Đổi mới học tập để tiến xa

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

1. Xác định rõ động cơ học tập

Học tập là một lao động tất yếu của mỗi con người với mục đích nâng cao kiến thức, luyện rèn kỹ năng và nhân cách của bản thân. Nhờ đó từng người có thêm những giá trị mới cho cá nhân, gia đình và xã hội.  Mỗi người đều phải coi học tập là cách thức giúp cho mình tồn tại, thích nghi trong hiện tại; phát triển, đổi mới trong tương lai. Một ngày không học tập là một ngày ta chững lại trong sự phát triển, là ta chưa hoàn thành cái quyền và nghĩa vụ của mình đối với xã hội. Ngược lại, để mỗi cá nhân đạt được các mục đích học tập trở thành con người có nhân cách toàn diện, xã hội luôn cần tạo ra môi trường, điều kiện cũng như tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, lâu dài hỗ trợ việc học. Quá trình ấy của xã hội gọi là hoạt động giáo dục.

Qua học tập con người ngày một thay đổi, trình độ, cuộc sống ngày một cao, đáp ứng được tốt hơn đòi hỏi phát triển của xã hội. Xã hội qua sự tăng trưởng của nguồn lực con người sẽ ngày một lớn mạnh. Vậy lo lắng cho học tập là lo lắng cho tương lai của bạn, cho sự sinh tồn của xã hội tương lai. Cũng không lấy làm lạ khi mọi gia đình, mọi quốc gia đều coi giáo dục là Quốc sách hàng đầu trong nhận thức và hành động.  Alexis Carrel nhà y học được giải thưởng Nôben đã nói “Sự phát triển cá nhân để trở thành một con người đầy đủ phải là mục tiêu chính của tất cả mọi cố gắng của chúng ta hiện thời. Văn minh loài người chỉ xây dựng được một cách vững vàng trên những con người ấy mà thôi”.

2. Học tập trong bối cảnh mới

Chúng ta xem xét đổi mới sự học của mình trong một bối cảnh thế kỷ 21 với những biến chuyển dồn dập, mạnh liệt.

Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đang nhất thể hoá, toàn cầu hoá và chẳng bao lâu chúng ta sẽ sống, học tập và làm việc trong một thế giới không có “cách trở” về nhiều mặt. Một lôgic chung cho mọi hoạt động từ lớn đến nhỏ của từng cá nhân, doanh nghiệp, đất nước và nhân loại là làm ra tăng các nguồn lực khác nhau của mình trải khắp các châu lục, lãnh thổ theo những hoạt động kinh tế đã vạch sẵn. Đã là kinh tế thị trường thì những hoạt động như vậy sẽ không tránh khỏi có cạnh tranh khốc liệt ở mọi cấp độ, sẽ có kẻ thắng người thua và chúng ta phải làm tất cả để mình không phải là kẻ “bại trận”.

Thứ hai, nền kinh tế thế giới chuyển thành nền kinh tế tri thức. Trước đây, muốn thực hiện, đạt tới tăng trưởng đòi hỏi phải có tri thức cao và bản thân tri thức cũng là một nguồn lực to lớn. Còn ngày nay điều đó lại càng đúng bởi nền sản xuất kinh tế sẽ chủ yếu sản xuất ra hàng hoá “tri thức” như phát minh, sáng chế, thông tin, kiến thức... Không ngừng sáng tạo, sản xuất ra tri thức là hoạt động then chốt, đặc trưng cho kinh tế toàn cầu.

Hai đặc điểm chính này nhanh chóng biến xã hội các nước chuyển dịch theo hướng “xã hội thông tin” và là dấu hiệu của buổi bình minh của nền văn minh nhân loại mới - nền văn minh tri thức.
   Sự tiến triển của nhân loại báo hiệu sẽ còn nhiều biến đổi cả về kinh tế, xã hội bởi sự sáng tạo diễn ra liên tiếp, nhanh chóng thâm nhập và hoàn toàn có khả năng xuất hiện những “nhảy vọt” về chất khó dự đoán hết. Những điều này lại càng làm ra tăng mâu thuẫn giữa khả năng cung ứng mỗi người và nhu cầu đòi hỏi của xã hội. Điều đó khiến ta càng phải sáng suốt hơn, nỗ lực hơn trong việc tìm tòi hướng phát triển việc học tập.

