Một căn bản tinh thần quý giá của người Việt Nam - Óc thiết thực

11:39 CH @ Chủ Nhật - 30 Tháng Ba, 2014

Nếu rời cái phần diện mạo, chúng ta bước vào sinh hoạt tinh thần, có le giá trị căn bản mà la cần phải đề cập trước nhất trong những giá trị truyền thống của người Việt-Nam, là óc thiết thực. Người ta có thể bắt gặp tinh thần thiết thực của họ ở khắp mọi nơi, trong mọi hoạt động...

>>Xem phần I - Sách "Người Việt cao quý"

Tôi nghĩ đến cái áo dài màu đen thích hợp với những sinh hoạt ruộng đồng cũng như không khí trang nghiêm của cái xã hội nông nghiệp phong kiến thuở xưa. Cái áo dài ấy thật là giản tiện một cách bi đát, che giấu một cách tài tình kể từ miếng thịt giữa làng cho đến một cái áo lót rách nát và chịu đựng khá oanh liệt bốn mùa mưa nắng phôi pha. Cái áo dài ấy, bây giờ không có mấy người Việt- Nam dùng đến vì không còn phù hợp nữa, nhưng nó có một vai trò lịch sử trong cách ăn ở, đối đãi, của một giai đoạn xã hội lâu dài.

Trong cách ăn mặc của người Việt-Nam chúng ta đều nhìn thấy vẻ thiết thực khá đặc biệt ấy. Người Việt, xét trên đa số, không có thối quen làm dáng bằng màu sặc sỡ như các thổ dân bộ lạc và cũng không cần khoác lấy áo quần kiểu cách nặng nề của những lớp người tự nhận văn minh.

Nói về ăn mặc, người Việt là một dân tộc ít ưa màu sắc, ngoại trừ một số trường hợp đối với trẻ con. Hầu như họ cảm thấy rõ được cái nhu cầu ăn mặc sao cho thích ứng với những điều kiện sinh hoạt khó khăn và cũng nhìn thấy được cái tính cách trang nghiêm, mực thước giá trị mình trong cách ăn mặc. Nói một cách khác, ngay trong quần áo, người Việt cũng mang khá rõ lịch sử chiến đấu gian nan, oanh liệt của dân tộc mình.

Mãi về sau này họ có đua đòi Tây Phương trong đôi kiểu cách trang phục cũng như làm duyên, làm dáng nhưng đua đòi ấy cũng trên căn bản thiết thực mà thôi. Chỉ có thiểu số rất nhỏ, và là lớp trẻ ở chốn thị thành là còn ưa những quần áo dễ dãi, hoặc nhiều sắc màu và lớp trẻ này vẫn bị người lớn nhìn bằng cặp mắt lo ngại mất gốc. Bởi thế, ít khi thấy một người Việt, nhất là đàn bà, mặc một chiếc quần nhiều màu hay có màu sắc thắm tươi ngoài đường. Những cô thiếu nữ ở tuổi trưởng thành trở lên, nếu họ mặc cả quần áo một màu - trừ màu đen và màu trắng - mà đi ra đường, đều bị nhìn ngắm bởi những cặp mắt không lấy gì làm hoan hỉ. Bởi vì người Việt xem đó là cái dấu hiệu kém sút nhân phẩm. Người Việt tôn trọng truyền thống ăn mặc nghiêm chỉnh của mình và họ không thể tự nhiên như là các dân tộc khác trong cách ăn mặc. Người ta thường nói Việt-Nam chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung-hoa nhưng ảnh hưởng ấy nhất định không có ở nơi chiếc quần đàn bà. Bởi vì nếu người đàn bà Việt-Nam mặc chiếc quần đỏ hay là quần xanh như người đàn bà Trung-hoa vẫn mặc một cách tự nhiên để đi lại ở ngoài đường, lập tức họ bị định giá một cách khác hẳn. Nhất định sự định giá ấy không làm vẻ vang, hãnh diện chút nào.

Sự nghiêm chỉnh ấy của người Việt-Nam còn được thể diện trong nhiều điểm khác ở nơi áo quần. Thật là đáng nên suy nghĩ khi người dân xứ nóng như họ mà không hề có kiểu áo hở cổ của người đàn bà xứ lạnh Tây Phương, hoặc không có lối áo ngắn, áo dài lộ cánh tay trần và bắp chân hở như người Trung-hoa, là dân miền lạnh. Nếu suy từ áo quần ấy rộng ra đến những thể cảnh sinh hoạt khác nữa, người ta còn nhìn thấy được tinh thần thiết thực (và cả ý thức luân lý của họ) biểu lộ trên nhiều phương diện khác nhau.

Một đôi nhà khảo cứu người Việt đã chứng minh rằng các câu thơ nhịp chẵn của họ không hề giống như nhịp lẻ lửng lơ của người Trung-quốc, và các mái chùa, đình, lăng miếu của họ dầu có mượn kiểu Trung-hoa vẫn không có nét cong vắt lửng lơ như của người Tàu.

Nói thế, để xác nhận rằng bản lỉnh người Việt không thích mơ mộng, phiêu lưu, và họ vẫn biết nơi nào là điểm cần thiết để mà bảo toàn lấy mình và dân tộc mình. Cái trực giác ấy, cái lương tri ấy là một phản xạ tinh diệu ở nơi người họ, phát sinh từ năng khiếu thích ứng với các điều kiện thực tế khó khăn để duy trì sự trường tồn. Có lần nghe câu tục ngữ Việt-Nam : « Khôn ăn cái, dại húp nước ) tôi đã có ý ngờ vực, cho rằng đấy là câu nói của kẻ tham ăn muốn lừa gạt những người khác. Bởi vì tôi đã quan niệm những gì béo bổ đã biến thành « nước », phần « cái » đâu còn bổ béo gì nữa ? Tôi cảm nghĩ với tư cách của người Tây Phương quen ăn món « xúp» nên không hiểu được người Việt. Mãi về sau nghiên cứu tục ngữ của họ, tôi gặp được câu : « Ăn lấy đặc, mặc lấy bền» và chợt hiểu rõ một cái ý niệm thiết thực trong cách ăn uống thường ngày của họ.

Người Việt - ở đây nói người bình dân đông đảo làm nền tảng cho giống nòi - thích những cái gì vững chắc, có thể chịu đựng lâu dài để sống, và họ vẫn muốn no bụng, chặt bụng hơn là ăn đồ lỏng lẻo, nhẹ nhàng dầu nó béo bổ, ngọt ngào. Tiếng CÁI mà họ chỉ định chất đặc hay là cái xác của các đồ ăn, là một tiếng dùng rất có ý nghĩa, nếu ta biệt rằng ở trong nguồn gốc ngôn ngữ tiếng ấy có nghĩa là mẹ, là những cái gì CHÍNH ĐÁNG, QUAN TRỌNG. Người Việt vẫn còn nói «con dại, Cái mang », vẫn gọi con đường lớn nhất là con đường Cái, dòng sông to nhất của họ là con sông Cái. Khi nói «khôn ăn Cái» rõ ràng là họ muốn dành cho món ăn đó một sự đề cao trọng thể hẳn hoi.

Tất nhiên óc thiết thực ấy có đủ hai mặt của nó : Người Việt vẫn không bám vào những công trình nào chỉ có bề ngoài vững chắc hoặc không phù hợp các điều kiện sống. Người ta sẽ không ngạc nhiên trước các công trình kiến trúc thô sơ của người Việt-Nam. Đình chùa của họ không có gì là thật sự quy mô, thật sự vững chãi, bởi vì họ vẫn thấy sự thờ phụng trong lòng là chính, và không dại gì đem chất đá gạch mong manh để chọi với sức tàn phá vô tận của dòng thời gian.

Họ dành sinh lực, vật lực của mình cho những nhu cầu thiết thực cấp bách. Nói thế, cũng không phải ta không nhìn thấy được tài năng kiến trúc của giống nòi Việt. Lịch sử của họ vẫn nhắc lại thành Cổ Loa như một kỳ công xây dựng ở một vùng đất luôn luôn xao động vì những địa chấn, và thành Thăng Long, và chùa Một Cột của họ đều là di tích của một tài năng độc sáng về các công trình kiến trúc. Toà Cửu Trùng Đài của đời Hậu Lê quy mô, vĩ đại, bị dân phá hủy tan tành nói lên khả năng xây cất của họ, vừa chứng tỏ được tinh thần thiết thực, thiên về nội dung hơn là hình thức của họ.

Dân tộc Việt-Nam có cái khả năng chế hóa đặt biệt cũng như có một tính cách uyển chuyển khác thường, nên cái tài nghề kiến trúc của họ mới thật tinh diệu, nếu có điều kiện phát triển. Người ta có thể kết luận là người Việt- Nam không hề có óc viển vông và đó là thế quân bình làm nên sức mạnh của giống nòi họ. Nếu người ta hiểu rằng dân Chiêm Thành sống trên mảnh đất nghèo nàn hơn nhiều, lại cô những ngôi tháp cổ công phu ngày nay vẫn còn cố đứng rầu rĩ trên các sườn đồi miền Trung, thì ta hiểu được vì sao người Việt lại là những kẻ chiến thắng. Tôi đã có dịp quan sát nhà cửa người Việt và tôi thấy rằng những nơi trú ngụ của họ đều rất phù hợp với các điều kiện thực tế, ngoại trừ những ngôi nhà tranh ở một đôi miền trong vùng Bình-Định có một kiến trúc quy mô, vững chãi, ảnh huởng sót lại của dân tộc Chàm. Chính sự vững chãi phi lý làm cho sinh lực mong manh, nên ta có thể nói rằng người Chàm đã bị suy vong vì óc xa rời thực tế của mình.

Ở một đoạn trên, chúng tôi có nói đến cái tinh thần thiết thực của người Việt-Nam biểu lộ qua cái ngôn ngữ thi ca nhịp chẵn của họ, như thơ bốn tiếng, thơ lục bát và cả điệu thơ sau này gọi là thơ mới cũng lại tám tiếng. Cái nhịp chẵn ấy bao giờ cũng có đôi cặp, cũng được vuông tròn, không có chia rẽ lẻ loi nói lên một tâm trạng không ưa phiêu lưu và cái bản chất chung thủy, đôn hậu vốn có trong tâm hồn họ. Nhưng cái đặc biệt không chỉ dừng lại ở nơi nhịp khẳn cố hữu mà còn biểu lộ ở một điểm nữa thật là đặc biệt : đó là lối vần gieo ở lưng câu, trong điệu lục bát, một thể thơ rất tiêu biểu cho người Việt-Nam.

(Cũng có một đôi người Việt cho rằng thơ lục bát này vốn có ở các dân tộc lân cận như Chàm, như Thái, nhưng họ vẫn không chứng minh được rõ ràng hơn về mối tương quan, ảnh hưởng của các nước ấy đối với Việt-Nam, và hầu như họ không nhìn thấy cái giá trị tiêu biểu của thể thơ ấy cùng với tính cách quen thuộc của nó ở trong đời sống hàng ngày của dân tộc họ. Vì vậy, điều mà ai cũng có thể nhận thấy là thể lục bát, dù có tìm thấy ở vài dân tộc láng giềng của dân tộc Việt, vẫn là điệu thơ thuần túy Việt-Nam, tiêu biểu Việt Nam). Trong điệu lục bát, chúng ta có thể tìm thấy tinh thần thiết thực Việt-Nam ở chỗ YÊU VẬN : tiếng cuối câu Lục, vần với tiếng sáu câu Bát, nói lên một sự bám víu thật là chắc chắn. Hầu như người Việt cần phải nghỉ ngơi cho thật vũng tâm rồi mới dám bước tới thêm. Trên con đường dài gồm tám chữ ẩy, người Việt đã có một trạm nghỉ ngơi, để mà đổi ngựa, kiếm nước, chuẩn bị lại hành trang để tiếp tục lên đường. Và có lẽ cũng nhờ vậy thể thơ lục bát có thể kéo dài vô tận như trong quyển Kiều là một tác phẩm bất hủ của dân tộc họ, và cũng như người Việt- Nam có thể đi mãi không ngừng, vươn tới không trôi, như dân tộc họ trải qua lịch sử tiến về phương Nam suốt mấy ngàn năm.

Chính tinh thần thiết thực ấy còn thể hiện trong kiểu nhà vừa thấp lại vừa nhiều cột thường gặp trong kiến trúc xưa. Hai mái to lớn như xà xuống mặt đất liền với những cột chống là những ngón tay chắc chắn bám vào một cách quyết liệt. Sau này những kiểu nhà ngói xưa ấy đã được thay thế bằng những kiến trúc Tây Phương cao vút, thoáng khí hơn nhiều, nhưng người Việt Nam vẫn cảm thấy những liên lạc ấm cúm trong ngôi nhà cổ của mình.

