Người Việt, văn hóa Việt linh hoạt và biến hóa như Tôn Hành Giả

05:08 CH @ Thứ Tư - 09 Tháng Ba, 2016

Năm Bính Thân là năm con khỉ, một con vật linh hoạt và thông minh bậc nhất trong các loài động vật. Vua khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký cũng là một nhân vật linh hoạt không ai bằng, với 72 phép Thần Thông Lão Tôn có thể biến hóa khôn lường, thoát ẩn thoắt hiện, lúc biến thành ngôi đền, lúc biến thành con kiến…Nhiều người khâm phục và ước gì mình tài ba biến hóa linh hoạt như Tôn Ngộ Không. Thực ra thì người Việt chúng ta cũng biến hóa linh hoạt trong đời sống, trong sản xuất và tranh đấu, chẳng kém gì họ Tôn đâu!

Trong lịch sử, trong đời thường và trong nghệ thuật, người Việt luôn xây ngai vàng cho mỗi cá nhân trong cái cụ thể để cá nhân linh hoạt tùy cơ ứng biến. Cái cụ thể trở thành vương quốc riêng, ốc đảo riêng mỗi cá nhân tự do hành động và suy tư theo cách linh hoạt nhất của mình để tạo ra những hiệu ứng chung. Và, đó chính là cái tâm thức nghệ sĩ, cái cốt cách tự do của con người Việt Nam mang khát vọng tự cường và tâm thức bất định, phù du.

Tâm thức văn hóa bất định, linh hoạt và ước lệ

Lịch sử thăng trầm biến động liên miên trong thân phận nhược tiểu đã tạo nên trong tâm thức con người Việt một tâm thức văn hoá về cái tạm bợ, mong manh và bất định. Tâm thức đó một mặt biểu hiện ra trong mặc cảm lo âu với những ám ảnh về cái bấp bênh trôi nổi, mặt khác phát lộ ra trong các nguyên tắc ứng xử và các nguyên lý sáng tạo với quyền năng của mỗi cá nhân linh hoạt thăng hoa trong sáng tạo cái cụ thể nhất thời.

Không phải ngẫu nhiên các biểu tượng cơ bản của văn hoá Việt là biểu tượng chim lạc, biểu tượng con rồng, biểu tượng con cò... đều ẩn chứa những yếu tố bất định, biến ảo, phù du. Con chim ẩn hiện trong không gian, con cò ăn đêm ẩn hiện trong thời gian, con rồng bay lên ẩn hiện trong huyền thoại, tất cả đều là những biểu tượng mờ, mang chứa những ám ảnh, khắc khoải trước dòng đời, trước thời gian và cái tâm thức bất định trong chiều sâu văn hoá Việt Nam. Tâm thức bất định có cội nguồn lịch sử xã hội, trở thành một tâm thức văn hoá khá đặc thù của người Việt đã hình thành nên những tập quán, những nguyên tắc đạo đức mỹ học mang tính linh hoạt và tính ước lệ. Tính linh hoạt và tính ước lệ có thể được coi là hai mặt của cùng một bản lĩnh văn hoá Việt mà ta không thể bỏ qua khi tìm hiểu bản sắc văn hoá Việt Nam.

Người Việt có lẽ là dân tộc linh hoạt nhất. Tính linh hoạt Việt Nam thường được trình bày như là một phẩm chất mang bản chất sáng tạo và phản giáo điều. Điều đó về cơ bản đúng, nhưng không bao quát hết bản chất triết học và tính chất hai mặt của phẩm chất này.Thực chất là tính chất mờ ảo bất định của tâm thức văn hoá và các chuẩn mực văn hoá Việt đã tạo cho mỗi cá nhân trong cộng đồng một khoảng trống tự do sáng tạo và định hình cái chung,tạo cho con người Việt nam một khoảng không bao la để triển khai sáng tạo cá nhân tham góp nhân cách và trí tuệ của mình vào tiến trình cụ thể hoá các chuẩn mực xã hội.Văn hoá Việt không áp đặt chi tiết những quy chuẩn đạo đức và thẩm mỹ,nó nhường cho cá nhân ,cho khu vực địa lý và cho giới tính những mảnh đất sáng tạo riêng và chịu trách nhiệm với sáng tạo này.

Trong ca dao Việt Nam có không ít những câu khuyên con người ứng xử linh hoạt theo từng tình huống cụ thể. Phương châm “Tùy” “ Lựa”, “Liệu” ("Tuỳ mặt đặt tên, tuỳ tiền biện lễ", "Lựa lời mà nói","Lựa gió xoay chiều", "Liệu bò đo chuồng", "Liệu cơm gắp mắm"...) là phương châm sống có bản chất thích nghi với cái cụ thể. Khi đối diện với cái cụ thể , người Việt một mặt nhìn cái cụ thể đó như một thực thể sinh động có cấu trúc riêng, có hệ thống riêng mà ta phải tuân thủ nếu muốn tiếp cận, mặt khác người Việt đã có xu hướng cô lập cái cụ thể đó khỏi mọi hệ thống, mọi nguyên lý, cũng có nghĩa là đặt cái cụ thể vào một trạng thái phi chuẩn mực, phi lịch sử. Thái độ triết học đó dẫn đến những phẩm chất mang tính sáng tạo, không lệ thuộc vào định kiến quá khứ, không bị câu thúc bởi nguyên lý giáo điều, nhưng mặt khác đã dẫn đến một hiệu ứng đơn giản hoá phi hệ thống và phi lịch sử mà bản chất là thái độ mất phương hướng, tuỳ tiện, thậm chí vô chính phủ,hư vô. Thái độ đơn giản hoá này dường như là phương thức tồn tại thiết yếu của một dân tộc nhược tiểu luôn luôn có khát vọng tự cường, khát vọng chiến thắng. ý chí chiến thắng bằng mọi giá như là một xung năng quan trọng trong chiều sâu nhân cách văn hoá Việt đã chi phối mọi hành vi nhận thức và ứng xử, tạo ra một giải pháp cơ bản là cụ thể hoá và đơn giản hoá để làm chủ mọi tình thế lịch sử trừu tượng và phức tạp do kẻ mạnh gây ra.

.

Bản chất đơn giản hóa của tính linh hoạt Việt Nam

Giai thoại Trạng Quỳnh dùng mười đầu ngón tay vẽ mười con giun để thắng trong cuộc thi vẽ sinh vật trong ba hồi trống là một ví dụ tiêu biểu cho bản chất đơn giản hoá của tính linh hoạt Việt Nam . Bài toán đưa ra được cụ thể hoá theo hướng đơn giản đến cùng cực để có thể hoàn thành nhanh nhất. Bí quyết Trạng Quỳnh quả là đã từng phát huy tác dụng trong lịch sử. Trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, để huy động sức mạnh toàn dân, chúng ta phải đơn giản hoá lý tưởng, cụ thể hoá các nhiệm vụ chính trị quân sự, loại trừ tối đa tính chất lý thuyết suông và mọi cách hình dung vấn đề quá phức tạp, cao siêu. Nhưng bí quyết Trạng Quỳnh cũng có mặt trái của nó là: Thói quen cụ thể hoá, đơn giản hoá đã trở thành một truyền thống linh hoạt mang tính vô nguyên tắc, vô chính phủ cản trở sự phát triển của tư duy khoa học và các quan hệ hợp tác quốc tế vì những mục tiêu chung. Tư duy khoa học đòi hỏi sự tôn trọng và hiểu biết lý thuyết trong tính trừu tượng và tính tổng thể phức tạp của nó. Hợp tác quốc tế đòi hỏi thái độ tôn trọng luật chơi, và thiện chí trong quá trình cụ thể hoá, chi tiết hoá những điều thoả thuận. Trên thực tế tính linh hoạt Việt Nam đã nhiều khi dẫn dến các hành vi phá huỷ hệ thống để thắng trong chi tiết. Chàng Trạng Quỳnh đối phó với vua quan phong kiến có thể cười ngạo nghễ vì chiến thắng vẽ giun trong cuộc thi tài. Nhưng những chàng Trạng Quỳnh trong các cuộc đua tài quốc tế có thể nào giành chiến thắng chỉ bằng cách đơn giản và linh hoạt theo kiểu mua đề thi, quay cóp hay mua giò đội bạn được không? Hơn thế nữa còn giễu cợt tinh thần chuyên môn và sự thật thà tuân theo quy chuẩn ?

Vươn tới tinh linh hoạt khoa học có tầm thời đại

Không phải ngẫu nhiên hiện nay chúng ta đang gắn tính linh hoạt truyền thống với thái độ khôn vặt cần phải vượt qua. Khi Trạng Quỳnh cụ thể hoá đề thi theo hướng đơn giản nhất, dễ làm nhất để chiến thắng, ông đã bộc lộ trí thông minh dân gian trong việc lố bịch hoá những thách đố của quyền lực phong kiến. Nhưng chiến thắng đó dễ dãi. Nếu như Trạng Quỳnh vẽ được mười con rồng trong ba hồi trống thì chiến thắng vẻ vang hơn, nó bộc lộ tài năng đích thực của con người khi giải quyết những bài toán hóc búa nhất trong đời sống bằng trình độ chuyên môn cao . Chúng ta vẫn có thể vui và tự hào với chiến thắng của Trạng Quỳnh như một chiến thắng chính trị trong đấu tranh giai cấp, nhưng chúng ta cần giáo dục thái độ dũng cảm dám đối diện, đối đầu với những bài toán hóc búa nhất, phức tạp nhất của lịch sử và văn hoá. Nghĩa là phải tra vấn chính bản thân truyền thống linh hoạt của chúng ta để vươn lên một đức hạnh cao hơn, một linh hoạt có tầm khoa học và có tầm nhân loại. Thậm chí, biết dừng lại, biết thua, biết nhẫn nhục để tiếp tục tích luỹ, học hỏi, tìm hiểu bài toán khó đó sẽ đưa chúng ta đến những cơ hội chiến thắng vẻ vang hơn và thuyết phục hơn. Nếu chỉ tìm cách thắng bằng mọi giá sẽ dẫn đến huỷ hoại tư duy khoa học, đánh tráo đề thi và phá hoại luật chơi.

Truyền thống linh hoạt mang tính cụ thể hoá và đơn giản hoá không chỉ tiềm ẩn những yếu tố gây ra những xung năng phản phát triển trong văn hoá, mà có thể còn làm phân hoá cộng đồng trong xu hướng cá thể hoá, gây mất ổn định về chính trị và kinh tế. Xu hướng linh hoạt, cụ thể hoá và đơn giản hoá để thắng bằng mọi giá sẽ trở thành lực ly tâm lớn nhất chi phối trong chiều sâu tâm thức. Những biểu tượng chung, những giá trị chung những phẩm chất chung, những chiến lược chung, những nhiệm vụ chung khi đi vào thực tế cuộc sống dễ bị tính linh hoạt truyền thống phân huỷ biến thành những nhiệm vụ đơn giản, những lợi ích cá nhân do mỗi người mỗi nơi lại "tuỳ", "lựa", "liệu" theo cách của mình, đơn giản hoá nhiệm vụ theo sở thích riêng và thế mạnh riêng, dẫn đến tình trạng chuyển động Braonơ trong toàn xã hội. Truyền thống linh hoạt sáng tạo biện minh cho sự phá huỷ lý thuyết, phá huỷ chiến lược và phá huỷ tổ chức. Lợi ích cá nhân phá huỷ lợi ích chung. Đó là cấu trúc bề sâu của tình trạng tham nhũng, hỗn loạn, bán lẻ đất nước, địa phương chủ nghĩa, cơ hội và vọng ngoại khá phổ biến hiện nay.

.

Phát huy bản lĩnh sáng tạo tự do, ước lệ trong nghệ thuật

Trong nghệ thuật, người Việt cũng giành cho cá nhân quyền sáng tạo tối đa trong những không gian ước lệ,những quy ước thoáng đãng. Người diễn viên trên sân khấu chèo là phù thuỷ không gian, anh ta làm công việc cụ thể hoá không gian trong dòng chảy thời gian. Anh ta vừa mới chia tay người yêu ở sân đình,lượn một vòng với vài câu hát và điệu múa ,không gian ấy đã trở thành biển cả,núi cao. Theo động tác, lời ca, cái không gian cụ thể được cất giấu, tàng hình bỗng hiện diện sinh động trước mắt ta trên cái nền trắng của khoảng không ước lệ. Người nghệ sĩ Việt Nam khi chơi đàn trong dàn nhạc cũng có một khoảng tự do riêng như vậy-anh ta không bị câu thúc bởi các qui định chi tiết của tổng phổ như các nghệ sĩ phương Tây trong truyền thống của họ. Anh ta tuỳ ý biến báo, luyến láy, cụ thể hoá để bằng trực giác nghệ thuật tham góp vào âm thanh tổng thể của cả dàn nhạc.

Tính ước lệ của tư duy nghệ thuật đã tạo khoảng không gian thoáng đãng cho người nghệ sĩ Việt cụ thể hoá một cách sáng tạo, mỗi lúc một khác tuỳ theo cảm hứng, trực giác. Trực giác nghệ sĩ đã giúp anh ta thăm dò mỗi khoảnh khắc để tìm ra câu trả lời cụ thể cho giải pháp nghệ thuật. Cũng như trong cuộc đời, không có mệnh lệnh chung, không có câu trả lời chung, có lý nhưng có tình, phép vua thua lệ làng, người nghệ sĩ chỉ bị ràng buộc bởi những điểm hẹn nơi hợi tụ của những tự do sáng tạo cá nhân cho một hiệu quả chung. Khoảnh khắc cụ thể sinh động tưởng như đã bị tan biến trong cái dung môi ước lệ mang tính vĩnh cửu, tượng trưng, bỗng theo người nghệ sĩ uà ra hiện diện, choán lấp, sinh sôi đầy cá tính độc đáo và tinh tế.

Tính ước lệ nghệ thuật đã trở thành một bản lĩnh văn hoá của con người Việt Nam - một bản lĩnh có chung cội nguồn với tính linh hoạt đời thường nhưng lại như là một đối trọng, một bù trừ, trong đó, cái khoảnh khắc từng lên ngôi lăm le thôn tính cái vĩnh cửu trong đời thường đã trở nên khép nép khiêm nhường hiện diện từ tốn trên đôi vai vĩnh cửu của không gian mơ hồ ước lệ.

Nếu như tính linh hoạt đời thường mang mặt trái là nguy cơ hỗn loạn, thực dụng, đơn giản hoá và phản phát triển thì tính linh hoạt trong ước lệ nghệ thuật lại là nơi cái tâm thức bất định từ sâu thẳm các nguồn mạch tâm linh dân tộc có thể phô diễn, thăng hoa một cách quyến rũ, thần tình. Con người trong đời thường có thể trở nên khôn lỏi, cò con, thiển cận khi linh hoạt đến mức hỗn loạn bất chấp lý tưởng, hệ thống, luật chơi trong không gian mơ hồ của luật pháp và đạo lý, nhưng con người trong nghệ thuật lại trở nên có tầm nhân loại và có phong độ vĩnh cửu khi để cho cảm thức bất định cuốn đi trong các không gian mơ hồ, ước lệ của sân khấu hội hoạ và âm nhạc.

Độc lập, tự do không chỉ là ý chí của toàn dân tộc, đó còn là khát vọng thẳm sâu của mỗi cá nhân trong cộng đồng văn hoá Việt. Nó tạo ra những thăng hoa bất chợt, những thiên khải hào phóng, những biến ảo khôn lường và những sáng tạo tinh vi, nhưng nó cũng đồng thời tạo ra những ông vua không ngai, những người vô chính phủ, những người khôn lỏi và những kẻ cơ hội . Khám phá bản lĩnh này, chế ngự nó như chế ngự con ngựa hay bất kham là một nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam học trong nỗ lực phát huy năng lượng văn hoá truyền thống cho một tương lai phát triển và hoà nhập./.

Nội dung liên quan

  • Thói hư tật xấu của người Việt: không ham phiêu lưu, thêm bớt tùy tiện...

    19/12/2015Vương Trí NhànVô luận là vấn đề gì, kẻ sĩ nước ta đều thấy các thánh hiền Trung Quốc giải quyết sẵn cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng chứ không cần phải sửa chữa thêm bớt chút gì...
  • Thói hư tật xấu của người Việt: tùy tiện giao tiếp, thạo sử người, chẳng học ai cả

    24/09/2015Vương Trí NhànNgười nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, đi học cũng như đi buôn bán hay làm nghề, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi...
  • Con người của thực tiễn hay của truyền thông?

    11/06/2010Vân Vũ - Mai ThiÝ kiến đa chiều về những việc làm của người từng tố cáo gian lận trong thi cử 4 năm về trước đã phản ánh sự quan tâm của toàn xã hội đối với những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục, song cũng khiến các cơ quan truyền thông phải nghĩ suy về việc "xây dựng" nhân vật điển hình và tạo dư luận xã hội. Điều này cũng đặt ra câu hỏi, liệu nhận định rằng việc thầy giáo Đỗ Việt Khoa viết đơn xin thôi việc là sự thất bại của một con người dám đấu tranh chống cái xấu có là cái nhìn bi quan?
  • Tư duy kinh nghiệm và vai trò của nó trong hoạt động thực tiễn

    09/01/2009Trần Thị Thuận VũBài viết góp phần làm rõ thêm tư duy kinh nghiệm và vai trò của nó trong hoạt động nhận thức và cải tạo hiện thực khách quan của con người. Theo tác giả, tư duy kinh nghiệm có những giá trị, ưu thế nhất định, song cũng có những hạn chế mà tự nó không thể vượt qua. Do đó, để phát huy vai trò của tư duy kinh nghiệm, cần phải đặt nó trong một liên hệ thống nhất với tư duy lý luận, bởi chỉ có tư duy lý luận mới khắc phục được tính chất phiến diện, hạn hẹp của tư duy kinh nghiệm.
  • Về mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn

    11/05/2007Vi Thái LangVấn đề quan hệ giữa lý luận và thực tiễn có tầm quan trọng đặc biệt trong triết học xã hội của chủ nghĩa Mác. Tầm quan trọng đó không chỉ ở chỗ: "Quan điểm về đời sống về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức".
  • Khoa học và thực tiễn

    01/01/2006Phan Hồng Giang (Hội đồng lý luận T.Ư)Thực tiễn phát triển đất nước hôm nay đang tiếp tục đặt ra những câu hỏi bức xúc cho các nhà khoa học, các nhà quản lý: Làm sao thoát khỏi tình trạng tụt hậu về kinh tế? Làm sao không bị thua thiệt khi tham gia vào tiến trình toàn cầu hoá? Làm sao tăng trưởng kinh tế phải song hành với phát triển văn hoá? Làm sao đẩy lùi được quốc nạn tham nhũng?... Trách nhiệm giải đáp các câu hỏi đó trước hết của các nhà nghiên cứu xã hội và các nhà quản lý...
  • xem toàn bộ