Khả năng tiên tri qua hai trường hợp điển hình

Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng
10:39 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Giêng, 2014

Tiên tri luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Rất nhiều người thường xuyên đi xem bói, lấy lá số tử vi, xem chỉ tay, xem tướng... mà không hề băn khoăn về tính xác thực của các loại hình “dự báo” đó. Xin khảo sát hai nhà tiên tri lừng danh trong nước và quốc tế.


Hai trường hợp điển hình

  • Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Khả năng của Trạng Trình được lưu truyền qua nhiều trăm năm, khi ông được xem là biết việc 500 năm trước và 500 năm sau, khi dự báo chính xác 81 năm Pháp thuộc và sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô cuối năm Ngọ (1954), đầu năm Mùi (1955) qua lời sấm: “Cửu cửu càn khôn dĩ định - Thanh minh thời tiết hoa tàn - Trực đáo dương đầu mã vĩ - Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” (Luật trời đất đã định: 9 lần 9 là 81; Vào tiết thanh minh cuối năm Ngọ đầu năm Mùi; Tám vạn quân cụ Hồ sẽ về giải phóng thủ đô). Ông cũng được ca ngợi khi khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Dải Hoành Sơn là nơi có thể dung thân đến vạn đời). Tương truyền trong cuộc sống hàng ngày, ông cũng thường tiên tri thành công, chẳng hạn một lần đang ngồi với học trò, thấy người hàng xóm sang tìm, ông liền độn một quẻ Dịch và đoán người đó sang mượn búa. Mở cửa đón khách thì thấy đúng như vậy!
  • Nhà tiên tri Nostradamusông tên thật là Michael de Nostredame (1503-1566), là thầy thuốc Pháp lừng danh thế giới vì khả năng tiên tri. Tác phẩm của ông đến nay vẫn được ấn hành và thu hút khá đông người đọc. Toàn bộ dự báo của Nostradamus được viết trong công trình Tiên tri, trong đó 6 tập được phát hành lúc ông còn sống, tập đầu tiên vào năm 1555. Công trình hoàn chỉnh gồm các khổ thơ tứ tuyệt có vần, được gọi là Thế kỉ, vì 100 khổ ghép lại thành một phần. Tổng cộng có 940 khổ thơ, chia thành 10 thế kỉ, trong đó thế kỉ cuối chỉ có 40 khổ. Ông được xem là dự báo chính xác cái chết của vua Henry II, Đại hỏa hoạn London 1666, cuộc chạy trốn của vua Louis XVI và hoàng hậu Antoinette, sự nghiệp của Napoleon, chiến tranh thế giới thứ 2 và Hitler... Không lạ khi nhiều người xem Nostradamus là nhà tiên tri lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại.

Khoa học và tương lai của vũ trụ

Với thành công rực rỡ của cơ học Newton (chẳng hạn dự báo chính xác chu trình 69 năm của sao chổi Harley), khoa học thế kỉ 19 tin rằng, nếu đủ kiến thức và kĩ năng, chúng ta có thể dự báo chính xác hành trạng của vũ trụ trong một tương lai bất kì. Đó chính là quyết định luận Laplace nổi danh trong lịch sử khoa học. Điều đó có nghĩa, tiên tri là một khả năng có cơ sở khoa học. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ giỏi để dự báo đủ xa hay không mà thôi. Và Nostradamus vẫn được viện dẫn để chứng minh cho khả năng kì diệu đó.

Vấn đề hoàn toàn thay đổi khi bước sang thế kỉ 20. Nguyên lý bất định Heisenberg của cơ học lượng tử (khoa học về thế giới vi mô) cho rằng, không thể xác định chính xác hành trạng của thế giới vi mô. Và đó là vấn đề nguyên tắc, chứ không phải là vấn đề kĩ thuật. Điều đó chứng tỏ, không thể dự báo tương lai của các sự biến trong vũ trụ, bất kể con người thông minh và tài giỏi đến mức nào. Đó là phát súng ân huệ đối với quyết định luận Laplace và ước vọng tiên tri của con người.

