"Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương"

08:17 SA @ Thứ Bảy - 07 Tháng Chín, 2013

Trong khuôn khổ những hoạt động tại Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008 - Vesak - được tổ chức tại HN từ ngày 13-16.5.2008, Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ có tham luận về vai trò của Phật giáo trong xã hội đương đại...

Trước đó ông đã tổ chức vài khoá tu thiền với nhiều chủ đề khác nhau từ Nam ra Bắc. Phóng viên báo Lao Động đã có cuộc pháp thoại với ông trong một chiều ở chùa Bằng - Hà Nội, đầu tháng 5.2008.

Dáng vẻ ung dung, tự tại, thiền sư Thích Nhất Hạnh có giọng nói trầm ấm, ánh mắt tinh anh, luôn ánh lên niềm vui sống đã giải đáp tất cả những câu hỏi của người đối thoại trong một dòng chảy thanh thoát. 

Kính thưa Thiền sư, trước khi tổ chức các khoá tu thiền, pháp đàm, pháp thoại, thiền trà ở HN, vừa trở về VN lần này, tại tu viện Bát Nhã, Lâm Đồng, thầy lại chọn "Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương" làm chủ đề đầu tiên để thuyết pháp? Phải chăng tuổi trẻ hôm nay không biết "lắng nghe", "nhìn lại"?

- Không chỉ người trẻ, mà ngay cả người lớn cũng phải biết "lắng nghe", "nhìn lại". Cuộc sống hôm nay, người ta quá bận rộn, không có thời gian để nhìn nhận đúng sai mọi việc. Tu thiền giúp con người ta nhìn sâu, nghe rõ, hiểu biết mọi việc, để chấp nhận, tha thứ và nuôi dưỡng yêu thương. Bố mẹ hiểu con không đúng, thì sẽ làm khổ con cái, làm người trẻ mất phương hướng... Vì thể , bố mẹ cũng phải "nhìn lại" mình, biết "lắng nghe" để hiểu sâu con cái, có như thế mới tạo nên hạnh phúc gia đình, mới có sự yên bình trong cuộc sống. Tại Hà Nội, tôi cũng sẽ có một buổi thuyết pháp với chủ đề: "Nuôi dưỡng thương yêu và hiểu biết để chuyển hoá bạo lực trong gia đình, học đường và xã hội", nó cũng chính là "lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương".


Thưa Thiền sư, một trong những chủ đề thầy thuyết pháp là "Đạo Phật dấn thân của thế kỷ 21". Vì sao Đạo Phật ngày càng được phương Tây chú ý và nhiều người đi theo trong thời đại này? Chữ "dấn thân" ở đây nên được hiểu như thế nào?

- "Dấn thân" là không sợ hãi, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để giải quyết. Ví như trong một cuộc thương thuyết mà hai bên đến với nhau bằng sự nghi kỵ, bằng cảm giác sợ hãi thì không thể thành công. Mà trước khi ngồi vào bàn thương thuyết phải chơi với nhau, ăn cơm uống nước với nhau, lắng nghe những khổ đau của nhau để hiểu nhau.

Đạo Phật có giáo lý thực tập làm thoả mãn chiều sâu ước muốn của con người, đó là sự bao dung, không kỳ thị, tôn trọng tất cả mọi loài trong thiên nhiên (chúng sinh), hơn nữa ý nghĩa của Phật giáo rất sâu sắc, ở đó con người nhận ra tình yêu thương, hiểu biết mọi điều. Tự họ "ngộ" ra và quyết định đi theo. Chính họ là những người phương Tây trồng cây Phật pháp trên quốc gia của họ.

Đạo Phật còn được người phương Tây thích bởi Phật giáo không bảo thủ, không treo hạnh phúc - cõi "niết bàn" - ở thiên đường mà đi thẳng vào cuộc đời hiện tại - nhập thế để giải quyết những vấn đề bức xúc trong cuộc sống. Phong trào "đạo Phật dấn thân" (Engaged Buddhism) đã xuất hiện ở nhiều nước phương Tây, với hàng ngàn tăng thân, mà gốc rễ của nó là từ VN, với dòng tu mới của chúng tôi lấy tên là "Tiếp hiện"- an trú trong hiện tại.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tên huý là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại Thừa Thiên-Huế. Năm 16 tuổi xuất gia theo phái Thiền tông Đại thừa tại chùa Từ Hiếu. Năm 1949 chính thức trở thành nhà sư. Năm 1966 , được trao "ấn khả" trở thành Thiền sư. Ông tốt nghiệp Viện Phật học Bảo Quốc- Việt Nam. Là tổ đời thứ 8 của nhánh Từ Hiếu, dòng Liễu Quán, phái Thiền Lâm Tế. Ông đã từng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam có mặt tại Hội nghị Paris. Năm 1967 ông đã được đề cử giải Nobel Hoà bình.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có khoảng 200 tác phẩm gồm nghiên cứu, dịch thuật, truyện, các bản văn về pháp thoại, pháp đàm, thuyết pháp... Đặc biệt là một số tác phẩm: "Việt Nam Phật giáo sử lược" (3 tập), "An lạc trong từng bước chân", "Đường xưa mây trắng", "Am mây ngủ", "Phép lạ của sự tỉnh thức","Thả một bè lau...".

Thưa Thiền sư, để có thể thành công, con người sẽ phải hao tổn rất nhiều tài lực, trí lực, tâm lực và bắt buộc phải nghĩ đến tương lai khi đặt ra những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn. Vậy thì làm sao có thể vừa thành công sự nghiệp vừa "an trú trong hiện tại"?

- Vậy tôi hỏi anh: Thành công để sống hay để chết? Đi tu cũng nhất định phải thành công, nhưng phải có khả năng thưởng thức thành công đó. Tôi đã lắng nghe rất nhiều nhà doanh nghiệp cực kỳ thành công, nhưng họ lại không có hạnh phúc và cảm thấy rất cô đơn. Bởi vì họ không biết sống cho hiện tại. Trên con đường anh đi có nhiều chặng, anh hãy biết thưởng thức niềm vui ở từng chặng đường đi, ở từng bước chân đi.

Thưa thiền sư, sinh hoạt nghi lễ, nghi thức... đạo Phật của người VN ở hải ngoại có khác gì so với sinh hoạt nghi lễ, nghi thức... đạo Phật ở VN?

- Khác ở chỗ, chúng tôi sống ở quốc gia phương Tây, có những Phật tử là người nước ngoài nên phải làm mới - hiện đại hoá - những hình thức, nội dung để thích hợp với điều kiện, tâm trạng và hoàn cảnh. Ví dụ như khi đi thuyết pháp, giảng giáo lý Phật pháp, đến quốc gia nào thì dùng ngôn ngữ của quốc gia đó, chứ không dùng tiếng Việt hay tiếng Hán để giảng kinh Phật. Ngay cả các bản kinh Phật cũng được chúng tôi dịch từ tiếng Hán ra tiếng Việt để các tăng, ni, Phật tử người Việt dễ dàng tụng niệm hàng ngày.

Thưa Thiền sư, giáo lý Phật giáo quan niệm: "Phật pháp bất ly thế gian". Có hai cách hiểu, như ở Thiền viện Tây Thiên (Vĩnh Phúc) không cho các tăng sinh còn trẻ tiếp xúc với báo chí, truyền hình, Internet, điện thoại..., nhưng ở Học viện Phật giáo Sóc Sơn (Hà Nội), thì lại cho phép. Thầy có ý gì về chuyện này?

- Quan điểm của tôi, càng phát triển khoa học công nghệ cao, thì mặt trái đi kèm với nó là nhiều tệ nạn phát sinh, những tệ nạn đó lây lan vào cả nhà chùa. Vì thế phải có một rào cản, không chỉ là luân lý đạo pháp mà phải cụ thể. Như ở tăng thân Làng Mai của tôi, tất cả đều mang tinh thần tập thể. Đi ra ngoài không đi một mình, vào Internet tìm thông tin không xem một mình, điện thoại, laptop dùng chung, địa chỉ email chung, đến cả xe hơi cũng là sở hữu cộng đồng... Đó là giới luật của Làng Mai, tất cả đều phải tuân thủ. Tôi tán thành quan điểm của Thiền viện Tây Thiên.

Thưa Thiền sư, quan điểm của thầy về chùa giàu, chùa nghèo? Phải chăng chùa giàu cũng nên có những động thái giúp chùa nghèo?

- Nếu có hiện tượng mạnh chùa nào chùa ấy sống, tôi nghĩ đó là do việc giáo dục đào tạo nhân tài của các học viện Phật giáo, không chú ý đến việc đào tạo cá nhân biết làm việc chung, biết cùng làm việc tập thể. Vì thế mới dẫn đến tình trạng cát cứ mỗi phương, chùa giàu bỏ mặc chùa nghèo. Theo tinh thần của Phật giáo, tăng đoàn, một vị xuất gia không có đời sống riêng, mọi hành vi đều là đại diện cho tập thể, khi có lỗi thì tất cả nêu ra để cùng giải quyết theo thể chế dân chủ. Không có ai chỉ tay năm ngón, không có ai lãnh đạo.Tinh thần này đã có từ gần 2600 năm, kể từ khi Phật giáo có mặt trên nhân gian.

Vậy thì người đứng đầu, trụ trì ngôi chùa đóng vai trò như thế nào, thưa thầy?

- Tập thể quyết định, nhưng người trụ trì - người lớn - phải có sức mạnh, uy lực tinh thần (spiritual power) đối với tập thể. Để có uy lực tinh thần thì phải có "đức hạnh". Từ đức hạnh mà người lớn có được uy quyền tâm linh. "Người lớn" trong cuộc sống thực tế cũng thế, như với các doanh nhân, các nhà lãnh đạo, họ phải có đức hạnh để tạo ra uy lực, uy quyền, như thế họ mới được mọi người ủng hộ, để thành công. Chúng tôi đã tổ chức nhiều khoá tu ở các nước cho các doanh nhân, các nhà lãnh đạo trong các công sở... để giúp họ nhận thức được điều đó.

Có một thực tế: Ở các đô thị thường không có chùa lớn, mà thường chùa lớn nằm ở trên cao, núi non hiểm trở. Vậy điều đó có gì mâu thuẫn với quan điểm "nhập thế" của đạo Phật, khi có sự xa cách (chí ít là về mặt địa lý) với đời sống thị dân?

- Ngày xưa không phải ngẫu nhiên mà các vị tổ lập chùa thường chọn nơi non cao thanh tịnh, cách xa với cuộc sống ồn ào nơi thị thành. Chùa là nơi để con người tìm đến, giúp giải thoát phiền não, làm dịu thần kinh, như một phương pháp trị liệu tâm lý. Nếu dựng chùa ở nơi phồn hoa đô hội, sự thanh tịnh khó thể giữ được bởi nhiều tác động xung quanh cửa chùa...

Nhiều người khi tìm đến cửa chùa chỉ xin được cúng sao giải hạn, chuyển nghiệp, xem vận số... Thật sự các nhà sư có thể làm chuyển nghiệp của một cá nhân nào đó - từ xấu thành tốt, thưa thầy?

- Khi một nhà sư ngồi thiền tập trung toàn bộ tinh lực thì năng lượng từ tình thương, lòng từ bi có thể chuyển nghiệp con người. Có đạo Phật thâm sâu, mang tính khái quát bao gồm cả chúng sinh, nhân loại, là triết lý sâu sắc của Phật môn; nhưng cũng có đạo Phật "bình dân", chỉ để giải quyết những vấn đề trước mắt thuộc về cá nhân, bản thân mình. Những việc cúng tế chuyển nghiệp, thật ra xuất phát từ tình thương, nhưng không thể nuôi dưỡng thành sự mê tín. Mục đích tốt nhưng phương tiện nhiều khi không đúng, mà nguyên nhân từ việc nhà chùa phải làm kinh tế.

Tính khoa học trong đạo Phật gần đây được các nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới chú ý, nhất là quan điểm: "trùng trùng duyên khởi", nó rất gần với phát minh sinh sản vô tính. Thiền sư có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Các tế bào trong cơ thể sống được gắn kết như một bản hợp xướng không có nhạc trưởng. Mỗi tế bào đều có thể đại diện cho tất cả vì nó mang những đặc tính của một thể hoàn chỉnh. Trong đạo Phật, ý nghĩa của "trùng trùng duyên khởi" là sự "vô ngã". Khoa học đã khám phá ra sự kỳ diệu của nguyên lý này, như một sự giải mã "vô ngã" trong triết lý của Phật giáo, và phát minh sinh sản vô tính đã chứng minh tính khoa học trong đạo Phật.

Đối với Thiền sư, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống? Và nó có thay đổi khi thầy bắt đầu vào đường tu cho đến sau này?

- Tâm an là quan trọng nhất. Tâm phải an thì mới thảnh thơi, hạnh phúc. Có "an" thì mới có "lạc". Muốn "an" thì phải tu tập.

***
Như một ngẫu nhiên, cơn mưa tầm tã bắt đầu hơn một giờ trước vừa tạnh cũng là thời điểm cuộc pháp thoại với Thiền sư chấm dứt. Thiền sư ra sân chùa Bằng xem các Phật tử và tăng sinh chơi thể thao. Một khoảnh khắc "an" của Thiền sư trong chiều...

Chợt nhớ đến câu thơ mở đầu trang web Làng Mai:

Mỗi bước chân sẽ đem về an lạc/Mỗi nụ cười sẽ toả chiếu thảnh thơi/Sống chính niệm trong mỗi phút giây/Là chỉ dạy cho người, con đường thoát khổ".

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Phật giáo trong thời đại chúng ta

    14/11/2018Nhiều tác giảNhững bài viết góp mặt trong tập sách này người viết đã đứng từ nhiều góc độ, hoặc biện giải để khẳng định, hoặc phát hiện để soi rọi, hoặc khơi gợi để đặt vấn đề… tất cả sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về vị thế và vai trò của Phật giáo và Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới...
  • Một số lời nói hay của nhà Phật

    13/06/2018DQA (Sưu tầm)Kẻ thù lớn nhất trong cuộc đời là chính mình. Câu nói này rất quan trọng. Trong cuộc đời chúng ta thường có một số kẻ thù, như bọn lưu manh, vô lại, kẻ tiểu nhân... Bọn cầm thú mặc quần áo người đó vô cùng tàn ác, nhưng nếu nhìn thấu, thì bọn chúng cũng chỉ là lớp cặn bã...
  • Lời tâm huyết của thiền sư với thanh niên

    18/05/2016Bùi Quang MinhCái gì đã làm cho có người chối bỏ tương lai, tình yêu và tuổi trẻ của mình? Câu hỏi này đã được trả lời khi chúng ta đọc quyển Tuổi trẻ Tình yêu Lý tưởng (2005) và Nói với tuổi hai mươi (1965) của thiền sư Nhất Hạnh...
  • Về vai trò của đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội

    06/11/2014Đặng Thị LanHiện nay, trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã nhận đinh tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa. Vấn đề đạo đức tôn giáo đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay.
  • Sống thời đại và tinh thần đức Phật

    15/10/2014BS Bùi Mộng HùngChính vào những giai đoạn xáo trộn biến động như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu...
  • Tản mạn về văn hóa Phật giáo Việt Nam

    09/08/2014Phan Đại DoãnNhững thành tựu của khoa học - công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến vĩ đại, đến nỗi thời đại đang tới được mệnh danh là 'thời đại tin học" ấy vậy mà trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại có nhiều vấn đề. Dường như các khoa học về luân lý - đạo đức lại đang “tụt hậu”. Việc tìm hiểu những giá trị trong văn hóa truyền thống là có ý nghĩa quan trọng, nhất là những đóng góp nhân văn - nhân bản của Phật giáo trong văn hóa dân tộc...
  • Tu bụi

    05/04/2008Trần Kiêm ĐoànCó lẽ đã rất lâu rồi mới lại có một cuốn sách cùng một lúc đạt đến nhiều tiêu chí như "Tu Bụi". Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử truyền tải nhiều nội dung Phật giáo đồng thời lại phân tích và lý giải rất sâu sắc những triết lý sống mà đạo Phật hướng vào...
  • Những vấn đề con người và tu dưỡng trong Phật giáo

    12/05/2006Đạo Phật không thừa nhận quan điểm thần quyền của kinh Veda, không quy phục sự bất bình đẳng tôn giáo trong đạo Balamôn. Thời đó, đạo Phật xuất hiện như một hệ tư tưởng tiến bộ, vô thần, bảo vệ quyền bình đẳng của con người trong xã hội đẳng cấp tôn giáo...
  • xem toàn bộ