Đầu tư học tập - đầu tư quan trọng nhất cho bản thân, đất nước

06:25 CH @ Thứ Tư - 10 Tháng Mười, 2018

Thân thiện và cởi mở. Đó là những ấn tượng về Bill Gates, chủ tịch kiêm kiến trúc sư trưởng Tập đoàn Microsoft, trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sáng 22-4-2006.

Gia đình, công việc, tiền bạc

Cà vạt kẻ chéo, comlê kẻ sọc, Bill Gates trò chuyện với giới trẻ VN luôn với một nụ cười trên môi. Ngay cả khi nhận được câu hỏi về những điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông mà ông cho rằng một câu hỏi “không dễ để trả lời”, Bill Gates vẫn tươi cười đáp: “Tôi có ba điều may mắn. Đó là gia đình của tôi với ba đứa con tuyệt vời. Tiếp theo là công việc ở Microsoft, nơi tôi có những công việc thú vị với những con người rất thông minh mà tôi có thể học hỏi được những điều mới mẻ. Điều quan trọng thứ ba là số tiền mà tôi kiếm được. Trong tương lai, số tiền đó sẽ quay lại với thế giới theo những cách ý nghĩa và hiệu quả nhất”.

“Vậy ông có kế hoạch đặc biệt nào dành cho VN không?” - một câu hỏi rất cụ thể của bạn Dương Khánh Chương, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

“Điều quan trọng nhất mà Microsoft dành cho đất nước các bạn là luôn luôn phát triển quan hệ đối tác - Bill khẳng định - Tất nhiên điều đầu tiên trong đó là việc tạo điều kiện cho các trường đại học tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất và sinh viên được tiếp cận với những phiên bản phần mềm mới nhất của Microsoft.

Năm ngoái, Thủ tướng VN đã đến thăm Microsoft và chúng tôi đã có một số thỏa thuận tập trung vào một số lĩnh vực. Hôm nay, chúng tôi đưa ra những mục tiêu cao hơn nữa để hai bên có thể hợp tác với nhau”.

Điều quan trọng là đầu tư vào học tập

“Mỗi quốc gia cần xem CNTT là một phần trong kế hoạch phát triển đất nước - Bill Gates nói khi đề cập tới tiềm năng CNTT của VN - Tôi muốn đến VN để cảm nhận xem công nghệ đang phát triển như thế nào tại đây. Hi vọng VN cũng sẽ trở thành một điểm đến của gia công phần mềm trong tương lai”.

Không có mặt tại hội trường, Nguyễn Thị Nga, sinh viên tại một tỉnh miền Trung, gửi câu hỏi qua mạng: “Tôi là một sinh viên tàn tật và mong muốn được trở thành chuyên gia CNTT. Liệu có cơ hội cho những người tàn tật như tôi thực hiện giấc mơ không?”.

Bill chăm chú nghe MC phiên dịch câu hỏi. “Microsoft cam kết đưa máy tính đến với mọi người - Bill nói - Vì những người tàn tật nếu không sử dụng được bàn phím thông thường nên chúng tôi sẽ sáng tạo ra những phần mềm giúp họ sử dụng máy tính để vừa học, vừa làm việc, được quyền bình đẳng với mọi người”.

“Về những nguyên tắc trong công việc tôi luôn theo đuổi là học hỏi điều mới lạ, lạc quan, có hoài bão. Kể cả những ý tưởng rất điên khùng cũng đem lại cho tôi niềm tin. Tôi đề nghị các bạn hãy lạc quan, hoài bão về những điều chúng ta làm và luôn lạc quan trong suốt cuộc đời mình”.

Bill Gates khuyên các sinh viên VN: “Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nhắn gửi các bạn là phải đầu tư vào việc học tập của mình. Những việc làm lý thú, đem lại nhiều tiền, giúp cải thiện thế giới, cải thiện cuộc sống của các bạn... đều đòi hỏi rất nhiều từ việc học tập.

Đầu tư cho học tập là đầu tư quan trọng nhất cho bản thân mình, cho đất nước mình. Những người vào được đại học phải thấy mình có nghĩa vụ với quốc gia để có thể trả lại cho đất nước những điều mình làm được.

Tôi xin nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực máy tính, cơ hội về việc làm rất lớn. Và tôi khuyên các bạn dù học gì chăng nữa thì các bạn cũng phải sử dụng Internet”.

Với câu hỏi về bí quyết thành công của mình, Bill Gates ngắn gọn: “Các bạn hãy tập trung vào một lĩnh vực và cố gắng để hiểu lĩnh vực đó thật tốt. Bây giờ, tôi làm việc nhiều tiếng mỗi ngày. Tôi rất thích thú được làm việc và hi vọng các bạn cũng sẽ làm tương tự như vậy”.

Một tràng pháo tay nổ lên khá dài sau những lời nói đầy chân thành của nhà tỉ phú. Không biết vô tình hay hiểu được sự giản dị của Bill mà người phục vụ chỉ đưa ra cho ông một chai nước khoáng, không mang theo cốc. Bill cũng không đòi hỏi thêm mà vặn nắp chai uống nước một cách tự nhiên.

Hãy lạc quan trong suốt cuộc đời

“Những nguyên tắc trong công việc của ông là gì và ông thường đọc những loại sách nào?”- Nguyễn Thanh Tùng, một sinh viên từ Đà Nẵng, gửi câu hỏi qua mạng.

Bill kể: “Tôi may mắn lớn lên trong một gia đình có thói quen đọc sách. Ngay cả khi tôi chưa biết đọc thì những người trong gia đình cũng đã đọc sách cho tôi. Tôi bị kiểm soát chặt chẽ tiền tiêu vặt và xem tivi nhưng bất cứ cuốn sách nào tôi thích thì bố mẹ tôi đều sẵn sàng mua.

Tôi đọc những sách về khoa học, về giả tưởng và khi tôi 20 tuổi, tôi hiểu nhiều về việc vì sao có những người có khả năng tạo được sự khác biệt lớn trong cuộc đời của họ. Trước khi đến với máy tính, mọi người đều biết tôi là một con mọt sách. Trong trường tôi hồi đó, con trai đọc nhiều sách bị coi là không sành điệu, thậm chí tôi còn bị coi là lập dị”.

Tôi cần phải trở lại Việt Nam

Hơn một tiếng đồng hồ giao lưu với thế hệ trẻ VN cộng với những gì tận mắt chứng kiến kể từ khi đặt chân tới Hà Nội, có lẽ đã tạo cho Bill Gates một ấn tượng đẹp về VN.

Bill Gates nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm VN và tôi hết sức vui mừng ở đây. Tôi nghĩ mình cần quay trở lại để thăm nhiều hơn, biết nhiều hơn, để xem xét, để ngó nghiêng chỗ này, chỗ kia một chút. Nhiều người bảo tôi là cần phải tham quan cả TP.HCM nữa. Tôi mong chờ ngày đó”.

Bill nhớ lại: “Khi còn trẻ, hầu hết những điều tôi biết về VN đều là cuộc chiến tranh thảm khốc. Thậm chí bây giờ khi được hỏi về VN, nhiều người vẫn nhớ những sự kiện đáng buồn đó.

Nhưng tôi hết sức thích thú khi thấy trong 10 năm qua VN đã phát triển như thế nào, thay đổi như thế nào, nắm bắt được cơ hội như thế nào. Lần này, tôi tới đây để hiểu thêm về VN và để xem chúng tôi có thể làm được những gì ở đây.

Cột mốc đánh dấu sự quan tâm của tôi tới VN chính là cuộc gặp với Thủ tướng Phan Văn Khải năm ngoái. Qua cuộc gặp đó tôi biết VN đã thật sự thay đổi, tôi biết VN và Mỹ đang xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng ra sao và lần này tôi sẽ suy nghĩ xem mình có thể làm gì ở đây trong tương lai”.

Nguồn:Tuổi Trẻ
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bill Gates: 11 lời khuyên cho học sinh, sinh viên

    01/12/2014Dương Minh (biên soạn), Nxb Thế giớiThành công của Bill Gates xuất phát từ 1 số nguyên tắc làm việc, làm người. Những nguyên tắc này là những điều một người có chí theo đuổi thành công nên học tập. Sách tổng kết 11 kinh nghiệm thành công của Bill, giúp bạn đọc tự soi mình...
  • Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại

    24/09/2012Ngô Tự Lập...việc xây dựng một đội ngũ trí thức, hay nói đúng hơn, việc biến đội ngũ nửa trí thức của chúng ta thành một đội ngũ trí thức thực thụ, đủ khả năng đảm đương vai trò đầu tàu của nó trong sự nghiệp phát triển của dân tộc, cũng chính là chặng đường còn lại của nền giáo dục dân tộc. Ðó là một nhiệm vụ cấp bách và to lớn, không chỉ đòi hỏi nhiều tiền của, thời gian và ý chí, mà còn cả những thay đổi triệt để trong quan niệm và phương pháp giáo dục.
  • Bill Gates nói về Học đại học

    07/07/2005Phó Thiên TùngBuổi đến thăm và tâm sự của Bill Gates với học sinh trung học Trung Quốc, 1/7/2004. Hơn 2000 học sinh trung học thực nghiệm thuộc trường đại học sư phạm Bắc Kinh đã dành cho thần tượng của mình những tràng vỗ tay nhiệt liệt nhất...
  • Cải cách giáo dục: Trước thách thức của thế kỷ XXI

    19/04/2005Phạm Khiêm Ích(Edgar Morin) Nhà trường phải giúp cho sinh viên thấm nhuần “một thứ văn hoá về tính phức hợp” (culture de la complexité), tức là nền văn hoá của thế giới ngày mai...
  • Để xây dựng một xã hội học tập

    18/11/2003Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với Bộ Giáo dục – Đào tạo và một số ngành liên quan đã có đề nghị lên Chính phủ về việc triển khai cuộc vận động "Toàn dân xây dựng cả nước trở thành một XHHT". Sau khi đã xem xét, ngày 27/10/2003, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến chỉ đạo về đề án "Xây dựng XHHT ở Việt Nam". Theo đó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc xây dựng XHHT là hết sức cần thiết. Bộ GD-ĐT chủ trì cùng Hội Khuyến học và các bộ, ngành có liên quan xây dựng đề án về xây dựng XHHT trình Chính phủ trước ngày 30/12/2003...
  • Chấn hưng nền giáo dục nước nhà, bắt đầu từ đâu?

    11/11/2003Để chấn hưng nền giáo dục nước nhà - một nền giáo dục do đích thân Bác Hồ sáng lập và được xây dựng bằng trí tuệ và xương máu của nhiều thế hệ cách mạng - thì mọi vận động của nó phải theo quy luật vận động biện chứng của lịch sử và khoa học...
  • xem toàn bộ