"Mù vi tính", vì sao?

03:51 CH @ Chủ Nhật - 14 Tháng Mười Hai, 2003

Các giáo sư đáng kính chưa có... email!

Rõ ràng giữa tâm điểm của "nền kinh tế tri thức" mà vấn nạn "mù vi tính" vẫn còn tồn tại thì không thể đổ tại rào cản ngôn ngữ, bởi chẳng lẽ những con người "đáng kính" đó lại không biết ngoại ngữ và không đủ trình độ để lĩnh hội các kiến thức công nghệ thông tin (CNTT)?

Năm trước, khi Bộ GD-ĐT quyết định phương án tuyển sinh "ba chung" người ta mới biết đến một thực tế là nhiều trường đại học, cao đẳng còn chưa đăng ký địa chỉ email để bộ có thể thường xuyên gửi các thông tin, chỉ thị qua đường mạng.

Bản thân TS Quách Tuấn Ngọc - Giám đốc trung tâm CNTT của bộ - cũng than rằng: "Trong khi Internet đã trở thành quá quen thuộc với con trẻ tới mức xã hội phải lo ngại thì nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều vị giáo sư đáng kính còn chưa có địa chỉ email, thậm chí chưa biết sử dụng Internet".

Xung quanh những gì mà TS Quách Tuấn Ngọc nói trước công luận, một số người còn cho rằng ông chưa dám đề cập thẳng một thực tế là không khó gì để tìm ra cả những vị thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (tương đối gần gũi với CNTT) cho đến nay vẫn hoàn toàn "mù vi tính" ngay giữa các đại học và viện nghiên cứu. Thậm chí ngay cả trong giới CNTT cũng có những con người như vậy mà có lẽ xin phép không tiết lộ tên tuổi, danh tánh bởi e rằng làm "mất thể diện nền tin học nước nhà"!

Một cán bộ lãnh đạo khoa CNTT ở Hà Nội cho biết đây là một thực tế và những giảng viên loại này chủ yếu rơi vào những người đã tương đối có tuổi. Giống như việc học ngoại ngữ, khi người ta đã có tuổi thì tâm lý ngại học và khó tiếp cận CNTT luôn là vấn đề tồn tại.

Hơn nữa để sử dụng thành thạo CNTT, họ khó có thể dành thời gian bởi đã quá bận rộn với việc phải lên lớp giảng bài cho đủ các hệ chính khóa, bán công, dân lập, tại chức, liên kết... Rất nhiều người trong số họ chỉ biết dạy và... dạy mà dường như ít tham gia được các đề tài khoa học và có lẽ chẳng còn thời gian để học tin học chăng (?).

Nhưng không biết sử dụng máy vi tính, liệu họ có thể thích nghi với thời đại e-learning (học tập điện tử) đã và đang mở ra?

Cần những "lớp học xoay vòng"?

Ngay từ năm 1996, trong môi trường giáo dục phổ thông ở nước Đức đã xuất hiện những "lớp học xoay vòng" để các giáo viên có thể học và sử dụng CNTT bằng cách đổi chỗ giữa thầy và trò. Với cách làm này của người Đức, xem chừng việc phổ cập tin học tỏ ra rất hiệu quả và ít tốn kém.

Còn với giáo dục đại học, sau một số cuộc thăm viếng và cảm thấy khó có thể chấp nhận được việc có những vị giáo sư lại "mù vi tính", Thủ tướng Gerhard Schroeder đã đi đến quyết định buộc các ông thầy đó phải đi học tin học và người dạy chính là các sinh viên của họ. Cách làm rất Đức này đã tỏ ra hiệu quả trông thấy và chỉ sau một thời gian ngắn đã phát huy tác dụng, không còn mấy ông thầy tự cho mình có đặc quyền "mù vi tính" nữa.

Tuy nhiên, đó là cách làm của người Đức và có lẽ VN khó học tập được. Song nếu chúng ta không theo gương họ được thì có lẽ những đầu tư về CNTT và Internet cho giáo dục sẽ hết sức lãng phí, trong khi số tiền đầu tư không hề nhỏ.

Theo số liệu được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chính thức mới đây, chỉ có 5% đội ngũ giáo viên phổ thông Hà Nội là có khả năng sử dụng máy vi tính và khai thác các phần mềm dạy học. Và từ con số 5% này của Hà Nội, chúng ta có thể khẳng định con số này ở nhiều địa phương khác còn thấp hơn. Đương nhiên, những đầu tư về CNTT và Internet cho giáo dục như cái đà mà các địa phương đua nhau hoàn thành nối mạng Internet giáo dục như hiện nay chắc chắn sẽ rất lãng phí.

Vậy phải làm gì để con số 5% của giáo dục Hà Nội có thể nhích lên gấp đôi trong nửa năm thôi? Không thể có chuyện 95% còn lại là những người đã quá đứng tuổi được và cũng chẳng có chuyện đội ngũ giáo viên thủ đô lại quá yếu ngoại ngữ đến nỗi không thể làm quen được với các giao diện tiếng Anh.

Liệu rằng các phần mềm và hệ điều hành thuần Việt nguồn mở có giúp họ tiếp cận CNTT thuận lợi hơn không? Có lẽ cuộc cách mạng ấy vẫn còn chưa đủ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: