Không thể giải quyết các vấn đề học thuật bằng tư duy hành chính

03:51 CH @ Thứ Năm - 23 Tháng Mười, 2003

Hồ sơ ảo nhìn thấy
Hồ sơ nộp mà không có người đến thi hoặc chỉ để giữ  "chỗ" xét tuyển, được gọi là "hồ sơ ảo". Chưa bàn tới hồ sơ ảo lợi ai thiệt ai, song điều tệ hại nhất là nó làm nhiễu toàn bộ quá trình tuyển sinh, từ khi đi thi, đến  xử lý kết quả chung, và xét tuyển vì "thật giả lẫn lộn". Năm 2002, số lượng hồ sơ ảo lên đến 712.146 (xấp xỉ 46 %) so với tổng số thí sinh đến dự thi là 823.854. Số tiền lãng phí ước tính lên tới 17,466 tỉ đồng. Năm 2003, hồ sơ ảo ước đoán khoảng 600.000 trong tổng số khoảng 950 ngàn thí sinh.

Giá hồ sơ đăng ký dự thi năm nay, so với năm ngoái lại tăng thêm 10.000 đồng/1 bộ, nên số tiền thu được từ bán hồ sơ  có lẽ  vẫn không giảm. Chưa bàn đến giữa  "17,466 tỉ đồng là lợi  ích tập  thể, và  500 tỉ đồng lợi ích quốc gia" trong thực tế, con số nào sẽ lớn hơn, song thiếu sót này rất tiếc vẫn  không được khắc phục. 

Hồ sơ ảo không thấy được
Mỗi thí sinh năm nay được đăng ký ba nguyện vọng (NV). NV3 xem xét sau, còn hai cứng (NV1 và NV2) được xét tuyển đồng thời, nhưng có ba sự lựa chọn 1,2 và 3 điểm để các trường tùy tình hình quyết định. Cách tuyển này được ông Bành Tiến Long phát biểu trên báo chí là điểm mới của kỳ thi 2003.

Có ý kiến cho rằng: "108 trường  đại học, mỗi TS hai  NV cứng, thì chỉ cần 216 lần trao đổi đĩa mềm giữa các trường cho nhau là được!". Số lượng lần trao đổi, nhẩm tính theo kiến thức phổ thông phải  lớn ít nhất gấp hàng ngàn lần (!?).  Sự nhầm lẫn đáng tiếc  này  dẫn đến "ảo" , hư thực thế nào khó đoán được. Đặc biệt, các trường không tổ chức thi tuyển hoàn toàn rơi vào thế bị động. Không ít người chưa rõ  "ảo"  xuất xứ  ở đâu ra vì nó rất lạ. Phải  chăng "ảo"  ở  trong tư duy chỉ đạo?  Việc xét tuyển, rõ ràng đã  vượt khỏi  tầm kiểm soát? Đây là nguyên nhân cơ bản nhất, mà tất cả các trường "cũng... khóc vì "ba chung".

Khác với các nước phương Tây, do điều kiện kinh tế xã hội, và ở một số nước có  nền văn hoá Á Đông như Việt Nam, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, áp lực vào đại học là rất lớn, sử dụng phương thức ba chung trong thi tuyển vào ĐHCĐ là thích hợp.

Về hình thức sự tổ chức có thể khác nhau, song việc xử lý kết quả chung lại có cùng cơ sở khoa học. Kết quả  tuyển sinh năm 2002 chưa thành công, đáng lẽ nó phải  là một bài học quý. Các số liệu được sử dụng làm "thực nghiệm" mọi phương án chỉ đạo. Sự lợi hại  rút ra có thể được coi là căn cứ khoa học, trước khi báo cáo các cấp và xem xét quyết định.

Thật tiếc, thực tế không diễn ra như vậy. Nghiên cứu kỹ kinh nghiệm để cân nhắc lợi hại các phương án ở tầm quốc gia, rất tiếc lại được  thay thế bằng các lần thỉnh thị các cấp và tổ chức các cuộc họp đủ loại tốn kém, mất nhiều thời gian. "Họp hành báo cáo nhiều là do bài toán tuyển sinh không muốn giải quyết bằng tư duy của chính mình, mà phải bằng cái đầu của người khác" nhiều chuyên gia am hiểu vấn đề trong ngành đã từng phát biểu. Kết quả là sự chỉ đạo xa với thực tế và tiền hậu bất nhất, gây hoang mang trong xã hội.

Ví dụ các trường được phép  gọi 115% so với chỉ tiêu mà Bộ GDĐT đã quy định, song nhiều trường phòng xa do thí sinh "ảo", đã gọi tới 160, 170% hoặc nhiều hơn. Kết quả, không ít thí sinh đạt điểm cao, thậm chí đạt 23 điểm (trung bình gần 8 điểm /môn) mà vẫn trượt. Trong khi đó,  nhiều thí sinh đạt "6-7" điểm ba môn (trung bình 2 điểm/môn) vẫn có thể đậu. Sự  nghiêm minh và công bằng là mục tiêu chất lượng cơ bản của kỳ thi, đã bị thả nổi.

Đâu là giải pháp?
Chương trình, sách giáo khoa và cách đánh giá kết quả (bao gồm cả khi tốt nghiệp, thi ĐHCĐ) là một tổng thể khoa học thống nhất. Thực tế cho thấy, việc tiếp  cận  thiếu khoa học, hệ thống và đồng bộ (ví dụ như biên soạn  sách giáo khoa hiện nay), sinh ra nhiều bất ổn cho dạy và  học, kể  cả thi cử. Việc đúng sai đề thi vật  lý năm nay cũng thành vấn đề trên công luận, do thiếu sách giáo khoa chuẩn làm căn cứ khoa học để  tham chiếu.  

Có nhiều ý kiến góp ý tiếp tục cải cách mạnh mẽ kỳ thi vào ĐHCĐ trên công luận, như sử dụng kỹ thuật hiện đại của công nghệ thông tin, thi trắc nghiệm, gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐHCĐ là một.... Các ý kiến đó rất hay, song trên cơ sở tư liệu quốc tế  cũng xin lưu ý: Nga thí điểm trắc nghiệm gần mười năm nay, vẫn chưa được phép triển khai. Trắc  nghiệm có nhiều ưu điểm, song ngay cả Mỹ cũng không coi là toàn năng cho tất cả các môn học do còn nhiều hạn chế.

Việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và ĐHCĐ nước Nhật có kinh nghiệm giữ kỳ thi đại học và sử dụng hình thức nhẹ nhàng để  bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, mà không ít nước đang nghiên cứu đi theo xu thế này. Giáo dục là lĩnh vực liên quan đến con người, sự thay đổi  là cần thiết, song nó đòi hỏi một sự nghiên cứu nghiêm túc, cân nhắc kỹ lưỡng và xuất phát từ truyền thống, thực tiễn kinh tế xã hội nước ta.

Chủ trương ba chung với các mục tiêu đưa ra trong đợt cải cách thi cử vào ĐHCĐ  của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn vào hợp lòng dân.  Vấn đề ở đây không phải là chủ trương ba chung, mà ở chỗ tổ chức để  đưa nó vào cuộc sống. Đây là vấn đề trí tuệ, đòi hỏi một tư duy khoa học, chứ không phải tư duy hành chính.

Ngọc Dung

LinkedInPinterestCập nhật lúc: