Điều cơ bản là phát huy nội lực tự học của người học

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

   Tôi đã đọc bài: "Giáo dục từ xa ở Việt Nam - Vấn đề và triển vọng", đăng trên Nhân Dân điện tử ngày 3-5-2000 của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Đại học New South Wales, Sydney, Australia (xin đừng nhầm với Giáo sư Phạm Quang Tuấn). Điều đáng mừng là tôi thấy có nhiều điểm nhất trí với tác giả. Tuy nhiên vẫn có những điều vênh nhau.

   Trước hết là hai chữ "quốc sách". Theo tôi, "giáo dục là quốc sách hàng đầu". Điều đó mọi người đều thừa nhận. Nhưng giáo dục phải đi bằng hai chân: "Tập trung" và "không tập trung" (chủ yếu là từ xa). Có thể rằng nhiều nước chưa đưa giáo dục từ xa lên hàng "quốc sách" vì hoàn cảnh của họ trước đây và hiện nay đều khác hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, mỗi hoàn cảnh đều được đặt trong tình hình quốc tế cùng thời. Trong tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam đứng trước những thách thức rất lớn: phải vượt qua khoảng cách giữa nền văn minh nông nghiệp và nền văn minh tin học nên phải vừa công nghiệp hóa, vừa hiện đại hóa trong điều kiện xuất phát điểm rất thấp mà vốn đầu tư lại ít. Các khẩu hiệu phấn đấu của chúng ta là "ai cũng được học" và "ai cũng học suốt đời"; các khẩu hiệu đó rất phù hợp với thời đại. Có lẽ phải thêm một khẩu hiệu thứ ba: "Ai cũng biết học một cách thông minh". Nhìn theo hướng phấn đấu đó, thì hệ thống giáo dục tập trung của Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu một cách rất vất vả; nói riêng hệ đại học tập trung thì mỗi năm Việt Nam chỉ tuyển được 10% số thí sinh, bỏ đi 90%, trong đó có nhiều người giỏi. Trong tình hình đó, không coi trọng giáo dục từ xa sao được. Hơn nữa, do khó khăn "từ xa" mà các thầy phải nghĩ ra cách "đóng hộp" được sự hướng dẫn học thông minh. Nói "quốc sách" là hàm ý phải có một chiến lược rồi một dự án toàn quốc dưới sự chỉ đạo của Nhà nước ở Trung ương trong đó sẽ vạch ra các bước đi rõ ràng và chắc chắn về đủ các mặt: nhận thức, tổ chức quản lý, đội ngũ; khoa học sư phạm từ xa, trang thiết bị, v.v. làm sao để sớm có một hệ giáo dục, đào tạo từ xa vừa đủ thoáng để cho ai nấy có nhu cầu học và đủ trình độ để học một chương trình nào đó, đều có thể theo học, nhưng đủ chặt chẽ để bảo đảm chất lượng. Đối với Việt Nam, hiện nay vấn đề nhận thức là một vấn đề lớn do chuyên tu và tại chức đã làm mất lòng tin vào học từ xa. Nhưng lỗi không phải ở bản thân chuyên tu hay tại chức mà là ở cách quản lý các hệ đó đã làm nảy sinh ra ở người học những tư tưởng ỷ lại làm xói mòn nội lực tự học. Chính Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng còn vấn vương với chất lượng chuyên tu và tại chức trong nước và cả ở nước ngoài. ở nước ngoài, không rõ họ làm thực nghiệm như thế nào mà có nơi số lượng tốt nghiệp chỉ chiếm 2,6% tổng số ghi danh như Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã nêu ra. Trái lại, hồi 1977 - 1988, chúng tôi làm thực nghiệm với ngót 2.000 sinh viên trong 11 năm thì đến 90% tốt nghiệp trong những kỳ thi quốc gia chung với sinh viên hệ chính quy tổ chức rất nghiêm túc. Cho nên phải đi sâu vào nhận thức của người đứng ra làm thực nghiệm và cách tổ chức quản lý việc dạy và học của họ. Thực tiễn của chúng tôi làm cho tôi tin rằng nội lực tự học tiềm ẩn trong từng người học là lớn, vấn đề là ở chỗ tìm cách khơi dậy nó. Tôi đồng ý với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là các phương tiện hiện đại chỉ là hỗ trợ. Ưu thế của chúng là sức chứa thông tin lớn và tốc độ chuyển tin đi cực nhanh. Nhưng chất lượng thông tin mà chúng chuyển đi lại phụ thuộc vào chất lượng hướng dẫn học từ xa. Tôi quan niệm rằng dạy là ngoại lực đối với người học còn tự học là nội lực của họ. Chất lượng đào tạo sẽ cao nhất khi ngoại lực tạo được sự cộng hưởng của nội lực. Cốt lõi của khoa học sư phạm từ xa là ở chỗ thầy ở xa mà tạo được sự cộng hưởng. Trong vấn đề 1: "Không thể tự động hóa giáo dục" mà Giáo sư Tuấn nêu ra, tôi có một điểm không nhất trí. Đó là vai trò bộ óc của người học. Bộ óc này không phải là một cái bình chứa kiến thức, mà là một cỗ máy cực kỳ tinh vi biết thu nhận kiến thức, chế biến, vận dụng kiến thức và phát triển kiến thức. Người viết hướng dẫn tự học phải làm sao kích thích để cho các khả năng đó, có thể lúc đầu còn thấp, dần dần tự thân phát triển. Truyền đi một kiến thức, dù là "giáp mặt" hay "từ xa" cũng là việc cụ thể, còn truyền đi cách tư duy và những phẩm chất cần có để tư duy được sắc bén, mang lại hiệu quả, thì quả là khó. Khó nhưng không phải là không khắc phục được; "giáp mặt" thì thầy, trò nói trực tiếp cho nhau nghe về quá trình tư duy, kết hợp vào đó mà làm bộc lộ những phẩm chất cần có, còn "từ xa" thì thầy chủ động viết các kịch bản đối thoại giữa thầy và trò rồi dùng phương tiện (thô sơ hay hiện đại) mà truyền đi. Việc làm này khó hơn soạn bài dạy cho hệ tập trung nhiều lắm vì học viên đông, ở phân tán khắp nơi lại phải tính đến nhiều tâm lý ở người học từ xa, ví như tâm lý cảm thấy đơn côi. Chính vì vậy mà người dạy giỏi ở hệ tập trung không hẳn sẽ dễ giỏi ngay khi chuyển sang viết hướng dẫn tự học từ xa và lao động viết hướng dẫn tự học từ xa phải được đánh giá cao và đãi ngộ tốt hơn so với việc soạn bài hay viết sách giáo khoa cho hệ tập trung. Bởi lẽ, khi lên lớp còn có thể "tùy cơ mà ứng biến"; thậm chí ra ngoài lớp học thầy, trò vẫn có thể còn trao đổi với nhau. Khi viết sách giáo khoa còn có thể ỷ lại ông thầy sẽ lên lớp giảng bài. Nhưng hướng dẫn học từ xa thì khác hẳn. Để có thể viết nên những kịch bản đối thoại thầy - trò thích hợp cho từng người học, phải lập ngân hàng các thắc mắc của người học, sắp xếp theo thứ tự tần số xuất hiện, kết hợp với phân loại đối tượng có thắc mắc (giỏi, khá, trung bình, kém) để nghiên cứu xử lý tinh tế tính cả về mặt khoa học, cả về mặt tâm lý. Rồi phải nghiên cứu các thí nghiệm, thực hành ảo cho các bộ môn cần đến thí nghiệm thực hành, v.v. Như vậy, sao có thể nói giáo sư là "công nhân tri thức ngắn hạn" khi mà vị giáo sư phải khá công phu mới viết được những kịch bản đối thoại thầy - trò có giá trị tạo được sự cộng hưởng của nội lực tự học ở người học. Công phu còn hơn nhiều so với viết một quyển sách giáo khoa vì khi viết sách giáo khoa thì tư duy cần truyền cho người học và phẩm chất cần rèn cho họ ẩn đằng sau các kiến thức, còn khi viết hướng dẫn tự học thì phải làm cho chúng hiện ra. Một ông thầy giỏi viết được kịch bản đối thoại hướng dẫn tự học như vậy rồi thu vào đĩa CD thì người học từ xa trong cả nước được nhờ. Không có GDTX thì cũng chả có thầy giáo nào suy nghĩ công phu như vậy để hướng dẫn tự học; sự hướng dẫn này cũng rất có ích cho người học tập trung.

   Tôi nhất trí với GS Nguyễn Văn Tuấn là cần để cho học viên từ xa có dịp gặp gỡ thầy và bạn. Chính chúng tôi đã làm như vậy trong thực nghiệm (1977-1988) bằng cách để cho sinh viên từ xa mỗi năm có một tháng về tập trung tại trường đại học. Hơn thế nữa, sinh viên còn chia thành từng nhóm nhỏ mươi, mười lăm người về thực hành nghề nghiệp ở một trường phổ thông thì sự giao lưu bạn bè trong nhóm là thường xuyên. Mở rộng ra thì ngành học nào mà chả có thực hành nghề nghiệp ở một nơi nào đó thuận tiện cho học viên và nơi đó sẽ là chỗ họ giao lưu với nhau thường xuyên trong từng nhóm, thí dụ nếu đào tạo thầy thuốc thì một bệnh viện huyện có thể là nơi thường xuyên thực hành nghề nghiệp cho độ mươi sinh viên.

   Tôi cũng tán thành lập phòng GDTX ở mỗi trường đại học. Như vậy mỗi trường đại học sẽ có cả hai loại sinh viên: tập trung và từ xa. Khi đó việc thi tốt nghiệp chung sẽ là một cơ chế hiệu nghiệm để bảo đảm chất lượng cho từ xa (và cả cho tập trung) vì nếu khéo động viên, một không khí thi đua lành mạnh sẽ nảy sinh giữa sinh viên của hai hệ. Tuy nhiên, khi đó ở cấp bộ vẫn cần có một hội đồng chỉ đạo chung vì nếu để riêng rẽ từng trường, thì trường nào sẽ lo hướng dẫn tự học cho riêng trường đó, công sức bỏ ra sẽ nhiều mà hiệu quả về mặt đào tạo sẽ thấp. Hội đồng ở Bộ sẽ biết chọn người nào giỏi nhất về từng bộ môn cụ thể chung cho nhiều trường, để viết hướng dẫn tự học về môn đó chung cho mọi trường, sau đó cũng giải quyết chung vấn đề sản xuất, phát hành tài liệu, đĩa CD, v.v. Tôi cũng nhất trí rằng những người học có tính tự giác cao, có mục tiêu học tập rõ ràng, có khả năng làm việc độc lập, v.v. là những người học có khả năng thành công trong GDTX. Chỉ xin nói thêm rằng những phẩm chất nói trên là phổ biến nhưng tiềm ẩn, trách nhiệm phần lớn thuộc về người quản lý và các thầy giáo biết cách khơi dậy nội lực của người học, thái độ của xã hội đối với GDTX cũng rất quan trọng vì lẽ trong những cái khó của người học từ xa, cái khó do bản thân việc xa thầy là một phần, cái khó về mặc cảm với "từ xa" trong một xã hội không khuyến khích, động viên học "từ xa" cũng không phải là nhỏ.

   Nói đến quốc sách GDTX không có nghĩa là coi GDTX hơn giáo dục, đào tạo tập trung mà chỉ có nghĩa là phải coi trọng nó hơn hiện nay, không coi nó như là một cái gì phụ, nhất thời, mà coi nó là một trong hai chân cơ bản, lâu dài của nền giáo dục, cả hai chân đều phải khỏe, mỗi bên có thuận lợi, khó khăn riêng, thuận lợi bên này hỗ trợ cho khó khăn bên kia, hai bên hợp tác với nhau, liên thông với nhau (nghĩa là cho phép một người, tùy theo sự thuận tiện, mà có thể chuyển từ học tập trung sang học từ xa và ngược lại). Đối với cả hai bên, điều cơ bản để có chất lượng là phát huy nội lực tự học của người học, những thứ khác (như Internet), dù rất quan trọng, cũng chỉ là hỗ trợ, xúc tác.

Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn

LinkedInPinterestCập nhật lúc: