Mạng xã hội - kết nối hay chia rẽ con người?

06:30 CH @ Thứ Ba - 19 Tháng Bảy, 2011

Những mạng xã hội như Twitter hay Facebook không giúp kết nối người ta với nhau – thay vào đó chúng cách ly con người với thế giới thực. Đây là lời cảnh báo mới nhất từ giới học giả về trào lưu sử dụng mạng xã hội hiện nay.

Theo lời một chuyên gia xã hội học đầu ngành của Hoa Kỳ, cách mà người ta đang “giao tiếp” với nhau “một cách điên cuồng” thông qua việc sử dụng Twitter, Facebook và tin nhắn tức thời có thể được xem như một dạng “bệnh điên” thời hiện đại.

“Một hành vi tuy đã trở nên phổ cập (như giao tiếp thông qua mạng xã hội) vẫn có thể cho thấy những vấn đề mà chúng ta gọi là triệu chứng bệnh lý”, giáo sư Sherrey Turkle tại học viện công nghệ MIT viết trong cuốn sách mới nhất của bà, Alone Together (Cùng nhau đơn độc), có nội dung chống lại cái mà bà gọi là “kỷ nguyên thông tin”.

Cuốn sách sẽ được xuất bản tại Anh vào tháng 2 đã thu hút sự chú ý của độc giả Mỹ, vốn là quốc gia bị ám ảnh bởi những tiện ích mà các mạng xã hội mang lại. Khi Turkle đề cập đến việc bà từng tham dự những đám tang mà ở đó người ta vẫn không bỏ được thói quen hí hoáy trên chiếc iPhone của họ, Colbert hóm hỉnh: “Mỗi người đều có cách tạm biệt người quá cố theo cách riêng của mình”.

Luận điểm của Turkle rất đơn giản: công nghệ đang đe dọa thống trị cuộc sống của nhân loại, và làm chúng ta ngày càng mất đi “tính người” của mình. Bằng cách gây ra ảo tưởng rằng những mạng xã hội đang giúp con người giao tiếp và kết nối với nhau dễ dàng hơn, trên thực tế chúng ta đang ngày bị cách ly với thế giới tương tác thực giữa người với người, dưới hình thức một không gian thực tế - ảo mà bản chất chẳng qua chỉ là một sự mô phỏng dị dạng của thế giới thật.

Cuốn sách của Turkle không phải là tác phẩm đầu tiên gióng lên hồi chuông về thực trạng này. Một phong trào phản ứng trong giới học thuật Mỹ đang kêu gọi một sự tẩy chay đối với vài giá trị và cách thức của sự giao tiếp trong thế giới hiện đại. “Đây thật sự là một đợt phản ứng dữ dội. Quá nhiều cách giao tiếp khác nhau đang được sử dụng trong việc giao tiếp đã gây ra sự sợ hãi cho nhiều người.” – giáo sư William Kist, chuyên gia đào tạo thuộc đại học Kent State, bang Ohio, cho biết.

Danh sách của những đợt tấn công nhằm vào mảng truyền thông xã hội (social media) khá dài, và đến từ mọi ngõ ngách của văn hóa đại chúng cũng như giới học giả. Một cuốn sách thuộc hàng best-seller gần đây tại Mỹ có nhan đề The Shallows (Những kẻ nông cạn) của tác giả Nicholas Carr, gợi ý rằng việc sử dụng Internet đã làm thay đổi cách thức chúng ta động não, qua đó làm giảm khả năng nhận biết và xử lý những khối lượng lớn thông tin, chẳng hạn các bài viết chuyên ngành hay sách vở. Nội dung của cuốn sách được dựa trên một bài xã luận mà Carr viết cho tạp chí Atlantic, vốn có tiêu đề được nhấn mạnh: Is Google making us stupid? (Google đang làm chúng ta ngu đi?).

Trong một cái nhìn khác về trào lưu nghi ngờ giá trị của thế giới ảo xuất hiện trong cuốn The Net Delusion (Ảo tưởng trên mạng), tác giả Evgeny Morozov chỉ trích các mạng xã hội đã tạo ra một thế hệ của những “slacktivists” (một khái niệm mới xuất hiện, chỉ những người chỉ tham gia những hoạt động xã hội bằng cách cập nhật status hoặc trang hoàng blog với những lời lẽ đãi bôi, thay vì dấn thân hoạt động thật sự). Mạng xã hội đang khiến con người trở nên chây lười và sống trong sự ảo tưởng rằng hành vi click chuột cũng tương đương với việc tham gia một hoạt động nhân đạo cần đến sự đóng góp tiền bạc và thời gian.

Một tác phẩm khác nhan đề The Dumbest Generation (Thế hệ ngu xuẩn nhất) của tác giả Mark Bauerlein, giáo sư tại đại học Emory, nhận định: “Tương lai của giới trí thức Mỹ thật ảm đạm”. Còn trong cuốn We Have Met the Enemy (Chúng ta đã gặp được kẻ thù) của Daniel Akst, thì miêu tả về sự tự khống chế bản thân của mỗi cá thể trong xã hội hiện đại, nơi mà sự bùng nổ của những phương tiện giao tiếp đóng vai trò là nhân tố chủ yếu.

Làn sóng phản ứng mạng xã hội đã lan đến cả cựu lục địa. Trong cuốn sách Cyburbia (thuật ngữ chỉ cộng đồng những người sống chủ yếu trên thế giới mạng), được xuất bản tại Anh năm 2009, tác giả James Harkin đã khảo sát thế giới công nghệ hiện đại và phát hiện một vài thực tế đáng lo ngại. Bản thân không phải người theo trào lưu chống lại thế giới ảo, nhưng ông đã tìm thấy nhiều lý do để vừa lo ngại mà lại vừa hài lòng về kỷ nguyên công nghệ mới. Mới đây nhất, bộ phim ăn khách The Social Network (Mạng xã hội), được xem như một sự đả kích ngầm nhằm vào thế hệ của truyền thông xã hội, khi nói rằng Facebook lại là sản phẩm của những con người đã thất bại trong việc hòa nhập với thế giới thực bên ngoài.

Tuy nhiên chỉ có cuốn sách của Turkle là gây ra nhiều cuộc tranh luận nhất tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó khẩn thiết kêu gọi việc ngừng sử dụng Blackberry, quay mặt với Facebook và tẩy chay Twitter. “Chúng ta đã phát minh ra những công nghệ mang tính đột phá và có ích, nhưng cũng chính chúng ta đã để chúng trói buộc mình”, bà viết.

Những người ủng hộ phe chỉ trích đưa ra nhiều trường hợp và sự kiện để củng cố quan điểm của họ. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục nhắc đến cái chết của cô Simone Back, người phụ nữ đã để lại một thông điệp rằng mình sẽ tự tử trên trang Facebook cá nhân, vậy mà không một ai trong số 1048 “bạn” của cô trên Facebook có bất cứ hành động nào để giúp đỡ, thay vào đó họ biến trang Facebook của Simone thành nơi cãi vã và chửi rủa lẫn nhau.

Tuy vậy, vẫn có những ý kiến ủng hộ mạng xã hội. Những người chống lại làn sóng chỉ trích nói rằng thư điện tử, Facebook và Twitter đã tạo ra nhiều cơ hội giao tiếp trong xã hội hơn, đặc biệt là cho những ai gặp rắc rối trong việc giao tiếp ngoài đời thực vì những lý do liên quan đến cách biệt địa lý hoặc bất đồng văn hóa.

Vài chuyên gia phân tích nói rằng những cuộc tranh luận đã trở nên dữ dội quá mức cần thiết, vì mạng xã hội là một lĩnh vực hoàn toàn mới, vốn chưa phát triển những luật lệ hay quy tắc mà mọi người phải tuân theo, đó cũng là lý do vì sao những sự kiện như cái chết của Simone Back tỏ ra quá kinh khủng.

Giáo sư William Kist chỉ ra rằng, khái niệm “thế giới thực” mà nhiều người chỉ trích hay nhắc đến thật ra chưa bao giờ tồn tại. Trước khi người ta lên xe buýt hoặc tàu điện ngầm với hai mắt dính vào chiếc iPad hay điện thoại thông minh, thì họ vốn dĩ cũng chưa bao giờ giao tiếp với nhau một cách thật sự. “Chúng ta không bao giờ thấy mình mở lời một cách tự nhiên với người lạ”.

MySpace

Thời điểm ra mắt: tháng 8.2003

Nhà sáng lập: Chris DeWolfe và Tom Anderson

Xếp hạng: đứng thứ 55 thế giới năm 2010 (theo Alexa Inc. - trang cung cấp thông tin về lưu lượng truy cập đến các website khác)

Số thành viên: 66 triệu người

Lợi nhuận: 385 triệu USD (2009)

Điểm mạnh: cho phép người dùng điều chỉnh giao diện trang cá nhân; có nhiều tính năng phong phú: Myspace TV, Myspace Music, v.v... Khả năng tạo playlist cho các bài hát ưa thích của người dùng. Tích hợp tốt với các mạng xã hội khác như Twitter, Facebook.

Điểm yếu: độ bảo mật thông tin kém hơn so với các mạng xã hội khác. Tốc độ hoạt động của hệ thống Myspace không ổn định.

MySpace đã từng giữ ngôi vị số 1 trong danh sách các mạng xã hội lớn trên thế giới. Tuy nhiên, do chậm trong việc cải tiến và nâng cấp tính năng nhằm cạnh tranh với các đối thủ khác, MySpace đánh mất vị trí đầu bảng của mình vào tay Facebook.

Facebook

Thời điểm ra mắt: ngày 4.2.2004

Nhà sáng lập: Mark Zuckerberg

Xếp hạng: Đứng thứ 2 thế giới năm 2010

Số thành viên: 600 triệu người

Lợi nhuận: gần 2 tỷ USD (2010)

Điểm mạnh: Khả năng kết nối phong phú. Nhiều tính năng hấp dẫn như kết bạn; tìm bạn; tạo Groups, Fanpage; chia sẻ hình ảnh/ video dễ dàng; nhiều ứng dụng, games đa dạng. Tiềm năng quảng cáo lớn.

Điểm yếu: Thông tin cá nhân của người dùng không được đảm bảo. Phải đăng nhập mới cập nhật được tin tức. Tương đối khó sử dụng với người mới làm quen với mạng xã hội này. Và đặc biệt là dễ gây “nghiện”.

Với khoảng 600 triệu thành viên, Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay. Khởi đầu, Facebook chỉ là một trang web nhỏ dành cho trường đại học Havard nơi Mark Zuckerberg theo học. Chỉ trong vài năm, Facebook đã tăng trưởng theo cấp số nhân trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, số lượng người dùng Facebook tăng rất nhanh trong 2 năm trở lại đây và đạt con số gần 2 triệu người dùng.

Do có số lượng thành viên khổng lồ nên Facebook liên tục gặp rắc rối liên quan tới việc bảo mật thông tin người dùng. Mới đây, hàng loạt ứng dụng và games trên Facebook bị phát hiện là ghi trộm và làm rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng ra ngoài, dấy lên một làn sóng lo ngại về độ bảo mật trên Facebook.

Twitter

Thời điểm ra mắt : ngày 15.7.2006

Nhà sáng lập: Jack Dorsey

Xếp hạng: Đứng thứ 10 thế giới

Số thành viên: 190 triệu người

Lợi nhuận: 150 triệu USD (2010)

Điểm mạnh: Dễ dàng cập nhật và chia sẻ thông tin. Khả năng kết nối rất mạnh. Thành viên được quyền tự do theo dõi những cập nhật của người mình thích, trừ khi bị chặn. Không cần đăng nhập để đọc nội dung cập nhật mới. Có thể dùng phần mềm đọc RSS thay thế. Tiềm năng quảng cáo lớn.

Điểm yếu: Chức năng còn hạn chế. Giới hạn 140 kí tự trong một tin nhắn. Khả năng bị spam cao. Khó sử dụng tại một số nước.

Twitter là mạng xã hội mini cho phép người dùng chia sẻ thông tin bằng nhiều hình thức thông qua web hay qua SMS trên các thiết bị di động cầm tay. Twitter rất đơn giản và tiện dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng người dùng Twitter không nhiều do các mạng di động tại Việt Nam vẫn chưa hỗ trợ Twitter. Năm 2009 chứng kiến sự bùng nỗ của twitter, có thể nói nhanh nhất giữa mạng xã hội. Tại thời điểm tháng 3. 2009, phân tích của trang Nielsen.com cho thấy Twitter là mạng phát triển nhanh nhất: mỗi tháng Twitter tăng trưởng 1,382%, mạng Zimbio tăng 240%, theo sau là mạng Facebook 228%. Twitter được xếp hạng là một trong 50 trang mạng thông dụng nhất trên thế giới.

Twitter còn được ưa chuộng bởi trang mạng xã hội này có nhiều thành viên là người nổi tiếng, từ Tổng Thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến nữ hoàng rắc rối Lindsay Lohan.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Mạng xã hội lượng nhiều, chất ít

    02/04/2016Hải AnhSinh vội vã, sống vật vờ - các mạng xã hội Việt Nam đang loay hoay tồn tại, phát triển và nỗ lực tìm hướng đi riêng để thoát khỏi tình trạng ảm đạm, nhất là trước động thái cạnh tranh mạnh mẽ sắp tới đây của Yahoo! (nâng cấp dịch vụ Yahoo!360o)...
  • Mạng xã hội đang chôn vùi ký ức

    03/03/2016Sacha SeganCác dịch vụ mạng xã hội đang tách rời chúng ta bằng cách phân tán cuộc đời chúng ta thành những ngăn nhỏ. Năm tháng trôi qua, chúng ta sẽ hối tiếc khi cố gắng tìm tòi trong những chiếc hộp kỷ niệm ảo và thấy chúng không có ở đó...
  • Mạng xã hội Việt Nam: Cờ đã đến tay

    29/05/2010Hà CúcCó cả sự định hướng của Chính phủ, quyết tâm của doanh nghiệp và sự sa sút của các đối thủ nước ngoài, bức tranh về các mạng xã hội “made in Việt Nam” phần nào rõ nét hơn...
  • Sức mạnh đáng kinh ngạc của mạng xã hội

    22/12/2009Hoàng Giáp (lược dịch từ City-Journal)Trước khi mạng xã hội xuất hiện thì rất ít người trong số chúng ta từng muốn có một người bạn như vậy.
  • Mạng xã hội và công nghiệp quảng cáo

    03/07/2009Nguyễn TrungMarketing truyền thống cho rằng, cần phải bán cái thị trường cần, còn với mạng xã hội, lý thuyết được viết lại: bán cái mình có. Một đỉnh cao mới của marketing? Không ai dám chắc câu trả lời, nhưng có một thực tế là không phải quảng cáo sẽ được triển khai ra sao trong môi trường mạng xã hội, mà là mạng xã hội đang làm thay đổi phương thức quảng cáo như thế nào.
  • Các mạng xã hội ảo lý tưởng dành cho giới trẻ

    22/04/2009Phạm Thế Quang HuyGiới trẻ có lẽ không còn lạ lẫm gì với mạng xã hội ảo và tác động của nó đến xã hội thực tại. Tuy nhiên, trong khi các mạng xã hội ảo ngày càng phát triển, nhiều sinh viên lại không biết cách khai thác nguồn tài nguyên thông tin từ các mạng xã hội này.
  • Mạng xã hội ảo My.BarackObama vẫn tiếp tục hoạt động sau bầu cử

    11/11/2008Hoàng Dũng - (Computerworld)Website mạng xã hội ảo My.BarackObama.com sẽ vẫn được duy trì hoạt động bình thường tiếp tục đóng vai trò như là một kênh hợp tác hiệu quả giữa những người ủng hộ ông Barack Obama.
  • Ai sẽ cứu những mạng xã hội tiên phong?

    26/10/2008Nguyễn Ngọc PhươngĐại đa số mạng xã hội mở rộng hệ thống để thu hút người dùng nói chung, nhưng những người này, những tính năng đó có bao nhiêu phần trăm đóng góp vào lợi nhuận của hệ thống thì mù mờ hơn cả đỉnh núi Pan xi phăng, nơi mây vờn núi, mây bay ngang trời...
  • Tìm hiểu chiến lược của các mạng xã hội ảo

    13/09/2008Hàm ý của câu chuyện này có lẽ ai cũng nhận ra, đó là sự tự do bày tỏ quan điểm trên mạng Internet đã giúp xóa đi những khác biệt văn hóa. Nhưng có một hàm ý khác, đó là Facebook đang được sử dụng ở Lebanon. Trên thực tế, Facebook đang phát triển rất nhanh chóng ở nhiều khu vực...
  • Mạng xã hội Việt Nam

    15/07/2008Ngọc AnhRa đời giữa lúc các mạng xã hội nước ngoài đang chiếm lĩnh thị phần, các mạng xã hội Việt Nam (MXHVN) phải tạo dựng cho mình một hướng đi, một phong cách riêng nếu muốn thu hút ngày càng nhiều thành viên...
  • xem toàn bộ