Trong cái bóng mát tỏa xuống khá dày với những hàng cột vững chắc, người Việt còn tìm gặp lại tấm lòng thành kính đối với những gì xa xưa và dễ bắt gặp một vài cánh dơi kỷ niệm chập chờn bay trên đầu mình, đưa họ trở về quá khứ lịch sử.

(Xem tiếp)

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người Việt và triết lý sống “phúc đức tại Mẫu”

    11/08/2019Nguyễn Thị Minh TháiChữ hiếu của người Việt đã thành quan niệm phổ thông trong xã hội, và kết dính keo sơn với hai chữ phúc-đức mà ông bà cha mẹ luôn muốn trao truyền cho con cháu.Chữ hiếu của người Việt đã thành quan niệm phổ thông trong xã hội, và kết dính keo sơn với hai chữ phúc-đức mà ông bà cha mẹ luôn muốn trao truyền cho con cháu...
  • Những bài học rèn nhân cách của người Việt xưa

    28/03/2019Chí MinhTôi tự hào vì mình là người Việt với một truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp. Nhưng tôi thấy xấu hổ vì những tính xấu của người Việt. Bạn đừng tự ái vì những bài viết chê trách người Việt xấu tính vì liều “thuốc đắng” đó là sự thật...
  • Người Việt cần bớt… khôn

    12/09/2018Quảng YênĐi tiếp xúc những người tài giỏi của “Tây” về, cứ băn khoăn không biết sao họ thật thà thế mà lại… giỏi được nhỉ? Thật thà à? Báo vẫn đăng những ông Tây lừa bị bắt đó thôi...
  • Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt

    28/11/2018TS. Lương Hoài NamKhông ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...
  • Tâm tình với trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

    27/07/2017Hồ HảiBản chất của cuộc đời nằm trong nhiều cặp phạm trù triết học mà buộc mỗi con người sinh ra và lớn lên ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này cần phải hiểu để thành đạt. Song có những cặp phạm trù mà đã là con người thì cần phải quan tâm, đặc biệt con người đã trưởng thành và có chút thành đạt với đời...
  • Thói ngụy biện ở người Việt

    28/02/2017BTĐTrong cái sự thực phức tạp, mờ mờ ảo ảo của vấn đề, có cái đẹp riêng. Không phải cái đẹp trơn tru, tròn trĩnh, nhưng là cái đẹp khắt khe của sự thật. Tương tự, một lời phát biểu nghịch lí có cái đẹp của nó, vì nó có thể đánh thức chúng ta về một thế giới phức tạp, một thế giới không nằm gọn trong đúng/sai, tốt/xấu, bạn/thù. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên vượt qua chính mình bằng cách cho các tế bào trí tuệ có cơ hội làm việc.
  • 8 tật xấu khó bỏ của người Việt

    27/03/2016Nguyễn HuyLâu nay người Việt cứ ru nhau bằng những từ hoa mỹ mà chẳng bao giờ nhìn nhận thẳng vào sự thật xấu xí của mình như thói lừa lọc dối trá, sĩ diện hão, thói ham ăn, hay ghen tỵ...
  • Người Việt chỉ dùng trí thông minh vào chiến lược tầm thấp?

    09/06/2014Trần Thị Trường (Nhà văn)Những thành phần ưu tú của xã hội chưa được chọn lựa đúng giá trị làm cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn cũng là một nguyên nhân làm cho con người không phát huy tối đa hiệu quả sự thông minh vốn có của mình...
  • Người Việt cao quý

    27/03/2014Vũ HạnhCuốn sách được NXB Cảo Thơm xuất bản năm 1965 tại miền Nam mà nguyên tác là "Per Comporedere Vietnam Il Vietnamila " tiếng Ý, tác giả A. Pazzi, Hồng Cúc dịch. Xin giới thiệu bạn đọc nội dung cuốn sách này để các bạn cùng tôi tự nhủ rằng: Đây không phải là một dân tộc tầm thường và sau tôi phải kết luận: Người Việt là một dân tộc ưu hạng, có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống bất cứ nền văn minh nào trên thế giới này...
  • Cách sống người Việt đi ngược với văn hóa Nhật

    20/06/2013Kim Minh“Không chỉ ở chuyện dối trá, ăn trộm ăn cắp, mà tác phong, cách sống của người Việt cũng đi ngược lại với văn hóa Nhật”, chị Nguyễn Quyên chia sẻ.
  • xem toàn bộ