Dân trí và Dân khí

05:37 CH @ Thứ Ba - 22 Tháng Ba, 2016
I – Trong giới lãnh đạo và giới hiểu biết ở ta hiện nay thường nói đến “dân trí”, coi đó là một giải pháp cơ bản để giải quyết tình hình. Cách nhìn nhận thực tế và hình dung cách giải quyết tuy khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một cơ sở thực tế . Quy trách nhiệm cho “dân trí” và coi chìa khoá để giải quyết khó khăn là “khai dân trí” cũng là chỗ được nhất trí rộng rãi.

Thực tế làm cơ sở cho những suy nghĩ đó là những khó khăn chồng chất, là nhiều tệ nạn trong xã hội, là tình trạng nghèo nàn lạc hậu, là quãng cách xa vời với các nước ... Làm mọi người sốt ruột nhất là sự khắc phục kém hiệu quả, là tốc độ phát triển chậm chạp.

Phải chăng nguyên nhân là ở dân trí?Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí quả là khâu quan trọng nhất. Nhưng liệu đó có phải là biện pháp tình thế? Dân trí hay Dân khí?

II – Vấn đề Dân trí cũng được đặt ra một cách nóng bỏng đầuthế kỷ này, do các nhà Nho duy tân, tiêu biểu nhất là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh. Trong tình hình nước mất độc lập, dân sống khổ cực, nô lệ, nghèođói, dốt nát, rã rời bên cạnh các nước Âu Mỹ văn minh, bên cạnh Nhật Bản vàTrung Hoa bừng bừng khí thế cải cách đổi mới, các nhà Nho yêu nước của ta cũng đề xướng duy tân để giành độc lập và theo kịp các nước văn minh. Chỗ vướng mắc lớn các cụ cũng nhìn ra là Dân trí và biện pháp chìa khoá, các cụ cũng cho là Dân trí. Bên cạnh Dân trí, các nhà Nho duy tân còn nói đếnDân khí, Dân sinh và Dân quyền. Các nhà Nho yêu nước đã không thực hiện được những mục tiêu đã định.Đến Hồ Chủ Tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam mới thực hiện được các mơ ước độc lập, dân chủ, mới thực hành các biện pháp mở mang dân trí, chấn hưng dân khí ,cải thiện dân sinh, thực hiện dân quyền. Không phải mọi việc đều đã đâu vàođấy. Hai vấn đề Dân sinh, tức là phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, lo toan hạnh phúc cho nhân dân, và vấn đề dân quyền, tức là thực hiện quyền tự do, dân chủ thì đã rõ. Chúng tôi cũng không định bàn ở đây. Chúng tôi chỉ bàn về dân trí và dân khí. Hai khái niệm này có chỗ nhập vào nhau, khi giải quyết hai vấn đề trong thực tế, nếu không phân biệt để dẫn đến bao quát một phạm vi quá rộng, chọn giải pháp tình thế không thiết thực và biện pháp không thích hợp.

Dân trí là nói về sự hiểu biết, từ chỗ không mù chữ đến mức cao hơn là có tri thức về văn hoá, về khoa học kỹ thuật... Dân khí là nói về tinh thần chung: nhất trí hay rã rời, theo đuổi mục đích chung hay mục đích riêng, quan tâm đến người khác, hợp tác hay ích kỷ hại nhân... cả hai đều thuộc văn hóa tinh thần, đều được nâng cao bằng giáo dục nhưng Dân trí thiên về tri thức, học và biết; Dân khí thiên về phẩm đức, tu dưỡng rèn luyện để có ý thức.Hai cái có liên quan đến nhau tuỳ thuộc vào trình độ dân trí cao hay thấp, vào sự giáo dục tốt hay xấu. Nhưng cũng không phải hoàn toàn tương ứng; có khi dân trí cao hiểu biết nhiều nhưng phẩm chất tinh thần vẫn không cao. Dân khí tuỳ thuộc vào tư tưởng, vào lý tưởng cuộc sống.

Đầu thế kỷ này, sau khi thực dân Pháp chiếm được nước ta và đặt xong nền thống trị thì đất nước rơi vào tình trạng đen tối nhất. Các nhàNho yêu nước đã nhìn ra nhược điểm của dân tộc và của chính mình, tức là của chính các nhà Nho – tầng lớp có vai trò hướng đạo tinh thần nhân dân. Họ đã đề xuất khai dân trí, chấn dân khí. Chính quyền thực dân và phong kiến không để cho họ làm được gì nhiều về khai dân trí. Nhưng các nhà duy tân đó, đặc biệt là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã làm được rất nhiều về mặt chấn dân khí. Phan Châu Trinh đã vạch không thương xót những chỗ yếu hèn của con người Việt Nam, xã hội Việt Nam, làm cho mọi người thấy không thể cứ sống như thế được. Phan Bội Châu đưa mọi người thoát khỏi tinh thần tự ty, sống cam chịu, trả lại cho người Việt Nam lòng tự tin, tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh cứu nước. Hai cụ Phan đã trực tiếp bàn giao thành quả đó cho thế hệ kế tiếp, tức là những người cộng sản đầu tiên.

Đảng Cộng sản từ khi thành lập đến làm Cách mạng tháng Tám, xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa thì bước ngay vào ba mươi năm kháng chiến. Nhà nước cách mạng đã có nhiều chủ trương khai dân trí nhưng trong hoàn cảnh vừa nói thì cũng chưa được nhiều.Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đã làm được những việc tuyệt vời về mặt chấn dân khí .Những tư tưởng "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”... đi vào nhân dân và trở thành khí thế của toàn dân tộc, không có gì có thể khuất phục nổi. Chưa bao giờ người Việt Nam đạt đến nhân phẩm cao như vậy và cũng chưa bao giờ người Việt Nam tự hào về cộng đồng của mình như trong những năm kháng chiến. Trong những năm cách mạng và kháng chiến đó, chúng ta đã có dân khí cao chứ chưa có dân trí cao. Nếu không nói đến thực tế dân khí cũng đã chuyển thành dân trí, thành sức mạnh vật chất nữa, thì có thể nói chúng ta giành được thắng lợi bằng dân khí chứ chưa phải bằng dân trí. Phải chăng ngày nay chúng ta có thể nói chỉ bằng nâng cao dân trí là chúng ta có thể vượt được mọi khó khăn, có thể cất cánh?


Cảm tử quân bảo vệ Hà Nội năm 1946

III – Sau đỉnh cao năm 1975 giành được độc lập và thống nhất khí thế và phẩm chất dân tộc đạt đến cực thịnh thì tình thế chuyển biến. Hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, thực trạng nghèo nàn lạc hậu và bị tàn phá của cơ sở vật chất , sự tan rã của phe Xã hội Chủ nghĩa trên thế giới... Cùng với những mặt tiêu cực của cách quản lý quan liêu bao cấp, với sự hủ hoá của nhiều cán bộ cách mạng nắm được quyền hành thúc đẩy cả dân tộc đến một sự lựa chọn: không thể không đổi mới. Những nét lớn của sự đổi mới là thực hiện khoán trong nông nghiệp, cho phát triển năm thành phần kinh tế, mở rộng kinh tế thị trường, mở cửa giao lưu rộng rãi với thế giới, kêu gọi nước ngoài đầu tư. Sự thừa nhận cá nhân, kinh tế tư nhân và khuyến khích kinh doanh làm giàu cùng với tâm trạng mất lòng tin, ham mê những cái mới phương xa đến (từ hàng hoá kỹ thuật đến văn hoá tư tưởng) làm thay đổi khá lớn bộ mặt tinh thần và xu hướng của một số rất đông người. Dân trí thì không khác, thậm chí có những mặt được nâng cao hơn (ví dụ : hiểu biết về kinh doanh, quản lý, sử dụng kỹ thuật hiện đại, quen với môi trường thế giới hơn). Nhưng dân khí thì ngược lại.

Ngày nay không nhiều người giữ được lòng tự hào dân tộc, phẩm chất anh hùng, vinh dự được làm người Việt Nam, hy sinh vì sự nghiệp chung, hy sinh vì người khác...những phẩm chất một thời là phổ biến, làm nền tảng cho dân khí. Vì những cái đó mà tuy dân trí chưa cao, kinh tế lại rất thấp kém mà chúng ta vẫn chiến thắng, vẫn lập được nhiều kỳ tích. Cho nên về chiến lược lâu dài, chúng ta cần phải mở mang dân trí mà về biện pháp tình thế thì phải chấn hưng dân khí.

IV – Dân khí biểu hiện tinh thần chung, cao đẹp, phổ biến của một cộng đồng, cộng đồng quốc gia, cộng đồng dân tộc. Khi cộng đồng có việc, dân khí biểu hiện thành sự gắn bó, sự nhất trí, cá nhân đặt lợi ích riêng dưới lợi ích chung. Chỉ khi các thành viên thấy một cách hiển nhiên có một mục đích chung, một chính nghĩa, một lý tưởng mà lợi ích của mình phụ thuộc vào đó thì họ mới cảm nhận được danh dự, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm để sẵn sànghy sinh cho cộng đồng. Chấn hưng dân khí ở ta ngày nay không phải là dễ.

1. Không kể tình trạng mất lòng tin và những khó khăn của đời sống thực tế. Một đổi thay rất cơ bản là chuyển hướng từ đấu tranh giành độc lập thống nhất sang phát triển kinh tế. Những phương hướng lựa chọn sáng suốt để đổi mới như kinh tế thị trường, khuyến khích làm giàu, chấp nhận cạnh tranh, khẳng định cá nhân, kinh tế tư nhân... đều là những nhân tố làm tan rã sự gắn bó, sự nhất trí. Xu thế đó là tất yếu nhưng không phải là không có cách tránh. Lịchsử dần tộc đoàn kết, truyền thống làng – họ đùm bọc tương trợ nhau, nếp sống kháng chiến vừa qua là những nhân tố thuận lợi ít có.

2. Dân trí gắn với dân tộc, quốc gia. Xu thế thời đại và môi trường hoạt động ngày nay có tính thế giới. Với tư tưởng quốc gia hẹp hòi, dântộc hẹp hòi thì không thể hoà đồng được với cuộc sống. Phải có một cách kết hợp quốc gia và quốc tế, nhà nước và xã hội, cá nhân và cộng đồng thì mới khơi dậyđược một dân khí thích hợp. Có đưa nội dung kinh doanh, làm ăn xoá đói giảm nghèo, làm giàu, làm cho nước giàu nước mạnh lên thành một mục tiêu tập hợp vínhư đưa dân tộc cất cánh chẳng hạn thì mới có sức mạnh tập hợp chung như giành độc lập tự do từng người mới thấy danhdự, quyền lợi của mình phụ thuộc vào mục tiêu chung của cộng đồng.

3. Dân khí ngày nay cũng đòi hỏi người Việt Nam có những phẩm chất khác trước, biểu hiện cách đặt lợi ích của cá nhân dưới lợi ích cộng đồng khác trước. Tôi muốn dùng một từ khác: người Việt Nam cần phải có một “bản lĩnh” trước tình hình đã thay đổi. Trước hết là tự giác thấy mình gắn bó với dân tộc : đất nước có cất cánh được, có hoà nhập được vào đà phát triểnchung của thế giới thì mỗi người mới thật sự có khả năng hạnh phúc. Thứ hai làcó lòng tự trọng. Không phải tự ty mà cũng không phải là tự hào vô căn cứ, chỉlấy truyền thống anh hùng, quá khứ vinh quang mà không thấy được nhược điểm cố hữu đang kìm bước chân tiến lên phía trước. Không biết tự trọng thì không biết dừng lại trước những hành vi tàn bạo, đê hèn, dối trá khi làm thế thì kiếm được lợi. Người tự trọng không bao giờ chịu sống bằng cách ngửa tay ăn xin, xu phụ kẻ quyền thế, dửng dưng trước sự bất công.

Thứ ba là có trách nhiệm, dám làm và làm kỳ có kết quả. Vìđiều đó mà không cẩu thả, cầu an, chịu khó, chịu khổ. Người Việt Nam giỏi chịu đựng nhưng lại dễ thoả mãn, ít dám phiêu lưu mạo hiểm, hay dừng lại nửa chừng.

Dân khí không phải để thành gàn bướng mà để hành động có hiệu quả. Bản lĩnh không chỉ là có tinh thần, phẩm chất đạo đức mà phải kể cả trí tuệ, năng lực hành động...

Trở lại bàn vấn đề dân khí, chúng ta cần phải thấm thía bài học của Phan Bội Châu, Phan ChâuTrinh và Hồ Chí Minh, ba nhân vật lớn tiếp sức nhau chấn hưng dân khí nước ta để có thắng lợi ngày hôm nay. Cả ba đều là những nhân cách lớn. Khai dân trí thì có lẽ cần đến những đầu óc uyên bác, một đội ngũ trí thức giỏi. Còn chấn dân khí lại cần đến những con người “đặc biệt” mà nhân cách có sức chinh phục, gây lòng tin cho mọi người. Có dân khí mới làmcho dân khí phát huy được sức mạnh, đồng thời tránh được những chao đảo trước hoàn cảnh hiện nay.

Trong hoàn cảnh đổi mới ngày nay chúng ta cũng gặp những vấn đề tương tự như những vấn đề đầu thế kỷ. Chỉ có dân khí chắc chắn chưa phải là đã tìm được phương thuốc bách bệnh. Cũng lại phải nhìn như các nhà Nho yêu nước duy tân: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh và giành dân quyền.

19/5/1993
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • “Khai dân trí” phải đi liền với “chấn dân khí”

    05/12/2017Cát Khuê ghiTrước hiện trạng truyền thông mạng đang nhiễu loạn với các thông tin lá cải tràn ngập, soi mói đời tư, gián tiếp và trực tiếp xúc phạm đến con người (loạt bài “Truyền thông: những chuyện không tử tế” Tuổi Trẻ), TS Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ...
  • Dân trí và sức phát triển của một dân tộc

    09/10/2015Nguyễn Tất ThịnhTôi cứ suy nghĩ mãi về lời một người bạn nước ngoài khi anh ta nói với tôi rằng : Ai cũng biết sau Thế chiến thứ hai, Nước Đức ở Phương Tây và nước Nhật ở Phương Đông chỉ còn có hai thứ : đó là những đống đổ nát tro tàn, và còn lại những con người với nền văn hóa vĩ đại của họ...
  • Đôi điều góp thêm về dân trí nước nhà

    14/07/2014TS Trần Hồng LưuGần đây, khi đọc tờ ANTG thứ bảy, số 730, ra ngày 16/2/2008, của tác giả Hồng Hạc, về "Phát huy dân trí như thế nào?", tôi rất tâm đắc và muốn góp thêm một số ý tưởng nhằm cụ thể hóa hơn diện mạo dân trí nước ta và một vài giải pháp để chấn chỉnh diện mạo đó...
  • Dân chủ và dân trí

    03/03/2010Lê Quý HiềnNgày nay, hai từ "dân chủ" đang được nhắc đến nhiều trong xã hội. Không ít người nghĩ dân chủ là sự thoải mái đóng góp ý kiến, bàn bạc của bất kỳ người dân nào. Trí tuệ của tập thể, của cộng đồng là cần thiết song nói như Lênin: "Chân lý không phải bao giờ cũng thuộc về số đông". Không thể có dân chủ đứng một mình mà đi kèm theo nó phải là dân trí để thành một đôi chân bước trên đường dài, vượt qua những khó khăn, cản trở phía trước.
  • “Người ta hèn là do dân trí thấp”

    07/01/2010Đoan Trang (thực hiện)Xuất thân từ một thanh niên nghèo ở Hà Tĩnh, lận đận kiếm sống bao năm, nhưng anh lại dốc hết tâm sức vào một việc rất có vẻ “vác tù và hàng tổng” - đưa sách về nông thôn - với niềm tin mãnh liệt: Dân tộc mình muốn 50 năm nữa tiến bộ thì bây giờ phải biết đọc sách.
  • Dân trí trong phát triển xã hội

    26/03/2008Trần Sĩ ChươngDân có giàu thì nước với mạnh. Dân có giàu thì dân mới có được tính độc lập và có cái thế để tạo nên lực, từ đó mới thể hiện được quyền dân chủ của mình. Lực của quan và dân có tương đối cân bằng thì Nhà nước với nhân dân mới có thể cùng phấn đấu cho mục tiêu phát triển chung của đất nước...
  • Dân trí và Dân khí

    03/10/2005GS. Trần Đình HượuHiện nay chứng ta thường nói đến việc nâng cao " dân trí", là một trong những giải pháp cơ bản đế giải quyết những tệ nạn trong xã hội , tình trạng nghèo nàn lạc hậu, khoảng cách ngày càng xa với các nước... Về mặt chiến lược lâu dài thì dân trí là một trong những khâu quan trọng nhất. Còn trước mắt biện pháp tình thế là gì? Dân trí hay dân khí?
  • Lỗi của dân trí?

    11/11/2003Thư HoàiXả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?
  • Lỗi của dân trí hay của nền giáo dục?

    19/04/2003Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp hay do nền giáo dục?
  • xem toàn bộ