Hướng nghiệp sớm cho học sinh

03:51 CH @ Chủ Nhật - 02 Tháng Mười Một, 2003

Một sự thực

Có bao nhiêu người trên 18 tuổi ở nước ta khẳng định chắc chắn rằng họ đã được hướng nghiệp rõ ràng, đầy đủ khi họ chuẩn bị rời ghế phổ thông? Thực tế là, phần đông học sinh đến đầu lớp 12 (hoặc nhiều trường hợp muộn hơn) khi đặt bút làm hồ sơ thi vào ĐH-CĐ... mới vỡ lẽ rằng các em biết quá ít, quá nông về các nghề nghiệp trong xã hội.

Và dường như hầu hết sự quan tâm của giới học sinh dồn vào những nghề mà theo các em là hấp dẫn, sạch sẽ và hào nhoáng: lập trình viên, tiếp viên hàng không, phóng viên, kỹ thuật viên... Và chỉ khi góp một vào mươi nghìn bài thi điểm O, góp mình vào hơn 80% có tổng điểm thi ĐH dưới 15, những nghề nghiệp khác mới được các cô tú cậu tú nhìn nhận tới. Sự "thức tỉnh" có, đang diễn ra, nhưng quá chậm.

Một cách làm

Thay cho giờ sinh hoạt cuối tuần dằng dặc buồn tẻ, hai tuần một lần, trước mắt là học sinh khối 12 cùng tập trung để nghe và để hỏi về các nghề nghiệp khác nhau, từ nghề phổ thông nhất đến đặc biệt nhất, từ nghề cổ xưa nhất đến nghề hiện đại nhất.

Diễn giả, trong những trường hợp không thể khác được, mới là những thầy cô đã quen thuộc của trường. Còn lại nên là những người đang làm chính cái nghề mà buổi hướng nghiệp quan tâm. Họ sẽ nói sẽ trả lời cho học sinh thấy được sự cần thiết của một nghề nào đó, nơi đào tạo, cơ hội tìm việc, khả năng phát triển trong nghề, những phẩm chất cần có của người theo nghề, những niềm vui và sự hy sinh cho nghề... Nếu có cơ hội, nhà trường - hội phụ huynh - địa phương kết hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đưa một nhóm học sinh đến tìm hiểu trực tiếp về công việc.

Tìm ở đâu những người tham gia hướng nghiệp như trên ư? Một trăm học sinh thì sẽ có hai trăm bậc cha mẹ, chẳng lẽ ngần ấy người lại chỉ làm có một nghề? Bao nhiêu khoá học sinh đã ra trường (của riêng trường phổ thông đó) chẳng lẽ lại không ai có một nghề?

Hướng nghiệp chỉ là một trong vô vàn chuyện của giáo dục. Không quá khó, không phải chuyện xa vời, nhưng hình như mọi người đang cùng nhìn nhau chứ không phải nhìn học sinh. Trong khi chờ - như đang chờ nhiều điều khác, các nhà trường và các bậc cha mẹ cần chủ động và sáng tạo.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: