Nghĩa chữ Dân

Tiếng Dân 20/8/1928
09:38 SA @ Thứ Sáu - 10 Tháng Mười Hai, 2010

Chữ dân ai ai lại lạ gì, song danh hiệu thì rất là tầm thường, mà nói đến ý nghĩa thì có hơi phức tạp, vì theo thời đại, cùng đối với cái phương diện mà thành ra giới hạn có rộng hẹp, vị trí có sang hèn, trình độ có cao thấp. Người ta thấy thế, phân loài, chia hạng, là lạc lối sai đường, mà cái hại nhất là ở bên Á Đông ta, bởi những học thuyết ô mị, cùng thói quen bó buộc, in vào trong não người, đến mấy trăm lớp.

Ngày nay là ngày dân quyền phát đạt, khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn, nét ngang sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gần tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó. Thế mà còn có một đôi nơi mây che mù đậy, vẫn chưa trông thấy được. Bởi cái cớ đó mà hình ma dạng quỷ, bịt mắt phủ tai khiến cho lòng người nghi hoặc. Thậm chí cùng một cục máu xắn ra mà trở lại ghen ghét nhau, hại lẫn nhau, diễn những tấn tuồng xấu xa trong nhân quần xã hội, xét cái ác nhân các điều ấy chính vì cái nghĩa chân chính chữ dân không được rõ ràng mà hư tệ đến thế. Thế thì ta theo những cái thuyết xưa nay đông tây nói về chữ dân mà lược giải thêm vào đôi chút cho phân minh, cũng coi cái nghĩa vụ kẻ học giả đối với đồng bào vậy.

Nghĩa chữ dân là thế nào?

Theo nghĩa chân chính thì dân là người thì là rất đúng đắn, đấy là nghĩa chính. Song vì theo thời đại mà nghĩa có khác nhau như là:

a. Đầu tiên mới là loại người thì ai cũng như nấy, không phân biệt ai là ai, lúc đó thì dân tức là người, nói rộng ra tức là loài người.
b. Từ có tư tưởng vua chúa, quý tộc và quan lại, tự nhận tôn quý về phần mình, không nhận tên hiệu mình là dân mà liệt dân ra cho vào hạng hèn hạ.
c Quân quyền sập xuống, dân quyền thạnh lên thì dân lại trở lại tôn quý.
d. Qua thời đại dân quyền mà đến thời đại đồng thì chúng sinh bình đẳng, ai cũng là chữ dân, chữ dân hồi đó choán cả trên thế giới không có hạng người nào lọt ra ngoài phạm vi đó.

Nghĩa là chữ dân lại đối với các phương diện mà thanh có khác nhau như là:

e. Đối với vua, với quan, với quý tộc v.v...thì dân là hèn hạ.
f. Đối với nước thì dân là quý, vì không có dân thì không thành nước, nên trên thế giới có nước không có vua mà không nước nào không có dân.
g. Đối với trong nước thì có chia rẽ hạng này, hạng nọ, đối với nước khác hoặc đối với thế giới thì người trong nước không chia được, ví như nước Nam ta ở trong nước thì có phân vua, quan, dân v.v...mà thế giới xem mình thì chỉ cho một tiếng dân tộc Việt Nam.

Chữ dân đó gồm cả người nước Nam, vua quan, cũng không đứng ngoài được.

Đó là theo thời đại cùng các phương diện mà chữ dân có lắm nghĩa. Song tóm lại dân sang hèn là cốt tại trình độ thế nào, mà chính ở thời đại dân quyền này, dân tộc nào mà dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí không có thì dân tộc ấy phải tiêu diệt, lệ chung đó không sao tránh được.

Nay ta lấy mấy thuyết trên mà xét cái nghĩa chân chính chữ dân thì thấy rõ ràng bên Á Đông ta từ đời Tần về trước, chưa sai bao nhiêu, nhà Châu làm vua mấy trăm năm mà con cháu kể chuyện ông bà nói rằng: "Lúc đầu sinh dân”. Ông tể ngã đối với loài chim loài thú mà nói: "không những là dân. Theo nghĩa đó thì dân là loài người không phân biệt giai cấp nào cả. Lại còn những câu "dân nên ở trên, không nên hạ xuống”, “dân vi quý” v.v...xem thế thì cá nghĩa chữ dân, chưa bị che đậy cho lắm. Từ đời Tần lấy cái thuật "ngu kiềm thủ” mà dối thiên hạ, những học thuyết chân chính ngày xưa truyền lại, cho là có hại cho sự chuyên chế của mình, phó cho một.

(K.D thời Pháp thuộc bỏ)

1. Danh từ: vẫn từ đời trước là của chung, ai cũng dùng được cả, đời Tần chiếm một ít để dùng riêng một mình. như chữ Trẫm đời xưa ai cũng xưng được, từ đời Tần trở xuống, cấm người ta không được dùng. Lại như chữ Bê hạ, chiếu, chỉ, chế, sắc v.v... cũng thế. Ấy là luật cấm đời Tần mà ngày nay còn thịnh hành trong mấy nước chuyên chế.

2 . Luật pháp: Đời Tần về trước, quốc chánh có chỗ sai lầm, dân gian được nghị luận, từ đời Tần đặt ra cái luật "yêu ngôn ngẫu ngữ" (làm sách hoặc hai người nói chuyện với nhau) cấm dân gian không được nói đến chính trị. Cái luật nghiêm khắc vô nhân đạo đó, ông Cao Tổ nhà Hán đã trừ bỏ rồi mà mấy đời sau, cho là lợi về chính thể chuyên chế của mình, vẫn cứ bo bo mà giữ mãi. Như nước Tàu về triều Càn Long, vì cái ngục văn tự mà chính nhân hiền sĩ mang cái thảm họa đó biết là bao nhiêu. Lại như triều Nguyễn đời Gia Long, khai quốc công thần như ông Nguyễn Văn Thành mà lấy cớ vì một bài thơ của người con mà đến nỗi bị thảm họa. Những chuyện như vậy, không phải di độc của nhà Tần hay sao? Ấy là kể qua đại khái, còn ngoài ra chế độ chánh lệnh, từ nhà Tần bày đầu ra mà đời sau bắt chước. Cái nghĩa chân chính chữ dân của thánh hiền đời trước vẫn còn sót lại một đôi câu như dân vi quý, dan khả thương v.v...Song nhành lau trôi trên nước lụt, nước gáo tưới giữa xe lửa, không sao cứu được. Cái nghĩa chữ dân không rõ, mà thảm họa đến thế, cái kiếp của loài người, nói tới càng đau lòng vậy. Người Âu có câu rằng: "sự sai lầm là mẹ chân lí”. Lại có câu rằng "chân lí là trận chiến thắng cuối cùng”. Thật thế, nghĩa chữ dân bị mấy mươi đời chính thể chuyên chế làm đến sai lạc như vậy. Thật là một cái họa kiếp của loài người như trên đã nói, song cái chân lí ở trong trời đất, không cái gì làm cho tiêu diệt được dầu có thế lực nghiêng trời đổ đất đến thế nào địch với chân lí cũng chỉ là đè nén được trong một hồi, rút cục lại những câu: nhân loại bình đẳng, chúng sinh thành Phật của các nhà tôn giáo, những câu "dân quý", "dân quyền" của các nhà chính trị dần dần sáng ra từ thế kỷ 18 lại đây. Mấy tay triết học lại phát minh thêm, mà cái chính nghĩa chữ dân, không bị vùi lấp như trước nữa. Ta thử xem trong thế giới từ cuộc Âu chiến tới nay, thế lực đế vương sa sút xuống mười phần đến tám chín mà dân quyền càng ngày càng tiến lên, tức như nước Tàu là chính nơi nguồn gốc chính thể chuyên chế nhà Tần thạnh hành thuở nay, mà bây giờ chữ dân cũng chiếm cả toàn thể thì sức mạnh của chân lí ra thế nào, ai cũng trông thấy vậy.

Cái trận chân lí chiến thắng nay chưa biết ngày nào là hoàn toàn thành công. Song lá cờ nhân đạo đã phất phơ trước mắt mà cái kèn binh cũng đã văng vẳng bên tai, nói riêng từng xứ sở, từng dân tộc, vẫn còn so le, song tóm lại toàn cuộc trong thế giới hiện tại mà suy nghiệm cái cuộc tương lai thì trên địa cầu này, dân chính là vị chủ nhân ông, không ai giành được, mà không ai cãi được. Ấy là một điều ta dám đoán trước vậy.

Cái sai lầm ngày trước như thế, cái cơ cuộc ngày sau như thế, cái nghĩa chân chánh chữ dân từ đây về sau, như mặt trời mới mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả. Thế mà còn có kẻ toan trái với thời thế, chống với phong triều chung trong thế giới mà muốn bo bo giữ cái dị tộc nhà Tần để cho tiện cái lợi riêng mình không muốn cho cái nghĩa chính chữ dân bày tỏ ra, không những ngăn đường tấn hóa mà về phần lợi riêng cũng chưa chắc là giữ được. Ai là người có nhân tâm xin hãy mở mắt mà trông ra hoàn cảnh ngoài mình ra thế nào.

Nội dung liên quan

  • Kẻ sĩ xưa và nay

    09/04/2019Hà Thúc MinhQuá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.
  • Nhìn lại phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

    05/07/2017Nguyễn Trọng TínBỏ lối học từ chương khoa cử, tập trung cho thường thức và thực nghiệm, dạy cả tiếng Việt, Pháp và Hán văn. Chủ trương này lại xuất phát từ tầng lớp nho gia cuối cùng của Việt Nam. Không chỉ thế, chấn hưng công thương, khai mỏ, lập đồn điền, cắt tóc, xuất dương du học… cũng là chủ trương của họ. Dù chỉ tồn tại trong 9 tháng (5.1907 – 1.1908), nhưng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thực sự là đỉnh cao của cuộc cách mạng xã hội to lớn đầu thế kỷ 20 có tên là Duy Tân
  • Sĩ phu, trí thức nước nhà xưa và nay

    08/09/2013TS. Chu HảoKhông ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!
  • Diễn văn đọc trước Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 1.10.1928

    18/09/2009Huỳnh Thúc KhángĐến kì hội thứ ba này, chúng tôi nghĩ rằng, cái quyền thi hành là tự chính phủ, còn về phần chúng tôi, nhà nước đã cho nhân dân cử ra mà tham chất đôi chút ý kiến về công việc trong xứ, thì thấy những lợi tệ trong nhân dân điều gì, đem bày tỏ cùng chính phủ điều ấy. Ấy là chức trách của chúng tôi, mà thủy chung vẫn đứng trong vòng trật tự cả. Vậy nhân ngày khai hội này, chúng tôi xin đem lòng thành thực bày tỏ mấy điều như sau này:
  • Nhà học giả phải có một cái quê hương

    10/09/2009Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân 17.4.1929"Đạo lý vẫn không có quê hương, mà nhà học giả phải có một cái quê hương” (La science n’a pas de patrie, l’homme de science doit en avoir une); đó là câu của ông Pasteur. Thật là một câu nói, không những có ý nghĩa sâu xa mà gồm cả lịch duyệt kinh nghiệm. Phàm chân lí ở trong vũ trụ là của chung cả loài người không riêng gì cho ai. Chân lí mà đã phát minh ra, thì không kỳ xưa nay không hạn đông tây, ai mà chuyên học đạo lí, có lòng yêu trọng chân lí, phục tùng chân lí, thì cái chân lí đó, mình có thể nhận làm của mình, mà không có ai giành xé ngăn trở được.
  • Tự do ngôn luận

    07/09/2009Huỳnh Thúc KhángĐây nói tự do ngôn luận là mệnh ý phần nhiều, người mà theo cái nghĩa thông thường, tự do ngôn luận tức là tự do xuất bản (liberté de la presse), như viết báo, làm sách là thuộc về loại ấy.
  • Hai chữ lao động

    16/08/2009Huỳnh Thúc KhángTừ văn hóa đông tây tiếp xúc nhau, trên thế giới mỗi ngày mỗi sinh ra chuyện mới. Xem như văn tự Trung Hoa là một thứ xuất hiện trên đời đã rất cổ, nay bị triều lưu Âu Mĩ cảm xúc chùi mài, mà tự nhiên nẽ ra cái vẻ mới. Trên ba bốn mươi năm nay danh từ mới xuất hiện đã nhiều (như dân quyền, tự do, xã hội chánh đảng v.v... ) mà từ nay về sau, trong kho chữ Hán cũ rích kia, có lẽ còn nhiều thứ lần lần trồi đầu ra mà mang cái huy hiệu mới. Hai chữ “lao động” cũng là một hạng trong danh từ mới đó, truyền sang nước ta đã trên mười năm nay và bây giờ đã thành một tiếng thông thường, ai cũng quen tai cả.
  • Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947)

    12/07/2009Một chí sĩ yêu nước nổi tiếng của Quảng Nam, đã cùng với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quí Cáp là những nhà lãnh đạo phong trào Duy Tân
  • Huỳnh Thúc Kháng khí tiết người làm báo

    18/06/2009Nguyên NgọcBài học khí tiết người làm báo của Huỳnh Thúc Kháng, quyết không nói một lời điều người ta buộc mình phải nói, quyết không bẻ cong ngòi bút, trước mọi cường quyền, còn sống động vô cùng trong cuộc vật lộn gian nan của người cầm bút cho sự thật và công lý hôm nay.
  • Nghĩ về người tri thức

    12/09/2008G.S Tương LaiTừ đòi hỏi phát triển của xã hội hiện đại mà hiểu sâu hơn cái logic của tư duy truyền thống khi đặt kẻ “ sĩ” đứng đầu trong thang bậc phận vị xã hội khi các cụ ta từng hiểu rõ “ phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn, phi trí bất hưng”. Khi tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước đi vào chiều sâu, vấn đề tri thức và trí thức càng nổi rõ...
  • Nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng: Học để làm người

    28/04/2007Đinh Ngọc VânTheo cụ Huỳnh Thúc Kháng: Cái trường học để "làm người" đó tức là cái cõi đời ta vậy. Bao nhiêu sự khốn khó ở đời, bao nhiêu sự kinh nghiệm người trước để lại đều là những bài dạy cho ta. "Làm người" ở đời đã khó như trên đã nói, thì "học làm người" chắc không phải chuyện dễ"...
  • Từ quan niệm về con người trong lịch sử đến quan niệm về con người Hồ Chí Minh

    07/01/2006Phó GS. TS. Nguyễn Tĩnh Gia...vấn đề con người có vẻ cũ, nhưng nó lại luôn mới mẻ, luôn có vấn đề phải nói rằng, nó là vấn đề của mọi vấn đề. Để có được quan niệm khoa học về con người trong thời đại Hồ Chí Minh, lịch sử đã từng tiếp cận vấn đề con người bằng những phương pháp khác nhau
  • Viết tạp bút như cụ Huỳnh

    08/12/2005Thanh ThảoSuốt một đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho dân sinh, dân chủ, cụ Huỳnh không chỉ nêu tấm gương một nhà yêu nước, mà trong lĩnh vực báo chí, cụ còn thể hiện được sức mạnh của một ngòi bút can trường, nhân ái, quyết liệt và năng động. "Tôi là một nhà cách mạng công khai", cụ Huỳnh đã tự nhận chỗ đứng của mình như thế. Và đó là chỗ đứng của người cầm bút, của người làm báo, của người đấu tranh bằng con đường ngôn luận...
  • xem toàn bộ