Hiện trạng vấn đề

Phan Thị Minh dịch
07:09 SA @ Thứ Tư - 16 Tháng Tư, 2014

Tiểu dẫn của tòa soạn báo Đại Việt Tân báo (tức Đăng Cổ Tùng Báo đổi tên):

Chúng tôi bỏ nhan đề “Dư luận An Nam” đã được chọn trước đây cho chuyên mục dành cho các ký giả cộng tác viên bản xứ, bởi lẽ không còn là những ý kiến thông thường mà là một tư tưởng thực sự được trình bày ở đây.

Như một trong số các đồng nghiệp của chúng tôi, ông Tân Nam Tử, nguyên biên tập báo “Đại Nam” đã loan báo, sắp tới đây ông sẽ cung cấp cho chuyên mục “Tư tưởng của người An Nam” này một loạt bài báo nhằm thử xác lập những xu hướng của cái mà người ta có thể gọi là đảng Cải cách bản xứ.

Ông Tân Nam Tử sẽ phát ngôn chủ yếu nhân danh những người An Nam giống như ông đã tiếp thu nền văn hóa Pháp.

Về phần ông Phan Châu Trinh, tác giả của bài báo dưới đây vốn đã được đăng trên “Đại Việt tân báo”, lại đại diện cho tiếng nói của các nhà nho cải cách mà ông muốn chúng ta được biết. Ông Phan Châu Trinh là một vị Phó bảng và là tác giả của bức thư gửi quan Toàn quyền trước đây, đã gây tiếng vang mà bản dịch đã được nhiều tờ báo tiếng Pháp đăng tải.
--------

Từ nhiều thế kỷ, người phương Tây đã đạt được sự phát triển lớn lao, họ đặt chân dần dần trên khắp mặt địa cầu. Nơi đâu có chỗ cho một con tàu cập bến, nơi đâu con người có thể tới, đều thấy dấu vết những bước chân của họ. Nơi nào họ tới, họ đều mang theo nền văn minh, nền thương mại, cả quân đội của họ.

Nơi đâu họ đã yên vị, họ đều áp đặt nền chính trị, truyền bá học vấn và sự khôn ngoan của họ. Họ không bo bo giấu diếm khoa học cho riêng họ mà luôn luôn tìm cách giúp các dân tộc khác cùng được lợi. Khi mở mang trí tuệ cho những dân tộc này, họ đã dìu dắt người bản xứ từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường cho đến khi đạt được trình độ cao ngang họ, ngang hàng mà không hề đòi hỏi một lời cảm ơn. Chính nhờ thế mà những con người trước đây cách xa nhau hàng ngàn dặm, ngăn cách bởi núi cao, biển cả, lại có thể có ngày tốt đẹp trở thành anh em, bè bạn và cùng hòa đồng trên con đường văn minh, ở đó họ đối xử với nhau như những người cùng một xóm thôn.

Đó là điều diễn ra bình thường khi những người Âu châu gặp một dân tộc thông minh am hiểu họ. Nhưng cũng lại có những dân chúng đối lập với mọi sự tiến bộ, những con người thù địch với mọi ánh sáng, đã lấy tay tự bịt mắt mình để khỏi phải nhìn thấy ngọn đuốc của văn minh. Những con người này yêu sự quê mùa thô thiển, lạc hậu của họ hơn mọi thứ, họ không muốn từ bỏ những thói quen hàng nghìn năm, họ ngủ cho đến giờ ăn trưa và chỉ thích nằm ườn ở trên giường. Và những người Âu châu, khi nhận ra sự đờ đẫn đó, đã bỏ mặc họ với căn bệnh cố hữu mà họ đã mắc phải. Và để cai trị những người này, họ đã định ra những luật lệ riêng: đối với những người man rợ, phải áp dụng những luật lệ man rợ.

Đêm đã tàn canh, qua các cửa sổ mở rộng tôi ngắm cảnh bình minh đang ló rạng; hơi lạnh buổi ban mai đã làm nguội chén rượu của tôi; ngồi trên ghế, trước ngọn đèn đã sắp lụi tàn, trên đùi tôi là cuốn sách nhan đề “Ngũ châu đương đại sử” và tựa như trong một giấc mơ, tôi buồn rầu nhớ lại những trang sách tôi vừa đọc. Tôi tưởng như tôi không còn trên cõi thế này, và đang lạc bước đến một thế giới cao xa, thanh khiết. Tôi đang ở đâu vậy? Thật khó nói ra cho đúng. Mà có lẽ đây là Paris hay New York, bởi tôi đang đứng giữa những người văn minh và có hai người đang dắt tay tôi trèo lên một ngọn tháp cao tới 300 m hay đang thăm một ngôi nhà 48 tầng. Ở phía xa xa, tôi tưởng như đang nhìn thấy một pho tượng đồng khổng lồ lơ lửng giữa tầng mây. Pho tượng thật sinh động và đang mỉm cười với tôi. Đó là pho tượng của Thần Tự do.

Ôi! Đây là niềm vui của những xứ sở tự do.

Chính vào lúc ấy tôi mở mắt và giấc mơ tan biến. Hình ảnh mà tôi nhìn thấy đưa tôi trở lại với hiện tình của đất nước quê hương tôi, và tôi cảm thấy một nỗi buồn khó tả. Tôi nổi một trận cười điên dại, một trận cười vọng lên thê thảm trong sự tĩnh lặng. Tôi gấp sách lại và chìm đắm trong suy tư. Tôi càng suy nghĩ bao nhiêu, nỗi khổ đau càng tăng thêm bấy nhiêu, và những giọt nước mắt thầm lặng từ từ lăn trên gò má.

Tôi tự nhủ: đầu óc chúng ta thật là ngớ ngẩn biết bao! Những cánh cửa hạnh phúc đã mở rộng trước chúng ta, vậy mà chúng ta lại cố tình ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta chẳng khác gì một người đang hấp hối nhưng lại từ chối liều thuốc cứu mạng. Than ôi! Chúng ta hãy chỉ tự trách mình nếu chúng ta không được tự do bằng những người khác. Chúng ta chính là những kẻ cai ngục của bản thân mình.

Từ khi người Pháp bảo hộ chúng ta, hai dân tộc đã chỉ có với nhau những quan hệ bè bạn. Chúng ta giống như những người trong một gia đình, những người anh em. Khi những người An Nam đi trên những chiếc tàu thủy, tàu hỏa, thắp đèn pha lê, ăn những thức ăn ngon lành và bổ dưỡng, khi họ nhìn ngắm nhà máy nước, nhà máy điện, họ không thể không trầm trồ khen ngợi nền khoa học phương Tây. Có ai trong chúng ta lại không thừa nhận rằng coi người Pháp là người hướng đạo chính là đã đi vào con đường vinh dự.

Ấy vậy mà, điều rất ngạc nhiên là những người An Nam lại cứ bày tỏ sự khâm phục và thiện cảm đối với người Tầu mà gọi họ là “các chú” của mình.

Đầu óc chúng ta là thế nào? – bụng rỗng tuếch, nhưng lại vẫn làm thơ. Túi tiền của chúng ta trống trơn vậy mà chúng ta vẫn mải mê bàn luận về Khổng Mạnh.

Một số trong chúng ta có may mắn được học tiếng Pháp, mới chỉ viết được dăm ba câu, nói được vài ba chữ, đã tưởng rằng nắm được hết các môn khoa học của những vị thầy của mình. Không ai có thể vỗ ngực cho mình đã đạt tới đỉnh cao của khoa học, và khi mới chỉ bước chân vào ngưỡng cửa của những điều huyền bí của khoa học là đã có thể trở thành người hướng đạo cho đồng bào mình trên con đường cao quý của sự tiến bộ.

Thật đáng thất vọng! Phải chăng sự tiếp xúc qua nhiều thế kỷ với nước Trung Hoa đã dập tắt trong chúng ta mọi sinh khí tới mức chúng ta chỉ còn là những con rối cho các “chú thân thiết của mình” giật giây?

Nếu chúng ta chẳng phải là những con rối bằng gỗ thì sao chúng ta cảm thấy đau đớn khi bị áp sắt nung vào da thịt?

