Nghiên cứu đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay: một số vấn đề cần quan tâm

Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam
10:11 SA @ Thứ Ba - 21 Tháng Hai, 2017

Trong bài viết này, tác giả đã đề cập và luận chứng một số vấn đề cần quan tâm khi nghiên cứu đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam. Theo tác giả, nghiên cứu đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay là một trong những vấn đề hết sức phức tạp. Do vậy, để việc nghiên cứu này đạt kết quả mong muốn cũng như có tính giá trị cao, người nghiên cứu không thể chỉ dừng lại ở sự mô tả giản đơn, mà phải phân tích và lý giải một cách khoa học...

Trong lịch sử phát triển hàng ngàn năm của dân tộc, con người Việt Nam đã tạo nên cho mình những đặc điểm xác định về tư duy và lối sống. Làm rõ những đặc điểm ấy cùng cơ sở hình thành và biến đổi của chúng có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, khi nghiên cứu đặc điểm về tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay, chúng ta cần quan tâm một số vấn đề sau đây.

Một là, đặc điểm về tư duy và lối sống của con người. Có hai góc độ nghiên cứu về con người là góc độ sinh học và góc độ xã hội. Tương ứng với hai góc độ đó, đặc điểm của con người sẽ bao gồm cả đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội. Nói đến đặc điểm xã hội của con người trước hết là nói đến đặc điểm về tư duy và lối sống. Nhưng tư duy và lối sống là gì? Đã có nhiều định nghĩa khác nhau về hai khái niệm này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về tư duy và lối sống của con người thì tư duy cần được hiểu theo nghĩa rộng là hình thức phán ánh cao nhất chỉ có ở con người, bao gồm ý nghĩ, ý thức, suy nghĩ, nếp nghĩ, tri thức, hiểu biết, quan niệm, quan điểm, tư tưởng, nhận thức lý tính. Còn lối sống là phương thức hoạt động của con người, bao gồm nếp sống, thói quen, phong tục, tập quán, cách sống, cách làm, cách ăn, cách mặc, cách ở, cách sinh hoạt. Giữa tư duy và lối sống có quan hệ mật thiết với nhau. Tư duy chỉ đạo hoạt động của con người, làm cho hoạt động của con người khác với hoạt động của các loài động vật khác. Thông qua việc nghiên cứu lối sống của một cộng đồng người nào đó, chúng ta có thể nhận biết được tư duy của cộng đồng người ấy. Ngược lại, lối sống cũng có ảnh hưởng đến tư duy, vì tư duy của con người hình thành và phát triển trên cơ sở điều kiện sinh hoạt vật chất và thông qua hoạt động sống của chính bản thân con người.

Hai là,đặc điểm chung về tư duy và lối sống của con người Việt Nam. Đặc điểm chung về tư duy và lối sống của con người Việt Nam là đặc điểm chung của con người Việt Nam thuộc 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, “đặc điểm chung của con người Việt Nam” cần được hiểu không phải là đặc điểm chung của tất cả người Việt Nam, mà là đặc điểm chung của đa số người Việt Nam. Chúng ta khó tìm ra được đặc điểm chung về tư duy và lối sống của tất cả người Việt Nam. Chẳng hạn, cần cù thường được coi là một đặc điểm chung của con người Việt Nam, nhưng thực ra đó chỉ là đặc điểm của đa số người Việt Nam; bởi, trên thực tế, vẫn có một số người Việt Nam không cần cù (mặc dù số người này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ).

Ba là, đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay. Khái niệm “hiện nay” thường được hiểu trong quan hệ so sánh với khái niệm “quá khứ” hoặc khái niệm “truyền thống”. Đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay là những đặc điểm có ở đa số con người Việt Nam hiện nay và cũng có thể là đặc điểm vốn có ở đa số con người Việt Nam trong quá khứ. Bởi vì, trong số các đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay, có một số đặc điểm được hình thành từ cách đây hàng ngàn năm (thậm chí hình thành trước khi nhà nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam xuất hiện), một số đặc điểm hình thành trong quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam và một số đặc điểm mới hình thành trong thời kỳ hiện nay. Nhưng “hiện nay” là giai đoạn nào? Có người hiểu hiện nay là giai đoạn từ 1945 đến nay. Có người lại hiểu hiện nay là giai đoạn từ đầu thế kỷ XX (khi nuớc ta bắt đầu tiếp thu văn hoá phương Tây) đến nay. Cũng có người hiểu hiện nay là giai đoạn từ 1986 (khi nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế) đến nay. Khi nói đến đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay thì khái niệm hiện nay cần được hiểu theo nghĩa thứ ba. Bởi vì, con người Việt Nam từ trước 1986 có những đặc điểm như ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, coi thường thuơng nghiệp, coi thường người buôn bán. Còn con người Việt Nam từ 1986 đến nay không có hoặc về cơ bản không có những đặc điểm ấy. Con người Việt Nam từ 1986 về trước không phải là con người Việt Nam hiện nay. Khái niệm “đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay” và khái niệm “đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống” không loại trừ nhau. Một số đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống không là đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay (ví dụ nam giới để tóc dài, phụ nữ nhuộm răng đen là những đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống, nhưng không là đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay). Một số đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống đồng thời là đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay (ví dụ: yêu nước, cần cù, hiếu học). Một số đặc điểm của con người Việt Nam hiện nay không phải là đặc điểm của con người Việt Nam truyền thống (ví dụ: chấp nhận cạnh tranh trong môi trường hội nhập quốc tế, đề cao nhu cầu tự do và dân chủ).

Bốn là, các đặc điểm chung và riêng về tư duy và lối sống của con người Việt Nam. Trong số các đặc điểm về tư duy và lối sống của con người Việt Nam không chỉ có những đặc điểm của riêng con người Việt Nam, mà còn có những đặc điểm chung của con người Việt Nam với một số hoặc tất cả dân tộc khác, những đặc điểm chung đó xuất hiện do người Việt Nam tiếp thu học hỏi từ các dân tộc khác. Ví dụ, hệ tư tưởng và lối sống Nho giáo là một đặc điểm về tư duy và lối sống của một bộ phận đáng kể con người Việt Nam, đặc điểm này được du nhập từ người Trung Quốc. Đương nhiên, đó là một đặc điểm chung của một bộ phận đáng kể người Việt Nam và một bộ phận đáng kể người Trung Quốc. Các đặc điểm như yêu nước, cần cù, hiếu học, khoan dung, đoàn kết, trọng nghĩa... cũng là những đặc điểm chung của người Việt Nam và nhiều dân tộc khác.

Năm là, đặc điểm tích cực và đặc điểm tiêu cực về tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay. Trong số các đặc điểm về tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay có một số đặc điểm tích cực và một số đặc điểm tiêu cực. Chẳng hạn, trọng tình hơn lý (chín bỏ làm mười, một trăm cái lý không bằng một tí cái tình) là một quan niệm sống của một bộ phận đáng kể người Việt Nam hiện nay. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đây là một đặc điểm tiêu cực mà chúng ta cần ra sức khắc phục. Bởi, nhà nước pháp quyền đòi hỏi mọi người đều phải sống và làm việc theo pháp luật, nếu cái lý của pháp luật được thay bằng cái tình cảm tính của con người thì pháp luật sẽ không còn có ý nghĩa.

Sáu là, đặc điểmbản sắc về tư duy và lối sống của con người Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản tạo nên bản sắc dân tộc Việt Nam: “Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...”(1). Nói đến bản sắc dân tộc Việt Nam là nói đến đặc điểm bản sắc của con người Việt Nam. Vì vậy, có thể cho rằng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống là những đặc điểm bản sắc về tư duy và lối sống của con người Việt Nam. Ngoài các đặc điểm tích cực, tư duy và lối sống của con người Việt Nam còn có cả đặc điểm tiêu cực. Tuy nhiên, những đặc điểm tích cực là cơ bản. Vì thế, khi nói đến các đặc điểm bản sắc của con người Việt Nam, chúng ta có thể chỉ nói đến các đặc điểm tích cực. Ngoài các đặc điểm mà Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII chỉ ra ở trên, trong các đặc điểm bản sắc của con người Việt Nam còn nhiều đặc điểm khác. Đó là tinh thần lạc quan, sự sáng tạo trong đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, hiếu học, coi trọng gia đình, hiếu khách, cởi mở, mềm dẻo và linh hoạt trong tư duy... Con người của nhiều dân tộc khác cũng có tất cả hoặc một số đặc điểm nói trên. Trong cuốn sách “Về giá trị và giá trị châu Á”, tác giả Hồ Sĩ Quý đã chỉ ra một số giá trị châu Á tiêu biểu được nhiều người thừa nhận là hiếu học, cộng đồng, cần cù, huyết tộc(2). Như vậy, các đặc điểm bản sắc về tư duy và lối sống của con người Việt Nam có thể là những đặc điểm chung về tư duy và lối sống của các dân tộc.

Bảy là, căn cứ khoa học của những nhận định về thói hư tật xấu của con người Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu khi nói đến đặc điểm về tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay đã kể ra nhiều đặc điểm tiêu cực hay “thói hư tật xấu”. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng, người Việt Nam dễ thoả mãn nên thường xuất hiện tâm lý hưởng thụ và đòi hỏi, từ đó dẫn đến không chịu làm việc; thiếu tầm tư duy dài hạn và chủ động trong công việc; không có ý thức nâng suy nghĩ đó thành lý luận để áp dụng; động cơ học tập không phải vì mục đích tự thân phát triển, ít khi học đến đầu đến đuôi, kiến thức không có hệ thống, không cơ bản; nhưng thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh tập thể .

Ý kiến trên có tính cảm nhận chủ quan, vì chỉ dựa trên sự quan sát thấy có ở một số người Việt Nam nào đó, chứ không phải là kết quả của sự khảo sát và phân tích khoa học đặc điểm chung của đa số người Việt Nam hiện nay. Việc chỉ ra những thói hư tật xấu của con người Việt Nam là cần thiết, vì một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp đổi mới là đổi mới về tư duy và lối sống. Đổi mới về tư duy và lối sống là quy luật phát triển chung của mọi dân tộc. Chúng ta không lảng tránh nói đến đặc điểm tiêu cực của chính con người Việt Nam hiện nay. Nhưng khi nêu ra đặc điểm tiêu cực của con người Việt Nam thì cần phải dựa trên những căn cứ khoa học, chứ không thể chỉ dừng lại ở sự nhận định cảm tính.

Nghiên cứu đặc điểm về tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay là nghiên cứu về một đối tượng phức tạp thuộc lĩnh vực nghiên cứu của các khoa học xã hội và nhân văn. Vì vậy, khi nghiên cứu đối tượng này, người nghiên cứu không thể dừng lại ở sự mô tả giản đơn những điều quan sát thấy ở một số người Việt Nam, mà phải phân tích và lý giải một cách khoa học.



(1)Đảng Cộng sản Việt Nam.Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.56.

(2) Xem: Hồ Sĩ Quý. Về giá trị và giá trị châu Á.Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 187

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thảm họa văn hóa đọc và những bệnh tật của người Việt Nam thời “A còng”

    19/04/2019Sông HànMạng xã hội đặc biệt là facebook với những Status – lối viết ngắn, nhanh, đơn giản đã vô hình chung biến thành thảm họa của văn hóa đọc đối với người Việt Nam...
  • "Người Việt trẻ đang đánh mất khả năng sống chung với người khác"

    21/10/2018Lê VănKhá bất ngờ khi trong cuốn sách của mình, Hoàng Đạo Thúy coi việc lấy vợ là một trong những việc mà thanh niên Việt Nam cần phải làm...
  • Làm gì để thức tỉnh những người Việt độc ác?

    06/03/2018Bùi HảiThu Phương, một thạc sĩ tâm lý học tâm sự: “Từ ngày có con, em thấy mình sợ hãi rất nhiều thứ. Sợ hết vắc xin tiêm cho con, sợ những chỗ vắc xin không đảm bảo. Sợ gửi con vào những nhà trẻ có quỷ dữ đội lốt bảo mẫu. Sợ con bị bắt cóc. Sợ con ăn phải thực phẩm bẩn. Sao trẻ con bây giờ ung thư nhiều thế!?”...
  • Người Việt hiện đại và tư duy logic, tư duy triết học

    12/02/2017Nguyễn Thu Phương thực hiệnRất nhiều bài học về tư duy logic, PGS Hồ Sĩ Qúy đã học từ bà nội mình, một bà cụ nông dân không được học tập bài bản qua các trường lớp. Theo ông, bây giờ có không ít người thiếu một nhãn quan tư duy triết học tối thiểu, trong khi đó trước kia thì bất kỳ cụ già nào cũng như một nhà thông thái...
  • Làm người Việt Nam

    28/10/2016Nguyễn Khắc ViệnTốt nghiệp phổ thông, chuyên nghiệp và cả đại học nữa nhiều khi cũng không tìm ra việc. Sống chưa nổi, nói gì đến lối sống. Có lần, chụp được tay một em bé móc túi, tôi hỏi: Tại sao em lại đi móc túi? Nó hỏi lại: Thế bác bảo cháu làm gì bây giờ?
  • Thói hư tật xấu của người Việt: Không có can đảm, chưa thoát khỏi tư cách học trò

    18/10/2016Vương Trí NhànNước ta vẫn có tiếng là ham học, nhưng cả nước ví như một cái trường học lớn, cả năm thầy trò chỉ ôn lại mấy quyển sách giáo khoa cũ, hết năm này đến năm khác, già đời vẫn không khỏi cái tư cách làm học trò! Ấy cái tình trạng nước ta, sự học từ xưa đến nay và hiện ngay bây giờ cũng vẫn thế…
  • Thói hư tật xấu của người Việt: 1 nền văn chương bấp bênh, thiếu tư tưởng, nhu nhược, phô trương

    14/10/2016Vương Trí NhànSự đơn điệu tẻ nhạt của cảnh sắc thiên nhiên, tính chất chu kỳ của thiên tai, sự cách biệt của các nhóm người, sự phân chia nam nữ, nền giáo dục khắc nghiệt và khô khan khiển người Việt thiên về u buồn và sầu não.
  • Chuyên gia lý giải nguyên nhân người Việt ít đọc sách

    29/07/2016Công PhươngMới đây, báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thê thao & Du lịch) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới...
  • Người Việt xấu xí trong mắt người Anh thế kỷ 18

    15/07/2016Café Luật Khoa“Một Chuyến Du Hành Đến Xứ Nam Hà trong các năm 1792 và 1793” là một tác phẩm cực kỳ thú vị với người Việt vì có một số chương cho người đọc được thấy một bức chân dung khá chi tiết về đất nước và con người Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 18...
  • Hạnh phúc của người Việt

    17/03/2012
  • Hiểu tư duy người Việt mới hiểu bản sắc Việt

    27/02/2007GS-TS Nguyễn Thuyết PhongLà một trong những gương mặt “Vinh danh nước Việt”, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đang dạy tại trường Đại học KentState thuộc tiểu bang Ohio, Mỹ. Ông là người Việt duy nhất được Chính phủ Mỹ mời đến Nhà Trắng để trao tặng giải thường Di sản quốc gia (National Heritage Fellowship) năm 1997. GS hiện là Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Hoa Kỳ.

  • xem toàn bộ