Làm ăn kiểu mới

12:14 CH @ Thứ Hai - 14 Tháng Mười Hai, 2015

Chủ tịch xã nọ đương dẫn đầu về làm ăn kinh tế kiểu mới. Đấy là cách làm bao giờ cũng phải có lãi. Cái ý nghĩ ấy càng ngày nó càng sâu sắc ở trong ông đến nỗi ông tin rằng tất tần tật mọi thứ đều ở nó. Những thói hư tật xấu cùng những điều cao thượng và tốt đẹp. Cả những bông hoa nở trong vườn và những ngọn khói chiều bay lên từ mái bếp ở các làng quê. Chẳng phải làm ăn mà có lãi, thì đời sống vật chất và tinh thần dư dả. Thơ và nhạc cũng đi ra từ đấy.

Công tác ông ghét nhất là các đoàn thể, vì họ luôn xin ông chủ tịch ký duyệt, thường là vài trăm ngàn, có khi thì cả bạc triệu. Đoàn thanh niên, tổ chức phụ lão, hội phụ nữ, rồi cả mặt trận tổ quốc. Thật là rườm ra. Cả một lô xích xông các đơn vị ăn theo. Những đơn vị chẳng biết làm kinh tế, ông lắc đầu, bực mình chết đi được. Giá ông có quyền lực ông sẽ giải tán tất cả, mà chỉ để những đơn vị làm ăn có lãi. Mỗi khi ký cho họ một thứ gì đó ông đều hùng hồn huấn thị:

- Các vị phải học cách làm ăn có lãi, hôm nay tôi cho các vị bốn trăm, thì sang năm các vị phải để cho nó thành năm trăm và sang năm nữa phải là sáu trăm mới được.

Cấp dưới nhã nhặn tiếp thu. Họ ý thức được rằng tranh luận với chủ tịch lúc xin tiền là một điều thiếu “lịch sự”. Chỉ có khối trường học thuộc xã là xem ra chẳng nhạy bén mấy. Hôm nay họ đến xin ông ít tiền để sửa bàn ghế, ngày mai lại xin tổng kết học kỳ. Rồi tết các nhà giáo. Họ luôn phân trần rằng giáo dục bây giờ là quốc sách, là cho sự phát triển bền vững xã tắc. Họ so bì xã này với xã khác, tỉnh này với tỉnh kia làm ông rất bực. Đúng là một đơn vị không biết làm ăn kinh tế, ông lầm bầm vậy.

Buổi tối, trong chương trình nói chuyện kinh tế gia đình mà ông đặt ra để tăng kiến thức cho vợ con, ông bảo:

- Này bà nó. Sang năm theo đúng luật bên Tây, tôi sẽ cắt kinh phí nuôi thằng Cường nhà mình. Phải cho nó đi ở!– Câu nói của ông làm bà vợ giật mình, bà van nài:

- Sao ông nỡ làm như thế? Nó là đứa con trai độc nhất của gia đình, vả lại nhà mình có nghèo túng gì cho cam. Ông lại còn làm chủ tịch xã.

- Nghe vợ nói, ông bực bõ.

- Nhà mình giàu nên mới làm như thế. Tôi nói cho bà biết đấy là một cách làm tân tiến nhất chỉ có ở nước Mỹ và các nước bên Tây.

- Ối… ô. Ô. Ô. Ôi– Vợ ông kêu lên ngỡ ngàng, chẳng biết ông nói đùa hay thực. Xưa nay ông có nói đùa bao giờ đâu.

Còn ông thì vung tay hùng hồn.

- Đi ở đây không phải là kiếm miếng ăn, mà học làm ông chủ.

- Lại thế nữa cơ đấy. Thế mà tôi chẳng bao giờ nghe thấy điều đó.

Bà thật thà còn ông thì có vẻ không hài lòng.

- Thì tôi nói với bà điều này chỉ có ở bên Mỹ, bên Tây, bà biết làm sao được. Giới tư bản người ta dùng cái nghiệt ngã của việc làm ra tiền mà dạy cho con cái bài học đường đời. Cách dạy học ấy mới thật là thấm thía. Nó hơn cả bài học ở trong sách giáo khoa ấy.

- Nói đến học thì nó cứ như nước đổ đầu vịt. Tôi buồn lắm ông ạ. – Bà lại phàn nàn làm ông trừng mắt.

- Bà buồn vì cái gì chứ?

- Buồn vì việc học của con ấy. Cô giáo của nó vừa nói với tôi buổi họp phụ huynh vừa rồi.

Không đợi bà nói hết, ông đã diễn thuyết.

- Bà có thể bảo thẳng với họ rằng, tôi chỉ cần họ dạy cho nó các phép tính cộng trừ nhân chia, còn các thứ khác tôi sẽ dạy nó theo phương pháp tân tiến nhất của thế giới hiện đại. Nó sẽ trở thành một con người thành đạt. Thằng Cường đâu rồi!

Ông gọi con và tiếng thưa rõ dài của thằng bé vừa biết lấy lòng, vừa có vẻ láu cá.

- Dạ… ạ…

Với gương mặt sáng sủa, mái tóc nhuộm hơi đỏ bắt chước các diễn viên Hàn Quốc, rõ ràng nó đã biết ăn diện, dù mới học lớp 7, điều đó làm ông hài lòng.

- Con phải học cách làm ăn kinh tế. Con hãy đi mua mành trúc từ các gia đình về sửa lại rồi nhập thẳng cho phòng xuất khẩu tỉnh. Bố sẽ cho con mượn vốn.

- Thế thì tốt quá– Cậu bé trả lời giọng người lớn hẳn: - Nếu bố tin ở con, con sẽ nghĩ ra cách làm ăn có lãi như bố dạy.

- Cái đó là ở con, chữ tín là vàng đối với người làm doanh nghiệp.

-Đấy bà xem, - Ông quay sang vợ - Nó là đứa có bản lĩnh làm ăn. Nó có quần nọ áo kia, lại cả đồng hồ đeo tay mà tôi và cả bà đã bao giờ phải mua cho nó.

Cậu bé nghe vậy thì hớn hở:

- Con kiếm được gần bằng lương của cô giáo.

- Hừ… Ông không hài lòng – So sánh với những người được bao cấp làm gì, con phải so mình với những người biết làm ra lãi. Bố sẽ cho con vay vốn.

- Bố không tính lãi suất chứ….?

- Chà, thằng bé đã có máu hùng trong người đó. Nó đã biết vì những mục tiêu lớn lao. Nó sẽ thành một doanh nghiệp lớn, nghiêng ngả với đời. Tạm thời bố sẽ không tính lãi.

- Con cảm ơn bố.

- Hãy bỏ tất cả những chữ ơn huệ. Nó là dấu tích của sự ỉ lại, trông chờ. Con chỉ cần nói rằng con sẽ thành toán đúng hẹn thế là đủ. Nếu con muốn mở xưởng, bố sẽ sắm cho con chiếc đầu nổ F320 và bộ xay xát!

Bà mẹ nghe vậy thì giãy nảy.

- Con nó đã biết gì về máy móc.

- Con thuê người, mẹ không lo.

Nghe vậy, ông cười khoái trá.

- Thế chứ. Con thật là một người có bản lĩnh. Có lẽ cái cần thiết là phải sắm cho con một chiếc mũ phớt và chiếc can để con làm ông chủ. – Ông đùa vui vậy.

Thằng bé cũng chẳng vừa.

- Con sẽ sắm chiếc Véc Super rinh cái đó có dáng ông chủ đời mới mà lại kinh tế.




Ông ngả người xuống ghế xa lông, lòng tràn ngập một niềm êm ái, ông đang là người giàu có mà. Rồi ông sẽ là ông chủ. Một người làm ăn có lãi, mốn vậy chắc chắn là phải mở trang trại, à mà không. Cái từ trang trại ở nông thôn cổ lỗ lắm. Ông sẽ mở một đại công ty, phải xây một phòng giao dịch sang trọng. Ông sẽ đặt những hòn giả sơn, đặt những lồng chim ở lối hiên.

Tiếng bà vợ ông ở sân vọng vào:

- Thưa cô giáo. Ông nhà tôi có nhà đấy. Mời cô vào…

- Ông ơi nhà có khách…

Ông ngồi dậy, miễn cưỡng khi nghĩ đến nhà trường, cái đơn vị chẳng biết làm ăn ra lãi, nói gì đến tiến nhanh và bền vững như mấy ông bên trên phổ biến.

Một phụ nữ giản dị đã đứng ở cửa.

- Bác là bố của cháu Cường?

Ông gật đầu, tất nhiên là vậy chứ còn sao nữa. Ông rót nước trà mời khách rồi liếc đồng hồ. Cái tác phong ông mới học của nhà doanh nghiệp nước ngoài qua phim ảnh. Người ta coi thời gian là vàng, là bạc. Cái cô này chắc là muốn xin ông ký cái gì đây.

Ông bảo:

- Cô cứ trình bày tự nhiên. Điều cơ bản là phải ngắn gọn. Tôi sẽ dành nửa giờ để tiếp cô – Ông đưa cái mào đầu thẳng thắn – Chắc nhà trường muốn tổng kết học kỳ hoặc phải tiếp một khách nào trên huyện, trên tỉnh?

- Vâng, đúng thế ạ!

Ông đắc thắng:

- Tôi biết ngay mà, không thế thì làm sao mà làm được lãnh đạo. Nhưng trước khi ký duyệt tôi cần phải có ý kiến với ngành giáo dục của cô đã.

- Dạ! – cô giáo đáp lời ông lễ phép.

- Có phải các cô đã dạy cho học sinh rằng: đất nước của ta giàu và đẹp. Ta có rừng vàng, biển bạc. Ruộng đồng thẳng cánh cò bay phải không?

- Dạ đúng vậy ạ!

- Còn có cả một đoạn nói về cây lúa ở đồng bằng Cửu Long chẳng phải làm cỏ, bón phân mà vẫn lớn nhanh như thổi?

- Vâng, ngày trước đã có một bài văn như thế. Chắc ông nhà văn này đã đi thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long nên mới có những câu văn sống động như thế đấy ạ.

- Hỏng, hỏng. – Ông đưa tay lên trời la lối: Thế là hỏng các vị ạ. Tôi nói điều này để các vị biết. Các vị đã nhồi nhét vào đầu bọn trẻ sự lười nhác, ỷ lại làm hỏng cả bao thế hệ. Chúng ta ngày hôm nay lâm vào cảnh làm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, nhà máy, xí nghiệp thì liên tục thua lỗ là vì cái đó. Đấy là một sai lầm không thể tha thứ được. Nguyên do chỉ tại không biết làm ra lãi. Cô có biết ở Nhật, người ta dạy học sinh thế nào không?

- Dạ, không ạ.

- Nhật bản họ dạy học sinh của họ rằng: Tổ quốc ta còn nghèo, thiên nhiên ta thật khắc nghiệt. Các em sinh ra trên mảnh đất này thật là bất hạnh. Rồi đây các em sẽ phải bằng chính bàn tay và bộ óc mình làm ra của cỉ, vật chất để mà nuôi mình. Đấy, Nhật Bản là thế đấy và thế là họ vươn lên để trở thành một cường quốc thế giới. Thôi!– Ông chủ tịch kết luận đầy xúc động.

Bài diễn văn của ông hôm nay sao mà hùng hồn thế, mà lại chỉ nói cho một người nghe, lẽ ra phải ở trên hội trường, trước cả ngàn vạn người mới phải. Thế là hơi lãng phí, thói quen tiết kiệm của nhà doanh nghiệp làm ông bừng tỉnh. Ông xem đồng hồ:

- Chỉ còn 5 phút nữa mà thôi – Ông nói – Cô có thể trình bày yêu cầu của nhà trường.

- Dạ thưa bác, có lẽ quá lãng phí. Tôi chỉ cần có 2 phút thôi ạ. Xin báo để bác biết, cháu Cường nhà ta nghỉ học từ 2 hôm nay để buôn hàng lậu hiện bị công an giữ. Họ cho người về báo với trường để lên nhận trò đấy ạ.