Tại sao chúng ta lại có thể bình thản khi sấm sét đang gầm thét trên đầu? Chúng ta có những người thầy tốt bụng, những người bạn chân thực, thế mà chúng ta lại từ chối những bài học mà họ sẵn sàng truyền dạy cho chúng ta. Chúng ta đóng chặt cửa, bưng tai bỏ chạy. Tóm lại, chúng ta coi những người muốn làm điều tốt lành cho chúng ta như những kẻ thù. Và trong sự hận thù điên dại đó, chúng ta đã đi đến chỗ muốn trao vận mệnh của Tổ quốc ta vào tay của một quốc gia mới xuất hiện, một quốc gia sẽ chỉ biến chúng ta thành những kẻ nô lệ.

Chính điều mong muốn ấy tự nó đã là sự điên rồ, bởi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được, trừ khi trái đất có thể đuổi kịp mặt trăng.

Ôi! Thật là một hy vọng hão huyền! Không bao giờ chúng ta có thể tìm thấy cái quốc gia mà một số người trông chờ sự thống trị. Trên thế giới này người ta kính nể kẻ mạnh và coi khinh những kẻ yếu; và người ta cũng chẳng rủ lòng thương hại những kẻ dốt nát và những kẻ ngu ngốc. Sự mong đợi của các bạn thật đáng nực cười, hỡi các đồng bào của tôi. Và sự nực cười đó lại dội lên chính các bạn. Các bạn chờ mong cái gì? Mong nước sông Hồng trở nên trong trẻo chăng? Bao giờ điều đó mới xảy ra? Tại sao lại không lo trời cũng sẽ sập lên đầu chúng ta, và trời cũng sẽ sắp sập đấy; rồi các bạn sẽ thấy.

May thay nhờ có báo chí, tân thư dần dần xâm nhập vào dân chúng, và chúng ta đã bắt đầu thức tỉnh. Nước Pháp bảo hộ đã hào phóng ban phát cho chúng ta món ăn tinh thần. Ở khắp nơi, Nhà nước Bảo hộ đã mở trường học, cải tổ việc thi cử, phát hành rộng rãi báo chí, lại còn lập ra Hội đồng tư vấn. Những công trình ấy là những công trình khai hóa cao siêu. Song Nhà nước bảo hộ không thể làm tất cả trong một lúc. Dần dần Nhà nước sẽ hoàn thiện về sự nghiệp đang được tiến hành. Nếu Nhà nước thật sự có ý định dẫn dắt chúng ta vào con đường tốt lành, điều đó thật dễ dàng, bởi Nhà nước sẽ tìm thấy trong chúng ta những đệ tử dễ dạy và họ sẽ nhanh chóng làm rạng danh người dạy dỗ mình.

Hẳn là những người An Nam dường như chưa thoát khỏi cơn mê ngủ. Mắt nhìn chưa tinh, tai nghe chưa thính. Họ chưa qua khỏi căn bệnh đờ đẫn hàng thế kỷ. Họ đã thử lập các hội buôn bán, hội nông, nhưng họ chưa có kinh nghiệm và còn rụt rè. Họ cũng chưa biết nên chọn lọc chữ Nho hay chữ Pháp. Từ trạng thái bất định lưỡng lự chung ấy, xảy ra tình hình quái lạ, mọi người đua nhau nói cùng một lúc nhưng chẳng ai nghe người bên cạnh nói gì. Có những kẻ chẳng hiểu gì về sự ầm ĩ đó lại lớn họng hơn những người khác, khiến tình trạng càng thêm hỗn loạn. Rồi lại luôn luôn có những kẻ chuyên buông câu khi nước đục, lợi dụng sự hỗn loạn đó để thả những mẻ lưới nguy hiểm. Họ kích động dân chúng nổi loạn chống lại chính quyền, và những cuộc kích động đó đã gieo họa cho tất cả kẻ có ý xấu cũng như người có ý tốt. Đó là cái họa mà những người hiểu biết rất lấy làm tiếc nhưng biết làm sao được?

Bất hạnh thay, tôi xin nhắc lại rằng sự tình đó đã dẫn đến những sự hỗn độn rất đáng tiếc. Những người tốt bị nghi ngờ như kẻ xấu. Người đọc sách tân thư, nói lời tiến bộ bị đánh đồng với kẻ nổi loạn. Tình trạng hỗn loạn này cần phải được chấm dứt. Cần phải hiểu rằng những người có lương tri và ham hiểu biết không bao giờ muốn làm những điều phạm pháp. Họ ghê sợ sự cướp đoạt dù chỉ là một đồng chinh, cũng như ghê sợ sự đổ máu. Những người có đôi chút hiểu biết về lịch sử thế giới biết rõ số phận dành cho những người lính Cipayes ở Ấn Độ. Họ cũng chẳng muốn bắt chước người Philippines đổi chủ này bằng chủ khác. Họ cũng chẳng bao giờ dại dột lấy trứng chọi đá. Họ không bao giờ hồn nhiên đẩy đồng bào mình xuống vực thẳm. Họ cũng chẳng bao giờ đồng tình với gương Kỳ Đồng Thiên Binh (1) vẫn để lại những dấu ấn lố bịch. Người Âu châu có nói “từ đỉnh Capitole đến mỏm Tarpeinne chỉ có một bước chân” (2). Còn người An Nam chỉ nói vinh quang và bất hạnh chỉ cách nhau một sợi tơ; bên này hố sâu là cái phúc, bờ bên kia là cái họa.

Phải chăng ý Trời không muốn điều bất hạnh sẽ xảy ra ở nước ta để dân ta phải đối đầu với những đại họa tồi tệ nhất? Chính là trời muốn trừng phạt những kẻ hung ác và chỉ nâng đỡ những người tốt và những người sáng suốt một lúc nào đó sẽ được minh oan trước con mắt của Chính phủ. Hạt giống tốt rồi sẽ loại bỏ loài cỏ dại, và cùng với mùa màng bội thu, nước Pháp sẽ nhận ra rằng nước ta dù trong 40 năm trở lại đây còn giống như người say, người chết, vẫn có thể biết phát huy những bài học mà nước Pháp đã dạy cho họ.

Những năm tháng nghi kỵ và rối loạn sẽ qua đi, Chính phủ sẽ niềm nở đón nhận tốt đẹp hơn, các hội học, hội buôn các loại. Chính phủ sẽ lập cho họ một quy chế thật rõ ràng giúp các hội này lập được chương trình hành động hữu hiệu. Nhờ đó, sự phát triển của nước An Nam sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ trên con đường tiến bộ và thịnh vượng.

Để kết thúc xin có lời khuyên với đồng bào chỉ nên trông cậy ở chính mình, chớ vọng ngoại vì vọng ngoại ắt là chết. Hãy coi trọng nền hòa bình của đất nước nếu chúng ta không muốn mua lấy cái chết. Những sự giải thoát của chúng ta là nằm chủ yếu trong sự học hành, mở mang trí tuệ (tức là Chi Bằng Học - không chi bằng cái học cả).

Chú thích

(1)Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm ở Thái Bình chiêu mộ đội quân chống Pháp, năm 1887 mệnh danh là “Thiên Binh” (quân lính nhà trời), đã bị thất bại.

(2)Capitole là một đỉnh đồi ở La Mã, có đài đón người chiến thắng – Mỏm Tarpếinne ở cạnh Capitole là nơi người ta đẩy kẻ phạm tội xuống vực cho thú dữ ăn thịt. Có câu tục ngữ: “Mỏm Tarpếinne gần đỉnh Capitole” ý nói sự sụp đổ thường theo sát sự vinh quang

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bài “Chi bằng học“ – tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước

    03/09/2015GS. Vũ Ngọc KhánhĐi sâu vào tư tưởng và học thuật, ông còn được đánh giá, được phát hiện ở nhiều lĩnh vực. Sau khi ông mất, hàng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đã đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày 24-3, đăng ảnh ông rất trang trọng, gọi đó là kỷ niệm ngày mất cụ Tây Hồ. Số báo nào, ông Huỳnh cũng trích một câu nói của Phan Châu Trinh - Tri Bằng Học - xem như một lời danh ngôn...
  • Phan Châu Trinh, Nelson Mandela, San Suu Kyi với Văn hóa và Giáo dục

    20/04/2018Chu HảoMột thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần Khai dân trí-Chấn dân khí của Phan Châu Trinh vẫn còn sống mãi, và chúng ta vẫn đang tiếp bước người xưa...
  • Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp

    23/03/2018Đinh Xuân LâmPhan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Trong dịp dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ, thiết tưởng việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh để rút ra những bài học cho hôm nay cũng là một việc làm cần thiết và bổ ích...
  • Thử nhìn lại vị trí của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh trong hành trình dân tộc vào thế kỷ XX

    26/12/2017Vĩnh Sính“Khi Pháp mới đến Đông Dương, nước An Nam đã chín muồi trong tình cảnh nô lệ”! Trong hoàn cảnh đất nước bi đát như thế, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là hai sĩ phu, hai bậc đại hào kiệt đi hàng đầu trong vận động giành lại độc lập dân tộc vào giai đoạn giao thời 25 năm đầu thế kỷ XX. Tuy cùng chung hoài bão cứu nước, lập trường của hai nhà chí sĩ họ Phan trên một số vấn đề căn bản của đất nước lại rất khác nhau, thậm chí có khi tương phản...
  • Phan Châu Trinh, nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ

    24/03/2015GS. Trần Văn GiàuNhân lần giỗ thứ hai của GS Trần Văn Giàu (24/11, tức 11/10 Âm lịch) Hồn Việt đăng sau đây bài Phan Châu Trinh – nhà cổ động của chủ nghĩa dân chủ, một tác phẩm sử học tầm cỡ của giáo sư, để bạn đọc tham khảo...
  • Phan Châu Trinh và một số vấn đề văn hóa tư tưởng hôm nay

    29/07/2014Vương Trí Nhàn... Phan Châu Trinh mang lại một cách nghĩ mới về các vấn đề quốc gia dân tộc. Sự phát triển tư tưởng ở ông đánh dấu một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn hóa tư tưởng phương Tây ở VN. Ông cũng có cách nhìn nhận hiện đại đối với các vấn đề thiết cốt như tình trạng đời sống tinh thần của dân tộc trong lịch sử, từ đó có quan niệm riêng về yêu nước về dân chủ -- những quan niệm sâu sắc tới mức mà xem ra ở vào thời điểm đầu thế kỷ XXI , nhiều người chúng ta vẫn còn chưa với tới được.
  • Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh

    07/06/2014Nguyễn Đức SựSự thực, chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh là một hiện tượng nổi bật trong xã hội Việt nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nó chứng tỏ Phan Châu Trinh rất quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của nước nhà. Chính vì vậy mà ông muốn cải tạo xã hội Việt Nam lúc đương thời theo con đường cải lương...
  • Phan Châu Trinh và công cuộc ly khai văn hóa Hán tộc

    24/03/2014Trần Gia PhụngĐể mở đầu cuộc khai dân trí nhằm chấn dân khí và hậu dân sinh, đầu tiên Phan Châu Trinh vận động từ bỏ “cái học cũ”. Muốn từ bỏ “cái học cũ”, việc đầu tiên Phan Châu Trinh chủ trương là bãi bỏ việc học chữ Hán, và bãi bỏ việc dùng chữ Hán, đồng thời từ bỏ luôn thi cử Hán học...
  • “Phan Châu Trinh hiện đại một cách lạ lùng!”

    24/03/2014Anh Kiệt thực hiệnNgay trong lúc bị thực dân Pháp cai trị, một quốc tang độc nhất vô nhị được nhân dân cả nước đồng loạt tổ chức. Học sinh bãi khóa, tiểu thương bãi thị, 100.000 người Sài Gòn xuống đường đưa tang...
  • Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh

    20/03/2014Mai Thái LĩnhMột số nhà nghiên cứu hiện nay tìm cách giải thích tư tưởng của ông theo chiều hướng “cải lương”: chỉ đánh giá cao ông như một nhà giáo dục, nhà văn hóa lớn (thậm chí một nhà cách mạng văn hóa) mà vô tình hay cố ý bỏ quên vai trò của Phan Châu Trinh với tư cách là một nhà hoạt động chính trị...
  • Ý nghĩa tác phẩm Tân Việt Nam của Phan Châu Trinh

    23/01/2014Vĩnh Sính *Trong những tác phẩm chính luận viết bằng Hán văn của Phan Châu Trinh (1872-1926), có một tác phẩm rất quan trọng nhưng từ trước tới nay chưa được tìm hiểu đúng mức, thậm chí ít được biết đến. Tác phẩm đó mang tên là Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp; sẽ viết là Tân Việt Nam)...
  • xem toàn bộ