3. Phương châm đổi mới học tập
Trong bài “Câu chuyện Alibaba ở thiên niên kỷ 21“ ở trên câu thần chú để giúp mở được kho báu Tri thức của Alibaba là Học Bồi bổ trí nhớ, Gợi mở tư duy và Làm chủ các công cụ. (thay thế cho câu Vừng ơi mở cửa). Tiếc rằng chỗ này, chỗ kia đã làm cái điều dễ phạm phải là Đè nặng trí nhớ, Hao mòn tư duy và Coi thường các công cụ. Vậy thì khai thác kho báu Tri thức được là bao nhiêu ? Nay xin được chú giải đôi điều về thần chú nọ.

Phương châm số 1 : Phát huy nội lực - Bồi bổ trí nhớ, Gợi mở tư duy
Thomas Yong có nói : ”Con người có thể làm được bất cứ điều gì mà một người khác đã làm được”. Điều này hàm ý rằng sức mạnh tiềm ẩn trong mỗi chúng ta là như nhau. Chúng nằm trong não bộ - một tài sản của con người quý báu nhất. Qua quá trình sinh sống, học tập và rèn luyện không ngừng, bộ não đó ngày một đổi thay, tiềm ẩn chuyển thành năng lực. Kích thích phát triển và khai thác tiềm năng chất xám đó phục vụ cho kinh tế xã hội là nhiệm vụ của mỗi người và toàn xã hội. Nếu như bạn không đáp ứng được nhu cầu xã hội, bị nền kinh tế đào thải trước hết bạn hãy xem lại sự học của bạn, đừng đổ lỗi ngay cho nền giáo dục, nền kinh tế.

Trí lực - khả năng tổng hợp của con người trong hành động có mục đích, suy xét hợp lý và xử lý có hiệu quả với hoàn cảnh là phẩm chất của bộ não. Hai tố chất chính của trí lực được chọn ra ở đây là trí nhớ và tư duy-sáng tạo có mối quan hệ mật thiết với học tập. Học tập là sự thu hoạch và duy trì thông tin trong hệ thần kinh còn trí nhớ rộng hơn - là tổng hoà của mọi thông tin có thể có tàng trữ trong não. Tư duy thì chiếm vị trí hạt nhân trong hoạt động trí tuệ. Descartes đã nói  “Tôi động não, ấy là tôi tồn tại” bởi nhờ có tư duy ta có thể phán đoán, tiến hành suy luận hợp lý và từ đó nhận thức được quy luật của hiện thực khách quan. Hoạt động tư duy là hoạt động mang tính mục đích - tiến hành khi thấy có vấn đề  và kết thúc khi đề ra được cách giải quyết. Tư duy bắt nguồn từ thực tiễn và nó đem tới lời giải cho vấn đề của thực tiễn. 

Lịch sử nhân loại đã trải qua những thời kỳ chuyển hoá dần cách học, cách giáo dục từ nặng về vận dụng trí nhớ để tích luỹ tri thức cho đến nay là thiên về cách thức tư duy. Trong thế kỷ 21 ngoài việc đề cao tính tích cực tư duy, động não tìm tòi giải quyết, cách học đã gắn liền với ứng dụng triển khai và còn coi cái đích phải là những sản phẩm sáng tạo.

Giai đoạn

Chuyển hoá về cách học

Trung cổ

phong kiến

Tiền tư bản

Tư bản

Tư bản pt

Thế kỷ 21

kinh viện -->nhồi nhét

--> tái hiện (theo thánh hiền)

--> tầm chương --> ghi nhớ

--> thực hành theo khuôn mẫu

động não --> tìm tòi --> ứng dụng

nghiên cứu ứng dụng --> triển khai --> sáng tạo (vượt khuôn mẫu)

   Giá trị biểu hiện của việc học phải được phản chiếu từ các các sản phẩm của lao động trí óc, chính xác hơn là từ các sản phẩm của trí não có nghĩa là phải biết vận dụng tốt kiến thức.  Nhà khoa học nổi danh Stephen Hawking đã nói : “Có gương soi mặt chứ không có gương soi tâm hồn và trí não. Vậy cần phải thay thế chiếc gương soi bằng sự phản chiếu của các sản phẩm lao động, chúng “đi ra” từ bày tay  nhưng gốc gác chủ yếu là từ trái tim và khối óc”. Quan điểm này cũng được các chuyên gia UNESCO khẳng định “Người hiểu biết ít mà vận dụng nhiều, có hiệu quả biểu hiện một trí tuệ  hơn hẳn người hiểu biết nhiều mà vận dụng ít”. Vận dụng vào thực tiễn chính là phương cách tốt nhất để trí não phát triển, làm cho trí nhớ ngày càng chắc và  tư duy ngày càng rõ ràng, sắc bén.

  Tất cả đều nói lên một điều rằng “Học ít, nhưng mà học kỹ” (M. Fauconnier) nghĩa là cần ăn chậm, nhai kỹ để dễ tiêu hoá tri thức. “Món ăn tinh thần cũng như món ăn vật chất. Chẳng phải những món ta ăn nuôi dưỡng ta mà chính những gì ta đã tiêu hoá nuôi dưỡng được ta thôi” - lời Gustave Lebon.

   Hãy thấm nhuần tinh thần bồi bổ cho trí nhớ bằng cách nhớ không cần nhiều nhưng nhớ có hệ thống, như Aristote nói “Phải đi từ cái đã biết đến cái chưa biết”, thường xuyên đặt lại vấn đề về vốn hiểu biết của mình để truy tìm những chất bổ mới cho trí nhớ. Đã có nhiều cách thức hiện đại giúp bạn giảm nhẹ phải nhớ nhiều, rất nhiều thứ bạn chỉ cần chú ý đến nguồn gốc, địa chỉ nơi có tri thức.

   Để tư duy luôn làm việc tốt ta cần trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản để khai thác, xử lý thông tin một cách hiệu quả, tức là phải có phương pháp tư duy (tư duy khoa học, tư duy lôgic, tư duy thực tiễn, tư duy kinh tế, tư duy kỹ thuật, tư duy quản lý...) cùng những thao tác hợp lý dựa trên kinh nghiệm sống phong phú để phát hiện và giải quyết nhanh gọn những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Nhà tương lai học Thierry Gaudin có đưa ra một thông điệp khẩn thiết như sau “Hãy học phương pháp chứ đừng học dữ liệu”.

Phương châm số 2 : Tận dụng ngoại lực - Làm chủ các công cụ
   Nhờ có khoa học kỹ thuật phát triển và quá trình toàn cầu hoá mà bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu đều có cơ hội tham gia học tập, giao tiếp, làm việc và sử dụng các nguồn lực khác nhau ở quy mô toàn cầu. Chúng ta có thể tận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật thế giới, tri thức của nhân loại  trong việc nâng cao trình độ mỗi cá nhân, làm giàu tri thức của cộng đồng. Lui Paxtơ đã từng nói : “Khoa học là linh hồn sự phồn vinh của các quốc gia, là nguồn sống dồi dào của mọi tiến bộ. Chính những phát minh khoa học và ứng dụng của nó đã dẫn dắt chúng ta đi” .  Và chúng ta đã được trao tận tay một thứ công cụ tuyệt diệu cho học tập/dạy học - kết tinh của mọi thành tựu hiện đại nhất của nhất loại - đó là máy tính, Internet  cùng với kho báu tri thức toàn cầu phía đằng sau chúng. 

K. Mainzer đã viết “Máy tính như một công cụ tăng cường không chỉ sức mạnh chân tay và tri thức của con người, mà dường như còn làm cho con người được nâng cao hơn nữa về kỹ năng, thậm chí có thể thay đổi cả năng lực tiếp thụ kiến thức, trí tưởng tượng”.  Nhà tỷ phú Tin học giàu nhất hành tinh Bill Gates đã nói : “Thành tựu vĩ đại nhất của cuộc cách mạng thông tin là đem đến cho con trẻ khả năng sáng tạo như người lớn ngay từ lúc còn bé”. Hơn nữa, bạn cũng nên coi khả năng, sức mạnh của mình cần phải thể hiện gián tiếp qua những phương tiện, công cụ chúng ta hàng ngày sử dụng nữa chứ. Vậy bạn hãy mau chóng chuyển sang học tập, làm việc có sử dụng công cụ máy tính và nếu bạn đã có công cụ này rồi thì mong bạn hãy làm một điều không phải dễ làm - tìm hiểu và làm chủ công cụ. Hiện nay một tâm lý “dùng điện cứ sợ điện giật” đang phổ biến ở những người chưa biết về điện. Ngoài ra, nếu ai khác coi đầu tư cho những gì xung quanh thứ công cụ này là tốn kém xin hãy nghĩ lại. Chúng ta nên làm những gì không gây ra lãng phí chứ không nên chỉ biết tiết kiệm. Nhà giáo dục học Thái Lan Ynhavong đã nói : “Nếu anh nghĩ việc học là tốn kém, hãy cứ thử ngu dốt xem sao !”.

Đổi mới học tập cũng như giáo dục là nhiều vấn đề to lớn. Bài viết này chỉ mới gợi cho bạn đọc nhận thức rõ hơn và thay đổi việc học tập của mình. Nếu ai ai cũng vậy thì nước ta với tiềm năng con người phong phú, sẵn có truyền thống hiếu học, quốc sách giáo dục đúng đắn sáng suốt chắc sẽ bắt kịp và “sánh vai các cường quốc năm châu” trong thế kỷ 21.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: