“Định nghĩa văn hóa trong dự thảo Cương lĩnh lủng củng”

Nguyên phó bí thứ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh
06:05 SA @ Chủ Nhật - 10 Tháng Mười, 2010
Đề nghị đưa vào Cương lĩnh về văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam vì độc lập, tự do hạnh phúc, vì hòa bình hữu nghị.

Dự thảo "cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (bổ sung, phát triển năm 2010)" xác định: xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong đó "Có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc".

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ngày 16/7/1998 về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", đã giải thích:

Tiến tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước.

Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo.

Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán lỗi thời cũ.

Với sự giải thích như trên, tôi nhận thấy còn có điểm chưa ổn.

Trước hết, nếu định nghĩa tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì thử hỏi, yêu nước và tiến bộ trong văn hóa Việt Nam hàng ngàn năm, trước khi có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, có được coi là tiên tiến của văn hóa Việt Nam hay không?

Theo tôi hiểu, tiên tiến là một khái niệm đối lập với lạc hậu, lỗi thời. Văn hóa ở thời nào cũng được cuộc sống con người chưng cất, chắt lọc, đấu tranh để giữ mặt tiên tiến, loại bỏ mặt lạc hậu lỗi thời.

Yêu nước và tiến bộ thời nào cũng là điểm tiên tiến về văn hóa. Không nhất thiết phải là yêu nước và tiến bộ với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác Lênin tư tưởng Hồ Chí Minh, mới là tiên tiến về văn hóa.

Cho rằng bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước thì thử hỏi, những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, không đáng được mang tính tiên tiến trong nền văn hóa Việt Nam hay sao?

Sự định nghĩa còn có chỗ lủng củng như vậy, phải chăng từ quan niệm về văn hóa chưa đúng. Văn hóa có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Văn hóa có nghĩa hẹp, được biểu hiện trong lý tưởng sống, trong các quan niệm về thế giới và nhân sinh, tín ngưỡng, trong lao động và đấu tranh, trong tổ chức đời sống tạo dựng xã hội, thể hiện lý tưởng thẩm mỹ. Từ đó văn hóa là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và những phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ.

Văn hóa nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội, (bổ sung và phát triển năm 2011), được quan niệm theo nghĩa hẹp.

Trong Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa, tại Venise- một thành phố ở Italia, năm 1970, nguyên tổng giám độc UNESCO, ông F. Mayor đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, vừa mang tính khái quát vừa mang tính đặc thù được cộng đồng quốc tế công nhận.

Đó là: "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động" (1).

Nhà xã hội học văn hóa nước Anh là Taylor (E.B.Taylor) cũng cho rằng: "Văn hóa hoặc văn minh là một chỉnh thể phức tạp bao gồm: trí thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội". (2)

Theo quan niệm về văn hóa trên đây, thì nói đến văn hóa, đương nhiên là mang bản sắc dân tộc, vì văn hóa làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác và cũng đương nhiên là tiên tiến, vì tiên tiến là kết quả của sự gạn lọc tự nhiên của con người trong đời sống văn hóa để loại ra khỏi những gì mà con người cho là lạc hậu lỗi thời.

Nói đến nền văn hóa Việt Nam thì ở thời nào cũng có tính tiên tiến và bản sắc dân tộc của thời đó, không phải đến văn hóa trong xã hội xã hội chủ nghĩa mới mang tính tiên tiến và bản sắc dân tộc.

Lý Thường Kiệt ra Tuyên ngôn: "Nam quốc Sơn hà Nam đế cư", ở thời đó là biểu hiện của văn hóa tiên tiến của dân tộc. Lời hịch của vua Quang Trung "Đánh cho để dài tóc", "Đánh cho để đen răng" cổ vũ dân ta không để bị đồng hóa với giặc thù xâm lược đến từ phương Bắc có tóc ngắn và răng trắng, trong điều kiện đó, cũng là giữ vững văn hóa dân tộc tiên tiến.

Văn hóa tiên tiến với bản sắc dân tộc là nói chung, nói riêng về xây dựng nền văn hóa trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội phải cụ thể và sắc nét.

Tôi đề nghị đưa vào Cương lĩnh về văn hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam vì độc lập, tự do hạnh phúc, vì hòa bình hữu nghị.

Phương hướng cơ bản để xây dựng là phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc anh em trong nước mà cốt lõi là lòng yêu nước, nghĩa cố kết đồng bào, xây dựng đạo đức lối sống, ý thức làm chủ, tôn trọng lẽ phải, sống có nghĩa có tình, không ngừng nâng cao mặt bằng dân trí trên cơ sở toàn dân có trình độ học vấn tối thiểu là phổ thông trung học, chú trọng đào tạo nhân tài về các lĩnh vực văn hóa và mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới.

Nếu như vậy, thì trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng mới có nội dung và phương hướng cụ thể để lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa.

-----------

(1), (2): Từ điển bách khoa Việt Nam tập 4 - NXB Từ điển bách khoa Hà Nội năm 2005, trang 798
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bóc Lột ngoài kinh tế

    30/04/2016Nguyễn Trần BạtSuy đến cùng, bóc lột ở thời nào cũng đều kéo dài kiếp sống lầm lũi, kém phát triển của cả tầng lớp dân chúng nghèo khổ trong xã hội. Đích cuối cùng của chúng ta không phải là chống lại bóc lột, mà là chống lại chính sự bần cùng hóa con người. Nói cách khác, chúng ta phải giải phóng con người ra khỏi đời sống kém phát triển và tạo không gian tự do sáng tạo để họ có thể phát huy hết năng lực của mình...
  • Trách nhiệm hàng đầu - đổi mới văn hóa và giáo dục

    17/12/2015Nguyễn TrungChỉ có văn hoá và giáo dục dục mới có thể làm nên diện mạo một nước Việt Nam mới, sau đó mới đến công nghiệp hoá –hiện đại hoá! Có văn hoá, có giáo dục, mới có thể công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại...
  • Cương lĩnh: Những quan niệm chưa nhất quán

    11/10/2010TS. Hồ Bá ThâmNghiên cứu Cương lĩnh bổ sung, phát triển trình ĐH 11 của Đảng, chúng ta dễ nhận thấy nổi bật sự kiên định con đường phát triển tiến lên XHCN và những mục tiêu, những phương hướng, những quan hệ chính cần giải quyết, nhưng trong đó có một số quan niệm chưa nhất quán...
  • Nhà nước của dân, do dân, vì dân

    09/10/2010Một Nhà nước phải là một Nhà nước có Đức, dưới sự lãnh đạo của một Đảng là đạo đức, là văn minh. Một Nhà nước có Đức là nói đến một Nhà nước hướng tới bảo vệ và phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời với việc trừng trị một cách nghiêm khắc những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của dân tộc, của nhân dân...
  • Chưa thấy hơi thở cuộc sống trong dự thảo văn kiện

    08/10/2010Lê NhungGóp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an nói, văn kiện đang vắng bóng hơi thở cuộc sống...
  • Câu hỏi lớn về vận nước

    02/10/2010GS. Tương LaiChính vì những chuyến xe lịch sử không có khứ hồi, cho nên, tiếp bước cha ông không phải là dẫm theo lối mòn có sẵn, mà là dũng cảm gạt bỏ mọi trở ngại để vươn về phía trước, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó.
  • Cần một cương lĩnh xây dựng chế độ dân chủ nhân dân

    02/10/2010Bùi Đức LạiĐất nước đang cần có một bản cương lĩnh xây dựng và hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân. Đây là yêu cầu thiết thực nhất, không mâu thuẫn với lý tưởng XHCN, là cái mà Đảng lãnh đạo cần chủ trương và đưa ra trình bày trước nhân dân trong thời điểm hiện nay, là việc Đảng đã khởi xướng từ 1930, đặt nền tảng từ 1945, đã tạo ra sức mạnh cách mạng to lớn của dân tộc ta. Do những lý do khách quan và chủ quan, việc thực hiện một cương lĩnh như vậy đã bị gián đoạn...

  • Vấn đề xây dựng nền dân chủ nhân dân ở Việt Nam và cải cách thiết chế dân chủ

    28/09/2010TS. Hồ Bá ThâmNgười ta đã bàn rất nhiều về dân chủ. Nhưng những vấn đề khó, nhạy cảm thì thường lảng tránh. Chúng ta thấy là các cấp thường thảo luận, quyết sách các vấn đề kinh tế xã hội, nhưng ít thảo luận quyết sách các vấn đề dân chủ một cách sát thực, cụ thể, nhất là về mặt thể chế...
  • xem toàn bộ