Đông Kinh Nghĩa thục: Học Nhật Bản chấn hưng đất nước

07:36 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Bảy, 2017
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Trung tâm Văn Miếu Quốc tử Giám và Trung tâm Minh Triết Việt đã Tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa thục. Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng - Duy Tân - Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục Tự lập, tự nguyện, học Tinh Hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại.

Theo giáo sư Chương Thâu, nguyên thủy của từ “nghĩa thục”(public school) vốn từ nước Anh, và do học giả uyên bác Nhật Bản thời Minh Trị là Fukuzawa Ykichi (1835-1901) - người đã tiếp thu tư tưởng tự do phương Tây - năm 1868 lập ra ở Nhật Bản trường “Khánh Ứng Nghĩa thục” có ý lột tả tinh thần “public school” của người Anh, bao gồm bốn tính chất quan trọng, góp phần làm rạng danh cho người Nhật. Đó là tính tự cường, ý chí độc lập, óc tháo vát và lòng tự nguyện đóng góp vào các việc công ích, công thiện.

Trường có lớp tiểu học, lớp trung học, dạy các học viên lớn tuổi, rồi các học viên đó lại dạy cho các học viên nhỏ tuổi hơn. Năm 1890 với sự cộng tác của một số giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), trường mở thêm các lớp đại học và các lớp học ban đêm chuyên dạy các môn thương mại.

Năm 1905, mở phân khoa chuyên về khoa học kinh doanh ngoài các môn có sẵn: kinh tế, chính trị, luật và văn chương. Khánh Ứng Nghĩa thục trở thành một Đại học tư lập đầu tiên khá hoàn chỉnh trên đất Nhật, danh tiếng vang xa, góp phần làm cho sự nghiệp Duy Tân - học tập phương Tây của Nhật Bản thành công, chuyển mình vươn dậy cùng văn minh, khoa học, khiến các nước phương Tây phải dè chừng.

Cả châu Á hướng về Nhật Bản, coi đó là người anh cả, vị cứu tinh của các dân tộc da vàng.

Các chí sĩ Việt Nam thương nòi giống đã tìm đến Khánh Ứng Nghĩa thục.Năm 1905, Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông du, đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật học. Năm 1906, Phan Chu Trinh tìm đường sang Nhật để chứng kiến tận mắt bài học Duy Tân, mở đường vào văn minh phương Tây. Hai cụ Phan thăm Khánh Ứng Nghĩa thục, thăm các học đường và khảo sát những công việc chính trị, giáo dục của Nhật Bản. Phan Bội Châu nhiều lần nói: “Noi gương chí sĩ Nhật là Phúc Trạch Dụ (Fukuzawa) đã mở Khánh Ứng Nghĩa thục

Đông Kinh Nghĩa thục là trường học do các sĩ phu Việt Nam lập ở Hà Nội năm 1907, phỏng theo Khánh Ứng Nghĩa thục. Không ngờ người Việt hưởng ứng “Nghĩa thục” nhanh như gió, các trường “Nghĩa thục”(public school) mở ra nhiều tỉnh trên đất nước ta.

Đông Kinh Nghĩa thục do các sĩ phu cùng chí hướng với Phan Bội Châu như: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành, Nguyễn Hữu Cầu… mở tại số 4 và số 10, Hàng Đào, Hà Nội. Mục đích của Đông Kinh Nghĩa thục là khai trí cho dân, mở những lớp học do người hảo tâm đóng góp, học viên không phải nộp tiền, nhằm bồi dưỡng ý chí tự lập, tự cường dân tộc, duy tân, tiến thủ, truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới, và nếp sống văn minh, tiến bộ, cải tổ giáo dục theo Tây phương… tới mọi người dân.

Đông Kinh Nghĩa thục bỏ hẳn Tứ Thư, Ngũ Kinh, dạy các môn khoa học, toán, vệ sinh, sinh vật, chữ Pháp, chữ Hán, chữ Quốc Ngữ… theo cách mới, nhà trường tự soạn những bài học sử, địa, luân lý… ngắn gọn, dễ hiểu, khơi mở bầu nhiệt huyết, sống vì đại nghĩa. Nam quốc vĩ nhân truyện có lời tựa: “Rồi đây, khí thiêng non nước hun đúc nên người giữa thời buổi gió Âu mưa Mỹ này, biết đâu sẽ có kẻ vì Tổ quốc mà quét mù, vén mây, khai thác hắn, cho nước nhà một bầu trời lẫy lừng”.

Sách của Đông Kinh Nghĩa thục viết bồi dưỡng kiến thức cho dân về xã hội, pháp luật, thuế khóa, giao thông, cảnh sát, tôn giáo, vệ sinh, sức khỏe, khoa học, buôn bán, thương giao… Đông Kinh Nghĩa thục thường xuyên tổ chức các cuộc diễn thuyết và bình văn “người đông như hội, khách đến như mưa”. Các bài giảng, diễn thuyết thường hướng dẫn bài trừ tệ nạn nghiện rượu, ma chay, cưới xin cổ hủ, mê tín dị đoan, khuyến học, chấn hưng công thương nghiệp, truyền bá tư tưởng dân chủ, công bằng, bác ái…

Đông Kinh Nghĩa thục tấn công vào sự ngu dốt, yếu kém của chế độ cũ, đả phá lối học vẹt, sáo rỗng, giả dối, giáo điều, học để làm quan,Đông Kinh Nghĩa thục đề cao chữ Quốc ngữ và lối học mới… Thức tỉnh dân học để mở hàng, xưởng thợ, bán buôn, đóng tàu ra biển lớn, ăn ở vệ sinh, khoa học, văn minh…

Sự sống dậy dũng mãnh vung ngọn bút “Khai dân trí, chấn dân khí, tiến tới dân chủ” của các sĩ phu đáng kính đầu thế kỷ XX, đã nhanh chóng bị Pháp khủng bố. Trường Đông Kinh Nghĩa thục sau chín tháng khuấy động vào “thói hủ lậu dã man trong một xó” bị đóng cửa. Các nhà giáo bị xiềng, bị đày đi Côn Đảo. Sách vở bị thu, học trò tan tác: “Tương lai mờ mịt, vá trời còn để giận trăm năm/ Sự nghiệp dở dang/ Giam thân hình, bay giam sao trí óc, tình sâu ý hiếm càng bát ngát không gian/ Khóa tay chân, nào khóa được tự do, chén rượu câu thơ vẫn dạt dào vũ trụ (Văn tưởng niệm của G.S Vũ Ngọc Khánh).

Một trăm năm sau (1907-2007), những sĩ phu đầu thế kỷ XXI còn Cảm nhận giá trị minh triết của Đông Kinh Nghĩa thục ( Bài viết của nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Khắc Mai) nhận định bốn giá trị minh triết còn tỏa sáng bầu trời Việt Nam.

1. Minh triết “Tuyết quốc sĩ”: Lo nghĩ về vận nước, thấy sỉ nhục, muốn rửa sạch nỗi nhục nô lệ, dân lầm than, yếu hèn, lạc hậu.

“Hóa dân cường quốc”: Muốn chuyển hóa quốc gia, làm cho dân tộc tiến hóa, phải đổi mới tư cách của người dân bằng sự học cha ông, học quốc tế. Một nền kinh tế dân chủ, bình đẳng mọi thành phần, coi trọng luật pháp, nông, công, thương, khoa học, mở cửa… thì dân mạnh, nước cường.

2. Minh triết “Chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân”: Giáo dục là giải pháp hàng đầu. Giáo dục phổ cập. Dân cả nước không người nào là không đi học. Học cái gì? Học ba điều. Một là học vệ sinh, làm cho thân thể khỏe mạnh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch, môi trường sạch, hít thở bầu không khí sạch. Hai là học trị sinh, tức là học cách làm ra thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp. Ba là học làm người. Tức là học cách sống chung với nhau trong nhà, ngoài xã hội, giữ đạo làm người, không đánh mất nhân tính, tôn trọng tự do cá nhân, bình đẳng, biết yêu thương, chia sẻ…

Muốn vậy phải bỏ lối học để lấy bằng cấp rởm, để lên chức thăng quan, đề cao một phương pháp học văn minh, khoa học, thiết thực với con người: “Thầy giáo đặt đề để mà hỏi, cho phép học trò bàn tha hồ, đối đáp tự do, không phải nề hà, không cần thể cách gì hết”.

3. Minh triết “Chấn hưng công nghệ”: Xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự lực, tự cường, theo tư bản phương Tây. Sản nghiệp là của riêng. Coi trọng nhà doanh nghiệp: “Người giàu bỏ vốn ra phát triển công nghiệp thì dân ta sẽ cảm kích, xưng tụng, sao lại sinh lòng đố kỵ?”.

4. Minh triết “Chính phủ chỉ là người trong quốc dân nắm chính quyền”.

Tư tưởng lớn của Đông Kinh Nghĩa thục là Chủ nghĩa dân bản Việt Nam. Khai dân trí - Chấn hưng dân khí - Hậu dân sinh. Cụ Nguyễn Hữu Cầu nói với học trò trước lúc mất: “Chính bằng nghệ thuật và khoa học mà các dân tộc trường tồn. Phải làm sao thông qua nghiên cứu ngôn ngữ mà nghiên cứu dân tộc và làm sao in đậm trong tâm hồn tính cách hoàn toàn Việt Nam".

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đường lối giáo dục cứu nước của Đông Kinh Nghĩa Thục

    23/09/2018Nguyễn Hải HoànhGiáo dục cứu nước (GDCN) là lựa chọn quan trọng nhất của các sĩ phu sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) khi họ quyết định đường lối đấu tranh giải phóng nước nhà của tổ chức cách mạng này. Trước đó, tất cả các cuộc đấu tranh chống Pháp đều theo đường lối bạo động vũ trang.
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Đọc lại văn thơ Đông Kinh nghĩa thục

    02/03/2017Nguyên AnTrong kho tàng văn chương - văn hoá Việt Nam mấy trăm năm nay, có lẽ không có một nhóm tác giả, một tao đàn, một phong trào nào tồn tại ngắn ngủi mà lại có tiếng vang tốt đẹp, lâu dài như phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
  • Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác

    02/07/2015Nguyên NgọcCó một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy ngẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay...
  • Một thiếu sót trong văn học sử Việt Nam: Đông Kinh Nghĩa Thục

    16/06/2015Nhà văn Thiếu Sơn (1908-1978)Văn học sử Việt Nam có nhiều biến cố quan trọng. Chữ Nôm xuất hiện là một biến cố quan trọng. Chữ quốc ngữ ra đời cũng là một biến cố quan trọng... Như thế cũng là bỏ một biến cố quan trọng là phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục xuất phát năm 1907...
  • Đông Kinh Nghĩa thục và những điều kiện Hiện đại hoá

    21/05/2015Nhà nghiên cứu giáo dục Phạm ToànTự do này, độc lập này mà đồng bào ta vừa giành lại, chúng ta phải gìn giữ trong lĩnh vực tinh thần. Các dân tộc trường tồn chính là nhờ có thành tựu nghệ thuật và khoa học. Chúng ta cần dõng dạc và hào hùng tự khẳng định mình trong tư cách một dân tộc. Đó là lời dặn dò của cụ Nguyễn Hữu Cầu – suy ra cũng là những lời dặn dò Đông Kinh Nghĩa thục...
  • 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục: Trong cái nhìn hôm nay

    21/10/2011Cái nhìn của một số trí thức thời nay về phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngẫm chuyện xưa để nói chuyện nay - con đường phát triển dân tộc...
  • xem toàn bộ