trước hết là chính trị, khiến cho họ rơi vào tình trạng chậm phát triển, không có tiếng nói trên trường thế giới. Nhu cầu có tiếng nói có trọng lượng hơn trong sinh hoạt chính trị thế giới sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hoá xã hội. Bởi vì chỉ có dân chủ hoá đời sống chính trị mới biến các quốc gia này thành những quốc gia hùng mạnh trong thời bình. Một quốc gia có thể rất hùng mạnh trong thời chiến, nhưng như Tôn Tử nói, việc binh không thể dùng lâu được. Thời chiến bao giờ cũng ngắn hơn thời bình. Không thể lấy những quy luật của thời chiến để gán cho thời bình, cũng không thể áp đụng trong thời bình những phương pháp của thời chiến.

Cũng không nên nhầm lẫn vấn đề nhân quyền với vấn đề quyền tự quyết của các quốc gia.

Chính phủ Hoa Kỳ đã liên tục nhầm lẫn như thế. Họ sử dụng vấn đề nhân quyền để làm động chạm đến quyền tự quyết của các quốc gia. Dân chủ thực ra là vấn đề nội bộ của các quốc gia, vấn đề mà chúng ta buộc phải tự đối phó bất chấp và không hề phụ thuộc vào việc có hay không có những tác động từ bên ngoài. Dân chủ chính trị, theo đúng nghĩa của nó, chứ không phải theo những định nghĩa hẹp, chắc chắn sẽ xuất hiện. Đó là vấn đề trên bàn nghị sụ, trước mặt các nhà lãnh đạo các quốc ta. Vì sao? Bởi vì mọi quốc gia đã buộc phải chấp nhận hay ít nhất là phải công nhận kinh tế thị trường. Chúng ta buộc phải thừa nhận sở hữu, nếu như chưa phải tư liệu sản xuất theo định nghĩa của Marx, thì ít nhất cũng là sở hữu kết quả của quá trình sản xuất. Một khi con người được hưởng kết quả lao động hoặc có sở hữu, thì họ sẽ mua sắm các tài sản khác nhau. Tỷ trọng của các sớ hữu cá nhân sẽ tăng lên sớm hay muộn cũng sẽ lấn át sở hữu công cộng, sở hữu nhà nước. Con người khi đó sẽ đòi hỏi những quyền tương ứng để bảo vệ sở hữu của mình.

Tiến trình tới dân chủ ở mỗi quốc gia mang tính đặc thù, nhưng nền dân chủ là phổ biến, mặc dù mọi khái niệm đều có tính lịch sử. Hơn nữa, những sai biệt có tính lịch sử - đang ngày càng giảm đi - cũng không đủ lớn để phủ nhận bản chất mang tính phổ biến của nó.

Mọi nền dân chủ đều phải có những tiêu chuẩn của một xã hội dân chủ. Bạn có thể hỏi, vậy làm sao có thể xác định một dân tộc là dân chủ hay không dân chủ?

Theo chúng tôi, trước hết, cần xem con người ở đó có những quyền gì, và những quyền ấy được thực thi như thế nào. Vấn đề không phải họ giàu hay nghèo, mà ở chỗ họ có những quyền gì. Một số nước may mắn nằm trên những mỏ dầu. Dân chúng của họ đều giàu có, nhưng thiếu những quyền rất cơ bản. Con người đòi hỏi những giá trị vật chất và tinh thần khác hơn là những bức xúc của đời sống kinh tế. Những đòi hỏi bức xúc của đời sống tinh thần xuất hiện và ngày càng tăng lên khi người ta có những tiếp xúc. Điều này tương tự như khi ra nước ngoài, có những người diễn tả được ý nghĩ của họ, trong khi mình lại không.

Dân chủ hoá là một xu thế tất yếu.Cùng với cách mạng thông tin, cùng với sự biến mất dần dần của những cát cứ về mặt địa lý quốc gia hoặc khu vực dân trí ở khắp nơi sẽ tăng lên. Con người sẽ có sự so sánh không những giữa những người cùng làng mà cả những người cùng huyện, cùng tỉnh, cùng quốc gia và khác quốc gia. Bởi thế chắc chắc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn những nhận thức và đòi hỏi của con người về thân phận, về quyền lợi. Đó chính là xu thế dân chủ hoá, một xu thế mà không một ai, không một chính phủ hay quốc gia nào có thể trốn tránh được. Điều duy nhất mà các quốc gia có thể làm là lựa chọn con đường để tiến tới dân chủ sao cho thích hợp nhất mà thôi. Và nếu như chúng ta thường chỉ nói đến dân chủ như là khái niệm áp dụng cho các cá nhân thì đã đến lúc phải mở rộng cho các quốc gia. Trong một cộng đồng toàn cầu, chúng ta phải phấn đấu bằng được cho một nền dân chủ giữa các quốc gia. Đó chính là sự mở rộng khái niệm dân chủ, một xu thế chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Chúng ta không đòi hỏi sự bằng nhau về mặt phát triển.Cái mà chúng ta gọi là nền dân chủ chính là thái độ tôn trọng lẫn nhau. Con người tiếp xúc với nhau bằng thái độ, con người không thể đòi hỏi sự bằng nhau. Con người có xu hướng phấn đấu để vươn lên nhưng người ta cũng chỉ vươn lên đến mức mà người ta có thể. Thái độ dân chủ về chính trị giữa các quốc gia trên thực tế bắt đầu có từ khi thành lập Liên hiệp quốc. Tuy nhiên nếu chúng ta phấn đấu để có một thế giới không bị lãnh đạo bởi ai thì sẽ bị rơi vào tình trạng vô chính phủ về mặt chính trị. Chúng ta chống lại sự đàn áp của các nước lớn nhưng chúng ta không chống lại vai trò lãnh đạo cần thiết của họ.

Chúng ta kiên quyết chống lại sự vụ lợi cũng như thái độ miệt thị hoặc đàn áp các dân tộc bé của các cường quốc, nhưng chúng ta không chống lại vai trò tất yếu có tính lịch sử về sự lãnh đạo của họ đối với sự phát triển thế giới. Đây là một quan điểm có tính nguyên tắc. Nhân loại, nói cho cùng, cũng là một cộng đồng và nó phải có "chính phủ'", phải có sự lãnh đạo chính trị.Xã hội của nó phải dựa trên cơ sở là sự tôn trọng các giá trị tự nhiên của các dân tộc. Rất nhiều người nhầm lẫn rằng thế giới không cần thiết phải ai lãnh đạo cả. Ta lãnh đạo lấy ta là đủ. Nhưng thế giới cũng như một quốc gia, cũng là một cộng đồng con người, thì nó cũng buộc phải có sự lãnh đạo.

Các công dân trong một quốc gia đều có nghĩa vụ, quyền lợi với điều kiện là phải đạt đến một trình độ phát triển nhất định, có năng lực hành vi chẳng hạn, như các công dân phải đợi đến 18 tuổi mới được đi bầu cử. Bạn có thể đặt câu hỏi, liệu có một tiêu chuẩn nào đó về trình độ phát triển để các dân tộc có thể có tiếng nói trong "xã hội nhân loại" hay không? Liệu có thể hy vọng có hệ thống tương tự như luật pháp quốc tế không?

Để minh hoạ cho những câu hỏi này, chúng ta có thể dẫn ra trường hợp Taliban và vấn đề chính trị sốt dẻo của nhân loại bây giờ là chủ nghĩa khủng bố. Chủ nghĩa khủng bố thế là cách thức phản ứng của các lực lượng yếu và thất thiệt trong quá trình toàn cầu hoá. Đó là một hình thức đánh trộm của những kẻ không đủ kiên nhẫn để tạo ra sự phát triển của chính mình. Những kẻ nóng vội xác lập sự bình đẳng bằng cách huỷ hoại thành tựu của người khác. Tất cả những lý thuyết nào hướng tới việc tạo ra sự bình đẳng bằng sự phát hoại thì đều phản động và đều có tính chất khủng bố và con người buộc phải đoàn kết để chống lại. Nhân loại phải thức tỉnh về điều đó.

Trở lại câu hỏi nêu trên, tôi cho rằng đã đến lúc con người phải xây dựng được những tiêu chuẩn cho một cuộc sống chung, những khuôn khổ luật pháp, đạo đức và thẩm mỹ cho sự hợp tác vì phát triển.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung khác