Câu chuyện cổ tích thứ nhất

09:29 CH @ Thứ Bảy - 07 Tháng Chín, 2013

Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua. Vua trị vì một đất nước bằng cách ngồi trong cung điện. Đến mức khi vua đang ngắm tranh, đọc thơ hay đo chiều rộng các gian phòng, có người hỏi:

- Thánh thượng đang làm gì đấy?

Quần thần liền trả lời:
- Đang vạch ra kế hoạch cai trị.

Lâu lâu, để nắm tình hình, vua vời quan Tể tướng vô:
- Thiên hạ ra sao rồi?

Tể tướng trình bày:
- Muôn tâu, khá hơn trước ạ.

Vua yên tâm, nghĩ mọi thứ đều tốt.

Một hôm, vua ra ngoài kinh thành chơi. Cưỡi ngựa xem... dân chúng. Cờ xí rợp trời, đèn hoa rực rỡ. Ngài hài lòng lắm. Thấy một gã ăn mặc rất đẹp, vua cho gọi lại, hỏi:

- Nhà ngươi là gì?

Gã nọ khúm núm:
- Tâu Bệ hạ, thần là kẻ lái buôn.

Vua gật gù, mặc dù không hiểu buôn thực chất là thế nào.

Thấy một kẻ đeo nhiều vàng bạc, vua hỏi tiếp:
- Nhà ngươi là gì?

Kẻ đó vui vẻ:
- Tâu Thánh thượng, là kẻ kiểm soát bọn buôn.

Vua mỉm cười, mừng cho xã tắc thịnh vượng, người nọ biết nâng đỡ người kia.

Bỗng thấy một tên quần áo rách rưới, đầu tóc bơ phờ, lấp ló ở xa. Vua truyền cho đòi. Nhìn kỹ thấy thân thể gầy gò, lộ ra mười cái xương sườn. Vua thắc mắc:
- Nhà ngươi là gì?

Người đó buồn rầu:
- Muôn tâu, là dân chúng.

- Nhà ngươi sống ra sao?

- Muôn tâu, con sống khá hơn "Trước".

Vua nghe vậy thất kinh:
- Thế khá hơn "Trước" là khá ra sao?

- Dạ, là chỉ nhìn thấy chín xương sườn thôi, tâu Bệ hạ.

Vua quay lại phía quan Tể tướng:
- Thiên hạ thế này cả ư?

Tể tướng thưa:
- Dạ, thế này thế khác chẳng qua chỉ là một khái niệm. Cái chính tuy họ đói, nhưng họ trong sáng, lành mạnh, ít phạm tội.

Vua phân vân:
- Tội là sao?

Tể tướng giảng giải:
- Là mắc vào những điều như trộm cắp, gian tham, cướp kho, phá phú.

- Tội có đáng sợ không?
- Muôn tâu, có! Nhưng Bệ hạ không nên sợ, vì cung vua có tường cao, hào sâu, then to khóa lớn, cho nên những tội ấy dân chỉ phạm với nhau thôi. Cái đáng lo là tội nói xấu Bệ hạ, khó canh phòng chỗ nào được.

Vua buồn bực:
- Mình chịu ư?

Tể tướng đắc chí:
- Đâu có chịu. Tội trạng nào hình phạt ấy. Tội độc đáo, sự trừng trị cũng độc đáo. Kẻ nói xấu vốn sợ nhất không còn ai nghe mình nói. Cho nên với kẻ phạm điều này, ta không thèm chém đầu nó, mà chém kẻ nào tiếp xúc với nó.

Vua nghi ngờ:
- Như thế công hiệu chứ, khanh?

- Công hiệu lắm. Hắn sẽ sống với đồng loại mà như chết rồi. Không nói, không cười, không ăn, không ở được với ai cả.

Vua gật đầu, về cung, truyền quan Tể tướng làm ngay thành văn bản, đóng triện. Để cẩn thận, vua tự tay đề thêm:

"Luật này áp dụng từ ngày hôm nay, sẽ không có bất cứ sự sửa đổi nào cho tới vĩnh viễn".
Ký tên: VUA.

