Gọi đúng tên thực trạng giáo dục

03:51 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Hai, 2003

Tôi muốn đề nghị gọi đúng tên thực trạng của nền giáo dục nước nhà khi những băn khoăn, lo lắng về một mùa thi, một mùa tuyển sinh vừa kết thúc, một năm học mới sắp khai giảng, tạo nên một mối bất an trong tâm lý xã hội.

Liệu có phải là "một kỳ thi nhẹ nhõm" như một tờ báo đã chạy một dòng tựa lớn không? ấy vậy mà sao tôi lại chưa thấy "nhẹ nhõm" được dù qua màn ảnh tivi thấy ông Thứ trưởng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) khẳng định rằng "kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2002 đã kết thúc tốt đẹp". Thế rồi lại đọc được tin: trong "chiến dịch 1-6" của Nhà xuất bản Giáo dục nhằm in sách phục vụ năm học mới, ông Bộ trưởng GD-ĐT tỏ vẻ hài lòng "thế này thì yên tâm rồi"!

Tivi đã trình làng, báo đã đăng thì chắc là đúng, sao tôi lại ngoan cố không chịu "nhẹ nhõm" và "yên tâm", lại cứ ưu tư mãi. GD-ĐT vốn được xác định là quốc sách hàng đầu nhưng "chiều hướng điểm thi của thí sinh mỗi năm mỗi giảm" như GSTS Võ Tòng Xuân phát biểu và yêu cầu "phải làm lại chương trình đào tạo từ tiểu học" (Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8-8-2002).

Không ưu tư làm sao được khi tại Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, thí sinh đạt điểm trung bình trở lên chỉ dưới 10% và trong 26.000 thí sinh có tới 21.460 điểm dưới 2 môn Lý và 21.343 bị điểm dưới 3 môn toán. Thậm chí tổng cộng bài làm của 45 thí sinh chỉ được trên 43 điểm! Thế rồi giải thích cho chuyện điểm thi kém, một quan chức Bộ GD - ĐT lại đổ tội cho các lò luyện thi dạy "tủ". Rồi trong hội nghị kết thúc tuyển sinh người ta lại "yên tâm" với thành tích đổi mới cách thức ra đề thi, cách tổ chức thi... đã xóa được tình trạng học tủ, học lệch. Cứ như trăm tội là do các lò luyện thi gây nên cả. Liệu có phải đây là một kiểu "đánh bùn sang ao"?

Quả là không hay ho gì chuyện làm ăn của các lò luyện thi. Nhưng thử hỏi đó là sản phẩm của ai? Nếu học sinh đã được dạy dỗ nghiêm chỉnh và đạt được chất lượng tốt ngay trên ghế nhà trường phổ thông thì liệu họ và bố mẹ họ có phải tốn công, tốn của đến các lò luyện thi không? Nếu gọi đúng tên việc các lò luyện thi cứ dẹp mãi mà không được, đó chính là chỉ báo về sự mất lòng tin của học sinh và bố mẹ học sinh vào hệ thống GD-ĐT. Mà ai đang đứng trên bục giảng của các lò luyện thi ấy nếu không phải chính là những thầy giáo, cô giáo trong hệ thống quản lý của ngành GD-ĐT?

Không nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề, gọi đúng tên sự vật, không thể có được sự chấn hưng GD-ĐT đang là đòi hỏi bức xúc của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trước hết là giải tỏa được nỗi bất an trong tâm lý xã hội về chuyện học hành của con em.

Hãy nhìn những "chợ phao" nhộn nhịp và công khai ngay gần kề trụ sở Bộ GD-ĐT, rồi cảnh trước cổng trường thi sau khi tan cuộc "phao" vứt trắng xóa; "Có một đường dây chạy vào đại học" với những giá biểu hấp dẫn: thi đỗ công chức 10 triệu đồng, phúc khảo và đậu khoa y Đại học Tây Nguyên 5 triệu đồng (Lao Động ngày 3-7-2002) và rành rọt câu chữ: "Học bài có khi nhớ khi quên, nhưng có một thứ không thể quên được: bao thư, mỗi bao 200.000 đồng, tổng số lớp học hơn 100 người, vị chi thầy giáo "đón nhận" hơn 20 triệu đồng/môn. Bài báo đặt ra câu hỏi: "Đâu là thước đo để xác nhận ranh giới, ý nghĩacủa "kết quả" giữa việc phải lo học và phải lo... bao thư?" (Tuổi trẻ 14-5-2002).

Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 11-7-2002, giáo sư Hoàng Tụy cảnh báo: "Chưa ở đâu trên thế giới bằng cấp sản xuất nhiều, nhanh, rẻ như ở nước ta trong mấy năm qua... Thật đáng xấu hổ cho nền họcở nước ta. Thế mà dự kiến mươi năm nữa nước ta sẽ sản xuất mỗi năm một vạn rưỡi tiến sĩ thì trong đó có bao nhiêu tiến sĩ thật?". Trong một cuốn sách mở đầu cấp tiểu học, những người soạn sách đã "không hề chú ý xem những câu được đem ra dạy có phải là những câu có lời hay ý đẹp không, hay là những câu cực kỳ ngây ngô, thậm chí quái gở mà ngay đứa bé đần độn nhất cũng không bao giờ thèm nói" (Văn Nghệ, số ra ngày 20-7-2002). Chẳng thế mà ngay sau khi bộ sách giáo khoa Tiếng Việt tập 1 ra đời thì dồn dập các báo đều lên tiếng. Mà không lên tiếng sao được khi con em chúng ta bước vào lớp 1 đã bị nhồi nhét những kiến thức quái gở theo kiểu: "Dấu nặng giống gì? Giống cái mụn ruồi, ông sao trong đêm, cái đuôi con rùa" (Sách dành cho giáo viên, trang 23).

Khởi đầu như vậy thì tránh sao được những hậu quả đáng buồn đã dẫn ra ở trên. Nếu "hiền tài là nguyên khí quốc gia" thì chúng ta đang nuôi dưỡng nguyên khí đó như thế nào đây trong cái "vườn ươm nhân tài" do hệ thống GD-ĐT đang đảm trách?

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: