Lễ hội và sự lên ngôi của thói vụ lợi

12:48 CH @ Thứ Hai - 03 Tháng Hai, 2020

Không gì xa lạ với văn hóa bằng tinh thần thực dụng. Song đáng tiếc là tinh thần thực dụng ấy lại đang có mặt và chi phối cách tổ chức của một số lễ hội và trong chừng mực nào đó, làm hỏng các lễ hội thiêng liêng ấy.

Thật khó hình dung đời sống văn hóa những năm gần đây mà lại bỏ qua câu chuyện lễ hội. Trong khi các rạp chiếu bóng trở nên vắng vẻ, và nhiều rạp hát chỉ sống thoi thóp, thậm chí cả đến những trận bóng đá trong nước cũng để trống cả khoảng lớn trên khán đài thì nhiều lễ hội lại diễn ra như một cảnh diễn sôi động và cùng lúc có sức thu hút tâm trí hàng triệu người. Một phương diện khác, có thể quan sát để không cần đi đến lễ hội mà vẫn có thể bảo nó đang bùng nổ, là những lời mời mọc hàng ngày kêu gọi người ta đến với lễ hội ... Vào dịp đầu xuân, ở mục thông tin quảng cáo của truyền hình, nơi lâu nay là đất tung hoành của các loại bia, dầu nhờn và xa xỉ phẩm, bỗng xuất hiện những dòng khiêm tốn, nhã nhặn: Chùa X... làng (xã) Y... mới được trùng tu, mời bà con cô bác về dự. Nếu như kể đến cách thức tuyên truyền quảng cáo sang trọng hơn, chẳng hạn nhân ngày đầu xuân, có cả những trang báo miêu tả kỹ lưỡng hội này lễ nọ thì phải nhận hoạt động văn hóa này đã tìm ra được những cách thức tốt nhất để ... không ai yên được với nó.

Có vẻ như đây là lúc mà các hoạt động lễ hội ở vào thời điểm "trăm hoa đua nở" và trong khi nhiều người vẫn rủ nhau đi tiếp, lác đác bắt đầu thấy có tiếng phàn nàn, mà lời phàn nàn đầu tiên đáng để ý là: Sao nhiều lễ hội thế ? Theo trí nhớ của một người nổi tiếng là "cường ký" như nhà văn Tô Hoài, những năm từ 1945 về trước, ở vùng Bưởi quê ông, đây không phải là việc làm dàn đều: Cúng bái thì làng nào cũng cúng bái. Nhưng hội thì không chắc. Chỉ có một số làng như thế nào đó mới có hội và hội ở đây mở ra không chỉ cho dân làng ấy (dân sở tại) mà còn cho dân làng khác đến xem. Quay nhìn cảnh đua đả mở lễ hội hiện nay, người ta không khỏi tự nhủ: hình như lễ hội đang trở thành món thời thượng, thành mốt, cả mốt tham dự lẫn mốt đứng ra làm chủ lễ, chủ hội ?! Nếu giả thiết này đúng, thì tức là một hiện tượng, tưởng như hoàn toàn có sắc thái truyền thống lại đang tồn tại theo quy luật của thị trường - điều oái oăm khó giải thích mà cũng khó rành mạch với nhau trong thái độ, cái chính là ở chỗ đấy.

Xét trên lý thuyến về lễ hội, tức thử nhìn lễ hội dưới góc độ văn hóa, có thể nhận thấy từ xưa, con người đã đến với lễ hội với hai định hướng. Một là, tìm về sự thiêng liêng để tinh thần có dịp thăng hoa cộng cảm với đời sống linh diệu mà đôi khi trong sinh hoạt hàng ngày, nó bị đánh mất. Hai là, tìm về cộng đồng, đám đông để củng cố thêm sự tự tin, lòng ham sống. Ði hội tức là trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng thú vị, người ta cảm thấy như được vượt ra khỏi sự thống khổ của đời sống thường nhật, để tha hồ sống thỏa thích, sống theo ý muốn.

Từ xưa tới nay, hai hướng này đã là động cơ thúc đẩy người ta lo dọn bãi, dựng rạp, trình diễn các trò vui trong dịp hội làng, hoặc kiên nhẫn theo những vệt đường mòn, tìm tới những vet đường mòn, tìm tới những lễ hội lớn, quy tụ cư dân một vùng đất. Có cảm tưởng là hình thức lễ hội xưa thích hợp một cách tuyệt vời với trạng thái tâm lý của con người lúc ấy. Còn giờ đây thì sao ? Ý niệm thăng hoa suy cho cùng vẫn chìm sâu trong mỗi cá nhân, song chắc chắn, sức tác động của nó không còn như cũ. Ðốt đuốc đi tìm cũng không sao tìm thấy người đi hội để mong ướm thử hài tiên và trở thành vợ vua, như cô Tấm ngày nào ! Trong ngưỡng vọng về nguồn lờ mờ ám ảnh cả cộng đồng, người ta chỉ cảm thấy phải tiếp xúc với những đền đài di tích, phải biết chút ít về lịch sử như mọi người thì mới phải đạo. Người ta đi để "xả hơi", du ngoạn, ngắm cảnh. Và nhất là đi để được sống trong hội, khổ sở về hội, và trở về, nhìn vào mắt những người hàng xóm với chút tự hào nho nhỏ là mình đã đi hội. Tóm lại, đi để cảm thấy mình đã sống giống như tất cả mọi người, để khỏi cảm thấy lạc lõng, cái lý sâu xa là thế. Ðây là nói về khách thập phương, bao gồm viên chức, tư nhân cũng như nhà nước, và các loại dân đô thị, đang tạo nên không khí nô nức của các lễ hội. Ðám dân đô thị này còn đi, thì người dân các địa phương có hội còn tích cực phục vụ. Ðôi bên hợp cả lại, làm nên những lễ hội tấp nập hơn bao giờ hết và cũng xa lạ với lễ hội ban đầu hơn bao giờ hết ... Mặc ! Lễ hội cũng phải thích ứng với hoàn cảnh chứ ! Giá có ai bài bác, người ta đã có đủ lý lẽ để đáp lại.

Trong một tham luận đọc tại một cuộc hội thảo quốc tế về lễ hội truyền thống tổ chức ở Hà Nội 2 - 1993, một giáo sư tiến sĩ chuyên về văn hóa dân gian đã nhận xét "Con người dâng lên đối tượng được tin những vật hiến tế, vật tang cúng. Ít hay nhiều, tùy theo từng trường hợp. Ðể đổi lại, họ yêu cầu đối tượng được tin trả lại cho họ, phù hộ giúp đỡ họ cái cần" (Niềm tin và lễ hội (Tô Ngọc Thành) in trong Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, NXB Khoa học xã hội, 1994, trang 268-269).

Với những người này, đến với lễ hội giờ đây thực sự là chuyện đi lễ, nói nôm na là đi cầu tài, là tìm sự hỗ trợ của thần thánh trong những mưu đồ hốt bạc. Chả thế mà người ta tranh nhau bộc lộ lòng chân thành và trên nét mặt người có lễ vật hậu hĩ hơn, cứ thấy lồ lộ một niềm tin như đinh đóng cột, tin rằng đấng thiêng liêng thế nào cũng phù hộ mình đầy đặn hơn những kẻ sửa lễ sơ sái. Chừng đoán ra rằng sau những chuyến lễ bái như thế này, đám dân đô thị sẽ hái ra của, nên người địa phương nơi lễ hội cũng tìm mọi cách để kiếm chác. Hàng bán được đưa ngay bên những nơi linh thiêng nhất để quát với giá thật đắt và nếu trước khi ra về, có dúi vội cho đám khách thập phương một số thứ hàng kỷ niệm loại rởm thì không bao giờ người ta lại hối hận cả. Thôi thì lạy trời lạy phật, mỗi bên một tí, cho hợp với lẽ công bằng ! Lại đã thấy có những trường hợp, sự vụ lợi tiến sát đến điều giả dối, chẳng hạn biến một ngôi đền vốn thuộc dâm từ thành đền thờ dân tộc, hoặc sửa sang tô điểm một điểm du lịch vừa khai trương thành một nơi có ý nghĩa lịch sử. Trong cơn say lễ hội, sự đắp điếm còn đương quá lộ liễu ấy bắt đầu bị nghi ngờ, nhưng chưa ai buồn lên án. Và nó vẫn tồn tại. Biết đâu, chả có lúc, thời gian sẽ mang lại cho thứ di tích mới được kiến tạo ấy một vẻ rêu phong, và các nhà khoa học lại đổ xô vào mà phát hiện, nghiên cứu. Lúc bấy giờ sự vụ lợi mới thật đắc ý về khả năng bách chiến bách thắng của nó.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Bạn theo tôn giáo nào?

    16/04/2017Hồ Anh TháiCó thời nhiều người Việt ra nước ngoài được bạn bè hỏi theo tôn giáo nào thì đều nhanh nhảu mà rằng chẳng theo tôn giáo nào cả. Nhưng hình như có điều không ổn trong chính những câu trả lời kia, nhất là bao giờ nói xong cũng như kèm thêm một vẻ hãnh diện tự đắc, cứ vênh vênh nhơn nhơn ra....
  • Ám ảnh trần tục nơi cửa thiền

    02/02/2017Dương TùngCách đây ít lâu, vào ngày Phật đản, trong khi Phật tử, du khách nườm nượp hành hương lên chùa Non cúng đường Đại Phật tượng Phật tổ Như Lai và vào đền Sóc lễ Thánh Gióng đầy thành kính, thì ở ngay bãi cỏ cạnh đền Mẫu (thờ mẹ Thánh Gióng) diễn ra các hình ảnh chướng tai gai mắt...
  • Tản mạn về trí thức và trí giả

    31/01/2016Trương Xuân HươngTrong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Trọng mê tín- xem nhẹ trách nhiệm, ham hội hè, "thần mãn"

    21/12/2015Vương Trí NhànXét cái tục hội hè của ta, rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, tiêu pha rất tốn kém, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình...
  • Những tính cách trì níu dân tộc Việt

    11/11/2003Giáo sư Nguyễn Chung TúChúng ta hay thắc mắc về dân tộc mình. Tính cách nào mang lại cho dân tộc Việt Nam một sức sống mãnh liệt đến thế, để vẫn tồn tại, vẫn chiến đấu và chiến thắng mọi cuộc xâm lăng bạo tàn? Để mình vẫn là mình - Một dân tộc biết cách sống còn bên một dân tộc lớn, ngay cả trong 1000 năm Bắc thuộc...Nhưng sau những chiến công hiển hách ấy, những tính cách nào đã có "trong ta", để trở thành một lực cản, một sự níu kéo, làm ta bước khó khăn hơn trên con đường mới?