Giải mã hai nhà tiên tri Trạng Trình:

Cho rằng Trạng Trình đoán đúng thời Pháp thuộc là không đúng, vì nếu lấy mốc giải phóng thủ đô là 1954 - 1955, thì trừ đi 81 năm, sẽ được thời điểm 1873 - 1874, theo lời sấm là bắt đầu thời kì Pháp thuộc. Đây là kết luận hoàn toàn sai so với lịch sử, dù tính theo thời điểm Pháp bắt đầu xâm lược (1858), chiếm Hà Nội lần cuối (1884) hay bắt đầu khai thác thuộc địa (1897). Cũng không thể xem “Hồ binh bát vạn nhập Tràng An” là sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô đáng tự hào, vì dưới thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, “Hồ binh” mang nghĩa hoàn toàn khác (quân man di biên ngoại, theo cách gọi khinh khi của người Hán đối với các dân tộc ít người phía tây bắc Trung Hoa). Nói cách khác, giữa lời sấm và sự kiện Điện Biên Phủ chấn động địa cầu không hề có dây mơ rễ má gì với nhau.


Ngôi nhà đã tu sửa của Nostradamus
ở Salon-de-Provence

Việc Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam mở đầu cơ nghiệp nhà Nguyễn thì chỉ là kết quả của cái nhìn sâu sắc về địa chính trị, chứ không phải là sản phẩm của tiên tri. Chuyện độn đúng việc mượn búa của hàng xóm thì đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ông thường xuyên cho mượn búa.

Nostradamus: Giới nghiên cứu mất nhiều công khảo sát các dự báo của Nostradamus và phát hiện, thực tế hoàn toàn khác với sự ngưỡng mộ dành cho ông. Ít người biết rằng, sau khi ông chết, các khổ thơ vẫn tăng sau mỗi lần xuất bản. Ngoài ra là nhiều lần xuất bản “ma”, chẳng hạn một lần xuất bản đề 1568, nhưng kĩ thuật in ấn cho thấy, nó được in trong thời gian 1649 - 1700. Điều đó chứng tỏ, người hâm mộ đã viết nhiều dự báo và gán cho ông. Dự báo sau khi các sự kiện đã xảy ra thì làm gì mà không chính xác!

Chẳng hạn khổ thơ 2-51 được xem là dự báo Đại hỏa hoạn London 1666 có nội dung: “Dòng máu của người chính nghĩa sẽ đổ ở London - Thiêu cháy do tiếng sét của hai mươi ba sáu - Nhà thờ cổ sẽ sụp đổ từ đỉnh cao chất ngất - Nhiều tín đồ của giáo phái sẽ bị giết”. Để phù hợp với đám cháy 1666, nhiều thay đổi và giải đoán đã được thực hiện. Như “nhà thờ cổ” được xem là Đại giáo đường St Paul, bị tiêu hủy trong hỏa hoạn; “hai mươi ba sáu” được xem là 1666... Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Randi, đồng sáng lập Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường, Mỹ, khổ thơ dường như miêu tả sự kiện cùng thời Nostradamus, đó là cuộc tàn sát người Tin Lành dưới thời Nữ hoàng Mary I, nếu thay đổi một chút (nhưng hợp lý) nội dung câu thơ thứ nhất và thứ ba: “Dòng máu người ngoại phạm là sai lầm ở London”, và “Quí bà già nua sẽ mất quyền lực tối cao”, vì Mary I lúc đó mất trí do quá già. Sau sự kiện trên 3 tháng, bộ sách Tiên tri mới được xuất bản lần đầu vào tháng 5-1555, một thời gian đủ dài để Nostradamus biết rõ mọi thông tin. Mọi dự báo khác của Nostradamus cũng ở tình trạng tương tự. Và không nên quên rằng, Nostradamus tiên tri ông chết tháng 11-1567; thực tế là tháng 7-1566 ông đã từ trần.

Tại sao tiên tri?

Vì đó là bản chất bên trong của con người - loài động vật duy nhất trên trái đất có nhu cầu và biết qui hoạch tương lai. Vì thế khi có các loại hình qui hoạch đơn giản và tiện dụng, chúng ta có xu hướng tin tưởng một cách không phê phán. Điều đó giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình, chí ít trong tâm tưởng? Và đó là một nhu cầu mang tính nhân văn.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Giải mã các hiện tượng dị thường

    19/12/2008Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên CườngChúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người...