(Hà Tây, 1993)
Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hậu quả của giàu xổi

    18/08/2018Nguyễn Tất ThịnhMọi người sống cuộc đời lam lũ vốn đã quá vất vả, tần tảo sớm hôm, nên lòng bảo dạ ăn ở với nhau nên quây quần, lấy sự lương thiện, dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười, bán anh em xa mua láng giềng gần... làm điều căn bản...
  • Tâm lý tiểu nông

    11/07/2018Vương Trí NhànChỉ cần đứng ở các đầu ô, theo dõi sự giao lưu hàng hóa trên con đường nối Hà Nội với các tỉnh, người ta cũng sớm nhận ra thực chất các mối quan hệ giữa đô thị với các vùng nông thôn chung quanh trong thời điểm hiện nay...
  • Người tiểu nông và quan lại

    15/09/2017Nguyễn Khắc ViệnNhà nước phong kiến tuyển chọn quan lại cao cấp qua các kì thi, mở cho mọi người tham gia (trừ phường hát và tất nhiên trừ phụ nữ). Việc khảo hạch gồm có những bài bình văn sách, đạo đức, chính trị, làm thơ, soạn các biểu chương hành chính.
  • Tính chất tiểu nông

    02/03/2016Lý LanViệt Nam gia nhập WTO rồi mà sức cạnh tranh kém là do kinh tế nước mình còn mang tính chất “tiểu nông”; xã hội Việt Nam nhếch nhác vì còn nhiều “dư lượng” của văn hóa tiểu nông; thủ đô lụt lội, bừa bộn hàng rong, hoa kiểng bị bẻ phá, đường xá rác rưởi… là do đầu óc quản lý “tiểu nông”, thói quen làng xã “tiểu nông”; đến văn học thiếu tác phẩm “lớn” cũng vì nền văn học “tiểu nông”. Đó là những nhận định, phán xét thường thấy trên các phương tiện truyền thông.
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Ăn xổi ở thì, trí tuệ tầm thường

    17/09/2015Vương Trí NhànĐến với các bậc tân nhân vật (1) để nghe nóng một đôi điều về đường học vấn thì phần nhiều chỉ nghe bàn đến vấn đề lương ít, lương nhiều, không thì mũ, giầy, đồng hồ xe đạ, mốt nào khéo, mốt nào mới, mày mua hiệu nào tao gửi bên Tây, không thì con bé nọ, con bé kia, món này mày, món kia tao, thế thôi...
  • Tâm lý tiểu nông và toàn cầu hóa kinh tế ở VN

    14/01/2009Phương Loan (thực hiện)Kinh tế Việt Nam gốc rễ là kinh tế tiểu nông. Tâm lý của người tiểu nông là muốn giữ lâu những thứ đồ cũ, những thứ đồ không dùng được nữa. Muốn thành công trong hội nhập kinh tế phải thay đổi tư duy và hành động của nền kinh tế tiểu nông, thay bằng tư duy và hành động của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Nguyễn Đình Lương nhấn mạnh.
  • Bờ xôi ruộng mật chính là hồn Việt

    06/05/2008GS, TS Nguyễn Lân DũngTừ chỗ không đủ ăn đến chỗ là nước đứng thứ nhì về xuất khẩu gạo, vào loại xuất khẩu hàng đầu về nhiều nông phẩm nhiệt đới như cao su cà phê, tiêu, điều và gần đây thủy sản cũng chiếm vị trí rất cao trong xuất khẩu... thì rõ ràng là nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có một bước chuyển mình rất lớn...
  • “Chơi” chứng khoán: “ăn xổi” có dễ kiếm lời?

    07/02/2007Hoàng MinhChưa cần biết việc đầu tư cổ phiếu - chơi chứng khoán cuốn hút đến cỡ nào, nhưng đến các phiên giao dịch hàng sáng thì mới thấy rõ phần nào một hình thức "kinh doanh", "làm giàu, kiếm sống", thậm chí cả "đánh bạc" mới nổi lên. Chơi chứng khoán bám sàn, bám "mạng" trong các phiên giao dịch đã đành, chơi chứng khoán “ngoài sàn" cũng phải bám... chẳng kém. Thậm chí, với nhiều dân chơi đang có công ăn việc làm hẳn hoi nhưng đã từ bỏ nghề ăn lương hàng tháng để theo các "con" cổ phiếu mỗi ngày.
  • xem toàn bộ