Đến bữa, quân lính giải tới một người:
- Tâu Bệ hạ, tên này phạm tội với Bệ hạ.

Vua nổi giận:
- Nhà ngươi nói xấu gì ta?

Người ấy hiên ngang:
- Thần không nói xấu Bệ hạ, mà nói xấu kẻ dưới quyền. Nhưng chúng cứ mang danh Bệ hạ ra mà bắt.


Vua gắt:
- Dưới quyền ta thì cũng là ta phần nào.

Người ấy được thả cho đi, nhưng có một toán lính theo sát. Hễ ai chào, hỏi, an ủi hay khuyên bảo điều gì đều bị xử chém.


Tội nhân cô đơn, lang thang giữa dòng đời như trên sa mạc. Hắn cả sợ, muốn gặp vua xin được chết cũng không xong. Bởi tới vua, phải qua bao nhiêu nấc, mà nấc nào lắng nghe hắn, nghĩa là cũng tiếp xúc với hắn, phải bị trừng trị liền.

Nhưng đến một ngày kia, lại có một tên nữa được giải tới. Vua hỏi:
- Ngươi nói xấu gì về những việc ta làm?
- Muôn tâu, thần chỉ nói xấu về những thứ Bệ hạ không làm mà thôi.

Vua cười khẩy:
- Cũng là tội.

Rồi xếp tên đó cùng loại với tên trước.

Nhưng gay quá, luật quy định không ai được tiếp xúc với chúng, nhưng chẳng hề cấm chúng tiếp xúc với nhau. Hai tên tội phạm trở nên có bầu có bạn, và tha hồ nói xấu vua.

Kinh nghiệm ấy được lan truyền khắp vương quốc. Thiên hạ bất bình về vua, không nói một mình nữa, mà rủ cả nhà, cả họ, thậm chí cả xóm, cả làng cùng nói.

Số ấy ngày càng trở nên đông đảo. Đến nỗi nếu không tiếp xúc với chúng, sẽ chẳng còn tiếp xúc được với ai. Từ kẻ thổi xôi, nấu cháo cho tới người chạm bạc đúc vàng cũng phải nói xấu nhà vua, nếu muốn thiên hạ chấp nhận.

Tình huống trở nên nan giải, tới lúc cả vương quốc phạm tội, còn trơ lại bọn quần thần. Chúng cũng đành quay sang nói xấu vua, hy vọng còn có người cho ăn và phục vụ.

Vua và quan Tể tướng thất thểu, bơ vơ. Tới đâu mọi người cũng xô nhau chạy tới đấy, không chào hỏi, bẩm thưa gì cả. Rồi quan Tể tướng cũng phản bội. Ông ta hét vang giữa chợ:
- Bệ hạ xấu lắm!

Vua mắng:
- Nhà ngươi còn xấu hơn. Nhà ngươi đã từng lợi dụng cái xấu của ta mà tồn tại.

Tể tướng hòa vào đám đông. Vua quát theo:
- Mi tưởng thoát được à? Ta sẽ đổi mới - tự nói xấu ta. Thế là ta cai trị như cũ!

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cô bé quàng khăn đỏ

    26/09/2019Vũ Thế LongTrời trở lạnh, tuyết rơi trắng xóa. Bà chuẩn bị vào rừng hái nấm. Trước khi đi, bà dặn cô bé quàng khăn đỏ: “Cháu đã lên 5, bà tin cháu bà rất thông minh. Nếu có người lạ đến gõ cửa, cháu phải trả lời hết sức lịch sự, lễ phép. Không được hờn giận, khóc nhè. Ngày mai đến lớp, cô sẽ kiểm tra 125 chỉ số đấy!
  • Cái tên độc đáo

    28/05/2016Lê Thị Liên HoanNhư tất cả các cặp vợ chồng trên đời, ngày quan trọng nhất đối với vợ chồng anh Tư là ngày có con. Trước ngày đó, anh chị đã say sưa chuẩn bị đủ thứ: tã lót, khăn bông, thuốc sát trùng, phấn rôm, bình sữa.
  • Xót tiền dân

    09/04/2015Cái lão Azit Nêxin thật đáng ghét. Câu chuyện của lão sinh ra cả mấy chục năm trời, mà ở tít tận nước Thổ Nhĩ Kỳ chứ gần gũi gì đâu. Thế mà vẫn khiến khối người Việt Nam ta giật mình thon thót. Đã thế, lần này người Việt mình đọc lại sản phẩm của lão một lần nữa để thấy rằng, lão còn lâu mới đúng tâm can của các nhà thầu Việt. Họ cao tay hơn rất nhiều, lão nhá!
  • Mèo bắt chuột

    03/10/2013Lê HoàngSau thời gian suy nghĩ năm mới đến, Tèo bất ngờ quyết định làm nghề đạo diễn điện ảnh. Nó tuyên bố: - Điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy, là công nghệ chế tạo ước mơ. Thử hỏi trên đời, ai có thể sống mà không mơ?
  • Hai lần chỉ thị

    26/08/2013Lê HoàngAi cũng biết, bản chất con người là tốt. Cái làm cho họ hư hỏng là xà bông bột, kem đánh răng, chổi quét nhà, dao cạo râu, dầu chải tóc, bịch ni-lông, bao đựng kẹp, nhựa vá xe, keo hàn nối… cùng với khoai lang chiên, mè bóc vỏ, cá bống kho… tóm lại là tất cả những thứ thuộc về vật chất.
  • Trao cho báo chí

    17/05/2011Trần Dĩ HạThưa các vị đại biểu. Tình hình tham nhũng đã đến lúc báo động hết cấp. Nếu chúng ta không tích cực chống tham nhũng thì nước ta sẽ rơi vào tình trạng thắng trong chiến tranh, thua trong hòa bình, quá khứ hào hùng nhưng tương lai thì tụt hậu...
  • Ông vua "không có đôi tai lừa"

    26/03/2011Bùi Quang MinhNgày xưa, tại một vương quốc nọ, vị vua đang trị vì tự dưng nhú lên một đôi tai lừa nho nhỏ. Nhà vua nhiều lần "ló mặt" ra quần thần, vi hành nên gây xôn xao trong dân chúng chuyện: Nhà vua hình như có đôi tai lừa?!
  • Điều răn

    05/01/2010Bài: Hà Thị, Ảnh: Bút ChìĐức Phật, Đức Chúa, và các đấng vĩ đại tương tự nói chung có xu hướng tóm tắt quan điểm học thuyết của mình lại thành các điều răn mang tính phổ quát, giản dị, dễ học thuộc lòng, để dạy cho đám chúng sinh cách sống sao cho hạnh phúc yên bình, các điều răn truyền từ đời nọ sang đời kia, thường là 10 điều. Theo gương đó, các bậc vĩ nhân ở nhiều tầm khác nhau sau này cũng hay đưa ra những lời răn, ở những lĩnh vực bé nhỏ hơn, cụ thể hơn, ít khái quát hơn và mang những tên gọi khiêm tốn hơn, chẳng hạn như lời dạy, lời khuyên, thậm chí là bài học hoặc kế sách, không giới hạn ở con số 10, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Chúa với Phật vắng dần, còn các dạng dạy khuyên, bài học, kế sách, biện pháp... thì ngày càng nhiều lên.
  • Ngày thơ ở Mỹ

    27/06/2009Lê HoànKhông chỉ Việt Nam mới có ngày thơ mà ở Mỹ cũng có. Mới đây, phóng viên của báo chúng tôi đã có dịp tham dự một ngày thơ như thế và gửi về bài tường thuật...
  • Quan lớn Lại – Quan lái lợn

    26/02/2009Nói lái là cách nói rất thông dụng trong đời sống hàng ngày của người Việt. Từ xưa đến nay, dân ta thường dùng cách nói lái để đố chữ, vui đùa, và cả châm biếm, đả kích các thói hư tật xấu. Hiếu Học xin giới thiệu một số giai thoại dân ta nói lái để giễu các quan lại xấu xa...
  • xem toàn bộ