Giữa thời đại thông tin

05:01 CH @ Thứ Tư - 26 Tháng Tám, 2015

Tinh thần của phép lịch sự là một chú tâm cho người khác bằng lòng với mình và họ vừa lòng với chính họ.

Cứ tưởng rằng phép xã giao chỉ cần lúc sử dụng trực tiếp thôi nhưng thật ra ngay cả khi liên hệ gián tiếp với nhau qua khâu trung gian vẫn phải thể hiện nét văn hoá nhằm chứng minh rằng trên cơ sở đánh giá tổng quan, chúng ta vẫn giữ lịch sự một cách hoàn hảo và trọn vẹn.

Kể từ những năm 90 trở lại đây, trào lưu tin học bùng nổ đã làm lu mờ đi vai trò của thư từ qua bưu điện, nhưng không vì thế mà người ta ngừng viết thư bởi viết thư là một giải pháp bày tỏ tình cảm đầy ý nhị và bóng bẩy giữa những người quen, thích, yêu ở xa nhau (thậm chí tại những nơi có đầy đủ điện thoại và máy tính cũng cần thư từ). Nhìn từ khía cạnh khác, nội dung bức thư chính là vị sứ giả tinh thần của người viết, nó nói lên nhiêu điều về trình độ học vấn, nền nếp giáo dục cũng như những ý tưởng thầm kín trong thâm tâm tác giả, quan hệ thư từ đóng vai trò phổ thông bình dân nhất bởi thế nó vẫn rất quan trọng. Phong bì và tem hiện nay đều có hồ khô phết sẵn cho nên đáng chú ý hơn là giấy và mực viết. Giấy viết thư sử dụng giấy trắng và bút bi, mực xanh, đen. Giấy màu hồng tím hoặc hoa văn dành cho phái yếu còn viết thư bằng mực đỏ hoặc bút chì là biểu hiện vô cùng cẩu thả. Trong bức thư, cũng phải chừa lề riêng, đừng viết kín đặc hoặc sau viết thêm chú thích xoay dọc lề có vẻ không lịch sự cho lắm. Chữ viết không nắn nót ít ra cũng phải khác chữ bác sĩ, nhất là chữ ký góc dưới bên phải có kích cỡ tương xứng so với toàn bộ lá thư đừng ký nửa trang giấy hoặc ngoằn ngoèo một búi chữ như khiêu khích tò mò của người đọc. Dán phong bì xong thì đến tem, nếu phải chuyền xa và trọng lượng kha khá thì tìm những con tem vừa giá tiền cho đẹp (cùng lắm là dán đến 3 con tem trên phong bì thôi). Đừng bao giờ kiếm đến 10 con tem phủ kín cả phía trước lẫn phía sau của phong bì quả là khôi hài, bủn xỉn và yếu kém về mỹ học. Khi đề tên người nhận phải ghi rõ họ tên đệm, không bao giờ viết tắt hoặc cố ý viết sai cho vui. Nếu nhờ ai chuyển thư tay hộ mình cũng viết một dòng phía dưới góc trái (nhờ anh chị Z chuyển giúp hay C/O Mr/Ms Z). Nội dung của thư thì vô cùng đa dạng, thư giao dịch, kinh doanh thương mại đều có mẫu cụ thể, cứ theo đó mà áp dụng, Thư tình miễn bàn, lai láng bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Thư thăm hỏi tuỳ quan hệ giữa hai bên mà xuống bút, chỉ có điều nếu đã ký xong thư mà chợt nhớ ra thêm ý gì nữa thì viết dòng dưới cùng tái bút (hay P.S) trước câu viết rốn ấy.

Trong những cuộc gặp gỡ, hội họp nơi đông đảo quan khách, một vật trung gian không thể thiếu đó là tấm danh thiếp. Công nghệ in hiện đại ngày nay đã làm cho cái danh thiếp mở mày mở mặt rất nhiều: nào in bảy màu, chữ phun nổi, chữ nhũ vàng, giấy thơm... nhưng kích thước của tấm thiếp gần như là quy ước quốc tế (danh thiếp dành cho phụ nữ có lẽ nhỏ hơn một chút) cho nên cần phải bài trí sao cho vừa đẹp, thoáng, đủ cốt cho người nhận nắm được thông tin chính về tên, nghề nghiệp, chức vụ, địa chỉ, điện thoại (không cần phải phô hết dăm bảy chức danh khác nhau trên một danh thiếp và nếu cần phục vụ cho công việc của mình thì in hai thứ tiếng). Công dụng của nó là để gửi quà, hoa, thông báo danh tính làm quen chứ không phải là bản tóm tắt thành tích chức vụ. Hiện nay, một số trường hợp nhất định cũng có thể dùng thiếp như giấy nhắn tin, giấy giới thiệu (tuy không hợp lý cho lắm, mang tính chất thân mật là chính). Đặc biệt là không nên phân phát thiếp tràn lan, gặp ai cũng đưa, cũng giúi khiến cho nhiều người bắt buộc phải cầm vì xã giao chứ thực ra họ chẳng quan tâm gì đến người có danh thiếp.

Chủ đề nóng hổi của phương tiện thông tin là điện thoại. Mỗi khi gọi điện phải xác định cần hãy gọi, bởi có thể người gọi rỗi rãi nhưng người đầu dây bên kia đang bận nhưng vẫn phải ngừng công việc để nghe ta nói cho nên bị làm phiền một cách vô tình. Gọi điện cũng phải chọn giờ (nếu gọi đến nhà riêng tránh buổi trưa từ 11h đến 1h30) để khỏi ảnh hưởng đến bữa ăn và giấc ngủ, buổi tối tránh gọi sau 22h vì có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ em và người già (trừ những trường hợp khẩn cấp tối cần thiết). Tác phong gọi điện thoại không vòng vo dài dòng mà đi thẳng vào vấn đề cốt để thuận tiện cho người nhận điện dễ hiểu và nắm thông tin chính xác (nếu muốn giết thời gian qua điện thoại hãy gọi dịch vụ 1080 sẽ hợp lý hơn). Khi gọi điện về nhà riêng hoặc cơ quan mà không chắc có phải người mình gặp đang nghe máy hay không cứ nên sử dụng cụm từ: Xin lỗi, làm ơn, phiền... cho lịch sự. Người nghe dù có khó chịu vì dở việc hay phải đi gọi hộ cũng nên dùng từ: vâng, dạ, đợi chút... đừng nên gắt gỏng cộc cằn vì biết đâu lần khác bản thân mình phải nghe giọng điệu bực mình khi nhấc máy? Điện thoại di động vừa là mốt thời đại vừa là phương tiện nhanh nhạy thuận tiện nhất. Đối với loại máy này không cần bàn đến thời gian gọi ngắn dài (vì chẳng ai dại gì vung phí tiền vào sóng) chỉ cần đừng ảnh hưởng đến những người xung quanh trong một số trường hợp hoàn cảnh tế nhị như buổi họp, hội nghị tang ma, thư viện, trường học, an toàn giao thông...

Lớp trẻ hiện nay còn có những thú vui qua mạng như gửi E-mail, chát (dạng thức thư điện tử gõ trực tiếp mạng máy tính). Tuy nhiên dùng E-mail có vẻ lịch sự, đứng đắn hơn chát vì thư điện tử có đăng ký tên tuổi số máy cụ thể. Chát đương nhiên vô danh nhờ thuê máy dịch vụ, chính điều kiện này khuyến khích các bạn trẻ tự do phóng tác, tốn vô số thời gian quý báu và lạm chi tiền bạc vào những dòng chữ trên máy tính có thể kéo dài thời gian tuỳ ý và tha hồ nảy sinh đủ ý tướng lãng mạn, kỳ quái hoặc thậm chí thô tục xỏ xiên bởi họ bấm phím chữ xả láng dưới nickname (bí danh) chứ không phải tên thật, cho nên chẳng ai biết rõ ai đâu mà ngại (tiểu sử cũng hoàn toàn có thể bốc phét, lý lịch cũng bịa đặt cơ mà!). Không ai phủ nhận rằng khoa học giúp ta trở thành thông thái nhưng lý trí mới giúp ta trở thành chân chính và người khôn ngoan chỉ nên lựa chọn sở hữu những hiểu biết hữu ích nhất cho trước mà thôi!

Cuối cùng nên đề cập tới một thủ tục mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp: đó là tặng quà. Khi mang một món quà của mình tặng cho ai đó ta đều muốn tỏ lòng thành kính, biết ơn, chia vui hoặc tỏ lòng ngưỡng mộ (phần lớn trên cơ sở tình cảm) nhưng phong cách và thái độ tặng quà còn quý hơn quà tặng. Lựa chọn quà tặng là một quá trình suy xét, ngẫm nghĩ để phù hợp với tâm lý, ý thích của người nhận quà cũng như đúng với ý muốn của người tặng. Đừng bao giờ cố tặng những món quà gọi là có hoặc cách tặng rất gượng gạo khiến cho cả người nhận lẫn người tặng lúc nghĩ lại phải bực mình hay áy náy. Tuỳ theo từng trường hợp mà mang theo quà tặng (ở đây không bàn đến mục đích tặng quà nhằm ý đồ không tốt hoặc dụng ý hối lộ, đút lót...). khi đến dự tiệc tại gia đình, bạn bè, nên đem theo một bó hoa trao tận tay bà chủ, đi tham dự đại hội vui có nhiều hoa nên kèm theo danh thiếp của mình trong bó hoa. Tặng đồ ăn, trái cây chỉ có ý nghĩa khi là đặc sản "của lạ đường xa" như cốm Vòng gửi vào Nam, bưởi Năm roi gửi ra Bắc. Nhìn chung, các món quà tặng thông dụng là postcard, sách truyện, băng đĩa… vừa có tác dụng thiết thực, vừa mang phong cách tao nhã, lịch sự trong quan hệ xã hội và góp phần khẳng định nguyên tắc của Pautopxki: Sự hiểu biết là kho báu của cuộc sống, nó mang đến cho con người bao niềm vui và hạnh phúc.

Trong suốt chặng đường đời, còn biết bao nhiêu vấn đề sẽ phải học hỏi, phấn đấu và đều là những điều vô cùng cần thiết, bổ ích phải mang theo trong hành trang sống của mình. Có lẽ chúng ta sẽ tạm gấp trang viết lại để suy ngẫm, cảm nhận mọi phép lịch sự mà chúng ta đã biết, bởi có những điều tốt đẹp nhất trên đời đôi khi không thể nhìn thấy và chạm vào được mà phải cảm nhận bằng cả tấm lòng!

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhận thức thế giới trong thời đại thông tin

    01/02/2018Nguyễn Trần BạtCon người có thể nhận thức thế giới hay không là một câu hỏi hóc búa không chỉ với các nhà triết học mà còn với cả nhân loại. Tuy nhiên, không chỉ giữa các nhà triết học duy tâm với các nhà triết học duy vật, mà ngay cả giữa những nhà triết học duy tâm với nhau hay giữa các nhà triết học duy vật với nhau cũng có những mâu thuẫn nhất định trong việc trả lời câu hỏi này. Vậy chân lý nằm ở đâu?
  • Sống chủ động trong thông tin toàn cầu

    22/10/2015Xuân Anh…“Đừng cho rằng người Việt do hội nhập chậm mà chúng ta hạn chế, chúng ta tiếp nhận thông tin ồ ạt, không chọn lọc. Chúng ta bắt mỗi một người phải chọn lọc là chúng ta trao cho con người một gánh nặng không cần thiết. Chính thực tế cuộc sống chọn lọc chứ không phải mỗi một người chọn lọc”…
  • Phương tiện truyền thông mới và những thay đổi văn hóa xã hội ở Việt Nam

    08/08/2008Bùi Hoài SơnCó thể nói rằng, các phương tiện truyền thông mới như điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi thế giới và cách tư duy của con người đến mức bản thân chúng ta cũng không thể hết khả năng vô cùng của nó. Trong một thời gian tương đối ngắn, những tác động của các phương tiện truyền thông mới đã tạo ra những biến đổi về văn hóa - xã hội sâu sắc ở mọi ngõ ngách của trái đất nơi chúng ta đang sống...
  • Đi tìm ẩn số đẳng cấp văn hóa

    13/01/2006Giàu có, mức sống cao nhưng tầm văn hóa mỏng, người ta sẽ đi về đâu? Băn khoăn ấy là ẩn số cần được lưu tâm...