Một lần với giáo sư Phan Đình Diệu

11:37 SA @ Thứ Hai - 15 Tháng Mười Hai, 2008

Muốn hiểu biết phải học. Tri thức trên sách báo, trên mạng có rất nhiều

Là một giáo sư uyên bác, là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc VN, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về khoa học giáo dục, chắc ông có nhiều “đất” để phản biện. Tôi nghĩ sẵn điều đó để hỏi ông và hy vọng sẽ có nhiều chuyện hay, sẽ được ông “bùng nổ” các suy nghĩ sâu sắc trước cuộc sống đang bộn bề, lắm ý kiến như hiện nay. Nhưng tôi xiết bao ngạc nhiên khi nghe giáo sư trả lời: "Mình có ý kiến, họ không nghe là chuyện bình thường". Ngạc nhiên không phải vì câu nói, mà là cách nói, ông không gay gắt, cũng chẳng xem là quan trọng, chỉ là nhận xét theo kiểu "việc đó ai chẳng biết".

Rồi ông nói một cách thân tình: "Tôi có phát biểu trong nhóm tư vấn chấn hưng giáo dục do giáo sư Hoàng Tụy khởi xướng. Về giáo dục, có nhiều ý kiến khác nhau lắm. Đem tách ý từng người rồi phê phán, không đúng ý anh em đều có tính xây dựng cả. Mình cố đi tìm cái hay".

Chuyện nhà...

Trong căn hộ chung cư ở Sài Gòn, nơi vợ chồng giáo sư dành dụm mua được, để thỉnh thoảng từ Hà Nội vào chơi với bạn bè, giáo sư tiếp khách với phong cách tự nhiên của người xứ Nghệ, thân tình và mộc mạc. Bà Hương, vợ giáo sư, vừa có học lại vừa giỏi nội trợ. Bà không trang điểm son phấn nhưng tỏ ra kỹ càng trong trang phục, đầu tóc ngay cả khi ở nhà. Thỉnh thoảng giáo sư quay sang vợ để hưởng ứng sự hỗ trợ của bà. Bà làm cho giữa chủ - khách thân mật hơn, vui hơn...

Gia đình giáo sư có ba người con, hai gái một trai. Một người con tốt nghiệp thủ khoa đại học, đi du học theo học bổng nhà nước. Người con gái Hà Dương từng thi toán quốc tế, hiện dạy ở Đại học Paris. Bà Hương kể về các con như tất cả các bà mẹ nói về những đứa con yêu: "Lúc thi toán quốc tế, người ta định cho cháu sang Ba Lan học. Tôi không cho. Vì nghĩ phải có tiếng Anh, nên cháu đã ở lại đại học, rồi thi sang Pháp. Dân toán nhưng mê văn chương".

Mặc cho giáo sư có vẻ ngại kể chuyện riêng tư, bà Hương vẫn rất thân tình : "Còn cậu con trai tên là Dương Hiệu, nói lái tên hai chúng tôi Diệu Hương. Có chuyện vui là tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu ở gần nhà chúng tôi thường nói vui với cháu: Hiệu ơi, con ngoan nhé để mẹ khỏi phải mắng bác!".

... Để hiểu chuyện đời

Tiến sĩ Phan Đình Diệu cười rất hiền. "Hiện nay ông đang viết gì?". "Tôi chỉ viết những gì dạy học sinh. Còn đi nói chuyện thì tùy - nói cho học sinh, nhà trường, cơ quan; trước có giảng triết học cho Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc. Còn đợt gần đây nhất thì thuyết trình về tư duy chiến lược. Nói một giờ nhưng phải chuẩn bị nhiều giờ. Tháng rồi, Sài Gòn mời nói cho sinh viên, cán bộ về công nghệ thông tin. Tôi vừa nói về xây dựng vốn trí tuệ cho doanh nhân do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn mời". "Sao ông là "dân toán" nhưng hoạt động lại nghiêng về khoa học xã hội?". "Khoa học xã hội là để hiểu chuyện đời. Dân toán vẫn có quyền biết. Khoa học phức tạp nhất và kém phát triển nhất ở ta là khoa học xã hội".

Theo ông, hiện nay nghiên cứu xã hội - chính trị gần như không có khoa học, mà chỉ thuộc lòng, phổ biến các lý thuyết sẵn có. "Chứ thực ra nó phát triển rất mạnh. Tôi muốn tìm hiểu nó, thấy có thể trao đổi, góp ý với nhau được", ông nói.

Cả đời cố làm học trò

Có thể thấy kiến thức của TS. Phan Đình Diệu thật giàu có và phong phú, rất hiện đại. Vị giáo sư đã nghỉ hưu, không còn làm việc chính thức nữa, nhưng thường xuyên đi nói chuyện chuyên đề, giảng bài do các nơi mời. "Vì sao, cách nào ông có được kiến thức rộng vậy? Một sinh viên trẻ bắt đầu như thế nào để tự học?". Ông tâm sự: "Muốn hiểu biết phải học. Tri thức trên sách báo, trên mạng có rất nhiều. Học có nghĩa là tìm kiếm, chọn lựa theo tiêu chuẩn mình cần, mình thích. Lâu dần thành hệ thống nhận thức. Có gì thắc mắc chưa rõ, tìm câu hỏi, câu trả lời. Học là quá trình tìm hiểu, là cách mình tự tìm kiến thức. Tìm là ra thôi. Tôi luôn học, cả đời tôi cố làm anh học trò".

"Tại sao ông mê khoa học xã hội?".

"Nó hấp dẫn. Tôi thích tìm hiểu từ nhân văn, văn học, nghệ thuật, khuynh hướng hậu hiện đại. Tôi cảm thấy người ta nói đến hậu hiện đại một cách thời thượng chứ chưa thật sự hiểu".

Trong không khí trao đổi vui như giữa bạn bè, ông cho biết đã bỏ ra chục năm để tìm hiểu về hậu hiện đại. Hậu hiện đại có lý thuyết của nó, có cơ sở triết lý của nó, nằm trong khoa học nhận thức nói chung. "Những vấn đề đó tôi cũng thích tìm hiểu cho đến phần sâu sắc cốt lõi của nó. Tuy nhiên, kinh tế, xã hội là đối tượng cực kỳ phức tạp, nhưng làm sao khoa học nhận thức được cốt lõi của sự phức tạp đó. Sự vận động bên trong nó, thế giới vận động hướng tới trật tự nào đó chứ không hỗn loạn cả đâu, ông cho rằng thực tế không có quy luật nào giải thích được hết sự vận động đó, mà thế giới vận động từ những mảnh đời khác nhau, nhiều cái nhỏ hợp thành, thay cho việc giải thích sự phát triển bằng "đại tự sự". Ông dẫn chứng là trong văn học, các tiểu thuyết lớn, khuôn mẫu diễn tả mô hình đại tự sự, nay quay về những mảnh nhỏ thế giới, cuộc đời, cứ để nó nói lên cuộc sống của nó. Thực ra không có quy luật bao trùm, mà thế giới phức tạp do nhiều mảnh nhỏ. Sự phát triển từ cá biệt, tương tác nhau, thích nghi, tạo nên tính chất cuộc đời. Một cá nhân được phát triển tự do cùng hợp tác học tập thích nghi nhau, tạo nên cái chung. Cái chung do nhiều bộ phận nhỏ mà nên, không có quy định mẫu phải theo.

Ông bảo: Hậu hiện đại đi vào văn học nghệ thuật bằng nhiều khuynh hướng, vì thế cũng dễ cực đoan. Một số bạn trẻ phá cách cá nhân chưa chín nên có vẻ học đòi, chưa tới.

Mình thích mà người khác không khó chịu

Ông tâm sự: "Tôi yêu văn học nhưng không có nhiều thời gian. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để những cảm hứng cá nhân, nhận thức cá nhân nói được tiếng nói riêng, góp ý cho đời cách cảm nhận cuộc sống có tính độc đáo. Tôi thích văn Nguyễn Huy Thiệp bởi anh ấy không viết về một chân lý tuyệt đối".

Ông nói về tư tưởng khoa học một cách khá giản dị: Trước đây, khoa học tìm chân lý Đến giữa thế kỷ 20, có nhiều chuyện khoa học là đi tìm những hiểu biết, tri thức, tìm phương pháp cách giải quyết vấn đề bằng nhiều thứ khoa học khác nhau. Các khuynh hướng hiện không xem mục đích khoa học đi tìm chân lý khách quan, mà tìm cách giải quyết vấn đề . Ông cười: "Hiểu thế nhẹ nhàng hơn cho cả khoa học. Đừng bắt khoa học gánh cái gánh nặng không kham nổi. Khoa học không giải thích hết mọi chuyện, mà tìm giải từng bài toán. Quan điểm khoa học là tiến lên bằng cách đưa ra những giả thiết rồi bác bỏ, tiến lên bằng phép thử, giả thuyết và bác bỏ. Con người trong vũ trụ hết sức tương đối, nên phải nhận thức ra cái tương đối của năng lực mình".

"Hiện nay ông còn muốn tìm hiểu vấn đề gì nữa?". "Còn rất nhiều. Những vấn đề phát triển kinh tế, xã hội . Tìm cách giải thích các vấn đề kinh tế, chính trị, nhìn sự thay đổi thế giới này ra sao".

Bạn bè hỏi vì sao ông không là đảng viên mà làm những chức vụ rất cao. Lúc này "lý lịch" của ông được điểm lại: Năm 1957 ra trường, dạy Đại học Sư phạm Hà Nội. Làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Khi về nước, ông Tạ Quang Bửu phân công về Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật, phụ trách trung tâm máy tính. Khi làm tin học, ông phải học lại từ đầu vì trước đó chỉ nghiên cứu về toán trừu tượng. ông tự học máy tính. Rồi làm Viện trưởng Viện Khoa học tính toán điều khiển, Viện phó Viện Khoa học VN, tham gia nhiều chương trình quốc gia về công nghệ thông tin.

Viện trường không đảng viên. Việc này có nhiều câu chuyện bên lề, nhưng ông nói rằng may mắn nhất của đời ông là luôn giành được cái thế làm những gì mình thích và "tôi cố gắng không đòi hỏi làm những gì mình thích mà người khác khó chịu. Luôn tìm ra những thỏa thuận nào đó".

Lại chuyện nhà

Bạn bè muốn biết ông bà làm thế nào mà nuôi dạy các con trở nên giỏi giang như vậy. Cô con gái vừa được phong hàm phó giáo sư, ở tuổi ngoài 30. Ông có dạy các con học không? Thật ngạc nhiên khi ông bảo: "Làm gì có thì giờ mà dạy. Mà tôi cũng không dạy được. Đứa con thứ hai hồi làm xong tiến sĩ ở Pháp, có báo phỏng vấn về ảnh hưởng của gia đình, nó nói một câu làm tôi cảm động: Bố mẹ tôi có ảnh hưởng rất nhiều nhưng không phải họ dạy tôi cụ thể điều này điều kia. Tôi học chủ yếu qua cách sống của bố mẹ. Bố: Trung thực. Mẹ: Nhân hậu".

Người con trai của ông cũng vậy. Ở nhà cha không dạy học, nhưng hễ cha đi giảng dạy chuyên đề nào ở Đại học Bách khoa, anh đều đến dự nghe. Đến cách chọn hướng nghiên cứu, con cái ông cũng tự chọn, không ỷ lại vào bố mẹ.

Bà Hương - vợ ông, từng làm đảng ủy viên ở Viện Khoa học VN, tham gia câu chuyện học hành của con cái: "Nhà không có nhiều tiền để cho con du học đâu. Phải học xong đại học trong nước, sau đó tùy sức học mà tìm học bổng đi học nước ngoài. Tôi không muốn con ra nước ngoài học sớm như có người cho đi từ tiểu học, vì trước hết phải làm người VN đã. Nhiều người cho con học tiếng Anh từ nhỏ. Tôi bảo cần, nhưng phải hiểu tiếng Việt, nói, cảm, nghĩ bằng tiếng Việt trước".

Vui chuyện, bà tiết lộ ông Diệu còn làm thơ ông từng làm thơ tặng anh hùng Trần Đại Nghĩa. Cũng ít ai ngờ phía sau pho tượng Tạ Quang Bửu có khắc mấy câu thơ do ông Diệu làm tặng. Nhưng ông lại tỏ ra ngượng ngùng khi chi tiết "thi sĩ" bị tiết lộ. Trong khi bà Hương tiết lộ tiếp: "Nhà thơ Lê Đạt có lần bảo: Diệu, cậu sướng nhé. Thơ cậu ra bài nào vợ cũng thuộc. Vợ tớ chẳng bao giờ đọc thơ tớ".

Bà Hương tranh thủ kể chuyện vui cái thời ông 17 tuổi được bố của bà dạy làm thơ Đường, cụ mê và thuộc từng nét chữ, câu thơ của Diệu, do Diệu làm thơ Đường sâu sắc đúng luật, không phải thơ tán gái... Bà còn bảo: Bây giờ cả "ba cặp" con đều làm việc, giảng dạy tại đại học ở Pháp, chỉ còn hai ông bà ở VN, cho nên khi nào có dịp là lại "lôi một cặp về Hà Nội"...

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Hợp trội luận và Quy giản luận: đối lập và song hành

    24/10/2018Đỗ Kiên CườngLà quan niệm trung tâm của lý thuyết các hệ thống phức tạp, emergence đang được ca ngợi một cách toàn diện (và đúng đắn). Phải chăng reductionism đã mất hết khả năng nhận thức, như một số nhà tư tưởng nghi ngờ?
  • Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy

    26/03/2014GS. TSKH. Phan Đình DiệuThế kỷ 20 vừa đi qua và những thành tựu khoa học to lớn mà loài người đạt được trong thế kỷ đó đã làm đảo lộn nhiều hiểu biết vốn có của chúng ta về những vấn đề cơ bản như không gian và thời gian, vật chất và vũ trụ, sự sống và con người, rồi tiếp đến là kinh tế và xã hội... Từ những hiểu biết mới trong nhiều lĩnh vực khác nhau dần dần đã hình thành một quan điểm mới, một tư duy mới về thiên nhiên cũng như về xã hội của chúng ta...
  • G.S Phan Đình Diệu: “Đừng vội nói chuyện đãi ngộ trí thức thấp, cao!”

    10/07/2008Thanh Phách thực hiệnTrao đổi về Đề án “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 7, Giáo sư Phan Đình Diệu cho rằng, một khi chưa có quan niệm đúng đắn về trí thức và một cơ chế để tạo môi trường cho người trí thức phát huy hết năng lực thì rất khó bàn đến chuyện đãi ngộ thế nào là xứng đáng với những đóng góp của họ...
  • Tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế xã hội

    28/09/2006GS. Phan Đình DiệuLiên tục đổi mới tư duy với những cách nhìn mới, cách hiểu mới trên cơ sở những phát hiện khoa học mới, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học hệ thống, khoa học kinh tế, khoa học tổ chức và quản lý... đồng thời không nuối tiếc những kiểu tư duy không còn phù hợp với điều kiện hiện đại là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc xây dựng kinh tế tri thức ở nước ta...
  • Nhìn và Thấy

    08/02/2006Phan Đình DiệuĐời là một cuộc thám hiểm bất tận, mà hành trang cho cuộc thám hiểm đó ở mỗi con người luôn luôn phải là một đôi mắt mới. Hãy để cho mỗi người tự chăm lo cho đôi mắt mình luôn được đổi mới, và được tự nhìn thế giới bằng chính đôi mắt luôn đổi mới đó...
  • Các xu hướng thống nhất trong vật lý học

    30/10/2005Đỗ Kiên CườngTheo Weinberg, giải Nobel vì thống nhất tương tác điện từ và tương tác yếu, một mục tiêu căn bản của vật lý là chiêm ngưỡng sự đa dạng của tự nhiên bằng cái nhìn thống nhất [1]. Thành tựu quá khứ chính là minh họa điển hình: thống nhất giữa cơ học thiên thể và cơ học (trên) trái đất của Newton thế kỷ XVII, thống nhất giữa quang học và và lý thuyết điện và từ của Maxwell thế kỷ XIX, thống nhất hình học không - thời gian và lý thuyết hấp dẫn của Einstein năm 1905 và 1916, thống nhất giữa hóa học và vật lý nguyên tử thông qua cơ học lượng tử những năm 1920. Và nay là thống nhất giữa thuyết thống nhất cuối cùng của vật lý, một sự nghiệp vĩ đại có lẽ còn lâu mới kết thúc.
  • Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp

    27/09/2005Cái mới trong khoa học quản lý là quản lý tình thế hỗn độn và phức hợp, trên cơ sở quán triệt tư duy hệ thống. Nhà khoa học quản lý Jamshid Gharajedaghi cung cấp cho các nhà tổ chức và quản lý, cho giới kinh doanh và đông đảo độc giả những kiến thức cần thiết về tư duy hệ thống, bao gồm triết học hệ thống, các lý thuyết hệ thống và phương pháp luận hệ thống, đồng thời trình bày những ứng dụng cụ thể các lý thuyết nói trên vào việc nghiên cứu và thiết kế một số dự án ở các công ty và các cơ quan chính phủ nhiêu nước, mà bản thân tác giả đã tham gia và có vai trò tư vấn chủ chốt...
  • Bản sắc văn hoá - tính tương đối của sự đa dạng

    25/08/2005Ngô Tự LậpThế nhưng chúng ta cũng không thể không nói đến niềm hân hoan khi tiếp xúc với những miền đất lạ, những tiếng nói lạ hay những giai điệu xa xôi. Những gì diễn ra trong quan hệ giữa các nền văn hoá vào phút giây gặp gỡ gieo trồng những cảm xúc giống như tình yêu trai gái khi lần đầu ánh mắt giao nhau. Tất cả nói lên điều gì? Bản sắc đóng vai trò như thế nào trong đời sống nhân loại? Và sự đa dạng về bản sắc có cần đạt đến bằng mọi giá hay không?
  • Tri thức là gì?

    06/07/2005Phan Đình Diệu, Đại học Quốc gia Hà NộiThế giới đang chuyển biến tới một nền “kinh tế tri thức”, một “xã hội tri thức”, và với xu thế toàn cầu hoá hiện nay, điều đó cũng tác động rất lớn đến các nước đang phát triển như nước ta với không khi ít các cơ hội và đầy rẫy những thách thức. Nhưng, tri thức là gì? làm sao để có được sự giàu có tri thức tạo cơ sở cho một nền kinh tế và xã hội tri thức giàu có trong tương lai?...
  • Sáng tạo ở bên bờ hỗn độn...

    20/05/2005GS. Phan Đình DiệuKhả năng sáng tạo ở bên bờ hỗn độn, một khả năng phổ biến của mọi hệ thích nghi phức tạp mà ta gặp khắp nơi trong mọi lĩnh vực tự nhiên, sự sống cho đến kinh tế, chính trị, xã hội cung cấp cho con người những cách hiểu mới về cách thức tiến hoá của giới tự nhiên và qua đó sự tiến hoá của các loại hệ thống khác, kể từ khi học thuyết tiến hoá ra đời vào giữa thế kỷ 19...
  • xem toàn bộ