Không nên độc quyền in sách giáo khoa

03:51 CH @ Thứ Ba - 16 Tháng Mười Hai, 2003

Mảnh trời riêng

Ông Lý Bá Toàn, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Văn hoá Thông tin cho biết: SGK được xuất bản theo đúng quy trình của Luật Xuất bản, không có ngoại lệ. "Tức là NXBGD có đề tài, xin giấy phép, Cục Xuất bản chấp nhận. Nói thế nhưng đối với SGK Cục không thể và cũng không dám gạt ra bất cứ đầu sách nào. Hầu hết là được chấp nhận 100%, chỉ trừ sách tham khảo đôi khi chúng tôi còn có ý kiến".

Tính chất "đặc biệt" của SGK là in số lượng lớn, lượng "bạn đọc" ổn định, chỉ có tăng mà không giảm. Nếu như với các NXB khác số bản in mỗi đầu sách chỉ 1.000 bản thì SGK phải lên tới hàng chục vạn, ít nhất như sách tham khảo cũng không dưới 5.000 cuốn/đầu sách. Trong năm nay, số bản SGK là 160 triệu bản, chiếm tới 70% số bản sách trên toàn quốc. 43 NXB còn lại chỉ xuất bản khoảng 40 triệu bản sách các loại. Cũng vì tính chất "đặc biệt" của SGK mà tại Hội thảo về giá và phí phát hành sách (tổ chức ngày 16.12) vấn đề giá SGK cũng phải đặt ra ngoài vì không thể đưa vào so sánh.

Giá SGK cần rẻ hơn
"Giá SGK VN hiện nay không ở mức cao so với thế giới và giá sách trong nước, nhưng vẫn còn cao so với thu nhập của người dân và cao so với giá thành sản xuất" - giám đốc nhiều NXB khi được hỏi đều khẳng định như vậy và cho rằng vẫn có thể giảm được giá SGK.

Một chuyên gia về in ấn đưa ra phép tính: Làm chế bản 3.000 đồng/ trang. Nếu in 500 bản giá sẽ là 6 đồng/ trang, 1.000 bản sẽ là 3 đồng/ trang, 10.000 bản sẽ là 0,3 đồng/ trang. Số lượng càng lớn, giá thành sản xuất càng hạ ở mức độ ghê gớm theo cấp số nhân.

Một phép tính đơn giản khác về giá thành in ấn một quyển sách với một NXB: Khoảng 300 trang khổ nhỏ, 1.000 quyển, tác giả được nhận 2,5 triệu đồng, giá bán là 24.000 đồng/ quyển (NXB bị lỗ). Nhưng nếu in 10.000 quyển, tác giả được nhận 17 triệu đồng (tăng 7 lần), giá bán 9.000 đồng/ quyển (giá giảm gần 3 lần) nhưng NXB có lãi... Hơn nữa, theo chương trình và SGK mới, HS có thể làm bài tập vào luôn SGK. Sách đã bị viết vào, đương nhiên năm sau không để cho HS lớp dưới dùng lại. Vì vậy mà quyển sách rất đẹp cũng bị bỏ đi. NXB Giáo dục lại tái bản hàng vạn quyển.

Ông Nguyễn Đình Thiêm, Giám đốc NXB Lao động Xã hội quả quyết: "Nên xoá bỏ độc quyền in SGK. Như vậy sẽ đảm bảo cạnh tranh, giảm được giá thành". TS Vi Quang Thọ, Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Khoa học Xã hội thận trọng hơn: "Vấn đề không phải là mô hình mà là cách quản lý. SGK có nhu cầu nhiều, vấn đề là lợi nhuận, được đưa vào tái đầu tư hay rơi vào tay ai. Nếu không độc quyền, nhiều NXB cùng xuất bản sách sẽ đảm bảo được tính cạnh tranh. Có cạnh tranh sẽ có sách đẹp, giá hạ. Đứng về tư cách người làm sách tôi rất muốn làm để lấy lãi. Tuy nhiên, nếu đứng về lợi ích xã hội thì tôi không ủng hộ, nhưng cũng không ủng hộ cách quản lý như hiện nay".

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Minh Hiển cũng đã phải trả lời về vấn đề SGK: "Sách là sản phẩm khá đặc biệt, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì cũng có thể gây hậu quả lớn và có tác động dây chuyền không có lợi nên phải quản lý đặc thù, phải biên soạn, thẩm định và đưa vào sử dụng trong các trường theo quản lý của Bộ chứ không hẳn ngành giáo dục muốn độc quyền. Điều kiện hiện nay chưa làm khác".

Người lãnh đạo không có một tư duy đột phá thì không thể cải thiện tình hình. Thay đổi cách làm sách hiện nay là một bài toán vượt khỏi tầm giải quyết của ngành, và đòi hỏi sự ưu tiên, xem xét và quyết định của Chính phủ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: